Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Lăng-già Tâm Ấn Phần IV - B

Đăng lúc: Thứ sáu - 02/12/2011 10:17 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Kinh Lăng-già Tâm Ấn Phần IV - B

Kinh Lăng-già Tâm Ấn Phần IV - B

Đại Huệ! Những người si kia nói thế này: “Nghĩa như lời nói, nghĩa lời không khác. Vì cớ sao? Vì nghĩa không có thân, ngoài ngôn thuyết lại không có nghĩa khác, chỉ dừng nơi ngôn thuyết.” Đại Huệ! Kia bị trí ác thiêu đốt chẳng biết tự tánh ngôn thuyết, chẳng biết ngôn thuyết sanh diệt, nghĩa chẳng sanh diệt. Đại Huệ! Tất cả ngôn thuyết rơi vào văn tự, nghĩa thì chẳng rơi, vì lìa tánh phi tánh,
E4- CHỈ PHÁP THÂN NHƯ LAI LÌA LỜI NÓI HIỂN CHÂN THẬT.
Có hai:
G1- CHỈ NGHĨA CHÂN PHÁP THÂN CHẲNG RƠI VÀO VĂN TỰ.
Đại Huệ! Những người si kia nói thế này: “Nghĩa như lời nói, nghĩa lời không khác. Vì cớ sao? Vì nghĩa không có thân, ngoài ngôn thuyết lại không có nghĩa khác, chỉ dừng nơi ngôn thuyết.” Đại Huệ! Kia bị trí ác thiêu đốt chẳng biết tự tánh ngôn thuyết, chẳng biết ngôn thuyết sanh diệt, nghĩa chẳng sanh diệt. Đại Huệ! Tất cả ngôn thuyết rơi vào văn tự, nghĩa thì chẳng rơi, vì lìa tánh phi tánh, không thọ sanh cũng không thân. Đại Huệ! Như Lai chẳng nói pháp rơi trong văn tự, vì văn tự có không không thể được, trừ chẳng rơi vào văn tự.
Đây nói người ngu si chẳng đạt tự tánh chân nghĩa, bảo nghĩa không thể tánh, mà lấy ngôn thuyết làm cảnh giới giác tưởng sở hành cho là tột các nghĩa vị. Cho nên nói “chỉ dừng nơi ngôn thuyết”. Đây không những là chẳng biết nghĩa, mà cũng chẳng biết tự tánh ngôn thuyết. Ngôn thuyết y nơi nghĩa vốn không tự thể là tánh sanh diệt. Nên nói “ngôn thuyết tự tánh”. Nghĩa lìa ngôn thuyết tánh chẳng phải sanh diệt, chẳng thuộc có không. Đã lìa sanh diệt có không cũng lìa cái lìa. Kinh Viên Giác nói: “Biết là không hoa liền không luân chuyển, cũng không thân tâm thọ cái sanh tử kia.” Tức ở đây nói “không thọ sanh cũng không thân”. Lại Viên Giác nói: “Cái tri giác kia vẫn như hư không, biết hư không ấy tức là tướng không hoa, cũng không thể nói không có tánh tri giác.” Tức ở đây nói “trừ chẳng rơi vào văn tự”. Tự tánh Pháp thân Như Lai không sanh không thân, chẳng rơi trong văn tự, mà chẳng phải không chẳng rơi. Kẻ ngu si không trí chẳng phân biệt thuyết và nghĩa, vọng tự đắm trước, là đáng thương xót vậy.
G2- CHỈ NHƯ LAI KIẾN LẬP NGÔN THUYẾT VÌ DẸP NGÔN THUYẾT.
Đại Huệ! Nếu có người nói rằng “Như Lai nói pháp rơi vào văn tự”, người này ắt vọng ngữ, vì pháp lìa văn tự. Thế nên, Đại Huệ! Chư Phật chúng ta và các vị Bồ-tát không nói một chữ chẳng đáp một chữ. Vì cớ sao? Vì pháp lìa văn tự, chẳng phải không nói nghĩa lợi ích. Ngôn thuyết là vọng tưởng của chúng sanh. Đại Huệ! Nếu chẳng nói tất cả pháp thì giáo pháp ắt hoại. Giáo pháp hoại thì không có chư Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn, nếu không thì ai nói và vì ai?
Như Lai nói ra đều vì nghĩa, mượn ngôn thuyết để vào đệ nhất nghĩa. Tức nơi ngôn thuyết nói đệ nhất nghĩa rời ngôn thuyết. Cho nên từ thành Phật cho đến niết-bàn, ở trong khoảng giữa ấy, Phật chẳng nói một chữ. Nghĩa là không một lời rơi vào tướng văn tự, mà chẳng phải không nhằm lợi ích chúng sanh vì phân biệt nói. Nếu không nhằm lợi ích chúng sanh phân biệt nói thì hàng Nhị thừa, Bồ-tát kia từ đâu dựng lập vào nghĩa chân thật. Như thế thì thánh giáo diệt hoại, ai dạy cho ai ư? Cho nên biết tất cả ngôn thuyết đều không có thật pháp, vì đệ nhất nghĩa mà có nói bày. Do thuyết mà nhập nghĩa, nghĩa hiển thì thuyết lìa. Thuyết tức không thuyết, chỉ tức không chỉ. Cho nên nói “chư Phật Bồ-tát không nói một chữ”.
Thế nên, Đại Huệ! Đại Bồ-tát chớ kẹt ngôn thuyết, tùy nghi phương tiện rộng nói kinh pháp. Vì hi vọng phiền não của chúng sanh chẳng phải một, nên ta và chư Phật tùy các thứ hiểu biết sai khác của chúng sanh mà nói các pháp, khiến lìa tâm ý ý thức, chẳng phải vì được chỗ tự giác thánh trí.
Đây là dạy bảo Bồ-tát tùy căn thức chúng sanh rộng nói kinh pháp, chẳng nên mắc nơi ngôn thuyết. Nếu có nói ra đều nhân các thứ hi vọng, các thứ phiền não, các thứ hiểu khác của chúng sanh, mà vì phá trừ. Khiến họ lìa cái hư ngụy từ vô thủy, chuyển tâm ý ý thức, tự biết tự chứng. Quyết không có nói chỉ bày chỗ tự giác thánh trí. Bởi vì tự giác thánh trí lìa tướng ngôn thuyết, lìa tướng tâm duyên, tự chứng được ở bên trong, chẳng phải chỗ hiển bày của vọng tưởng ngôn thuyết. Cho nên biết, chư Phật nói pháp như thầy thuốc trị bệnh, chỉ có phương pháp dẹp trừ bệnh nhặm, mà không có phương pháp làm tăng thêm ánh sáng. Thuyết cùng với nghĩa có tánh hay không tánh rõ ràng tự thấy.
Đại Huệ! Đối tất cả pháp không thật có, giác Tự tâm hiện lượng, lìa hai thứ vọng tưởng. Các vị đại Bồ-tát y nơi nghĩa chẳng y văn tự. Nếu người thiện nam thiện nữ y văn tự là tự hoại đệ nhất nghĩa, cũng không thể giác ngộ cho người, rơi vào ác kiến tương tục mà vì chúng nói, chẳng khéo rõ biết tất cả pháp, tất cả địa, tất cả tướng, cũng chẳng biết chương cú. Nếu người khéo biết tất cả pháp, tất cả địa, tất cả tướng, thông đạt chương cú, đầy đủ tánh nghĩa thì họ hay dùng chánh lạc vô tướng mà tự vui thích, bình đẳng Đại thừa, dựng lập cho chúng sanh.
Trước nói ngôn thuyết chẳng vì được chỗ tự giác thánh trí. Ở đây nói người được tự giác thánh trí thâm đạt Pháp tướng, có dựng lập ra tự nhiên chẳng rơi vào cảnh giới văn tự vọng tưởng. Phàm văn tự hay làm ngu người là, nói ra tất cả pháp theo cảnh giới có, không vọng tưởng. Nếu đạt tất cả pháp không có Tự tánh đều duy tâm hiện, lìa cảnh giới vọng tưởng của hai thứ có không thì chỗ chỉ của văn tự phải xem thế nào? Cho nên y văn tự thì không thể nói đệ nhất nghĩa, mà trái lại hay hoại đệ nhất nghĩa. Bởi không khéo rõ biết tất cả pháp, tất cả địa, tất cả tướng, Chân như bản tế, thì cũng không thể biết chương cú của thánh giáo. Vì thế, dựng lập tất cả pháp, tất cả địa, tất cả tướng đều lìa tướng hiển bày đầy đủ tánh nghĩa. Mới tin thánh giáo ly ngôn, chỉ vì dẹp trừ hí luận, riêng nêu duy tâm, bên trong tự chứng hiện trụ nơi pháp lạc, bên ngoài dựng lập bình đẳng Nhất thừa. Sở hành của tự giác thánh trí này, Như Lai vì Bồ-tát y nghĩa dạy bảo thâm thiết, đâu phải cạn cợt ư?
Này Đại Huệ! Nhiếp thọ Đại thừa thì nhiếp thọ chư Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn. Nhiếp thọ chư Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn thì nhiếp thọ tất cả chúng sanh. Nhiếp thọ tất cả chúng sanh thì nhiếp thọ chánh pháp. Nhiếp thọ chánh pháp thì giống Phật chẳng dứt. Giống Phật chẳng dứt thì hay rõ biết được chỗ vào thù thắng. Biết được chỗ vào thù thắng là hàng đại Bồ-tát thường được hóa sanh, dựng lập Đại thừa mười sức tự tại, hiện các sắc tượng, thông đạt các tướng phiền não, hi vọng, hình loại của chúng sanh, nói pháp như thật. Như thật là, chẳng khác, như thật là, tướng chẳng đến chẳng đi, tất cả hư ngụy đều dứt, ấy gọi là như thật. Đại Huệ! Người thiện nam thiện nữ chẳng nên nhiếp thọ theo lời nói mà chấp trước. Vì chân thật là lìa văn tự.
Đại thừa tức là pháp Tự giác thánh trí nhất thừa. An trụ Tự giác thánh trí nhất thừa tức là chỗ nhiếp thọ của chư Phật, Bồ-tát, Duyên giác, Thanh văn. Bởi vì Tự giác thánh trí này là chỗ xuất sanh chư Phật, Bồ-tát. Nếu hay an trụ tức cùng chư Phật, Bồ-tát đồng thể nhiếp nhập; cũng hay nhiếp thọ chúng sanh, chúng sanh y đó mà được lợi lạc; cũng hay nhiếp thọ chánh pháp, chẳng bị tất cả thế luận làm dao động, tất cả ngoại đạo không tìm được chỗ dở, nắm giữ đệ nhất nghĩa pháp ấn tự tánh Như Lai, tức là giống Phật chẳng dứt. Đệ nhất nghĩa tâm tự tánh này tức là tất cả chỗ thù thắng. Nên nói “được đại tổng trì”. Được đại tổng trì tự nhiên tùy chỗ hóa sanh, dựng lập Đại thừa, thành tựu thập lực, đối hiện Sắc thân tùy phiền não chúng sanh mà vì cứu giúp, dùng pháp vị như thật vô tướng an trụ điều phục, dứt các hí luận. Cho nên răn người tu hành không nên nhiếp thọ ngôn thuyết, chỉ phải nhiếp thọ chân thật. Đây là lìa văn tự mà được, chẳng phải cảnh giới giác tuởng. Người trí đối chỗ này nên phải tự nhận.
Đại Huệ! Như vì kẻ ngu lấy ngón tay chỉ vật, kẻ ngu nhìn ngón tay mà chẳng thấy vật thật. Như thế kẻ ngu theo ngôn thuyết chỉ bày rồi nhiếp thọ chấp trước, rốt cùng chẳng bỏ, trọn không được đệ nhất thật nghĩa lìa ngôn thuyết chỉ ra. Đại Huệ! Thí như đứa bé nên cho thức ăn chín, không nên cho thức ăn sống. Nếu cho thức ăn sống khiến nó phát cuồng, vì không biết phương tiện thứ tự làm cho chín. Đại Huệ! Chẳng sanh chẳng diệt như thế, nếu chẳng có phương tiện tu hành tức là chẳng khéo. Thế nên phải khéo phương tiện tu hành, chớ theo lời nói như xem ngón tay.
Đây lại nói phải lìa ngôn thuyết được đệ nhất nghĩa. Ngón tay dụ ngôn thuyết. Vật dụ đệ nhất nghĩa. Nghĩa là đệ nhất nghĩa do ngôn thuyết mà vào chẳng phải ngôn thuyết là đệ nhất nghĩa, cũng chẳng phải sở thuyết là đệ nhất nghĩa. Nếu y ngôn thuyết khởi cảnh giới vọng tưởng giác đó là chấp sâu dày. Khiến người phát cuồng tức là cho cảnh giới vọng giác làm đệ nhất nghĩa, mất trí phương tiện, tự lầm làm lầm người. Như nói “tất cả pháp chẳng sanh”, đây là ngôn thuyết. Tự phải phương tiện quán sát pháp nào chẳng sanh, tại sao chẳng sanh? Dùng phương tiện quán sát liền biết tất cả pháp chỉ Tự tâm hiện ra. Mê Tự tâm thì vọng thấy hiện ra, hiện nhân mê thấy chẳng có pháp thật. Giác Tự tâm lượng thì mê vọng liền dứt, tất cả chẳng phải riêng có, trọn không có lấy bỏ. Chỗ không lấy bỏ ấy là Tự tánh Chân như, trong ngoài lặng lẽ, tức là đệ nhất thật nghĩa. Đây là khéo phương tiện tu vậy. Nếu nghe “tất cả pháp chẳng sanh” liền trên tất cả pháp phân tích thành vi trần đến không có gì, ấy cũng thuộc tướng khác của vọng tưởng. Bởi vì nơi không chấp có, lại nơi có chấp không, thảy đều đối pháp như thật riêng khởi cảnh giới, ấy là tướng khác. Cho đến nghe nói “tâm lượng” rồi dùng vọng tưởng giác, giác nơi Tự tâm chấp là sâu kín, cũng đều do vọng hiện vọng, chẳng lìa vọng tưởng. Y ngôn thuyết mà chấp như xem ngón tay. Cho nên trên có dụ thức ăn sống, nếu không có phương tiện trở lại thêm lớn bệnh cuồng.
Thế nên, Đại Huệ! Nơi nghĩa chân thật phải phương tiện tu. Nghĩa chân thật là lặng lẽ vi diệu, là nhân Niết-bàn. Còn ngôn thuyết là do vọng tưởng hiệp. Vọng tưởng là do gom họp sanh tử. Đại Huệ! Nghĩa chân thật là từ người đa văn mà được. Đại Huệ! Đa văn là giỏi về nghĩa, chẳng phải giỏi về ngôn thuyết. Giỏi nghĩa là không theo các kinh luận ngoại đạo, tự thân chẳng theo cũng không khiến người khác theo, ấy gọi là đại đức đa văn. Thế nên người muốn cầu nghĩa phải thân cận bậc đa văn, nên gọi là giỏi nghĩa. Trái với người này tức là chấp trước ngôn thuyết, nên phải lìa xa.
Là nhân chẳng phải quả gọi là Phật tánh. Là quả chẳng phải nhân gọi là Niết-bàn. Chẳng phải nhân chẳng phải quả là Phật tánh. Không nhân không quả là Đại bát Niết-bàn. Đây đều là lời nói của Như Lai, lời thì khác mà nghĩa là một. Nghĩa chân thật là, Tự tánh thanh tịnh làm nhân, cứu kính lặng lẽ làm quả. Song đây chẳng phải chỗ đến của người giỏi ngôn thuyết. Phải biết cái tịnh của Tự tánh chẳng sanh lặng lẽ, không có nhân tướng; lặng nơi Tự tánh chẳng từ tu được cũng không có nghĩa quả. Chỗ này người giác Tự tâm hiện lượng tự biết tự chứng chẳng theo tất cả cảnh giới ngôn thuyết vọng tưởng. Nếu theo ngôn thuyết thì tăng trưởng vọng chấp, nhóm nhân sanh tử, tức chẳng phải Như Lai nói là đa văn. Như Lai thường nói người chỉ nghe hai chữ “thường trụ” hiểu sâu nghĩa thú gọi là đa văn. Nếu người đọc được mười hai bộ tất cả Khế kinh, mà chẳng nghe “thường trụ” gọi là vô văn. Thân cận bậc đa văn nên nói là giỏi nghĩa chẳng phải giỏi ngôn thuyết. Phải tự xét kỹ vậy.

D3- CHỈ NHƯ LAI CHẲNG SANH CHẲNG DIỆT KHÔNG ĐỒNG VỚI NGOẠI ĐẠO.

Có sáu:
E1- NẠN NHƯ LAI ĐỒNG VỚI NGOẠI ĐẠO BỐN THỨ NHÂN TƯỚNG.
Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ lại nương oai thần của Phật bạch Phật: Thế Tôn! Thế Tôn hiển bày “chẳng sanh chẳng diệt” không có gì kỳ đặc. Vì cớ sao? Vì tất cả ngoại đạo về nhân cũng nói “chẳng sanh chẳng diệt”. Thế Tôn cũng nói hư không, phi số duyên diệt (Phi trạch diệt) và Niết-bàn giới chẳng sanh chẳng diệt? Thế Tôn! Ngoại đạo nói nhân sanh các thế gian. Thế Tôn cũng nói vô minh, ái, nghiệp, vọng tưởng làm duyên sanh các thế gian. Kia nhân, đây duyên chỉ là tên sai biệt thôi? Ngoại vật nhân duyên cũng như thế. Thế Tôn cùng ngoại đạo luận không có sai biệt. Vi trần, thắng diệu, tự tại, chúng sanh chủ v.v… như thế chín vật chẳng sanh chẳng diệt. Thế Tôn cũng nói tất cả tánh chẳng sanh chẳng diệt, có không, không thể được? Ngoại đạo cũng nói tứ đại chẳng hoại, tự tánh chẳng sanh chẳng diệt, tứ đại thường, tứ đại ấy cho đến châu lưu các thú chẳng bỏ tự tánh. Thế Tôn đã nói cũng lại như thế? Thế nên con nói không có gì kỳ đặc, cúi xin Thế Tôn vì nói chỗ sai biệt, do đó kỳ đặc hơn các ngoại đạo. Nếu không sai biệt thì tất cả ngoại đạo đều cũng là Phật, vì chẳng sanh chẳng diệt. Song Thế Tôn nói trong một thế giới có nhiều Phật ra đời là vô lý. Nếu như trước đã nói thì trong một thế giới lý ưng có nhiều Phật, vì không sai biệt?
Đây dùng bốn nạn muốn Như Lai phát minh lý do khác với ngoại đạo.
Một, nạn ngoại đạo chấp tác giả nhân chẳng sanh chẳng diệt, đồng với Như Lai ba pháp vô vi. Hư không tức là hư không vô vi, phi số duyên diệt tức là phi trạch diệt vô vi, Niết-bàn tức là trạch diệt vô vi. Bởi chẳng biết ngoại đạo nói tác nhân là ở trong mê vọng chấp, nhiếp thuộc sanh diệt. Chẳng sanh chẳng diệt cũng là vọng chấp. Nên nói sanh diệt tướng khác, chẳng đồng với ba pháp vô vi. Như Lai giác Tự tâm hiện lượng, Tự tánh lặng lẽ.
Hai, nạn ngoại đạo chấp tác giả nhân sanh các thế gian, đồng với Như Lai nói mười hai nhân duyên ba đời tương tục. Bởi không biết kia chấp tánh sanh, đây chỉ vọng duyên. Tất cả duyên sanh thảy do vọng hiện, chẳng phải tự chẳng phải tha, chẳng phải cộng chẳng phải không.
Ba, nạn vi trần, thắng tánh như thế chín vật chẳng sanh chẳng diệt, cũng đồng với Như Lai nói tất cả pháp chẳng sanh chẳng diệt. Đâu biết Như Lai nói tự tướng pháp tánh, Chân như dù có Phật ra đời hay không Phật, pháp nhĩ như thế, chẳng đồng với ngoại đạo vọng tưởng mà thành không có nghĩa thật.
Bốn, nạn ngoại đạo chấp tự tánh tứ đại là thường là một, đồng với Như Lai nói có tứ đại khắp mười phương giới chẳng lưu ngại nhau. Bởi không biết Như Lai nói phi nhân phi duyên, phi hòa phi hợp cũng phi tự nhiên, do vọng tưởng hiện. Chính ở trong kinh Lăng Nghiêm nói rằng: “Kiến cùng kiến duyên và tướng sở tưởng như hoa đốm trong hư không vốn không thật có. Cái kiến và duyên này vốn là Bồ-đề diệu tịnh minh thể.”
Trong một thế giới không có nhiều Phật. Nếu ngoại đạo đồng với Phật tức là có nhiều Phật. Tổng nạn ngoại đạo đồng với Phật để hiển bày sai biệt vậy.
E2- CHỈ NHƯ LAI GIÁC TÂM TỰ LƯỢNG VỌNG TƯỞNG CHẲNG SANH.
Phật bảo Đại Huệ: Ta nói chẳng sanh chẳng diệt không đồng với ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt. Vì cớ sao? Vì ngoại đạo kia chấp có tánh tự tánh được tướng chẳng sanh chẳng biến, ta chẳng rơi vào loại có không như thế. Đại Huệ! Ta nói lìa loại có không, lìa sanh diệt, chẳng phải tánh chẳng phải không tánh, như các thứ huyễn mộng hiện, cho nên chẳng phải không tánh. Thế nào không tánh? Nghĩa là sắc tướng không tự tánh nhiếp thọ, vì hiện chẳng hiện, vì nhiếp chẳng nhiếp. Bởi lẽ ấy, tất cả tánh không tánh chẳng phải không tánh. Chỉ giác Tự tâm hiện lượng thì vọng tưởng chẳng sanh an ổn vui vẻ thế sự hằng dứt.
Ngoại đạo mê Tự tâm lượng, chỗ từ tâm hiện chấp có Tự tánh. Đây vì không biết sanh nhân lưu chú, thấy lưu chú tương tục được tướng chẳng sanh diệt, gọi là rơi vào bên có. Vì tác giả làm nhân mà chẳng phải nhân, cũng rơi vào bên không. Pháp của Như Lai chẳng phải có chẳng phải không, lìa các thứ sanh diệt. Nên nói “các thứ sắc tướng thảy đều không có Tự tánh như mộng huyễn”. Mộng huyễn chẳng phải  không, vì không tánh nên chẳng phải có; có thấy có nhận chẳng thể nói không, không thấy không nhận chẳng thể nói có. Có không đều phi, cả hai đều xa lìa. Duy giác Tự tâm hiện lượng, cảnh hiện ra đều là tâm, trọn không có thủ xả. Thủ xả đều quên, an trụ nơi tâm hải, lặng lẽ không lo, dạo đi trong thế gian như vườn nhà của mình.
E3- CHỈ RA NGOẠI ĐẠO VỌNG CHẤP CHẲNG THẬT.
Phàm phu ngu si vọng tưởng tác sự, chẳng phải chư Thánh Hiền. Vọng tưởng chẳng thật như thành Càn-thát-bà và người huyễn hóa. Đại Huệ! Như thành Càn-thát-bà và người huyễn hóa thấy có các chúng sanh mua bán ra vào. Kẻ ngu vọng tưởng bảo thật có ra vào, mà thật không có người ra người vào, chỉ vì vọng tưởng kia. Như thế, Đại Huệ! Phàm phu ngu si khởi cái lầm chẳng sanh chẳng diệt, kia cũng không có hữu vi vô vi, như người huyễn sanh, kỳ thật không có hoặc sanh hoặc diệt, vì tánh (pháp) không tánh không thật có. Tất cả pháp cũng như thế, lìa nơi sanh diệt. Phàm phu ngu si rơi vào chẳng như thật, khởi vọng tưởng sanh diệt chẳng phải các Thánh Hiền.
Đây là nói tột chỗ chấp tác nhân của ngoại đạo đồng với huyễn hóa, không có nghĩa thật. Tác sự là tác nhân, tức chỗ chấp có tướng tánh tự tánh. Nói chỗ chấp của kia là có tánh tự tánh thì chẳng phải người trí. Chính là vọng tưởng chẳng thật như thành Càn-thát-bà, như huyễn hóa. Kẻ ngu vọng thấy ra vào, mà thật không có người ra vào. Tánh tự tánh đã không phải thật có, nên cũng không có tướng chẳng sanh diệt. Chính kia khởi chấp chẳng sanh diệt, cũng không thể phân biệt cái gì là hữu vi, cái gì là vô vi. Nói chỗ chấp tự tánh chẳng thật của họ tức là tướng chẳng sanh diệt, cũng thuộc về vọng tưởng, không thể chỉ bày là hữu vi hay vô vi nên đều đồng với huyễn hóa. Lại chính chỗ chấp kia mà xoay lại nói “kỳ thật hoặc sanh hoặc diệt tánh cùng không tánh đều không thật có. Tất cả pháp cũng như thế, lìa nơi sanh diệt”. Bởi vì muốn cho họ ngay nơi đó mà biết lỗi, được tự tướng như thật, thấy chỗ tịch tĩnh. Văn sau chỉ thẳng tự tướng tịch tĩnh chẳng khác với vọng tưởng mà được chân thật, chỉ cần một phen giác.
E4- CHỈ THẬT TÁNH VỌNG TƯỞNG TỨC CHÂN TỊCH TĨNH.
Chẳng như thật là chẳng thế, như tánh tự tánh, vọng tưởng cũng chẳng khác. Nếu khác với vọng tưởng thì chấp trước tất cả tánh tự tánh, chẳng thấy tịch tĩnh. Người chẳng thấy tịch tĩnh trọn chẳng rời vọng tưởng. Thế nên, Đại Huệ! Vô tướng kiến là thắng, chẳng phải tướng kiến. Tướng kiến là nhân thọ sanh, cho nên chẳng thắng. Đại Huệ! Vô tướng là vọng tưởng chẳng sanh, chẳng khởi chẳng diệt, ta nói là Niết-bàn. Đại Huệ! Niết-bàn là thấy nghĩa như chân thật, lìa vọng tưởng tâm tâm số pháp trước. Đạt được Như Lai tự giác thánh trí, ta nói là Niết-bàn.
Tiếp trước nói phàm ngu rơi vào chẳng như thật thì không thể như tất cả vọng tưởng tánh tự tánh, cũng chẳng khác. Phàm tất cả tánh như vọng tưởng tánh, không thể ngay đó phát minh được vọng tưởng tự tánh. Theo vọng khởi chấp dường như có pháp khác, tướng và kiến theo đó mà sanh, vì thế chẳng thấy tịch tĩnh. Chẳng thấy tịch tĩnh thì trọn không thể xa lìa vọng tưởng, đều do chẳng biết tự tánh vọng tưởng. Đây chỉ thẳng tự tánh vọng tưởng tức là chân thật. Chỉ tự rõ biết không có tướng, kiến liền là Niết-bàn. Tướng, kiến là nhân thọ sanh, ngu nơi chân thật thì không thể an trụ. Đây là tất cả chúng sanh xưa nay thanh tịnh, thường bị khách nhiễm làm chướng. Cho nên biết, đoạn chướng bày ra Chân như không hai, tức là Tự tánh Niết-bàn. Nói là đoạn chướng tức là đoạn chướng tướng kiến này. Chướng này nếu đoạn liền thấy Thật tánh vọng tưởng. Từ trước tâm tâm số pháp liền đó chóng lìa. Lìa thì tự giác thánh trí không có thể riêng, Như Lai nói là Niết-bàn.
E5- CHỈ VÔ NHÂN ĐỂ BÀY NGHĨA VÔ SANH.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói  kệ:
Diệt trừ sanh luận kia
Dựng lập nghĩa chẳng sanh
Ta nói pháp như thế
Kẻ ngu không thể biết.
Tất cả pháp chẳng sanh
Không tánh không thật có
Càn-thát-bà huyễn mộng
Có tánh ấy không nhân
Chẳng sanh không tự tánh
Vì sao không lại nói?
Bởi lìa nơi hòa hợp
Tánh giác biết chẳng hiện
Thế nên không chẳng sanh
Ta nói không tự tánh.
Bảo mỗi mỗi hòa hợp
Tánh hiện mà chẳng có
Phân tích không hòa hợp
Chẳng như ngoại đạo thấy.

Tất cả các pháp do mê Tự tâm bất giác liền hiện, không có Tự tánh. Đây là lý do Như Lai nói chẳng sanh và không. Nói chẳng sanh là vì phá sanh luận. Nói pháp không là vì phá kiến chấp hữu. Kỳ thật tất cả pháp đều không Tự tánh. Như thành Càn-thát-bà mộng huyễn, tuy có tánh hiện mà vốn không nhân. Không nhân mà hiện nên không có nghĩa sanh, bởi không có tánh tự sanh. Trong khoảng kia nhân duyên hòa hợp gá tánh giác tri, dường như rõ ràng hiện tiền. Nếu lìa hòa hợp thì giác tưởng không có chỗ gá, hiện lại là trạng thái gì? Trong mộng hòa hợp ngay đó rõ ràng, sau khi có nhân duyên thức giấc thì ghi nhớ cái gì? Cho nên biết, không cùng chẳng sanh là nói tất cả pháp bất giác liền hiện không có Tự tánh, mà không phải một bề chẳng sanh trống rỗng thành không. Mỗi mỗi hòa hợp tánh như bóng như vang, hiện mà chẳng phải có, chẳng đồng với ngoại đạo thật có sanh nhân, quyết đợi phân tích rồi sau mới biết nó là chẳng có.
Mộng huyễn và tóc rũ
Sóng nắng, Càn-thát-bà
Thế gian các thứ việc
Không nhân mà tướng hiện
Bẻ dẹp hữu nhân luận
Nêu bày nghĩa vô sanh.
Nêu bày vô sanh là
Pháp chảy mãi chẳng dứt
Thịnh hành vô nhân luận
Khủng bố các ngoại đạo.

Lặp lại tất cả pháp như mộng huyễn, tóc rũ, sóng nắng, thành Càn-thát-bà không có sanh nhân, mà sanh sự (quả) rõ ràng. Dùng đây để chiết phục nhân luận, chính do đây nên bày vô sanh. Phàm “pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”, pháp nhãn chóng mở thì chỗ nhật dụng của bách tánh cúi ngước xoay quanh đều kham nối tiếp. Cho nên nói “nêu bày vô sanh là pháp chảy mãi không dứt”. Song lý do chiết phục ngoại đạo cũng chính tại đây. Nghĩa là do ngoại đạo vọng chấp các pháp có sanh nhân nên rơi vào hai lỗi: Một là chẳng phải tự sanh do vọng tưởng hiện, hai là không thể sanh cái khác, vì không có tánh sanh. Nếu có thể sanh nhân thì tất cả pháp đều có cội gốc, không thể chóng liễu. Song có thấy và chẳng thấy, có nhiếp và chẳng nhiếp, chỉ do mê khởi, chẳng phải chẳng chóng liễu. Ngoại đạo không thể giác chỗ này luống nghe không nhân, chẳng rõ biết chỗ trở về mờ mịt không căn cứ. Cho nên biết họ ắt kinh sợ.
E6- RỘNG CHỈ NGHĨA VÔ SANH.
Có hai:
G1- CHỈ THẲNG VÔ SANH.
Khi ấy, Đại Huệ dùng kệ hỏi Phật:
Thế nào do nhân gì
Kia do cớ gì sanh.
Ở chỗ nào hòa hợp
Mà làm vô nhân luận?

Đây là nhân Như Lai ở trước nói vô nhân luận, nên lại hỏi tất cả các pháp rốt ráo nhân gì, chỗ nào được hòa hợp, mà Như Lai nói vô nhân.
Thế Tôn lại dùng kệ đáp:
Quán sát pháp hữu vi
Phi vô nhân hữu nhân
Kia thuộc sanh diệt luận
Chỗ thấy từ đó diệt.

Ngoại đạo nói nhân thảy do vọng kiến. Người trí nếu hay quán sát tất cả pháp hữu vi đều do Tự tâm bất giác vọng hiện, như mộng như huyễn không có nhân tướng, cũng không vô nhân. Cái thấy này chóng dứt liền hiệp vô sanh.
Đại Huệ nói kệ hỏi:
Thế nào là vô sanh
Là phải vô tánh chăng?
Là đoái xem các duyên
Có pháp tên vô sanh
Tên chẳng lẽ không nghĩa
Xin vì phân biệt nói.

Đây hỏi vô sanh là thảy không pháp hay là đợi duyên hội. Đã có tên vô sanh, có tên ắt phải có nghĩa.
Thế Tôn lại dùng kệ đáp:
Phi vô tánh vô sanh
Cũng phi đoái các duyên
Chẳng tánh mà có tên
Tên cũng chẳng không nghĩa.
Tất cả các ngoại đạo
Thanh văn và Duyên giác
Phi cảnh giới thất trụ
Ấy gọi tướng vô sanh.

Tất cả các pháp đều do tâm hiện, hiện chẳng phải không tánh, hiện chẳng đợi duyên, hiện chẳng phải tự tánh, song cũng chẳng phải không nghĩa tâm lượng. Đây là nghĩa tâm lượng vô sanh, còn chẳng phải cảnh giới của Nhị thừa, Thất trụ huống là ngoại đạo.
Xa lìa các nhân duyên
Cũng lìa tất cả sự
Chỉ có vi tâm trụ
Tưởng sở tưởng đều lìa
Thân kia tùy chuyển biến
Ta nói là vô sanh.

Nhân duyên tức là thế gian nhân duyên hòa hợp. Tất cả sự tức là tất cả quả. Nghĩa là lìa kiến chấp nhân duyên hòa hợp nhân quả có không ở thế gian. Chỉ có niệm hiện tiền vi mật an trụ tịch tĩnh, chuyển năng sở tất cả thân vọng tưởng, mà làm tự giác thánh trí. Mê, ngộ dụng khác mà không có thể khác, nên nói tâm vốn vô sanh.
Không ngoại tánh vô tánh
Cũng không tâm nhiếp thọ
Đoạn trừ tất cả kiến
Ta nói là vô sanh.
Như thế không tự tánh
Không, thảy nên phân biệt
Chẳng không, nên nói không
Vô sanh nên nói không.

Đây nói giác Tự tâm hiện lượng, chỉ rõ tất cả ngoại pháp không tánh, không tâm thủ cảnh, tất cả kiến chấp dứt tức là vô sanh. Câu vô sanh này cùng nghĩa không, không có tự tánh đều nói chính khi sanh là chẳng sanh, chẳng phải thảy đều không có pháp. Cho nên nói “chẳng không, nên nói không, vô sanh nên nói không”.
G2- CHỈ PHÁP NHÂN DUYÊN SANH PHÁ TRỪ CHẤP NHÂN.
Nhân duyên số hòa hợp
Ắt có sanh có diệt
Lìa các nhân duyên số
Không riêng có sanh diệt
Bỏ lìa nhân duyên số
Lại không có tánh khác
Nếu nói một khác ấy
Là ngoại đạo vọng tưởng
Có không tánh chẳng sanh
Chẳng có cũng chẳng không
Trừ số kia chuyển biến
Ấy thảy không thể được.

Trên nói vô sanh tức ở đương sanh, chính là Như Lai chỉ bày lý vô sanh. Đây nói sanh diệt gốc nơi nhân duyên để rõ cái cớ chúng sanh lưu chuyển. Chỉ đạt lưu chuyển chính ở duyên sanh thì bỏ nhân duyên, lại không nói một khác, có không, như tứ cú của ngoại đạo vọng tưởng. Mới biết mê nhân duyên nên thấy sanh diệt, ngộ nhân duyên là hợp với vô sanh. Nếu lìa nhân duyên riêng có sanh diệt thì luận vô sanh cũng bị phá hoại nghĩa nhân duyên, mà chẳng phải đương sanh chẳng sanh, văn sau sẽ nói rõ.
Chỉ có các tục số
Lần lượt làm xiềng xích
Lìa xích nhân duyên kia
Nghĩa sanh không thể được.
Sanh không tánh chẳng khởi
Lìa các lỗi ngoại đạo
Chỉ nói duyên xiềng xích
Phàm ngu không thể hiểu.
Nếu lìa duyên xiềng xích
Riêng có tánh sanh ấy
Tức là vô nhân luận
Phá hoại nghĩa xiềng xích.
Như đèn bày các tướng
Xiềng xích hiện cũng vậy
Ấy là lìa xiềng xích
Riêng lại có các tánh.

Các tục số tức là chỉ chúng sanh do nhân duyên sanh diệt, như xiềng xích liên hoàn chẳng dứt. Nếu tức nhân duyên kia chóng lìa xiềng xích liền không có sanh diệt có thể được. Liền đây vô sanh, một lúc phát kiến chẳng khởi, tự lìa lỗi của ngoại đạo. Chỉ dùng thuyết nhân duyên này, vẫn chẳng phải phàm ngu hay hiểu. Bởi vì lìa xiềng xích tức không sanh diệt, lìa xiềng xích tức không vô sanh. Mê ngộ đồng đường mà dễ sanh thấy khác. Nếu lìa xiềng xích (nhân duyên) riêng có sanh diệt thì Như Lai luận vô nhân. Cũng phải phá hoại nhân duyên mà lại có chỗ chỉ, như đèn bày các tướng, chẳng phải đèn tức các tướng. Sự hiện của nhân duyên nếu quả như vậy thì ngoài nhân duyên riêng có tánh khác, đã thành thuyết của ngoại đạo. Thế thì, nghĩa đương sanh mà chẳng sanh của Như Lai lại có chỗ nào được sáng sủa?
Không tánh không có sanh
Như tự tánh hư không
Nếu lìa các xiềng xích
Tuệ không chỗ phân biệt.
Lại có các vô sanh
Pháp Hiền Thánh sở đắc
Kia sanh mà vô sanh
Ấy là vô sanh nhẫn.

Đây hiển bày nghĩa đương sanh là chẳng sanh. Bởi vì tức nơi tánh mà không tánh tức nơi sanh mà vô sanh. Hiện tại trong nhân duyên xiềng xích rõ ràng như tự tánh hư không, chẳng lìa chính nơi đây mà tự chứng tự biết. Chư Hiền Thánh đạt được pháp nhẫn đều không có hai ý chỉ.
Nếu khiến các thế gian
Người quán sát xiềng xích
Tất cả lìa xiềng xích
Từ ấy được tam-muội.
Si ái các nghiệp thảy
Ấy là xiềng xích trong
Dùi, gỗ, đất, bánh xe
Chủng tử thảy bên ngoài.
Nếu khiến có tha tánh
Mà từ nhân duyên sanh
Kia không nghĩa xiềng xích
Ấy là chẳng thành tựu.
Nếu sanh không tự tánh
Kia lấy gì xiềng xích
Vì lần lượt sanh nhau
Nên biết nghĩa nhân duyên.

Lại khuyên thế gian chỉ hay quan sát xiềng xích (nhân duyên) không có tự tánh, chẳng sanh pháp khác, chính nơi đây bỗng nhiên không còn ngăn ngại, sẵn có chánh định liền khi ấy hiện tiền. Mới biết tất cả vô minh hoặc nghiệp, cây dùi, thanh gỗ, bùn, bánh xe, khi mê dường như có pháp, lúc ngộ chẳng từ nơi khác, lần lượt sanh nhau cái gì là tác giả? Nên nói “tướng kiến không tánh đồng như bó lau”. Nghĩa nhân duyên pháp nhĩ như thế.
Pháp cứng ướt ấm động
Phàm phu sanh vọng tưởng
Lìa số không pháp khác
Ấy là nói không tánh.

Nêu cứng ướt ấm động để lệ tất cả pháp thảy từ vọng tưởng, dường sanh tương tục, lìa đây thì riêng không có, là nói không tánh.
Như thầy trị các bệnh
Không có bao nhiêu luận
Vì bệnh có sai biệt
Nên lập các thứ trị.
Ta vì chúng sanh kia
Phá hoại các phiền não
Biết căn kia hơn kém
Vì kia nói độ môn.
Phi gốc phiền não khác
Mà có các thứ pháp
Chỉ nói pháp Nhất thừa
Ấy tức là Đại thừa.

Kết nói Như Lai vì các chúng sanh rộng nói nhân duyên để phá hoại phiền não dựng lập độ môn. Tuy nhân căn dục có các thứ khác, dường như Phật cũng có các thứ giáo lý mà chẳng biết Như Lai chỉ có Nhất thừa. Nên nói “Tự tâm hiện lượng, phương tiện nhiều môn, về nguồn không hai”.

D4- CHỈ NHƯ LAI NÓI PHÁP CHẲNG PHẢI THƯỜNG VÔ THƯỜNG, CHẲNG ĐỒNG VỚI NGOẠI ĐẠO.

Chia làm hai:
E1- HỎI NGOẠI ĐẠO VỌNG CHẤP VÔ THƯỜNG LÀ TÀ HAY CHÁNH.
Khi ấy, đại Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Tất cả ngoại đạo đều khởi vọng tưởng vô thường. Thế Tôn cũng nói tất cả hạnh vô thường là pháp sanh diệt. Nghĩa này thế nào? Là tà hay chánh? Là có bao nhiêu thứ vô thường?
Nhân trước Phật nói chẳng sanh diệt là thường đã cùng ngoại đạo chẳng đồng, đây lại do pháp vô thường cũng có tà chánh nên khởi hỏi này. Đứng về Tự tâm mà nói thì chẳng phải thường và vô thường. Bởi bất giác Tự tâm vọng có hiện ra thì niệm niệm chẳng dừng, không có chủ tể. Thế thì, tất cả pháp sắc tâm trong ngoài như ngọn đèn, như đống lửa, như điện chớp, như bóng dáng, mé trước mé sau mỗi mỗi chẳng đến nhau, đây là chánh pháp nói vô thường. Phàm tự tánh như thật khó mà chóng giác nên vì nói vô thường khiến họ lần lần ngộ. Ngoại đạo luống ở ngoài tâm thấy tất cả pháp thật có sanh ra, thật có diệt mất, chấp thường mà vẫn chẳng phải nhân chân thật, chấp vô thường cũng chẳng phải chân tịch. Đây là lý do ngài Đại Huệ gấp cầu phát minh.
E2- BÀY NGOẠI ĐẠO VÔ THƯỜNG ĐỂ HIỂN CHÁNH PHÁP CHẲNG PHẢI THƯỜNG VÔ THƯỜNG.
Chia ra mười một:
G1- TỔNG BÀY BẢY THỨ VÔ THƯỜNG.
Phật bảo Đại Huệ: Tất cả ngoại đạo có bảy thứ vô thường, chẳng phải pháp của ta. Những gì là bảy? Kia có nói rằng “làm rồi mà bỏ”, ấy  gọi vô thường; có nói “hình xứ hoại’, ấy gọi vô thường; có nói tức sắc là vô thường; có nói trong khoảng giữa sắc chuyển biến, ấy là vô thường, không xen hở tự nó tan hoại như sự chuyển biến của sữa thành lạc, trong khoảng giữa không thể thấy, vô thường hủy hoại tất cả tánh chuyển; có nói tánh vô thường; có nói tánh không tánh vô thường; có nói tất cả pháp chẳng sanh vô thường vào tất cả pháp.
Làm rồi mà bỏ là, có tánh vô thường hay làm các đại, các đại là thường, cái hay làm, làm rồi lại bỏ là vô thường. Hình xứ hoại là, chấp tứ đại và tứ đại tạo sắc năng tạo sở tạo chẳng hoại, chỉ phân tích thấy hình trạng dài ngắn hoại thôi. Tức sắc là, tứ đại năng tạo là thường, tứ đại sở tạo là vô thường. Trong khoảng giữa sắc chuyển biến là, năng tạo sở tạo trong khoảng giữa có tánh vô thường luôn luôn chuyển biến như sữa biến thành lạc v.v… tự nhiên biến đổi. Tánh vô thường là, có tự tánh vô thường chẳng hoại mà hay hoại các pháp, như cây gậy, gạch, đá có tánh hay hoại. Tánh không tánh vô thường là, tánh chỉ năng tạo, không tánh chỉ sở tạo, tánh của năng tạo tạo xong liền hoại, pháp sở tạo cũng lại tùy hoại, đây là chấp năng sở đều hoại. Tất cả pháp chẳng sanh vô thường, là phân biệt tất cả pháp chẳng sanh, mà cho chẳng sanh khắp tất cả là vô thường. Đây là bày bảy thứ, văn sau rộng phá, trước sau không nhất định.
G2- TÁNH KHÔNG TÁNH VÔ THƯỜNG.
Đại Huệ! Tánh không tánh vô thường là, tứ đại và sở tạo tự tướng hoại, tứ đại tự tánh không thể được, chẳng sanh.
Tứ đại là năng tạo. Sở tạo là tất cả pháp. Kia chấp năng tạo sở tạo tự tướng, tạo xong thảy đều hoại, mà tứ đại tự tánh chẳng phải hình tướng có thể được, chẳng sanh. Chẳng biết tứ đại chủng do vọng tưởng mà thành, vọng vốn chẳng sanh cũng không có chỗ diệt, tức ở nhân duyên xiềng xích đều không có tác giả. Đâu thể khi năng tạo, sở tạo hoại lại có tứ đại tự tánh chẳng sanh ư?
G3- TẤT CẢ PHÁP CHẲNG SANH VÔ THƯỜNG.
Kia chẳng sanh vô thường là, chẳng phải thường vô thường, tất cả pháp có không chẳng sanh, phân tích cho đến vi trần thì không thể thấy, ấy là nghĩa chẳng sanh. Phi sanh, ấy gọi là tướng chẳng sanh vô thường. Nếu chẳng giác được chỗ này thì rơi vào nghĩa sanh vô thường của tất cả ngoại đạo.
Chẳng phải thường vô thường chính là chỗ chấp của ngoại đạo. Kia cho là tất cả pháp có không chẳng sanh, phân tích cho đến vi trần thì không thể thấy, ấy là nghĩa chẳng sanh. Phi sanh, bèn cho là chẳng sanh vô thường, mà không biết pháp của ta nói chẳng sanh, bởi do Tự tâm bất giác vọng hiện như bóng như điện, không thể nói có không, mà chẳng phải phân tích không thấy. Vả lại, đã nói có tánh chẳng sanh vào tất cả pháp, đây tức là sanh, vì gọi là tác giả. Lẽ ưng nói sanh vô thường, mà lại nói chẳng sanh vô thường. Thế thì, cho sanh là chẳng sanh, là không biết nghĩa chẳng sanh; mà cho chẳng sanh là vô thường, lại chẳng biết nghĩa vô thường. Nếu chẳng giác chỗ này tức rơi vào nghĩa sanh vô thường của ngoại đạo mà lầm cho là chẳng sanh vô thường.
G4- TÁNH VÔ THƯỜNG.
Đại Huệ! Tánh vô thường ấy, là Tự tâm vọng tưởng chẳng phải tánh thường vô thường. Vì cớ sao? Vì vô thường tự tánh chẳng hoại. Đại Huệ! Đây là việc tất cả tánh không tánh vô thường. Trừ vô thường ra không có cái gì hay khiến tất cả pháp tánh không tánh, như gậy, gạch, đá hay phá hoại các vật.
Tánh vô thường là, ngoại đạo chấp tự tánh vô thường hay phá hoại các pháp. Trước xét cái tệ kia, là đối chỗ chẳng phải tánh thường vô thường mà vọng sanh phân biệt, bảo có vô thường tự tánh chẳng hoại. Dưới bèn nêu cái chấp kia, bảo việc tất cả tánh không tánh vô thường, chẳng phải có vô thường tự tánh hay hoại các pháp thì quyết không thể khiến tất cả pháp tánh không tánh vô thường. Như gậy, gạch, đá là dụ có sức hay phá hoại. Đây tức là năng hoại sở hoại rõ ràng có hai vật, cho nên ở sau phá đó.
Hiện thấy mỗi mỗi chẳng khác tánh ấy vô thường sự, chẳng phải tác, sở tác có sai biệt, đây là vô thường, đây là sự. Tác và sở tác không khác là, tất cả tánh thường, không nhân tánh. Đại Huệ! Tất cả tánh không tánh có nhân, chẳng phải chỗ biết của phàm ngu.
Nhân ở trên nói có cái vô thường tự tánh chẳng hoại mà hay hoại tất cả pháp thì nên có hai vật sai biệt. Cho nên phá rằng “hiện thấy trước mắt tất cả tánh (pháp) vô thường sự không có năng hoại sở hoại tướng sai biệt khác, thật có thể chỉ bày, bảo đây là vô thường tánh hay hoại, đây là vô thường sự bị hoại”. Đã năng sở chẳng khác thì tất cả tánh là thường không có nhân tánh. Nghĩa là tất cả pháp thường tự tịch diệt không có nhân tánh năng hoại. Như Lai lại chuyển ngữ nói “tất cả tánh không tánh vô thường sự cũng có nhân, song chẳng phải chỗ biết của phàm ngu”. Sao gọi là có nhân? Nghĩa là tất cả các pháp nhân vô thủy bất giác vọng có hiện ra không có Tự tánh, sát-na sát-na niệm niệm chẳng dừng, nên nói “các pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”, đây không phải chỗ biết của phàm ngu.
Chẳng phải nhân chẳng tương tợ sự sanh. Nếu sanh, tất cả pháp thảy đều vô thường. Là chẳng tương tợ sự thì tác và sở tác không có sai khác, mà thảy thấy có khác. Nếu tánh vô thường, rơi vào tác nhân tánh tướng. Nếu rơi thì tất cả tánh chẳng cứu kính. Tất cả tánh tác nhân tướng rơi thì, tự vô thường nên vô thường. Vì vô thường là vô thường nên tất cả tánh chẳng vô thường ưng là thường.
Đây nhân ở trên tất cả tánh không tánh có nhân mà nói, để rõ vọng chấp nhân khác không thể sanh quả khác.
Ngoại đạo vọng chấp có vô thường tự tánh hay hoại các pháp, ấy vẫn dùng nhân khác mà sanh quả khác. Nếu sanh thì, nhân đã vô thường, tất cả pháp chẳng tương tợ pháp khác cũng là vô thường, như người cũng có thể sanh súc, súc cũng có thể sanh người, năng sanh và sở sanh thảy đều lẫn lộn không có sai biệt. Song, người sanh người, súc sanh súc hiện thấy sai biệt thì nhân khác làm sao mà sanh quả khác? Đây chỉ theo vọng chấp nhân quả chẳng tương tợ, bẻ cái tự nói trái nhau của kia, mà ý thật ở chỗ nêu lên năng sở kia đều không, để hiển bày tất cả tánh tướng ngay nơi ấy là vô sanh. Cho nên lại nói “nếu tánh vô thường, rơi vào tác nhân tánh tướng v.v…” nghĩa là vô thường nhân tánh đã nói hay hoại tức là rơi vào tác nhân, bèn chẳng phải cứu kính thường trụ. Song tất cả tánh đều chẳng phải cứu kính thường trụ, do có vô thường hay hoại nhân tướng, ấy là tự vô thường. Thế thì, tất cả nên vô thường, tự vô thường, tất cả vô thường mà đã thấy tất cả lại chẳng phải vô thường, nên ưng là thường. Tất cả tánh thường tự tịch diệt, tác sở tác không sai biệt, nên nói “tất cả tánh thường, không nhân tánh”.
Nếu vô thường vào tất cả tánh, ưng rơi vào ba đời. Sắc quá khứ kia cùng cái hoại chung thì, vị lai chẳng sanh, vì sắc chẳng sanh, sắc hiện tại cùng tướng hoại chung. Sắc là tứ đại nhóm họp sai biệt. Tứ đại và tạo sắc tự tánh chẳng hoại, vì lìa khác và chẳng khác. Tất cả ngoại đạo chấp tất cả tứ đại chẳng hoại. Tất cả tứ đại và tạo sắc ở trong ba cõi tại sở tri thì có sanh diệt. Lìa tứ đại tạo sắc, tất cả ngoại đạo nơi chỗ nào suy nghĩ tánh vô thường? Tứ đại chẳng sanh, vì tự tánh tướng chẳng hoại.
Đây do ngoại đạo chấp có vô thường tự tánh chẳng hoại vào tất cả pháp. Cho nên lại nói tất cả sắc pháp thảy rơi vào ba đời, ba đời sắc pháp đều thuộc hoại tướng, thì chỗ vào tự tánh chẳng hoại sẽ ở chỗ nào? Lại ngoại đạo thường chấp tứ đại chủng thể tánh chẳng hoại, nhân đây mà phá, bảo kia chấp sắc tức tứ đại chứa nhóm sai biệt, năng tạo sở tạo, lìa khác và chẳng khác, chẳng biết hiện tiền ba cõi tất cả tứ đại và tạo sắc là nhiếp về sanh diệt. Nếu lìa tứ đại tạo sắc, kia lại nương vào đâu suy nghĩ riêng có tánh vô thường vào nơi tứ đại, mà nói tự tánh chẳng hoại? Trên là tột kia không có pháp năng hoại, đây cùng tột kia cũng không tự tánh chẳng hoại. Năng sở đều không, nên nói “tất cả tánh tướng chính nơi đó là vô sanh”.
G5- TẠO RỒI MÀ BỎ VÔ THƯỜNG.
Lìa mới tạo vô thường là, chẳng phải tứ đại lại có tứ đại khác. Vì mỗi mỗi tướng khác, tự tướng chẳng phải sai biệt có thể được. Kia không sai biệt, đây thảy chẳng lẫn tạo. Hai phương tiện chẳng làm, nên biết là vô thường.
Đây ngoại đạo chấp có vô thường tánh làm tác giả hay tạo tứ đại, tạo rồi liền bỏ là vô thường. Chẳng phải tứ đại lại có khác với tứ đại đó, nói không thể lẫn nhau tạo. Lẫn nhau tạo như lửa tạo nước, nước tạo đất, mỗi mỗi tướng khác không thể lẫn nhau tạo. Cũng chẳng phải tự tạo, vì tự tướng không có sai biệt. Đây thảy cũng chẳng lẫn tạo, lẫn tạo tức là chung tạo. Hai phương tiện chẳng làm là, lửa cùng nước hiệp sanh Thể tánh trái khác, rõ chẳng chung tạo. Phàm chẳng lẫn tạo, chẳng tự tạo, lại chẳng chung tạo, nên biết đại chủng nhân mê hư vọng chóng hiện, trung gian không chủ là chân tịch diệt. Chẳng nên dùng mới tạo lại bỏ là vô thường.
G6- HÌNH XỨ HOẠI VÔ THƯỜNG.
Hình xứ kia hoại vô thường là, tứ đại và tạo sắc chẳng hoại, đến tột chẳng hoại. Đại Huệ! Tột là, phân tích cho đến vi trần quán sát hoại, tứ đại và tạo sắc hình xứ khác, thấy dài ngắn không thể được chẳng phải tứ đại. Tứ đại chẳng hoại, hiện hình xứ hoại, rơi vào số luận.
Hình xứ là, hình xứ dài ngắn của tứ đại. Thấy hình xứ dài ngắn của tứ đại diệt, mà sắc thể tứ đại năng tạo sở tạo chẳng diệt. Đây là Tăng-khư (số luận) chấp tứ đại là thường luận. Phân tích tột cùng cho đến vi trần quán sát, chỉ hay hoại cái tướng có thể thấy là hình xứ dài ngắn của tứ đại tạo sắc, mà không phải tứ đại, nghĩa là Thể tánh của tứ đại tạo sắc ắt không thể hoại, chỉ hình xứ hoại. Như Lai nơi đây chỉ nói “rơi vào số luận”, bởi trước sau đã phá tứ đại tạo sắc không có tác giả, đã tột rõ ràng.
G7- SẮC TỨC VÔ THƯỜNG.
Sắc tức vô thường là, sắc tức là vô thường. Kia là hình xứ vô thường, chẳng phải tứ đại. Nếu tứ đại vô thường thì chẳng phải số ngôn thuyết của thế tục. Ngôn thuyết của thế tục không phải tánh, ắt rơi vào thế luận. Thấy tất cả tánh chỉ có ngôn thuyết, chẳng thấy tự tướng sanh.
Tất cả sắc pháp duy tâm hiện ra, thảy là tánh vô thường, đây là Như Lai nói. Ngoại đạo chấp sắc này tức vô thường, chỉ dùng hình xứ mà chẳng phải tứ đại. Nếu tứ đại vô thường bèn chẳng phải số ngôn thuyết của thế tục. Tục số nói ra chẳng phải tánh, mới thật không pháp. Nếu vậy tức rơi vào đoạn kiến thế luận, bởi chỉ có ngôn thuyết không có pháp tự tướng. Cho nên biết, tất cả các pháp tự tướng như thật chân lý, chỉ giác Tự tâm hiện lượng nội chứng nhận được. Đây không phải khả năng của ngoại đạo đến được.
G8- SẮC CHUYỂN BIẾN TRUNG GIAN VÔ THƯỜNG.
Chuyển  biến  vô thường là, sắc khác tánh hiện chẳng phải tứ đại. Như vàng làm các món đồ trang sức chuyển biến hiện ra, chẳng phải tánh vàng hoại, chỉ những món đồ trang sức bị hoại. Như thế, các tánh chuyển biến v.v… cũng như vậy.
Ngoại đạo chấp năng tạo sở tạo trung gian có tánh vô thường luôn luôn chuyển biến, như sữa biến thành lạc, sắc khác tánh hiện ra. Chẳng phải tứ đại là, cũng như trên hình xứ tứ đại thấy diệt, mà Thể tánh tứ đại chẳng diệt. Như vàng làm đồ trang sức, chỉ chuyển biến hiện, chẳng phải tánh vàng hoại. Các tánh là, tất cả pháp chuyển biến cũng đều như thế.
G9- KẾT BẢY THỨ VÔ THƯỜNG VỌNG CHẤP.
Như thế thảy, các thứ ngoại đạo chấp vô thường, vọng tưởng khi lửa đốt tứ đại, tự tướng chẳng đốt. Mỗi mỗi tự tướng tướng hoại thì tứ đại tạo sắc ưng đoạn.
Đây là nói chung bảy thứ hư vọng phân biệt. Đại lược đều cho ngoài hiện hình của tứ đại riêng có Tự thể tứ đại, lửa không thể đốt. Nếu hay đốt được thì năng tạo sở tạo đều đoạn diệt. Đây là phân nửa sanh diệt phân nửa chẳng sanh diệt. Bởi do chẳng giác Tự tâm hiện lượng, chẳng đạt các pháp duy tâm, vốn không có sanh cũng không chỗ diệt. Vọng thấy sanh diệt, vọng phân tánh tướng, thường chấp vô thường, vô thường chấp thường, trọn thành điên đảo.
G10- CHỈ NHƯ LAI NÓI RA PHI THƯỜNG PHI VÔ THƯỜNG, ĐỂ HIỂN TỰ TÂM HIỆN LƯỢNG.
Đại Huệ! Pháp duyên khởi của ta phi thường phi vô thường.  Vì cớ sao? Vì ngoại tánh không quyết định, chỉ nói ba cõi duy tâm, chẳng nói các thứ tướng có sanh có diệt. Tứ đại hội hiệp sai biệt, tứ đại và tạo sắc, nên vọng tưởng hai thứ năng nhiếp sở nhiếp. Biết hai thứ vọng tưởng, lìa hai thứ chấp ngoại tánh không tánh, giác Tự tâm hiện lượng. Vọng tưởng là, tư tưởng tác hành sanh, chẳng phải chẳng tác hành. Lìa tâm vọng tưởng tánh không tánh thì thế gian, xuất thế gian, xuất thế gian thượng thượng tất cả pháp phi thường phi vô thường… Chẳng giác Tự tâm hiện lượng rơi vào hai bên ác kiến tiếp nối. Tất cả ngoại đạo chẳng giác vọng tưởng mình, phàm phu này không có căn bản. Nghĩa là thế gian, xuất thế gian, xuất thế gian thượng thượng nói từ vọng tưởng sanh, chẳng phải chỗ giác của phàm ngu.
Như Lai đã nói các pháp phi thường vô thường, vì chẳng chấp nhận ngoại tánh có sanh diệt, chỉ nói ba cõi duy tâm, đây là ba đời chư Phật đồng một chỉ thú. Bởi vì các thứ sanh diệt do tứ đại và tạo sắc nhân duyên hội hiệp dường như có sai biệt. Song thật không có năng tạo sở tạo, do vô thủy bất giác một lúc liền hiện, nên nói “ba cõi duy tâm”. Không thể liễu đạt duy tâm mà khởi hai thứ vọng tưởng năng tạo sở tạo tức rơi vào kiến chấp có không, liễu đạt thì chóng lìa, chỉ một tâm lượng. Cho nên biết, tất cả tứ đại trong ngoài, sắc tâm các pháp đều do vọng tưởng phân biệt mà sanh tất cả hạnh nghiệp. Các hạnh nghiệp ấy chẳng thật có sanh thì chẳng lại đợi không. Chỉ lìa hai thứ phân biệt có không thì Tự tâm hiện lượng thẳng đó hiện tiền, do đó Như Lai nói phi thường vô thường vậy. Nhân vọng tưởng mà bày hiện thế, xuất thế, xuất thế thượng thượng ba thứ pháp phân biệt, không thể nói là thường. Tức nhân vọng tưởng mà bày hiện thế, xuất thế, xuất thế thượng thượng ba thứ trí vô phân biệt, không thể bảo vô thường. Ngoại đạo có hai thứ ác kiến bởi do chẳng giác Tự tâm hiện lượng, nơi vọng tưởng phân biệt không thể chính đó phát minh, được vô phân biệt căn bản tánh trí. Cho nên Như Lai ba thứ pháp theo chúng sanh phân biệt mở nói phương tiện, chẳng phải chỗ giác của phàm ngu.
G11- TỔNG TỤNG.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:
Xa lìa nơi mới tạo
Và cùng hình xứ khác
Tánh cùng sắc vô thường
Ngoại đạo ngu vọng tưởng.
Các tánh không có hoại
Đại đại tự tánh trụ
Ngoại đạo tưởng vô thường
Chìm tại các thứ chấp.
Các chúng ngoại đạo kia
Không hoặc sanh hoặc diệt
Đại đại tánh tự thường
Sao nói tưởng vô thường.
Tất cả duy tâm lượng
Hai thứ tâm lưu chuyển
Nhiếp thọ và sở nhiếp
Không có ngã ngã sở.
Phạm thiên là cội cây
Cành nhánh trải khắp giáp
Như thế ta nói ra
Chỉ là tâm lượng kia.

Tụng nói ngoại đạo chấp tất cả vô thường đều bị vọng tưởng làm ngu, kỳ thật tất cả pháp không có tướng hoại. Chủng tánh các đại mỗi thứ trụ nơi pháp vị, tất cả sanh diệt là tự tướng Chân như. Bởi do chẳng biết tâm lượng lầm cho là vô thường bị kiến chấp làm chìm. Nếu biết tất cả duy tâm thì hai kiến chấp lưu chuyển cũng duy tâm hiện, thẳng đó năng nhiếp sở nhiếp không, không có tác giả, toàn vọng là toàn chân, đâu lại có riêng. Cho nên chính ngay chỗ chấp kia cho Phạm thiên là cội cây hay sanh tất cả hữu tình khắp giáp ba cõi. Các thứ tà vọng, Như Lai nói đều duy tâm lượng, giác tức Bồ-đề chẳng nhọc chuyển biến. Đây là đến chỗ vọng chấp của ngoại đạo khiến họ thoạt nhiên biết quấy liền đồng bản đắc. Như Lai dạy người có thể gọi là từ bi cùng tột vậy.

D5- CHỈ NHƯ LAI ĐỆ NHẤT NGHĨA CHÓNG TRỪ CÁC ĐỊA, RIÊNG HIỂN DUY TÂM.

Có năm:
E1- NHÂN ĐẠI HUỆ HỎI CHÁNH THỌ, TRƯỚC CHỈ HÀNH TƯỚNG THẤT BÁT ĐỊA.
Khi ấy, Bồ-tát Đại Huệ lại bạch Phật: Thế Tôn! Cúi xin vì nói tất cả Bồ-tát, Thanh văn, Duyên giác diệt chánh thọ (diệt tận định) thứ lớp tương tục. Nếu giỏi nơi tướng diệt chánh thọ thứ lớp tương tục, con và các Bồ-tát trọn chẳng vọng bỏ diệt chánh thọ lạc môn, chẳng rơi vào tất cả Thanh văn, Duyên giác, ngoại đạo, ngu si. Phật bảo Đại Huệ: Lắng nghe, lắng nghe! Khéo suy nghĩ đó, ta sẽ vì ông nói. Đại Huệ bạch Phật: Thế Tôn! Cúi xin vì nói. Phật bảo Đại Huệ: Đại Bồ-tát đệ lục địa và Thanh văn, Duyên giác nhập diệt chánh thọ; đại Bồ-tát đệ thất địa niệm niệm chánh thọ, lìa tất cả tướng tánh tự tánh chánh thọ, chẳng phải Thanh văn, Duyên giác. Thanh văn, Duyên giác rơi vào có hành giác, tướng năng nhiếp sở nhiếp diệt chánh thọ. Thế nên, Bồ-tát Thất địa phi niệm chánh thọ, được tất cả pháp tướng không sai biệt, chẳng phải được từng phần các thứ tướng tánh, giác tất cả pháp thiện chẳng thiện tánh tướng chánh thọ. Thế nên Bồ-tát Thất địa không thiện niệm chánh thọ. Đại Huệ! Bồ-tát Bát địa và Thanh văn, Duyên giác tâm ý ý thức tướng vọng tưởng diệt.
Nhập diệt tận định Tam thừa đều có. Thảy vì đối trị tâm ý ý thức của phàm phu, lìa tất cả tâm niệm phân biệt ngã và ngã sở. Chỉ vì Nhị thừa chẳng giác Tự tâm hiện lượng như huyễn như mộng, vì đối trị nên thành thật pháp, nơi pháp chánh định chưa quên năng sở, có giác có hạnh, cho nên chẳng bằng Bồ-tát Thất địa niệm niệm chánh thọ. Sơ địa đến Lục địa vẫn không thể như Bồ-tát Thất địa niệm niệm chánh thọ. Song do Đại thừa vào phần kiến đạo, tuy có đối trị chưa lìa giác hạnh, nhưng đều thuộc phương tiện không cho là thật pháp. Mới biết lý do Thất địa được niệm niệm chánh thọ, do giác Tự tâm hiện lượng rồi xả phương tiện, lìa tất cả tướng tánh tự tánh, được tuệ vô sai biệt, đây là nguyên nhân Nhị thừa chẳng có phần. Được các thứ tướng tánh, giác tất cả pháp tánh tướng thiện chẳng thiện chánh thọ là, chính chỉ Nhị thừa sợ rơi vào tướng không sai biệt, muốn được các thứ tánh tướng thiện chẳng thiện mà vào chánh thọ, bỏ sanh đến diệt, phân biệt chưa quên, nên nói “dùng trạm (lặng) hiệp trạm (lặng) về tột mé thức”, cho nên không có thiện niệm chánh thọ của Thất địa. Thiện niệm tức là niệm niệm, cũng tức là phi niệm. Nói đệ Bát địa mới hay diệt vọng tưởng tâm ý ý thức Nhị thừa là, đến đệ Bát địa được pháp vô ngã, tâm thức mới hết. Sơ địa đến Thất địa tuy giác Tự tâm hiện lượng đều hay lìa tâm ý ý thức, nhưng đến Bát địa mới hết, nên nói “Bát địa diệt”. Thất địa đã không phương tiện giác hạnh được niệm niệm chánh thọ, mà chẳng nói Thất địa diệt, bởi chánh thọ sức thắng, pháp vô ngã chưa hiện, bản nguyện đại bi vẫn đợi nhớ niệm, cho nên chẳng nói cứu kính diệt. Song đến Bát địa vẫn nhờ chánh định, giác tâm gia trì, mới hay cứu kính viên mãn Như Lai địa, huống là Thất địa. Đại Huệ nhân ở trên tướng thường vô thường đã biện tà chánh, nơi đây lại thỉnh nói về các địa chánh thọ, muốn rõ được chỗ sai biệt của Đại thừa và Nhị thừa, cùng chỗ sai biệt của mỗi địa Bồ-tát, vì những người tu hành phát minh để tăng tấn.
E2- CHỈ SƠ ĐỊA CHO ĐẾN THẤT ĐỊA, CÙNG NHỊ THỪA ĐỒNG KHÁC.
Đại Bồ-tát từ Sơ địa đến Thất địa quán tam giới lượng tâm ý ý thức, lìa ngã ngã sở, tự vọng tưởng tu, rơi vào ngoại tánh các thứ tướng. Ngu phu hai thứ tự tâm nhiếp sở nhiếp thảy không biết, chẳng giác vô thủy lỗi ác hư ngụy tập khí huân nên.
Sơ địa đến Thất địa, bản Đường, Ngụy dịch đều nói “Sơ địa đến Lục địa, do Bồ-tát đã có chánh thọ cùng Nhị thừa đồng, duy đến Lục địa”. Bản dịch này nói chỗ thấy của Bồ-tát cùng Nhị thừa khác, nên nói Thất địa. Văn sau liền chỉ ra hành tướng Bát địa. Bồ-tát đạt Tự tâm lượng nên hay quán tam giới trong ngoài đều do tâm ý ý thức bất giác hiện ra, vốn không có ngã sở, chỉ tự vọng tưởng nên ngoài thấy có tánh tướng. Nhị thừa chẳng đạt Tự tâm rơi vào hai bên có không. Khởi cảnh giới năng thủ sở thủ, cho nên tuy cùng Lục địa đồng một chánh thọ mà Bồ-tát liễu đạt tất cả tánh không có tướng tự tánh mà vào chánh thọ. Nhị thừa giác các thứ tướng khác hi vọng mà vào chánh thọ. Một bên dùng sức phương tiện trừ sạch hiện tập. Một bên do chẳng giác chẳng biết bị vô thủy hư ngụy tập khí chuyển. Một quyền một thật đã chứng rõ ràng.
E3- CHỈ BÁT ĐỊA TAM-MUỘI GIÁC TRÌ.
Đại Huệ! Đại Bồ-tát Bát địa là Thanh văn, Duyên giác Niết-bàn. Bồ-tát là do tam-muội giác gia trì, nên tam-muội môn lạc chẳng vào Niết-bàn. Nếu chẳng gia trì thì Như Lai địa chẳng đầy đủ, vì ném bỏ tất cả việc hữu vi của chúng sanh, hạt giống Phật ắt phải đoạn. Chư Phật Thế Tôn vì chỉ vô lượng công đức bất khả tư nghì của Như Lai. Thanh văn, Duyên giác nơi tam-muội môn được vui, bị dẫn, nên khởi tưởng Niết-bàn.
Bồ-tát Bát địa cũng có tam-muội lạc môn của Nhị thừa, do sức bản nguyện, tuy ở trong tam-muội do giác gia trì nên chẳng vào Niết-bàn. Nếu chẳng gia trì thì không thể đầy đủ địa Như Lai, dẹp bỏ chúng sanh thì hạt giống Phật ắt phải đoạn. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm Bồ-tát Bát địa được mười phương Như Lai đồng thanh khuyến phát, bảo: “Chỗ sở đắc của ông Nhị thừa cũng có, phải nhớ vô lượng bất khả tư nghì công đức.” Thế nên biết, Bát địa phát khởi thảy do thần lực chư Phật, chẳng bị say cái tam-muội lạc của Nhị thừa. Thần lực chư Phật mà nói tam-muội giác gia trì, là Bồ-tát sơ phát tâm trụ do giác Tự tâm hiện lượng vào Như Lai giác, đồng thể nhiếp trì cảm ứng đạo giao, dùng Phật giác tự giác, ở trong tam-muội tự nhiên thức tỉnh không thể nghĩ bàn.
E4- CHỈ THẤT BÁT ĐỊA XẢ LY TAM-MUỘI HIỆN TỰ TÂM LƯỢNG.
Đại Huệ! Ta phân bộ Thất địa khéo tu tướng tâm ý ý thức, khéo tu ngã ngã sở nhiếp thọ, nhân pháp vô ngã, tự tướng cộng tướng sanh diệt, khéo được tứ vô ngại, sức quyết định tam-muội môn địa thứ lớp tương tục, vào pháp đạo phẩm. Chẳng khiến đại Bồ-tát chẳng giác tự tướng cộng tướng, chẳng rành về Thất địa, rơi vào lối tà của ngoại đạo, cho nên lập địa thứ lớp. Đại Huệ! Kia thật không có hoặc sanh hoặc diệt, trừ Tự tâm hiện lượng, nên nói “địa thứ lớp tương tục và tam giới các thứ hạnh”, chỗ kẻ ngu không thể giác. Chỗ kẻ ngu không thể giác là, ta và chư Phật nói địa thứ lớp tương tục và nói tam giới các thứ hạnh.
