Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Gốc của khổ vui

Đăng lúc: Thứ hai - 17/03/2014 11:11 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Từ xưa đến nay, những bậc hiền trí đều giác ngộ được thân và tâm là gốc của sự khổ, vui.
Gốc của khổ vui

Gốc của khổ vui

Luận Phân biệt công đức có chép lại câu chuyện như sau: “Có một vị Tỳ-kheo tu tập thiền quán trong vùng chôn cất tử thi. Một đêm nọ trong lúc vị Tỳ-kheo đang quán bất tịnh nơi các tử thi thì từ đâu xuất hiện một con quỷ đói. Con quỷ trông thật gớm ghiếc đi đến một tử thi và đánh tử thi với vẻ căm giận, vị Tỳ-kheo trông thấy thế hỏi:

- Tại sao lại đánh tử thi đó?

Con quỷ đáp:

- Tử thi này làm khổ tôi như vầy nên tôi đánh nó.

- Ngươi nói thế nghĩa là sao? Vị Tỳ-kheo ngạc nhiên hỏi.

- Tử thi này là thân xác của tôi lúc còn sống. Vì nó mà tôi tạo tác biết bao ác nghiệp để bây giờ phải chịu khổ thế này.

Nghe con quỷ nói thế, vị Tỳ-kheo bảo:

- Sao không đánh tâm của ngươi, đánh tử thi nào có ích gì?

Một lúc sau có một thiên nhân đến rải hoa trời Mạn-đà-la lên một tử thi khác. Vị Tỳ-kheo ngạc nhiên hỏi:

- Vì cớ gì rải hoa lên tử thi hôi thối ấy?

Vị thiên nhân đáp:

- Tôi nhờ tử thi này mà được sinh lên cõi trời. Tử thi này là bạn lành của tôi, cho nên tôi đến rải hoa báo đáp.

Vị Tỳ-kheo hỏi:

- Sao lại nhờ tử thi này mà được sinh thiên?

Vị thiên nhân đáp:

- Tử thi này là thân xác của tôi lúc còn sống. Nhờ có nó mà tôi tu phước, tạo nhiều thiện nghiệp, nên sau khi chết được sinh lên cõi trời.

Vị Tỳ-kheo lại nói:

- Sao chẳng đem hoa rải trong tâm mình, lại đi rải lên tử thi hôi thối? Tâm mới là cái gốc tạo thiện ác chứ đâu phải cái thân kia. Sao lại bỏ gốc tìm ngọn vậy!”.

Nhờ có thân mà chúng ta có thể tạo nghiệp thiện hoặc ác, từ đó nghiệp dẫn dắt chúng ta vào đường vui hoặc khổ. Tuy nhiên, cái thân chỉ là công cụ, là phương tiện, còn động cơ tạo nghiệp, nguồn gốc bộ máy vận hành tạo nghiệp chính là tâm ý của con người. Tâm ý chỉ đạo cho thân hành động. Tâm ý sinh khởi ý niệm thiện thì dẫn dắt thân hành động thiện; tâm ý sinh khởi ý niệm ác thì dẫn dắt thân hành động ác. Trong câu chuyện trên, vị Tỳ-kheo khai thị cho con quỷ biết rằng chính vì cái tâm tạo ác nghiệp mà nó phải bị đọa làm loài ngạ quỷ. Vị Tỳ-kheo cũng chỉ cho vị thiên nhân kia biết chính nhờ cái tâm biết tạo thiện nghiệp, khéo tu tập mà được sinh lên cõi trời.

Đức Phật dạy: “Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo. Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình” (Kinh Pháp cú 1, 2). Trong kinh Di giáo, Đức Phật cũng dạy: “Tâm là chủ của năm căn, thế nên các ngươi phải khéo chế phục tâm mình”. Chế phục tâm mình như thế nào? Đó là: “Không làm các điều ác, chăm làm các điều lành, giữ tâm ý trong sạch” (Kinh Pháp cú 183). Người tu học Phật làm các việc như tụng kinh, niệm Phật, hành thiền, bố thí, trì giới, nhẫn nhục v.v… dùng nhiều pháp môn phương tiện chẳng qua là để chế phục tâm mình, không để cho tâm mình đi hoang, không để cho tâm mình rơi vào các pháp bất thiện. Nếu không chế phục tâm mình, không lấy tâm làm nền tảng tu tập thì dù có làm bao nhiêu việc cũng không thể xem là việc làm công đức, thực hành bao nhiêu pháp môn cũng không thành tựu Phật đạo, dễ rơi vào ma sự. Người tu học Phật phải biết tâm là gốc, tâm là căn bản, phải dụng tâm chứ không phải dụng công, phải chế phục tâm mình bằng cách hướng tâm đến các thiện pháp, hướng tâm đến Nhơn đạo, Thiên đạo, Thinh văn đạo, Duyên giác đạo, Bồ-tát đạo, Phật đạo, những con đường đưa đến an lạc hạnh phúc chân thật. 

Trong kinh Bát đại nhân giác, điều giác ngộ thứ nhất của bậc đại nhân là: “Tâm là nguồn sinh ra các việc ác bất thiện, thân là rừng chứa các nghiệp, tội”. Có thể nói thân như con trâu, tâm như người chăn. Người chăn cột mũi con trâu, dắt con trâu đi đâu thì con trâu đi đó, dắt con trâu vào chỗ lúa mạ thì con trâu sẽ ăn lúa mạ làm hại ruộng đồng; dắt con trâu vào chỗ cỏ cây hoang dại, lùm bụi thì con trâu ăn cỏ cây hoang dại. Cũng vậy, nếu tâm con người hướng đến điều thiện lành, tâm dẫn dắt thân con người làm điều thiện lành thì sinh ra công đức, phước báo. Các công đức, phước báo đó sẽ vun bồi cho báo thân đời này và đời sau được tốt đẹp. Nếu tâm con người hướng đến điều ác, bất thiện sẽ dẫn dắt thân làm điều ác, tổn hại các công đức, phước lành thì bao nhiêu tội lỗi, nghiệp chướng sẽ chồng chất cho thân gánh chịu. Thân đời này và những đời sau sẽ thừa hưởng tất cả nghiệp báo mà mình đã tạo.

Tuy tâm là nguồn gốc sinh ra các điều thiện và cũng là nguồn gốc sinh ra các điều ác, bất thiện; tâm dẫn dắt, thúc đẩy thân tạo nghiệp tốt hay xấu để rồi chiêu cảm quả báo hạnh phúc hay khổ đau, nhưng tâm chúng sinh thường hướng về điều ác, bất thiện nhiều hơn hướng về điều thiện, chính vì thế chúng sinh khổ nhiều hơn vui.

Chính vì chúng sinh để cho tâm mình trở thành nguồn sinh ra điều xấu ác, để cho tâm dẫn dắt, thúc đẩy thân tạo các nghiệp bất thiện, cho nên thân phải chịu nhiều khổ đau, như lời cảnh tỉnh và sách tấn của Tổ Quy Sơn: “Vì nghiệp mà thọ thân, cho nên chưa khỏi khổ lụy về thân” (Quy Sơn cảnh sách). Cái khổ về thân (hình lụy) ở đây là đói, khát, lạnh, nóng, đau yếu bệnh tật, già nua, chết chóc, lo lắng não phiền v.v… Nói cách khác là đã mang thân thì phải chịu khổ vì thân. Trong khi tâm là nguồn động cơ tạo nghiệp thì thân là phương tiện tạo nghiệp dẫn đến muôn sự khổ. Trong quá khứ nhiều đời nhiều kiếp cho đến bây giờ, thân tạo ra vô số nghiệp để rồi không ngừng thọ lãnh quả báo khổ đau, thân trở thành nơi cất chứa biết bao cái khổ. Khi đã mang thân thì không ai tránh khỏi cái khổ của sinh, già, bệnh, chết, khổ não ưu phiền v.v… Dù thế, khi mang thân con người vẫn không ngừng tạo nghiệp để rồi tiếp tục gánh lấy khổ đau. Con người vẫn tham lam, sân hận, đố kỵ, ganh ghét, thù hằn… từ trong quan hệ giữa cá nhân với cá nhân cho đến phạm vi gia đình, cộng đồng, xã hội, dân tộc, quốc gia và thế giới. 

Tuy nhiên trong kinh Tương ưng V, Đức Phật  hỏi các thầy Tỳ-kheo như sau:

“Này các Tỳ-kheo, ví như có một người ném một khúc gỗ có một lỗ hổng vào biển lớn. Tại đó có con rùa mù sau một trăm năm nổi lên một lần. Các ông nghĩ thế nào, con rùa mù ấy sau một trăm năm nổi lên một lần có thể chui đầu vào khúc cây có một lỗ hổng hay không?

Các thầy Tỳ-kheo trả lời:

- Bạch Thế Tôn, sau một thời gian dài, năm khi mười họa may ra có thể được.

Đức Phật dạy:

- Này các Tỳ-kheo, Ta tuyên bố rằng con rùa mù ấy sau một trăm năm nổi lên một lần có thể chui đầu vào khúc gỗ có một lỗ hổng ấy còn dễ hơn, mau hơn một chúng sinh bị rơi vào đọa xứ (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh) được trở lại làm người. Vì sao? Vì ở đó không có pháp hành, chánh hạnh, thiện nghiệp, phước nghiệp. Ở đó chỉ có ăn thịt lẫn nhau và những chúng sinh yếu bị ăn thịt”.

Qua đoạn kinh trên, Đức Phật đã cho chúng ta biết rằng, tuy thân là phương tiện tạo nghiệp ác, bất thiện dẫn đến muôn vàn nỗi khổ niềm đau, là nơi cất chứa nhiều tội nghiệp, nhưng thân cũng là phương tiện để tu tập, để tạo tác các nghiệp thiện lành đem lại an lạc hạnh phúc cho con người. Có được thân người là có được diễm phúc lớn lao, có được cơ hội để làm thăng hoa đời sống của mình nếu như biết nhận thức thân người khó có được, thân người là phương tiện tốt cho sự cải tạo, xây dựng, tiến tu. Nhờ có thân người, nhờ sinh trong cõi người mà có được điều kiện xây dựng nền tảng cho những đời sống cao hơn trong tương lai. Ngược lại nếu như vô phước, nhiều tội nghiệp phải sinh vào cõi địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh thì không có được những điều kiện, cơ hội để làm thăng hoa đời sống của mình, tiến đến những đời sống cao thượng nhiều an vui.

Từ xưa đến nay, những bậc hiền trí đều giác ngộ được thân và tâm là gốc của sự khổ, vui. Nỗ lực cải tạo, hoàn thiện bản thân theo chiều hướng tốt đưa đến an lạc, hạnh phúc cho đời sống hiện tại và tương lai là điều cần phải luôn quan tâm phấn đấu. Chúng ta phải luôn ghi nhớ lời Đức Phật: “Trong chính cái thân nhỏ bé này cùng với tâm và trí giác, Như Lai công bố, thế gian, sự khởi phát của thế gian, sự chấm dứt của thế gian và con đường dẫn đến sự chấm dứt ấy” (Kinh Tăng nhất A-hàm). Mới hay, sự kiến tạo nên chúng sinh và thế giới không thể tìm thấy ở bất cứ nơi đâu ngoài cái thân con người nhỏ bé này với tâm và trí giác. 

Tác giả bài viết: Thiện Tài
Nguồn tin: Giác ngộ Online
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 355
  • Khách viếng thăm: 353
  • Máy chủ tìm kiếm: 2
  • Hôm nay: 67502
  • Tháng hiện tại: 2053655
  • Tổng lượt truy cập: 76996250

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile