MỤC LỤC
Thỉnh nguyện tăng:
- Đoạn 1
- Đoạn 2
Thỉnh nguyện ni:
- Đoạn 1
- Đoạn 2
Câu chuyển buổi chiều
============
Phụng Hoàng Cảnh Sách
Tập 3
Câu chuyện buổi chiều
Thầy đi ra ngoài nhà khách, thấy một người Mỹ đứng với một chú sinh viên, đó là cô giáo dạy Anh văn ở trường Đại học Đà Lạt. Cô Mỹ thưa:
- Thưa Thầy, con muốn hỏi thiền.
Thầy dẫn vô nhà khách nói chuyện. Cô ấy đạo Tin Lành, nói tiếng Việt khá, qua đây một năm rồi, giờ muốn học thiền.
Cô hỏi:
- Thiền là sao?
Thầy nói:
- Thiền không cần giải nghĩa, thiền là quay lại tìm hiểu con người mình đúng như thật. Trước hết phải biết rõ thân này. Thân này thật không? Thân này do duyên hợp, nói thực tế là do bốn thứ đất, nước, gió, lửa hợp thành. Chất cứng là đất, chất ướt là nước, động là gió, ấm là lửa. Bốn thứ đó bên trong, muốn cho nó tồn tại lâu dài phải nhờ bốn thứ bên ngoài: hít vô là mượn không khí trời đất, thở ra là trả; rồi ăn uống vô, trả ra... Tất cả cái đó mượn rồi trả, nếu mượn không trả được thì chết. Như vậy mạng sống này là thật hay giả? Nếu thật ắt không phải mượn, nếu đã mượn tức không phải thật. Vậy biết khái quát thân này là vay mượn.
Thầy hỏi cô Mỹ có đồng ý vậy không? Cô đồng ý. Thầy giải thích tiếp:
- Đó là biết về thân. Còn về tâm (cô cũng biết chữ tâm nữa), người thế gian nhận cái suy nghĩ phân biệt, khôn dại, phải quấy là tâm. Bởi nghĩ chúng là tâm mình, chấp cái suy nghĩ của mình là đúng nên ai nghĩ khác cho là sai hoặc ai đồng ý với mình thì thích, ai phản đối liền giận. Nhưng cái nghĩ có phải là mình chưa? Mình nghĩ hơn thua phải quấy cả trăm thứ, cái nào là mình? Chẳng lẽ mình là trăm thứ đó?
Thầy hỏi:
- Theo con nghĩ, mình là một hay là nhiều?
- Mình là một.
- Như vậy khi nghĩ cả trăm thứ thì mình ra sao? Cái nghĩ có phải là mình không?
- Không phải!
- Lại có khi mình đang ngồi chơi, không nghĩ gì cả, nếu cái nghĩ là mình thì khi không nghĩ không có mình sao? Như vậy, một là khi không suy nghĩ thì cái biết hiện tiền, vì mình hay nghĩ lăng xăng nên cái biết hiện tiền đó bị mờ đi. Hai là các suy nghĩ lăng xăng khi có khi không, còn mình lúc nào cũng hiện hữu, nên cái gì chợt có chợt không, không phải là mình. Thứ ba, nếu cái đang nghĩ là mình, khi quay lại tìm coi nó ở đâu, liền mất tiêu không còn tăm tích. Như vậy nó không có thật, không phải là mình. Qua ba điều trên xác định cái suy nghĩ không phải thật là mình.
Cô Mỹ chấp nhận. Thầy nói tiếp:
- Cái gì là mình thật? Thí dụ cái gương, nếu có bóng người hay vật trong gương, chúng ta lo nhìn bóng quên gương. Khi bóng người, vật không có thì gương hiện tiền. Vì cả trăm thứ bóng che mờ nên mình không nhớ mặt gương, bao giờ những cái bóng sạch hết thì mặt gương hiện tiền. Cũng như vậy, cái suy nghĩ lăng xăng không phải thật mình, nhưng vì mải mê theo những cái bóng đó nên quên mất mình. Làm sao cho mọi suy nghĩ dừng lặng, cái thật liền hiện tiền. Như vậy thiền là gì? Thiền là dừng hết những thứ lăng xăng để lòng yên tịnh, nhận ra cái chân thật hiện tiền.
Vậy thiền là trở về cái chân thật của chính mình. Có ba chặng:
Thứ nhất: biết thân giả tạm này không phải là mình.
Thứ hai: biết cái suy nghĩ không phải là mình.
Thứ ba: cái chân thật hiện tiền.
Không chấp vào hai cái giả trên thì cái thật hiện tiền. Như vậy, nói chung người tu Phật, nói riêng người tu thiền cốt nhận chân được lẽ thật về con người. Biết rõ mình, biết mình là cái gì, đó là biết cái chân thật. Nếu chúng ta không biết mình mà biết tất cả thứ bên ngoài thì cái biết đó trở thành vô nghĩa trên con đường tìm cầu giác ngộ.
Thầy nói vậy cô ấy đồng ý. Tụi con nghe quen thấy dễ hiểu, cô giáo Mỹ đó mới nghe mà cũng hiểu. Thầy dẫn cho đi một vòng chơi, thấy tụi con ngồi thiền, cô nói khi nào sắp xếp công việc xong sẽ xin vào đây tập tu. Như vậy mới thấy người Tây phương đang muốn học thiền. Cô ấy không trực tiếp hỏi Thầy mà hỏi người bạn dẫn đi: “Bây giờ biết đạo Phật rồi, mình nên đi nhà thờ nữa không?” Chú kia cởi mở trả lời: “Đi cứ đi, còn hiểu đạo Phật thì đem ứng dụng sống.”
Ứng dụng tu thiền là khi có vọng tưởng biết có vọng, khi có phiền não tham sân si biết có phiền não, rồi tự sửa đổi. Khi tâm thanh tịnh sáng suốt cũng biết rõ ràng. Bây giờ Thầy dạy Phật tử qui y năm giới, nhờ giữ tròn năm giới đời họ bớt khổ, gia đình và xã hội cũng bớt khổ. Hoặc là dạy cho họ biết nhân quả, trong cuộc sống nhân nào tốt thì làm, nhân nào xấu đừng làm, chắc chắn có kết quả tốt. Đó là lẽ thật.
Chúng ta tu đúng lẽ thật, dạy người khác tu đúng lẽ thật.
Hiện giờ mình tham sân si nhiều là tại sao? Vì mê lầm thấy thân này thật, cho cái suy nghĩ là thật. Chấp hai thứ đó nên giận hờn phiền não cả ngày. Chấp thân thật, ai ăn hiếp liền giận, chấp tâm thật, ai trái ý liền giận. Bây giờ biết thân và tâm không thật thì còn gì giận? Nếu tụi con biết thân tâm không thật, bảo đảm tụi con hết tham sân si. Do thấy không thật nên hết si, hết si tức hết tham, không tham liền hết sân. Tu hành kết quả thực tế rõ ràng như vậy.
Đạo Phật nói sự thật, đem chân lý lại cho con người, chớ không phải chỉ dạy mơ hồ. Như trong Tương Ưng Bộ có câu chuyện:
Một hôm có vị Thôn trưởng tới bạch Phật:
- Các vị Bà-la-môn thờ lửa, khi có tín đồ mạng chung, thường cử hành nghi lễ để đưa họ về thiên giới. Còn Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, có cách nào giúp cho toàn thể chúng sanh thân hoại mạng chung được sanh về cõi lành hay không?
Phật bảo:
- Này Thôn trưởng, nếu có người quăng tảng đá nặng xuống hồ nước sâu, rồi tụ tập quần chúng đông đảo đến chung quanh cầu nguyện cho tảng đá nổi lên, có được như nguyện không?
- Thưa, không.
- Nếu như có người bình sanh ưa sát sanh, trộm cắp... không từ nan bất cứ tội ác nào. Đến lúc thân hoại mạng chung, người ấy được số đông đến khen ngợi cầu nguyện cho họ được sanh lên cõi trời..., kẻ ấy có được như nguyện chăng?
- Thưa, không.
- Nếu lại có người đem dầu đổ xuống nước. Xong họ tụ tập một số đông người đến chung quanh chắp tay cầu nguyện cho dầu ấy chìm xuống đáy nước, người ấy có thể được như nguyện không?
- Thưa, không.
- Nếu như có người từ bỏ đời sống sát sanh, trộm cắp... không có tâm tham và sân, theo chánh tri kiến. Đến khi thân hoại mạng chung, bị một số đông người chắp tay nguyền rủa cho họ rơi vào ác đạo, thì người làm lành ấy có rơi vào cõi dữ không?
- Bạch Thế Tôn! chắc chắn là không rồi.
- Thế thì, ông đã hiểu bằng cách nào Như Lai giúp cho toàn thể chúng sanh, sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào cõi lành rồi chứ?
Như vậy, người có nghiệp thiện giống như dầu, dù ai ác ý nguyền rủa họ xuống địa ngục họ cũng không bị xuống; còn người nghiệp ác nặng giống như đá, dù các ông có lòng cầu nguyện cho họ được lên cõi lành cũng không được, họ nhất định bị đọa. Đó là sự thật.
Chúng ta phải nắm vững sự tu hành của mình, rồi đem dạy người ta tu. Người nào tu một chút là đỡ khổ một chút, tu nhiều đỡ khổ nhiều, tu bao nhiêu đỡ khổ bấy nhiêu. Tu mấy chục năm mà phiền não còn nguyên là tu không có kết quả. Phải hiểu tường tận đường lối tu. Thầy thường tìm hiểu lẽ thật chớ không chịu xưa bày nay làm. Tụi con phải gắng công thực hiện những lời Phật Tổ dạy cho có kết quả thiết thực, để đời mình chuyển hóa từ người tầm thường thành người đạo đức. Nếu không cố gắng tu mà cứ chờ chết cầu về chỗ này chỗ kia, thật là mơ hồ.
------------
Hôm qua có mấy vị cư sĩ đến, Thầy nói chuyện đạo lý với họ. Người tu thấy thân này không thật nhưng người thế gian thấy thân này thật. Họ hỏi:
- Sao Thầy nói thân này không thật?
Thầy trả lời:
- Thân này do tứ đại hòa hợp, trong đạo Phật gọi là nội tứ đại, ở trong hợp thành thân, chất cứng là đất, ướt là nước, động là gió, nóng là lửa. Do bốn chất đó hợp lại thành, nên thân này không thật. Thân này tự nó hợp lại chưa bảo đảm được cuộc sanh tồn, nên phải mượn tứ đại bên ngoài. Quí vị ngồi đây lỗ mũi đang làm gì? Đang thở. Thở là mượn không khí, hít vô rồi trả ra. Nói ngồi chơi chớ có khi nào chơi đâu, phải làm việc đều đều. Đến khi nào trả ra không mượn lại được là chết.
Nếu nói thân thật thì không cần mượn, mượn tức không thật. Chúng ta mượn hơi thở vô ra thường xuyên, lát lại mượn tách nước, rồi trả ra, đó là mượn nước; mượn cơm, bánh mì, rồi trả ra, là mượn đất. Như vậy mượn đất nước gió lửa vô rồi trả ra. Cứ vậy cả ngày, suốt đời chỉ có mượn trả. Nói mình sống chớ sự thật là đang vay mượn. Khi ngưng vay mượn là chết. Nếu mượn trả suôn sẻ gọi là an vui hạnh phúc, còn bị trục trặc thì chở đi bệnh viện, như đem vô mà không trả ra được có chở đi cấp cứu không? Như vậy mạng sống con người, chẳng qua là vay mượn, mà vay mượn làm sao thật được.
Bởi vậy người tu Phật phải có trí tuệ thấy được lẽ thật của thân này là vay mượn tạm bợ nên không cố chấp, không cố chấp nên không tham ăn tham mặc... Do thấy thật nên tham đủ thứ, còn thấy không thật liền hết tham, hết sân. Vì muốn mà bị ngăn lại là nổi sân, nay hết tham thì không còn sân. Thấy thân không thật là trí tuệ, từ trí tuệ phá được si. Bỏ được tham, sân, si đó là phá ba độc.
Chỉ theo căn bản đó tu sẽ hết khổ đau, nên có câu “Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, nghĩa là có trí tuệ thấy rõ năm uẩn không thật, liền qua hết thảy khổ ách. Thấy thân không thật nên không tham, không tham sẽ không nóng giận thì đâu có khổ. Khổ là do không có trí tuệ, thật đơn giản làm sao!
Nghe Thầy nói vậy, họ lại đặt câu hỏi:
- Sở dĩ người ta ham làm việc này nọ là để thụ hưởng, bây giờ biết thân giả, không tham nữa, do đó không ai muốn làm gì hết, xã hội đi xuống. Như vậy đạo Phật dạy người ta bi quan thối lùi phải không?
Thầy trả lời:
- Người tu theo Phật, thấy thân giả không yêu quí, không tham cho mình thụ hưởng nhưng có lòng thương mọi người, muốn giúp họ được ấm no hạnh phúc, thấy người ta khổ liền cứu. Bởi vậy Phật giáo Đại thừa có Ngũ minh:
1- Nội minh: là thông suốt kinh điển.
2- Nhân minh: là học các cách lý luận.
3- Y phương minh: là làm thầy thuốc trị bệnh cho người ta.
4- Công xảo minh: là có nghề nghiệp khéo để giúp người, thí như thấy người ta thất nghiệp, mình có nghề gì đó bày giúp cho người ta làm.
5- Thanh minh: là biết ngoại ngữ.
Như vậy đâu phải là không biết các nghề nghiệp, không học nghề thuốc và không biết ngôn ngữ nước ngoài... Biết tất cả để làm lợi ích cho chúng sanh. Nhưng người đời vì tham vật dục thế gian nên kiếm tiền thụ hưởng, còn người tu Phật vì lòng từ bi thương người nghèo thiếu, giúp cho họ có nghề, có tài để họ kiếm sống.
Đó là câu chuyện Thầy trả lời cho mấy vị cư sĩ đến thăm Thầy.
------------
Hồi Thầy mới tu ở Phật Quang, có lần bị sốt rét. Hôm đó, có ông giáo viên ở lại chùa. Thấy Thầy bệnh ông hỏi:
- Thầy tu mà cũng bệnh sao?
Thầy hỏi lại:
- Ông tu có bệnh không?
- Không bệnh.
- Sao không bệnh?
- Ngồi thiền không bệnh. Tu mà bệnh thì tu chi!
Lúc đó Thầy nghĩ: “Thật ngộ quá! Người ta tu không bệnh, còn mình tu lại bệnh, vậy là dở quá rồi.”
Đó là lúc mới tu nên Thầy suy nghĩ cạn cợt như vậy. Thật ra, đạo Phật lấy trí tuệ làm căn bản, biết thân này tạm bợ, có sanh ắt có già, bệnh, chết. Mấy ông tiên nói không bệnh, không chết nhưng tới bây giờ còn ông nào không? Sanh, già, bệnh, chết là lẽ chung của con người, phải thấy rõ như vậy. Muốn không già bệnh là tham, muốn giữ thân này là si. Thân tạm bợ mong manh mà mình muốn giữ nó có phải là si không? Si là không trí tuệ, nên mới có ý niệm muốn giữ thân cho lâu dài không bệnh. Như vậy là không đúng lẽ thật. Tu không phải luyện tập cho thân không bệnh, cứ để tự nhiên khi nào bệnh đến thì đến. Ai có thân cũng đều có già, bệnh, chết. Bệnh có giúp tụi con không?
- Dạ, có.
Nếu mạnh hoài thì tu lơ là thả trôi. Lúc bệnh, nghĩ mình sắp chết nên ráng tu, vì Diêm vương đã gởi thư cảnh giác. Như vậy bệnh là cơ hội đánh thức chúng ta. Tu thiền không sợ bệnh, chỉ tùy duyên tu, khéo ngồi thiền, khéo tập thể dục thì thân ít bệnh. Người tu Phật là mở sáng mắt trí tuệ, trí tuệ là thấy đúng lẽ thật về con người và cuộc sống, chớ không phải cố duy trì một cái không thể duy trì. Ví như chùm bọt, dù cố tình bao bọc, giữ gìn rồi cũng tan nát. Người trí biết hòn bọt sớm muộn gì cũng nát nên không cố bám víu, còn kẻ ngu si cố giữ cho đừng tan.
Như vậy cốt lõi tu Phật là càng tu trí tuệ càng sáng. Không lầm không mê là trí tuệ, là tánh giác sẵn có. Nếu si mê thì dù có giữ thân này mười, hai mươi, hay một trăm năm cuối cùng cũng chết, chết rồi lại thọ thân khác, tiếp tục trôi lăn. Tụi con nhớ như vậy, để có ai hỏi: “các cô tu thiền sao lại bệnh”, biết trả lời cho ổn.
------------
Mấy đứa ngồi thiền có thấy gì lạ không? Nếu có, phải nói cho Thầy biết. Hồi thời Tổ Đạo Tín, vị Tổ thứ tư ở Trung Hoa, có ngài Pháp Dung ở trên núi Ngưu Đầu. Ông chuyên tu thiền định, cứ ngồi hoài, khi chư Tăng tới cũng không thèm chào, người ta mới đặt tên Lại Dung, là ông thầy lười biếng. Khi Tổ Đạo Tín nhìn thấy trên núi có vòng khí lạ, nghi là có người kỳ đặc, Tổ tìm đến thấy ngài Pháp Dung ngồi trên tảng đá. Sau một hồi thăm hỏi qua lại, ngài Pháp Dung hỏi:
- Ngài biết Thiền sư Đạo Tín chăng?
- Vì sao hỏi ông ấy?
- Nghe danh đức đã lâu, khao khát muốn đến lễ yết.
- Đạo Tín là bần đạo đây.
- Vì sao Ngài quang lâm tới đây?
- Vì tìm đến thăm hỏi ngươi, lại có chỗ nào nghỉ ngơi chăng?
Pháp Dung chỉ phía sau, thưa:
- Riêng có cái am nhỏ.
Pháp Dung liền dẫn Sư về am. Chung quanh am toàn loài cọp sói nằm đứng lăng xăng, Sư giơ hai tay lên làm thế sợ. Ngài Pháp Dung hỏi:
- Ngài còn cái đó nữa sao?
Tổ Đạo Tín hỏi:
- Cái đó là cái gì?
Pháp Dung không đáp được. Một lát, Tổ Đạo Tín tới tảng đá Pháp Dung ngồi, vẽ chữ Phật. Ngài Pháp Dung nhìn thấy giật mình.Tổ Đạo Tín hỏi:
- Ông còn cái đó nữa sao?
Pháp Dung không trả lời được, bèn đảnh lễ cầu xin Tổ chỉ dạy tâm yếu. Trước đó, ngài Pháp Dung tu, cọp đến hầu, chim tha trái cây tới cúng dường; sau gặp Tổ Đạo Tín chỉ cho Thiền tông, Ngài tu một thời gian cọp không đến, chim cũng không tha hoa trái cúng dường nữa. Vậy không biết Ngài tu lùi hay tiến?
- Dạ, tiến.
Nếu tiến tại sao hồi đó cọp hầu, chim tha hoa trái cúng dường mà sau lại không tới nữa? Như vậy là tiến vì không còn khởi tâm, dù là tâm lành.
Đến câu chuyện thứ hai, ngài Đạo Ưng ở thất riêng, nhưng mỗi ngày vào tăng đường để thọ trai. Suốt một tuần lễ Sư không vào, ngài Động Sơn thấy lạ hỏi:
- Mấy ngày nay sao ngươi không đến thọ trai?
Ngài thưa:
- Bạch Hòa thượng, mỗi ngày có thiên thần cúng dường.
Được chư thiên cúng dường còn ai hơn nữa, vậy mà ngài Động Sơn quở:
- Ông còn kiến giải. Ông rảnh chiều lại.
Chiều Sư đến, ngài Động Sơn gọi:
- Ưng am chủ!
Sư ứng thanh:
- Dạ!
Ngài Động Sơn bảo:
- Không nghĩ thiện, không nghĩ ác là cái gì?
Sau đó, ngài Đạo Ưng về thất ngồi yên lặng lẽ. Thiên thần tìm mãi không thấy, trải ba ngày như thế mới thôi không cúng dường nữa.
Như vậy, trọng tâm tu thiền là dừng những niệm đối đãi thiện ác, tới chỗ không còn niệm. Vì còn niệm thiện, từ bi, thiên thần thấy nên tới cúng dường; khi hết niệm không tìm được, thiên thần thôi cúng dường.
Hai câu chuyện này cho thấy người tu thiền có nhiều tướng lạ không phải là hay, trái lại nên biết đó là ảo giác, cần phải dứt sạch. Tụi con nhớ ba môn học giới, định, tuệ, từ định phát sanh tuệ chớ không có hình bóng lạ nào bên ngoài tới. Định tức là dứt niệm, trí tuệ sáng lên, đó là đúng. Còn tụi con thấy hay nghe những thứ kỳ lạ bên ngoài, rồi mắc kẹt, đó là bệnh. Có những người ngồi tu, thấy Bồ-tát tới giảng kinh nghe hay quá, ngày mai lại nghe nói về quá khứ vị lai của người này người kia... Nghe thích quá rúng động tinh thần tưởng mình đã chứng đắc, nghe riết rồi nói lảm nhảm, dẫn tới bệnh điên.
Cho nên, tu thiền không có người hướng dẫn, hoặc có người hướng dẫn mà không chịu trình chỗ thấy nghe trong khi tu, tới chừng bệnh thì đã muộn. Từ buổi đầu, vừa có hiện tượng lạ phải trình ngay cho Thầy biết, để Thầy chỉnh lại kịp thời sẽ không có bệnh. Tu thiền của đức Phật là giác ngộ chớ không phải để biết quá khứ vị lai hay để có phép mầu nhiệm. Nếu cầu có phép lạ hoặc biết quá khứ vị lai là thiền ngoại đạo, không phải thiền Phật dạy. Giả sử tụi con ngồi thiền, bất thần đoán biết ngày mai sẽ có người thân đến thăm mình, ngày mai họ tới thật, tụi con có mừng không? Đoán trúng vị lai nhưng cái đó không phải thật.
Kinh Lăng Nghiêm có dạy về Ngũ ấm ma tế nhị vô cùng. Người tu thiền phải thấy rõ tâm mình còn động hay hết động, tâm mình thanh tịnh hay tán loạn. Nếu loạn động thì buông, không cho chạy theo sáu trần, đến lúc lặng hết niệm là định, trí tuệ sáng, thấy được lẽ thật hiện tiền, chớ không mong cái gì khác. Thấy có phép lạ khác thường là không đúng, dễ bị lầm lạc. Bởi vậy tu phải cẩn thận, khi thấy có gì lạ phải trình cho Thầy biết, đừng để nặng quá sau khó sửa, thành bệnh.
Tu thiền điên là do tâm thích sự mầu nhiệm, ưa các phép lạ. Như trong nhà Phật nói: “Phật cao một thước, ma cao một trượng.” Nó ở gần mình lắm, thấy tâm mình thích cái gì, chỉ khi tâm lặng thì hết thấy. Thí như tụi con tu thích có thần thông, nó làm cho có thần thông, nếu thích biết quá khứ vị lai, nó làm cho biết quá khứ vị lai, vậy tưởng như mình đã đắc đạo, song đó là cái dẫn chúng ta lạc đường tà, rất nguy.
Bởi vậy, hướng dẫn người tu cực lắm, tụi con tu sai một chút là Thầy có trách nhiệm. Nếu đứa nào tu sai thấy cảnh lạ mà không trình, Thầy không biết để chỉ dạy, tới chừng bệnh người ta nói “tu theo Thầy nay bị bệnh”. Mà thật Thầy không dạy như vậy, đó là lỗi tại ai? Rồi Thầy bị kết tội dạy tu thiền bị điên, vậy là ưng hay oan?
- Dạ, oan.
Chỉ vì đồ đệ không biết giữ gìn. Tụi con phải hiểu cho rõ để tu. Nhiều khi tụi con không hiểu, thấy một hai cái lạ rồi thỏa mãn, như mình ngồi thiền sáng quá tưởng đâu phát hào quang, thầm nghĩ ai tu cũng không bằng mình. Tu có hào quang là bệnh, tụi con phải hiểu cho thật kỹ. Đừng tu sai tụi con mới tiến tới chỗ cứu kính rốt ráo, nếu sai chạy là lạc đường tà. Nên phải rất cẩn thận.
------------
Có một người khách nghe quí thầy nói chuyện thấy được nhiều cái hay, nhiều đạo lý siêu thoát, nên rất quí kính. Kế đó ông khách xin góp ý. Góp ý đầu tiên là tấm bảng “Nơi tôn nghiêm cấm chụp hình”, chữ “cấm” để màu đỏ. Ông nói: “Theo ý kiến tôi, nên để là ‘Chỗ tu hành xin đừng chụp hình’, còn ở đây ghi là cấm mà còn viết chữ đỏ nữa!” Tụi con thấy tế nhị chưa? Rồi ông ra ngoài mấy đám cỏ thấy để bảng “Cấm bước vào cỏ”, cũng góp ý đổi thành “Xin đừng bước vào cỏ”.
Tụi con thấy mọi người đến đây không phải chỉ nghe mình nói thôi, mà họ nhìn từng hành động, từng cử chỉ của tụi con, của những người tu ở đây, kể cả những điều mình viết. Họ nhìn rồi có những nhận định phê phán.
Bởi vậy tụi con phải cố gắng tu cho được nội tâm an vui. Giả sử Phật tử vào đây tập tu thấy có hai cô đang cãi lộn sừng sộ với nhau chắc Phật tử xách gói đi về. Cho nên tụi con tu lúc nào mặt mày cũng nên tươi vui, chớ khách lại đây thấy mấy cô ngồi bí xị quẹt nước mắt, chắc là xách gói về sớm. Tụi con phải hiểu, không phải mình cố gắng ngoài hình tướng, mà lúc nào cũng phải giữ tâm hồn trong sáng vui tươi. Tự lòng mình an ổn vui tươi đó là thứ thật, còn cố gắng ngoài hình tướng không phải thứ thật. Nhân việc người ta phê phán, Thầy nhắc cho tụi con luôn.
------------
- Mấy cô cư sĩ hổm rày tới tu thấy được niềm vui hay có gì phiền não không?
- Bạch Hòa thượng, chúng con tu được an ổn. Đây thật là một nơi tu hành lý tưởng!
- Tôi nay tuổi đã xế chiều, mặt trời sắp lặn, nên khi thành lập Thiền viện Trúc Lâm tôi tuyên bố: “Đây là lý tưởng tối hậu của đời tôi, Tăng Ni ở đây ráng tu cho đàng hoàng. Bây giờ tôi còn nhắc nhở được, mai kia tôi đi rồi thì quí vị có đức hạnh ra làm Phật sự , nối tiếp ngọn đèn Chánh pháp.” Quí thầy, quí cô nghĩ đến lý tưởng tối hậu đó nên ráng tu. Tuy nhiên, lâu lâu có một hai chú Ma vương chọc ghẹo nên mặt mày không được tươi lắm chớ không đến nỗi nào. Do vậy mấy cô tới đây thấy việc tu an ổn và tổ chức chu đáo. Vì là lý tưởng tối hậu của đời tôi nên Tăng Ni ở đây ráng tu, còn Phật tử khắp nơi cũng ráng ủng hộ.
Quí Thầy lo cho Tăng Ni tu để kế thừa mai kia, còn quí Phật tử chỉ là tu trong gia đình nên quí Thầy không dành riêng thời giờ nhiều. Mấy cô biết tới tập tu là tốt. Hồi xưa tôi có tuyên bố một câu: “tôi là kẻ nợ Tăng Ni, nhưng ai biết đòi tôi trả, không biết đòi thì thôi”, vì nhiều chủ nợ quá nên trả không hết. Sau này tôi nói lại: “Tôi không những là kẻ nợ Tăng Ni mà còn là kẻ nợ của chúng sanh, nếu chúng sanh nào biết đòi tôi trả, không biết đòi thì thôi, chớ tôi không biết làm sao.” Vì sức tôi có hạn, có chừng mực nên nếu quí Phật tử, cư sĩ biết đòi thì lâu lâu chạy lên, còn không biết thì thôi, tôi đi rồi đừng có buồn. Đó là tôi nói rất thành thật.
- Kính bạch Hòa thượng, tụi con đi nhiều chùa rồi nhưng mà nguyện sẽ về đây mãi mãi.
- Về đây mãi mãi đâu có được, phải nhường chỗ cho người khác nữa chứ! Thay phiên nhau tu mới được lợi ích nhiều chớ cắm sào một chỗ không được.
- Bạch Hòa thượng, con không vào tu mà con thường đến thăm các cô.
- Như vậy, tôi là người chủ trương hướng dẫn Tăng Ni tu, còn quí Phật tử là người khuyến khích hộ đạo cho Tăng Ni. Tu có Phật tử thương ủng hộ, đó là trợ lực cho tôi, tốt quá rồi!
------------
Hôm nay trời nắng, Thầy lại thăm nói chuyện một chút. Vừa rồi, có mấy người trình độ kha khá tới đây, thấy chư Tăng Ni ngồi im lìm, họ hỏi ngồi bao lâu. Khi biết mỗi ngày ngồi sáu giờ: chiều hai, tối hai, khuya hai, họ nói với Thầy: “Lúc này thời giờ là vàng bạc, một giờ làm ra bao nhiêu tiền, quí thầy quí cô ngồi im ru như vậy có phải tiêu cực không?” Đó là một câu hỏi Thầy thấy cần phải giải thích cho tụi con hiểu, để mai kia có ai hỏi, biết mà trả lời.
Họ hỏi:
- Ngồi như vậy có tiêu cực không?
Thầy nói:
- Không.
- Tại sao không?
Thầy không trả lời ngay mà hỏi lại:
- Khoa học tìm cái này, phát minh cái kia là tích cực phải không?
- Phải.
Thầy nói:
- Ngồi im lìm như vậy không phải là tiêu cực, trái lại rất quan trọng, cần thiết để soi sáng lại mình, biết được nơi mình cái nào giả cái nào thật, nói tóm lại là tìm cho ra con người thật của chính mình, hoàn toàn biết lại mình. Đó không phải là tiêu cực.
Nói vậy người ta vẫn chưa hiểu, Thầy lấy thí dụ: Có một người khi ai đó hỏi chuyện trên trời trên mây, đông tây nam bắc gì cũng biết rành rõ, mà hỏi lại nhà còn gạo hay hết, không trả lời được, vậy người đó tiêu cực hay tích cực? Còn người biết rành rẽ trong nhà hết rồi mới ra ngoài, người đó có tiêu cực không?
Thầy giải thích: Trong nhà Phật dạy, con người trên thế gian này danh từ chuyên môn gọi là chánh báo, ngoại cảnh là y báo. Chánh báo là quả báo chủ, còn y báo là quả báo phụ. Mình biết tất cả cái phụ mà không biết cái chánh là không hợp lý, không bằng biết cái chánh rồi mới biết cái phụ. Ngày nay khoa học chế ra những đồ tốt, máy móc đủ thứ phục vụ con người, nhưng khi hỏi con người là gì lại không biết, vậy phục vụ cho ai? Cái chủ chốt là con người, nhưng quí vị có biết con người mình là gì chưa?
Các vị đó ngẩn ngơ, Thầy nói tiếp:
- Chắc quí vị cho cái thân này là mình. Nếu thân là mình thì tủi lắm, vì thân này là máu, thịt, gân, xương, khi có bộ phận nào hư thải ra ngoài có thấy gớm không? Vậy cái mình gớm là mình sao? Rồi đến khi chết nó sình lên. Chẳng lẽ mình là cái sình thúi tanh hôi đó sao? Ai cũng biết thân này là một mớ duyên hợp đủ thứ chung lại, không có gì hẳn là mình.
Nay nói gần nhất, thân này là của mình, nhưng trong đó nó thiếu cái gì, dư cái gì quí vị biết không? Nếu nó là của mình thì mình phải biết, thí như trong nhà chúng ta ở, cái bàn cái ghế nào hư mình đều biết vì đó là nhà của mình. Còn nói thân này của mình mà vi trùng đang xâm phạm đâu đó hoặc có những bộ phận hư đều phải nhờ đến bác sĩ xét nghiệm rọi hình mới biết. Như vậy nói của mình mà không biết gì về mình là không đúng lẽ thật.
Thầy nói vậy, họ nghe có vẻ hiểu.
Thầy lại hỏi tiếp:
- Kế đó quí vị nghĩ cái suy nghĩ là tâm, là thật mình phải không?
Họ gật đầu. Thầy nói:
- Cũng sai luôn! Tại sao cái suy nghĩ, hiểu biết làm được tất cả chuyện không phải là mình? Trước hết, quí vị xét thấy cái suy nghĩ đó là một hay là nhiều? Mình thì chỉ một, mà cái suy nghĩ lúc nghĩ tốt, lúc nghĩ xấu, phải quấy thương ghét đủ thứ. Vậy không lẽ mình là cả trăm thứ tạp nhạp đó? Thứ hai là khi ngồi chơi dưới gốc cây vài phút, ngó mây nhìn trời, không nghĩ suy gì hết, lúc đó vẫn có mình. Nếu nói suy nghĩ là mình thì lúc không suy nghĩ là không có mình, nhưng thực tế mình vẫn ngồi đó. Vậy thì cái nghĩ đâu phải là mình. Thứ ba là nếu nói suy nghĩ là mình, lúc đang nghĩ thử tìm coi nó ở đâu ra. Tìm lại nó mất tiêu, không thấy, như vậy nó chỉ là cái bóng. Lấy bóng làm mình là sai.
Như vậy cái suy nghĩ không phải là mình. Vậy cái gì là mình? Mới thấy thế gian sống trong mê lầm, cái không phải mình chấp cho là thật mình, rồi tìm đủ cách để bảo vệ, còn cái thật lại bỏ quên.
Khách nghe Thầy giải thích hiểu rồi không thắc mắc nữa, chào ra về.
Khi tụi con biết thân và cái suy nghĩ không phải thật mình là tụi con tỉnh rồi, phải không? Cái không phải mà tưởng là mình, đó là mê. Cái không phải mình, biết rõ là không phải và không chấp, đó là tỉnh. Nhưng mới tỉnh có phân nửa, tỉnh biết cái giả, nhưng chưa thấy cái thật. Cho nên ngồi thiền là soi sáng lại mình, biết rõ thân này là duyên hợp không thật, cái tâm lăng xăng cũng hư giả. Thấy rõ như vậy nên niệm dấy lên liền buông không theo, đến lúc rỗng lặng thì cái chân thật hiện tiền.
Hôm trước Thầy có thí dụ, khi gương có bóng, nhìn vô có nhớ gương không? Gương vẫn hiện tiền, nếu không có gương làm sao thấy bóng? Bóng từ gương mà có, nhưng chúng ta thấy bóng rồi lại quên gương. Chỉ nhớ gương khi nào không có bóng. Cũng như vậy tâm chúng ta trong sáng, biết rõ ràng, không dấy động, không sanh diệt, bao trùm hết, nhưng vì chúng ta chạy theo cái bóng sanh diệt nên quên mất chân tâm. Nay phải ngồi thiền, dừng hết vọng niệm lăng xăng, gọi là định, tâm lặng hết thì cái chân thật hiện tiền. Đó là tìm cái chân thật ngay nơi con người mình, gọi là giác ngộ.
Giác ngộ là quay lại tìm cho ra con người chân thật của chính mình, danh từ chuyên môn gọi đó là bản lai vô nhất vật. Như vậy mới có ý nghĩa. Ngày xưa, đức Phật nhận ra được cái đó nên giác ngộ. Cái đó không động, còn nghĩ suy là bóng sanh diệt chợt có chợt không mà lại có tác dụng, vừa dấy nghĩ là bắt miệng nói, thân làm, tạo nghiệp sanh tử. Cái bóng sanh diệt, tạo nghiệp sanh diệt nên có sanh tử. Nay tu là trở về cái hằng giác, hằng sáng không động như mặt gương. Không động thì không tạo nghiệp, không luân hồi sanh tử.
------------
Người biết tu rồi luôn luôn phải thắng vọng tưởng. Vọng tưởng là thứ không đáng sợ. Đừng lo sao nhiều vọng tưởng quá, chỉ lo mình không sáng suốt để thấy nó. Biết vọng không theo, mỗi ngày vọng tưởng sẽ giảm dần. Vọng tưởng giảm tự nhiên tu tiến, nếu vọng tưởng không giảm sự tu không thể nào tiến bộ.
Vọng tưởng có hai loại: vọng tưởng lành và vọng tưởng dữ. Nếu nhớ những chuyện hơn thua phải quấy rồi buồn giận là loại vọng tưởng dữ. Khi suy nghĩ muốn làm việc từ thiện hay làm công quả chùa... là vọng tưởng hiền lành. Nhưng cả hai đều là nhân luân hồi sanh tử. Còn vọng tưởng là còn luân hồi, vọng tưởng lành thì đi đường lành là người, trời, a-tu-la. Vọng tưởng dữ liền đi đường dữ là địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh. Như vậy cái nào cũng dẫn chúng ta đi trong luân hồi.
Muốn không còn luân hồi trong lục đạo phải hết vọng tưởng. Ở đây có người nào muốn đi trong lục đạo luân hồi không? Nếu muốn tha hồ đi, còn ai không muốn luân hồi phải thắng vọng tưởng, tu cho lặng hết, tức là giải thoát sanh tử. Đơn giản dễ dàng quá, phải không? Không có gì khó hết mà làm hoài không được. Nó hết sức dễ mà làm không được thành khó.
Bởi vậy, tu hết ngày này qua tháng kia, ráng ngồi hai ba tiếng đồng hồ để tập làm chủ. Vì ở ngoài, nhiều khi chúng ta suy nghĩ, muốn dừng không được; khi ngồi thiền sáng suốt, vừa dấy nghĩ, biết liền bỏ. Cho nên người mới tu hay người tu bậc trung, kể cả bậc thượng đều nên ngồi thiền.
Ý kiến bạn đọc