Phân bộ là phân biệt diễn nói. Như Lai nơi Thất địa phân biệt diễn nói. Nghĩa là Thất địa sanh nhân đã đoạn đồng với Nhị thừa, rất dễ đắm nhiễm nên vì phân biệt. Nếu khéo phân biệt tâm ý ý thức đều Tự tâm hiện không có ngã ngã sở. Không ngã thì nhiếp thọ không người. Không sở thì nhiếp thọ không pháp. Không người không pháp thì lìa hi vọng đồng tướng và dị tướng. Bởi Nhị thừa giác các thứ dị tướng hi vọng chánh định nên dễ chấp lấy Niết-bàn. Nếu hay khéo biết chỗ này thì hay hiểu rộng pháp nghĩa Nhất thừa, giỏi tứ vô ngại, nơi tam-muội môn được sức quyết định tự giác gia trì, dùng đây để soi sáng các địa, tăng tiến đạo phẩm. Cho nên nói “chẳng khiến Bồ-tát chẳng giác tự tướng cộng tướng, chẳng rành về Thất địa, rơi vào lối tà của ngoại đạo”. Đây là chỉ thú Như Lai lập địa, mà nơi Thất địa rất phải dè dặt e rơi vào lối tẽ. Lại nói “kia thật không có hoặc sanh hoặc diệt, trừ Tự tâm hiện lượng”. Nên nói “địa thứ lớp tương tục và tam giới các thứ hạnh”. Như Lai trước sau nêu cao bảo vệ pháp môn duy tâm. Nghĩa là duy Tự tâm không có các địa thứ lớp. Lại cùng tất cả hành tướng trong tam giới, khi giác Tự tâm hiện lượng thì được không thật có. Từ không thật có kiến lập tất cả pháp, vì độ kẻ bất giác chẳng phải vì người  giác.
Lại nữa, Đại Huệ! Thanh văn, Duyên giác Bồ-tát đệ bát địa diệt tam-muội môn lạc say bị say, chẳng rành Tự tâm hiện lượng, bị tập khí tự tướng cộng tướng làm chướng, rơi vào nhân pháp vô ngã, kiến chấp pháp nhiếp thọ, vọng tưởng khởi tưởng Niết-bàn, chẳng phải trí tuệ giác tịch diệt. Đại Huệ! Bồ-tát thấy diệt tam-muội môn lạc, bản nguyện thương xót, đại bi thành tựu, biết phân biệt mười câu vô tận, chẳng vọng tưởng khởi tưởng Niết-bàn. Kia đã Niết-bàn, vì vọng tưởng chẳng sanh, lìa vọng tưởng năng nhiếp sở nhiếp. Giác rõ Tự tâm hiện lượng thì tất cả các pháp vọng tưởng chẳng sanh, chẳng rơi vào ngoài tâm ý ý thức chấp trước vọng tưởng tướng tánh tự tánh, chẳng phải Phật pháp nhân chẳng sanh, tùy trí tuệ sanh được Như Lai tự giác địa.
Trên vì Thất địa phân bộ chẳng khiến rơi vào lối tẽ, đây đối với Bát địa thống thiết đinh ninh. Bởi vì Thanh văn Duyên giác đến khi đăng quả đồng với Bồ-tát đệ bát Bất động địa, tất cả thế gian xuất thế gian tưởng niệm hằng dứt, chỉ chẳng rành Tự tâm lượng bèn bị tập khí tự tướng cộng tướng che ngăn, thấy pháp ngoài tâm khởi tưởng Niết-bàn, không có tuệ tịch diệt. Cho nên Bồ-tát Bát địa đối diệt tam-muội lạc hiện tiền liền nhớ nghĩ bản nguyện, khởi tâm đại bi, dùng mười câu vô tận (thập vô tận cú) thành tựu Phật địa, chẳng vào Niết-bàn. Nghĩa là đã vào Niết-bàn, chẳng lẽ lại vào Niết-bàn. Bồ-tát này giác Tự tâm hiện lượng không có năng thủ sở thủ, thấy tất cả pháp chẳng phải riêng có, hằng lìa tâm ý ý thức và các thứ tánh tướng trong tam giới, chuyển thân vọng tưởng làm tự giác thánh trí, y thánh trí sanh đến cứu kính giác địa. Cho nên nói “vọng tưởng chẳng sanh, mà chẳng phải Phật pháp nhân chẳng sanh”.
Như người trong mộng dùng phương tiện qua sông, khi chưa qua đã thức, thức rồi suy nghĩ là chánh hay là tà? Chẳng phải chánh chẳng phải tà? Các cái thấy nghe hiểu biết từ vô thủy nhân tưởng các thứ tập khí, các thứ hình xứ rơi trong tưởng có không nên tâm ý ý thức mộng hiện.
Đây dụ tập khí vọng thấy tự tướng cộng tướng khởi tưởng Niết-bàn, mà thật đều Tự tâm hiện ra, không có nhân pháp, cũng không có cảnh giới năng độ sở độ. Như người trong mộng dùng phương tiện qua sông, thức rồi tâm dừng không thể nói tà chánh, chỉ là từ vô thủy tập khí còn thừa thấy nghe hiểu biết phân biệt. Nơi tất cả sắc tâm các pháp vọng chấp có không đều là việc mộng do tâm ý ý thức hiện ra, không có cảnh giới thật.
Đại Huệ! Như thế đại Bồ-tát nơi đệ Bát địa Bồ-tát thấy chỗ vọng tưởng sanh. Từ Sơ địa chuyển tiến đến đệ Thất địa thấy tất cả pháp phương tiện như huyễn v.v… độ tâm hạnh vọng tưởng năng nhiếp sở nhiếp rồi, khởi Phật pháp phương tiện, người chưa được khiến được. Đại Huệ! Đây là Bồ-tát Niết-bàn phương tiện chẳng hoại, lìa tâm ý ý thức được vô sanh pháp nhẫn. Đại Huệ! Đối với đệ nhất nghĩa không có thứ lớp tương tục, nói pháp không thật có vọng tưởng tịch diệt.
Nương trên dụ qua sông, đệ Bát địa Bồ-tát cũng lại như thế. Bồ-tát đến đệ Bát địa mới thấy chỗ vọng tưởng sanh. Nghĩa là giác Tự tâm hiện lượng, đạt tất cả vọng tưởng đều do bất giác vọng thấy có không, đến đệ Bát địa các vọng tưởng dứt, mới thấy chỗ sanh vọng tưởng. Thấy chỗ sanh vọng tưởng mới biết từ Sơ địa đến đệ Thất địa đã có tất cả pháp tướng trọn như mộng huyễn, được trí phương tiện bình đẳng, độ tâm năng sở vọng tưởng hằng dứt, liền dùng tuệ phương tiện tự lợi lợi tha đến cứu kính Phật địa. Đây là Bồ-tát vô trụ xứ Niết-bàn chẳng phải Nhị thừa quyết định tịch diệt Niết-bàn. Bồ-tát vô trụ xứ Niết-bàn lìa tâm ý ý thức, đối tất cả chỗ không hoại phương tiện, được vô sanh nhẫn, đây là đệ nhất nghĩa pháp không thật có tịch diệt. Nên nói “nơi đệ nhất nghĩa không có thứ lớp tương tục, nói pháp không thật có vọng tưởng tịch diệt”. Không thứ lớp là không có các địa thứ lớp.
E5- CHỈ DUY TÂM XOAY VỀ TRỪ CÁC ĐỊA.
Khi ấy, Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ:
Tâm lượng không thật có
Đây trụ đến Phật địa
Khứ lai và hiện tại
Ba đời chư Phật nói
Tâm lượng địa đệ thất
Không thật có đệ bát
Hai địa tên là trụ
Phật địa tên tối thắng
Tự giác trí và tịnh
Đây tức là địa ta
Chỗ tự tại tối thắng
Thanh tịnh khéo trang nghiêm
Chiếu sáng như lửa mạnh
Ánh sáng soi khắp nơi.
Sáng lòa chẳng mờ mắt
Xoay vòng hóa ba cõi
Hiện tại hóa ba cõi
Hoặc có khi trước hóa
Nơi kia diễn nói thừa
Đều là Như Lai địa
Thập địa tức là sơ
Sơ tức là Bát địa
Đệ cửu tức là thất
Thất cũng lại là bát.
Đệ nhị là đệ tam
Đệ tứ là đệ ngũ
Đệ tam là đệ lục
Không có thứ lớp gì.

Bài kệ thứ nhất nói các địa Phật địa đều không thật có, thảy là một duy tâm, ba đời Như Lai không có nói khác. Bài kệ thứ hai nói Thất địa chưa lìa tâm lượng, Bát địa lìa chưa cứu kính, chưa phải là hành xứ của Như Lai. Bài kệ thứ ba về sau đều nói Phật địa. Tự giác trí và tịnh tức là trí và tịnh dung nhau, nên nói “Pháp thân thanh tịnh cùng Pháp thân vô cấu” hiệp hai nghĩa này thành tựu Như Lai tự giác. Cho nên người được tự giác thánh trí tức ở cõi trời Sắc cứu kính trong cung Đại bảo hoa thành Đẳng chánh giác, làm Bồ-tát Thập địa hiện thân rộng lớn ánh sáng chiếu soi, do đó đại hóa tiểu hóa tùy thuận hóa khắp giáp hiện tại, hoặc trước hoặc sau, đã có kiến lập thừa địa đều là Nhất thừa, thừa thừa đều là Phật thừa. Bởi vì Sơ địa cho đến Thập địa, một địa tức tất cả địa, tất cả địa tức một địa. Kinh Hoa Nghiêm hàng Thập trụ sơ tâm thành Đẳng chánh giác cùng Phật không khác. Ở đây Như Lai kiến lập pháp môn đệ nhất nghĩa, chóng trừ các địa riêng bày duy tâm.
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 114
  • Khách viếng thăm: 112
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 2364
  • Tháng hiện tại: 417226
  • Tổng lượt truy cập: 59857243

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile