Thấy Pháp
I. CHÂN GIÁO PHÁP.
Tất cả quý Phật tử học Phật pháp lâu rồi nhưng có thấy được chân giáo pháp chưa? Nếu học Phật pháp theo kiểu lật từng trang kinh này qua trang kinh nọ, hay là nhai từng lời của những vị Tổ này đến những vị Tổ nọ, hoặc là nghe buổi giảng này đến buổi giảng kia v.v… thì quý vị có thấy chân giáo pháp không? Mà nếu không thấy thì nghe giảng để làm ch i? Cho nên đây phải nhớ: giảng giải là chỉ nói về pháp thôi !
Quý vị nhớ kĩ điều đó, quý thầy giảng dù cho hay cách mấy đi nữa cũng chỉ là nói về pháp, còn chân giáo pháp thì không có nằm ở trong những lời giảng đó mà nó nằm ở trong cuộc sống hằng ngày hay là ngay trong tự tâm của mỗi người. Do đó, nếu chỉ bám vào những lời giảng đó thì không thể thấy nổi, mà ở đây mỗi vị phải khéo làm sao thấu qua những lời giảng, lắng lòng nghe trở lại nơi chính mình để thấy đến chân giáo pháp thì mới là khéo! Quý vị nhìn lại nơi thân mình bây giờ xem, so với lúc còn bé thì nó thế nào? Đi vào thực tế, mới sanh ra mình có mấy kí lô mà bây giờ thì tới mấy chục kí lô, đó là pháp đấy! Kế nữa, chỗ mà quý vị ngồi ở đây trước kia là chỗ của Tăng Ni ngồi chứ không phải là chỗ quý vị ngồi. Vậy thì sao bây giờ mình lại ngồi đây? Đó cũng là thấy pháp, chứ không phải là mình thấy trong chữ nghĩa. Rồi buổi học này bây giờ thì tập hợp đông đảo như vậy nhưng qua mười một giờ thì sao? Thấy được điều đó là thấy pháp rồi. Như vậy, pháp hiện hữu khắp nơi trong cuộc sống hằng ngày, thấy như vậy thì mới đúng là thấy pháp.
Rồi quý vị đi đường hay là đi ra vườn mà bất ngờ đạp phải cây gai thì thế nào? Thì đó là thấy pháp, còn nếu không thấy pháp thì thấy đau! Rồi vừa mở mắt chào đời thì vì sao liền khóc "oa oa" mấy tiếng? Thấy được điều đó là thấy pháp. Cái thân mình đây bữa nay sao nó nhức đầu quá, mà mình thì đâu có muốn nó nhức đầu. Thì đó là thấy pháp, tức là thấy được nó là vô thường, khổ, vô ngã. Khéo học như vậy thì sẽ thấy được pháp chân thật (chân giáo pháp), nếu tập nhìn kiểu này thì mình sẽ luôn luôn thấy pháp ở khắp nơi chứ không phải chỉ ở trong buổi giảng hoặc lên bàn Phật đọc kinh mới thấy. Mà nếu thấy pháp hiện hữu khắp nơi được như vậy thì chắc chắn là sẽ bớt phiền não, bởi toàn lo thấy pháp thì đâu có thấy phiền não, còn mình thì chỉ lo thấy phiền não nên thành ra không thấy pháp. Cái pháp này mình không phải nhọc nhằn tìm ở trong sách vở cũng như không phải đợi lên lớp, mà nó ở ngay trong cuộc sống hằng ngày đây. Cho nên, học là để mình thấy đến pháp chân thật chứ không phải là chỉ thấy trên những lời lẽ chữ nghĩa. Ngài A-chan Chah (một vị Thiền sư người Thái Lan) thỉnh thoảng có đi thăm những ngôi chùa cổ, khi đến vài nơi di tích, thấy nó bị đổ vỡ hoặc nứt nẻ, một trong những người đi theo buột miệng than:
- Thật đáng tiếc quá!
Tức là những ngôi chùa này ngày xưa nguy nga, tráng lệ đẹp đẽ mà bây giờ thì nó đổ vỡ, nứt nẻ như vậy.
Nghe như vậy, Sư mới bảo:
- Nếu không có sự đổ vỡ thì chẳng có Đức Phật và cũng chẳng có giáo pháp.
Tức là nó đổ vỡ như thế vì đó hoàn toàn phù hợp với những lời Phật dạy: "Các pháp hữu vi là vô thường", chính như vậy nên mới có Đức Phật, có giáo pháp. Nếu nó mà mãi mãi như vậy thì Phật nói các pháp hữu vi là vô thường là không phù hợp sao? Như vậy, ngay đó thì Ngài thấy rõ pháp, còn những người nhìn theo thế gian khi thấy nó đổ vỡ thì buồn tiếc: "Ngày xưa nó đẹp đẽ mà bây giờ thì nó không còn như xưa nữa!" nên sinh chán nản. Thí dụ như đi tham quan đến những thánh tích xưa, nếu mình nhìn theo con mắt thế gian thì sẽ thấy chán vì không có gì để tham quan hết, bây giờ nó đã đổ nát, chỉ còn lại những cái nền cũ thôi! Nhưng nếu khéo thì mình sẽ thấy được pháp trong đó, thì mới thấy có giá trị, có ý nghĩa. Cũng như trong kinh Kim Cang, mở đầu kinh:
"Đến giờ ăn, Phật đắp y ôm bát đi vào thành Xá-vệ khất thực. Khất thực xong, Phật trở về thọ thực rồi xếp y bát, rửa chân, trải tòa ngồi". Trưởng lão Tu-bồ-đề thấy vậy liền tán thán: "Bạch Thế Tôn, thật là hi hữu! Như Lai khéo hộ niệm cho các vị Bồ-tát, khéo phó chúc cho các vị Bồ-tát".
Như người thường thì chỉ thấy Đức Phật sáng đi khất thực rồi về ăn cơm thì có cái gì đâu là phó chúc, có cái gì đâu hộ niệm? Nhưng đây Trưởng lão Tu-bồ-đề thì thấy pháp hiện hữu trong đó, ánh sáng Kim Cang Bát-nhã luôn chiếu sáng. Mình học là phải học sâu vào chỗ đó, ngay trong những cử chỉ hành động bình thường đó. Phật thì lúc nào cũng giác không mê, nên trong mỗi cử chỉ hành động của Ngài lúc nào cũng biểu hiện ánh sáng chánh giác. Người thấy pháp thì phải luôn luôn thấy ánh sáng đó. Tuy Phật chưa nói gì nhưng ánh sáng Kim Cang Bát-nhã cũng hiển hiện trong đó rồi, thấy được vậy nên Ngài Tu-bồ-đề mới tán thán. Mà đúng là chuyện ít có, ít người thấy được, chính đó là chỗ Phật hộ niệm, chính đó là chỗ Phật phó chúc cho các vị Bồ-tát phải luôn luôn sống như vậy. Thấy được như vậy là khế hợp với Phật, học Phật phải thấy đến chân giáo pháp như vậy thì đó mới là khéo học. Trước kia, tôi có đọc một hai tài liệu nghiên cứu kinh Pháp Hoa, có tài liệu nói rằng: "Nghe nói kinh Pháp Hoa là bộ kinh cao, bộ kinh Đại thừa mà sao đọc trong đó giống như đọc chuyện tiểu thuyết: lâu lâu kể chuyện này, lâu lâu kể chuyện kia, chuyện tiền thân quá khứ v.v… không thấy gì hay hết!". Chính Thiền sư Bạch Ẩn cũng vậy, lúc còn trẻ Ngài đọc kinh Pháp Hoa thì không thấy có gì đặc biệt. Nhưng sau một thời gian tu tập, trí tuệ sáng rồi, Ngài đọc lại kinh Pháp Hoa thì mới chợt nhận ra đúng là có những ý nghĩa sâu xa trong đó mà hồi xưa mình không thấy. Đây cũng vậy, nếu nhìn theo con mắt thế gian mà đọc kinh Pháp Hoa thì không thấy gì hay: Như Phật kể chuyện Phật Đa Bảo quá khứ rồi lúc sau thì Phật đó hiện ra v.v… giống như trong chuyện tiểu thuyết! Đó là không thấy pháp, còn đây mình phải làm sao thấu qua chữ nghĩa mà thấy đến nghĩa chân thật (chân giáo pháp) chứ không phải chỉ dừng trên đó. Nhà Thiền có câu: "Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp con?!", cứ ở ngoài luận bàn cách mấy đi nữa thì cũng không làm sao bắt được hết! Dù cho lý luận siêu cách mấy đi nữa thì đó cũng chỉ là nói chơi thôi, mình phải dám vào đó thì mới bắt được cọp con, tức phải có một cái nhảy, phải dấn thân vào! Đó mới là thực tế để mình sống được chân giáo pháp của Phật.
Có câu chuyện trong thời Phật tại thế, Trưởng lão Pothila thông thuộc Tam tạng trong thời kỳ bảy Đức Phật và thường tuyên đọc giáo lý cho một nhóm năm trăm vị Tỳ-kheo nhưng ông chưa chứng quả. Một hôm nọ, Đức Phật nhủ thầm: "Nếu có dịp thì ta sẽ khuyến khích Trưởng lão này chấm dứt lậu hoặc". Từ khi đó, mỗi lúc vị này đến bên Đức Phật thì Ngài thường gọi: "Hãy đến đây Pothila rỗng!" hoặc là "Chào ông Pothila rỗng!". Cũng có lúc, Phật bảo: "Hãy ngồi xuống đi, Pothila rỗng!" hoặc là "Hãy đi ra, Pothila rỗng!". Thậm chí có khi Trưởng lão đã đi ra rồi thì Đức Phật còn nói theo: "Pothila rỗng đã đi ra rồi!". Nếu mình mà bị nói như vậy thì chắc là tự ái lắm: "Mình là ông thầy lớn mà Phật gọi "Ông thầy rỗng" thì mất mặt với đám đệ tử sao!". Mà nếu tự ái như vậy thì chắc là không thấy được chân giáo pháp nổi! Nhưng với trưởng lão Pothila này, nghe thấy Đức Phật cư xử như vậy thì ông tự suy nghĩ: "Chắc là Thế Tôn nhắc mình chưa phát triển được chánh định", tức ông chỉ hiểu trên văn tự mà chưa thực chứng trên chánh định. Do vậy, ông quyết định vào rừng để tu thiền định. Chiều hôm đó, ông sắp xếp y bát. Đợi lúc trời chập tối các thiện tín đi nghe pháp, ông bèn đi lẫn vào trong nhóm đó để cho các Tỳ-kheo kia không để ý rồi đi đến một khu rừng. Ở nơi này có ba mươi vị Tỳ-kheo đang ẩn tu, ông bèn đến vị Trưởng chúng thưa:
- Xin Trưởng lão chỉ dạy cho tôi!
Vị này bèn nói:
- Tôn giả! Ngài là giảng sư, chúng tôi còn phải học nơi Ngài nữa mà. Tại sao Ngài lại nói như vậy?
Ông Pothila vẫn khiêm tốn thưa:
- Thưa Ngài! Xin Ngài đừng từ chối, hãy chỉ dạy cho tôi!
Thật ra, cả ba mươi vị Tỳ-kheo này đều là bậc đã chứng A-la-hán hết rồi nhưng vị Trưởng lão đệ nhất này nghĩ rằng: "Vị Tỳ-kheo này là người học rộng, mà học rộng thì chắc sẽ có cao ngạo. Ta nên dùng phương tiện dẹp bớt cao ngạo đó cho thấp xuống thì vị này mới học pháp được".
Nếu cứ cao ngạo "Mình là ông thầy lớn, hiểu biết nhiều" thì vị Trưởng chúng thuyết pháp như thông thường làm sao vô được nữa!
Vị này bèn đẩy qua vị kia, vị thứ nhất đẩy xuống vị thứ hai:
- Ngài đến vị kia, vị đó sẽ chỉ cho.
Vị đó lại bảo:
- Ngài gặp vị kia, vị đó sẽ chỉ cho.
Cứ như thế cho đến người cuối cùng là vị Sa-di bảy tuổi đang ngồi vá y! Đến đây thì kiêu khí của vị Trưởng lão này cũng giảm xuống bớt rồi! Mà đúng là ông Pothila có tâm học đạo thật sự nên vẫn đến chỗ vị Sa-di và chắp tay cung kính:
- Thưa Đại đức, xin Đại đức chỉ giáo cho tôi!
Vị này liền đáp:
- Ô kìa giảng sư! Ngài nói gì lạ vậy! Ngài hơn tôi cả về tuổi tác và học vấn, tôi còn phải học với Ngài nữa mà!
Nhưng ông Pothila vẫn rất khiêm tốn:
- Đại đức, xin Ngài đừng từ chối, hãy chỉ dạy cho tôi!
Vị Sa-di này mới nói:
- Thưa Tôn giả, nếu như Ngài kiên nhẫn thì tôi sẽ chỉ cho Ngài.
Ngài Pothila đáp:
- Tôi sẽ kiên nhẫn, nếu như Ngài bảo tôi nhảy vào lửa thì tôi cũng nhảy nữa!
Quý vị thấy, một vị trưởng lão đối với một vị Sa-di mới bảy tuổi mà còn khiêm tốn như vậy. Đúng là Ngài đáng để cho chúng ta lạy nữa, bây giờ khó tìm ra một vị như vậy.
Nghe như vậy, vị Sa-di liền thử! Vị này chỉ cái ao nước ở cách đó không xa và bảo:
- Vậy Ngài hãy nhảy xuống ao này để cả y áo luôn!
Ông Pothila này liền đi tới và nhảy xuống ao liền! Y áo của Ngài ướt hết, vị Sa-di thấy vậy liền kêu:
- Thôi, Ngài hãy đến đây!
Sau khi vị Trưởng lão này đến, vị Sa-di mới nói:
- Này Tôn giả! Giả sử ở đây có một cái hang với sáu cái cửa, có một con tắc kè chui vào hang đó. Người nào muốn bắt nó phải bít năm cửa hang kia chỉ còn chừa lại một cửa, thì sẽ tóm được con tắc kè. Như thế, Ngài nên đóng hết năm căn lại và tập trung vào ý căn.
Tức là tâm mình chạy lung tung nơi sáu căn, mình tập trung không nổi thì bây giờ phải đóng hết năm căn mà chỉ tập trung vào ý căn. Nếu là người thường thì khi nghe vậy chắc cũng chưa hiểu gì sâu lắm, nhưng với Trưởng lão Pothila này, vừa thông minh vừa sáng trí lại còn là bậc thầy thuyết pháp nữa nên nghe tới đó là Ngài nắm được vấn đề, Ngài liền nói:
- Như thế đủ rồi Đại đức, Ngài khỏi cần phải nói thêm nữa.
Ngay tại chỗ, ông bèn tập trung tư tưởng quán sát về thân mình và bắt đầu thiền định. Đức Phật biết vậy nên hiện ra trước mặt, Ngài đọc bài kệ:
Tu thiền trí tuệ sanh
Bỏ thiền trí tuệ diệt.
Biết con đường hai ngã
Đưa đến hữu phi hữu.
Hãy tự mình nỗ lực
Khiến trí tuệ tăng trưởng.
Bài kệ vừa xong, Trưởng lão liền chứng A-la-hán.
Đó là để đánh thức cho mình. Ban đầu, Ngài Pothila hiểu thông giáo lý nhưng chưa thực chứng, Đức Phật muốn cảnh tỉnh nên nói: "Pothila rỗng" tức chỉ hiểu giáo lý nhưng chưa thực chứng bên trong. Nhưng ở đây, Ngài đúng là người có tâm học đạo nên nghe Phật nói vậy thì biết và thức tỉnh nên sẵn sàng buông bỏ để vào rừng tu tập thiền định, và cũng sẵn sàng dẹp bớt cái ngã nên đối với vị Sa-di mới bảy tuổi mà dám hạ thấp mình, do đó mới chứng đạo mau như vậy. Cho nên, mình cần phải khéo thực hành để thực sự đạt đến cái thấy pháp và chứng pháp, đó là cái gương nhắc nhở cho mình tiến lên. Trong nhà Thiền, Ngài Lâm Tế từng nhắc trong chúng:
-"Thế nào là pháp? Pháp chính là tâm pháp, mà tâm pháp thì không hình, thông suốt cả mười phương, hiện dụng ngay trước mắt. Người tin chẳng kịp liền nhận danh nhận cú, nhằm trong văn tự muốn suy lường Phật pháp thật cách xa trời đất!"
Tức là người khéo thì nhận được cái tâm pháp đó, đó mới là chỗ chân thật. Còn "người tin chẳng kịp thì liền nhận danh nhận cú", là người không khéo thì theo danh từ câu chữ, rồi ở trong đó mà muốn suy lường Phật pháp thì quả thật cách xa rồi!
Ngài bảo thêm:
-"Đại đức! Ông chớ nhận cái áo, nó chẳng biết cử động. Chính người hay mặc áo thì có cái áo "thanh tịnh", có cái áo "vô sanh", áo "Bồ-đề", áo "Niết-bàn", có áo "Tổ", áo "Phật".
Tức là Ngài nhắc mình chớ có nhận cái áo mà phải thấy được người hay mặc áo, đó mới là chính yếu, còn những danh từ "thanh tịnh", "giải thoát", "Bồ-đề", "Niết-bàn", "Tổ", "Phật" thì chỉ là mấy cái áo mặc thôi! Nhưng thường thì người học Phật lại hay mắc kẹt trên những cái áo, mấy cái đó chỉ là danh từ thôi, nó có biết giác ngộ giải thoát gì đâu! Vô sanh, hay Bồ-đề, hoặc Niết-bàn thật thì không nằm trong những cái tên đó, nhưng người không khéo thì cứ lo học trên những cái tên đó rồi phân tích chia chẻ: "Bồ-đề" như thế nào, "Niết-bàn" như thế nào, "Tổ" như thế nào, "Phật" như thế nào, rồi "thanh tịnh" như thế nào v.v… Cứ phân tích dài dài trên những cái tên đó, nhưng không thấy Bồ-đề ở đâu hết! Nếu lột hết những cái tên này ra thì Bồ-đề, Niết-bàn ở đâu? Làm sao chỉ ra? Ông Bàng Uẩn có bài kệ:
Đọc kinh tu giải nghĩa
Giải nghĩa thủy tu hành.
Nhược năng y nghĩa học
Tức nhập Niết-bàn thành.
Đọc kinh bất giải nghĩa
Đa kiến bất như manh.
Duyên văn quản chiếu địa
Tâm trung bất khẳng cân.
Điền điền tổng thủy thảo
Đạo tùng hà xứ sanh?Dịch:
Đọc kinh cần hiểu nghĩa
Hiểu nghĩa mới tu hành.
Nếu hay nương nghĩa học
Liền vào Niết-bàn thành.
Ông nói rằng đọc kinh cần thấu được nghĩa, mà hiểu được nghĩa thì mới biết tu hành. Vậy nếu hay nương nơi nghĩa để học sâu vào, tức vượt qua danh từ thì liền vào được thành Niết-bàn.
Đọc kinh chẳng hiểu nghĩa
Thấy nhiều chẳng bằng mù.
Theo văn rộng chiếm đất
Trong tâm chẳng chịu cày.
Tức là cứ theo văn tự, ôm cho nhiều đất nhưng trong tâm không lo cày, tức không lo tu gì hết thì:
Khoảnh khoảnh ruộng là cỏ
Thì lúa mọc đâu đây?
Tức là tâm mình không lo cày, để cỏ hoang mọc đầy trong đó thì tìm đâu ra lúa? Lúa mọc được chỗ nào? Đó để nói lên học mà không thực hành thì tâm đầy phiền não, cũng như ruộng đầy cỏ hoang thì giác ngộ từ đâu mà có? Đó là để thức tỉnh người học đạo phải học sao cho thật đúng với ý nghĩa học đạo, phải thấu qua những chữ nghĩa mà thấy được pháp, thì đó mới là khéo.
II. PHẢN QUAN TỰ KỶ.
"Phản quan tự kỹ" tức tự soi xét lại chính mình, đây là điểm trọng yếu trên đường học Phật. Mình học lời Phật, lời Tổ, lời Kinh nhưng phải soi xét lại chính mình để thắp sáng vào cuộc sống thì đó mới là thật học, chứ không phải là học để thêm kiến thức, thêm hiểu biết. Cho nên học lời Phật, lời Tổ, lời Kinh thì phải khéo chuyển những nghĩa lý chết ở trong văn tự thành những nghĩa lý sống, làm sao có sức sống chân thật thì đó mới thực sự là người học chân thật. Có câu chuyện vào thời Đường, Tướng công Vu Địch đến hỏi Thiền sư Đạo Thông ở núi Tử Ngọc:
- Thế nào là gió đen thổi thuyền bè trôi dạt vào nước quỷ La-sát?
Ở đây, ông dẫn trong kinh Pháp Hoa phẩm Phổ Môn: "Người đi biển khi gặp gió đen (gió dữ, gió bão) thổi thuyền bè trôi vào trong nước quỷ La-sát, nếu thành tâm niệm danh hiệu Bồ-tát Quán Thế Âm thì liền được khỏi".
Thiền sư Đạo Thông bèn đáp:
- Cái gã khách Vu Địch này hỏi chuyện ấy làm gì?!
Vu Địch là một ông tướng trong triều, nghe vậy bèn chạm tự ái nên đỏ mặt lên liền! Thiền sư Đạo Thông ngay đó liền chỉ và nói:
- Chính đó là trôi dạt vào nước quỷ La-sát!
Ở đây, ông Vu Địch này lấy câu trong kinh đem ra hỏi nhưng Thiền sư Đạo Thông không giải thích theo chữ nghĩa, không nói gió đen là gió dữ, gió này, gió kia v.v… mà đi thẳng vào khiến ông soi lại ngay chính mình để thấy được chân nghĩa của nó như thế nào, thì đó mới là nghĩa sống. Tức là vừa nghe nói ông bèn nổi sân lên thì đó là gió dữ thổi vào nước quỷ La-sát chứ gì nữa! Ngay đó thì ông tỉnh lại. Cũng như Thiền sư Bổn Như, khi còn đi tham học Sư đến tham vấn Tôn giả Pháp Trí:
- Thế nào là vua các kinh?
Đây cũng là dẫn ra trong kinh Pháp Hoa.
Tôn giả Pháp Trí bèn bảo:
- Ông làm Tri khố ba năm đi rồi ta sẽ nói cho ông nghe.
Thiền sư Bổn Như vâng lệnh. Mãn ba năm, Sư lại đến thưa:
- Nay xin Hòa thượng nói cho.
Tôn giả Pháp Trí bèn gọi to:
- Bổn Như!
Sư ứng:
- Dạ.
Ngay đó, Sư liền ngộ ra vua các kinh liền! Sư bèn làm bài tụng:
Xứ xứ phùng quy lộ
Đầu đầu đạt cố hưông.
Bổn lai thành hiện sự
Hà tất đãi tư lương.Dịch:
Chốn chốn gặp đường về
Nơi nơi vốn quê xưa.
Xưa nay việc bày hiện
Nào phải đợi nghĩ suy.
Tức là lẽ thật luôn luôn bày hiện ở trước mắt, khắp nơi chỗ nào cũng là quê hương của mình, nếu khéo thì ngay đó nhận liền khỏi suy nghĩ gì hết. Như vậy, Ngài Bổn Như ban đầu kẹt trên chữ nghĩa, đọc kinh Pháp Hoa có đoạn: "Kinh Pháp Hoa là vua các kinh" nên Sư mới đi hỏi. Nhưng Tôn giả Pháp Trí là bậc đã đạt đạo nên không giải cho Sư theo chữ nghĩa. Điểm thứ hai là Ngài Pháp Trí còn khéo khiến cho Ngài Bổn Như hết sức thành tâm tập trung vào vấn đề, miên mật không còn phân tán, không còn nghĩ chuyện gì khác lung tung nên bảo: "Ông hãy làm Tri khố ba năm đi". Mà đúng là Ngài Bổn Như có đầy đủ lòng tin với Ngài Pháp Trí cho nên nghe bảo như vậy thì liền vâng lời. Và trong ba năm đó, Sư cũng luôn luôn tập trung vào vấn đề này không quên, làm thì làm nhưng lúc nào cũng nhớ làm sao giải quyết vấn đề này, cho nên ba năm trôi qua mà vấn đề này vẫn còn ở trong đầu! Chứ nếu như người khác thì chắc là làm chừng một năm là thấy buồn chán quá! Mà chính cái tâm hết sức thiết tha như vậy cũng giống như cửa mở sẵn, tức là sẵn sàng đón nhận nên ngay đó Ngài Pháp Trí khéo đánh thức một cái nhẹ thì Ngài Bổn Như nhận ra liền: "Vua các kinh là ở ngay nơi chính mình chứ không ở đâu xa hết!". Thì đó mới là cái nghĩa sống, cái nghĩa thật, và đó là thấy được chân giáo pháp. Ấy là nhắc nhở mình phải luôn khéo soi lại chính mình chứ đừng có lo chạy ra ngoài! Lục Tổ từng bảo Ngài Thần Hội:
- Nếu tâm ông mê chẳng thấy thì hỏi Thiện tri thức để tìm lối đi, còn nếu tâm ông đã tỏ ngộ thì liền tự thấy tánh, bèn y nơi pháp mà tu hành. Ông tự mê không thấy được tự tánh lại còn đến hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy thì tự mình biết há thay cái mê cho ông? Còn nếu ông tự thấy thì cũng không thay được cái mê cho ta, sao chẳng tự biết tự thấy mà đi hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?
Đây là đoạn Ngài Thần Hội đến hỏi Lục Tổ: "Ngài thấy hay không thấy?". Chuyện này với người khác mà nghe hỏi vậy thì cũng thích bày tỏ thấy thế này thế kia v.v… nhưng với Lục Tổ thì không phải vậy, Ngài thấy thấu tâm can Ngài Thần Hội. Nghĩa là chuyện của ông mà ông không lo giải quyết, lại lo hỏi ta thấy hay không thấy. Chuyện của ta có dính dáng gì tới ông đâu, ông thấy hay không thấy mới quan trọng. Cũng như ông ngộ hay không ngộ thì đó mới quan trọng, còn chuyện ta ngộ hay không ngộ là chuyện của ta, không phải chuyện của ông mà ông lại lo hỏi ta. Nếu thật sự ta ngộ thì ta có thay cho ông được hay không?! Cho nên, đây là Tổ nhắc nhở để đánh thức cho Ngài Thần Hội phải soi lại nơi chính mình để mở sáng trí tuệ, đó mới là thiết yếu. Mà trường hợp này bây giờ cũng có, nhiều vị đến hỏi: "Thầy ngộ chưa?" thì chuyện ngộ hay không là chuyện của thầy, còn mình ngộ hay không mới là quan trọng. Cứ lo đi hỏi, đi thử thầy hoặc người này, người kia v.v… Có vị chưa ngộ gì hết mà cũng lo đi thử người này người kia coi có ngộ hay không, đúng là chuyện không thực tế. Cứ lo đi thử người này người kia ngộ chưa, còn mình thì chưa ngộ gì hết nên đi thử rồi bị người ta thử lại liền nổi sân!! Hiểu kỹ như vậy để thấy con đường đi, làm sao mình học pháp, thấy được pháp rồi sống được pháp, tức là học đạo rồi thường khéo soi lại và mở sáng nơi chính mình. Được vậy thì mới bớt mê lầm, bớt phiền não, càng học đạo thì càng đi sâu vào trong đạo, chứ không phải là học chữ nghĩa cho thêm kiến thức, thêm hiểu biết, thì nhiều khi cũng là bệnh, phiền não cũng không bớt gì.
III. TÓM KẾT.
Pháp luôn luôn hiện hữu khắp nơi chứ Phật không có giấu, Tổ cũng không có giấu, chỉ là mắt tâm của mình chưa mở mà thôi. Phật, Tổ sẵn sàng chỉ hết nhưng do mắt tâm mình chưa mở nên mới bị chữ nghĩa che mờ thành ra mê không thấy. Bây giờ đây mình khéo thường soi trở lại để mở sáng mắt tâm thì sẽ thấy rõ là ánh sáng của pháp luôn luôn hiện tiền khắp nơi. Được như vậy thì mình học Phật mới thấy có niềm vui, thật sự bớt được những phiền não, những chấp trước. Rõ Pháp hiện tiền khắp nơi thì đi đâu cũng thấy pháp chứ không thấy phiền não, còn ngược lại mình cứ thấy phiền não thì tức là không thấy pháp. Ngài Bàn Sơn tức Thiền sư Bảo Tịch, khi còn tham học tâm lúc nào cũng chuyên tâm tham thiền không có nghĩ lung tung, tức lúc nào cũng nghĩ đến pháp. Cho nên, một hôm đi ngang qua chợ gặp một người mua thịt nói với người bán thịt:
- Ông cắt cho tôi một miếng thịt thật ngon.
Người bán thịt nghe vậy hơi không vừa ý nên buông dao đứng khoanh tay bảo:
- Này trưởng sử, ở đây miếng nào chẳng ngon?
Ngay câu đó, Ngài Bảo Tịch liền có tỉnh! Quý vị thấy, đơn giản đó chỉ là câu chuyện thông thường ở ngoài đời: ông này đi mua thịt thì ông kia nói ở đây miếng nào cũng ngon; nhưng với Ngài Bảo Tịch thì khác: Ngài không phải thấy thịt mà là thấy pháp. Với người đời, tâm lúc nào cũng nghĩ theo chuyện thế gian nên nghe nói thịt thì chỉ nghĩ đến thịt, còn Ngài Bảo Tịch bởi vì đang tham thiền, lúc nào cũng nghĩ cũng nhớ pháp, làm sao sáng được pháp nên khi nghe tới đó là tỉnh được pháp, thấy được pháp. Đó bởi vì pháp hiện bày khắp nơi, chỗ nào cũng có pháp hết nên ngay đó thì Ngài liền tỉnh ngộ. Cho nên, học Phật thì phải khéo chuyên tâm, còn mình thì ngược lại, cứ tán tâm nghĩ chuyện thế gian! Ở đây, ngay nơi pháp thế gian mà các Ngài còn thấy đó là Phật pháp, còn mình thì nhiều khi Phật pháp mà lại thấy thành thế gian pháp. Đang tụng kinh mà nghĩ chuyện thế gian thì lúc đó là thấy pháp thế gian, không thấy được kinh nữa rồi! Cũng có khi tâm mình nghĩ lung tung nên đối với Phật pháp mình lý luận một hồi thành ra thế gian pháp nữa, nên phải khéo cẩn thận!
Thời còn tại thế, một lần Đức Thế Tôn đến vùng Alavi, Ngài thuyết một thời pháp về quán niệm sự chết. Tức là ai ai cũng sẽ chết, cái chết sẽ đến không ai tránh khỏi, làm sao phải thường nhớ thường quán như vậy để chuẩn bị thì khi cái chết đến, mình sẽ bình tĩnh có cách đối phó chứ không sẽ hoảng hốt. Khi đó, có cô gái con của người thợ dệt tuy mới mười sáu tuổi nhưng nghe xong thì cô cảm kích: "Những lời Đức Thế Tôn dạy thật kì diệu!". Khi về nhà, cô bắt đầu thực hành, cô quán niệm liên tục suốt cả ngày đêm. Ba năm sau, một buổi sáng Đức Thế Tôn quán sát nhân duyên thì thấy cô gái này sẽ được độ vào dòng Thánh, cho nên Ngài mới cùng với năm trăm vị Tỳ-kheo đi đến vùng Alavi để độ. Nghe tin Đức Phật đến, dân chúng ở đây rất vui mừng nên cùng nhau đến thỉnh Phật cúng dường rồi nghe pháp. Cô gái này nghe tin đó cũng rất vui mừng muốn đến gặp Phật, nhưng hôm ấy bất ngờ cha cô trước khi đi đến xưởng dệt lại dặn: "Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, nhưng cha phải dệt xong ngày hôm nay để giao cho người ta. Con quấn chỉ vào thoi cho đầy rồi mang gấp đến cho cha". Nghe như vậy, cô đành hoãn lại chuyện đi nghe pháp và ngồi vào ghế để quấn sợi mang đến cho cha. Hôm ấy là một hôm đặc biệt, theo pháp thường của chư Phật, sau khi thọ trai xong, Ngài sẽ thuyết một thời pháp cho các thí chủ nghe; nhưng hôm nay sau khi Đức Phật thọ trai xong, mọi người chờ nghe pháp nhưng Ngài ngồi im lặng. Tuy vậy, khi Đức Phật ngồi im lặng thì dù cho chư Thiên cũng không dám hỏi nữa. Đó bởi vì Đức Phật chờ cô gái này, Ngài từ xa đến đây để độ cô vì Ngài biết rằng trong ngày hôm nay cô gái này sẽ chết, nếu độ được thì trong ngày hôm nay cô gái này sẽ được vào dòng Thánh với quả Tu-đà-hoàn. Sau khi đánh xong chỉ vào thoi, cô bèn bỏ vào giỏ đem đến xưởng dệt cho cha. Đường đi thì ngang qua Tinh xá nên cô đứng ở lại vòng ngoài của thính chúng và chăm chú nhìn Đức Phật. Ngay đó, Đức Thế Tôn cũng thấy cô, trong cái nhìn của Đức Phật cô hiểu ý Phật muốn nói gì đó cho nên cô đến gần cung kính đảnh lễ Đức Phật và ngồi vào trong hàng thính chúng. Đức Thế Tôn bèn hỏi cô:
- Con từ đâu đến?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, con không biết.
Đức Phật hỏi tiếp:
- Vậy con sẽ đi về đâu?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, con không biết nữa.
Phật hỏi:
- Con không biết hay sao?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, con biết.
Phật hỏi thêm:
- Con biết thật không?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, con không biết.
Khi ấy, thính chúng nghe như vậy thì tỏ vẻ bực bội khó chịu: "Tại sao cô gái này dám trả lời với Đức Thế Tôn có vẻ đùa như vậy?!". Đức Phật bèn bảo tất cả im lặng rồi Ngài hỏi lại cô cũng như để cho tất cả đại chúng hiểu được:
- Này con, khi Như Lai hỏi: "Con từ đâu đến" thì tại sao con lại đáp là con không biết?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, Ngài hẳn biết rằng con từ nhà đến đây, nhưng Ngài hỏi như thế thì con hiểu ý ngài muốn hỏi con là từ đâu mà sanh đến đây, điều đó con không biết cho nên con đáp là con không biết.
Phật khen ngợi:
- Lành thay!
Đức Phật hỏi tiếp:
- Này con, còn khi Như Lai hỏi: "Con sẽ đi đến đâu" thì tại sao con lại đáp là con không biết?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, Ngài cũng biết là con đi đến xưởng dệt vì ở trên tay con đang cầm cái giỏ thoi, nhưng Ngài hỏi như thế thì con hiểu ý ngài muốn hỏi con là sau khi rời khỏi nơi này (tức thân này) con sẽ sanh về đâu, điều đó con không biết nên con đáp là con không biết.
Phật lại tán thán lần nữa rồi hỏi tiếp:
- Này con, còn khi Như Lai hỏi: "Con không biết sao" thì tại sao con lại đáp là con biết?
Cô thưa:
- Bạch Thế Tôn, con đáp như thế vì con biết chắc chắn là con sẽ chết, đó là điều phải đi đến.
Đức Phật lại khen ngợi lần nữa rồi hỏi tiếp:
- Này con, còn khi Như Lai hỏi: "Con biết thật không" thì tại sao con lại đáp là con không biết?
Cô đáp:
- Bạch Thế Tôn, con đáp như thế vì điều con biết chắc chắn là con sẽ chết nhưng chết như thế nào, chết vào lúc nào: vào ban đêm hay ban ngày, buổi sáng hay buổi chiều v.v… thì con không biết được, cho nên con đáp là con không biết.
Đức Thế Tôn lại khen ngợi cô lần nữa rồi bảo thính chúng:
- Các người không hiểu ý của cô bé nên mới nổi giận. Với người nào không có tuệ nhãn thì họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn thì mới thấy được điều này.
Phật bèn nói mấy câu pháp cú. Kết thúc thời pháp, cô gái chứng quả Tu-đà-hoàn. Sau đó thì cô đi đến xưởng dệt, lúc đó cha cô đang ngủ. Cô bèn đưa cái giỏ thoi vào, ông giật mình bèn choàng dậy kéo cửi trở lại. Đầu khung cửi đột ngột văng vào ngực của cô, cô ngã ra chết liền sanh lên cõi trời Đâu-suất. Cha cô rất buồn, bèn đến thưa hỏi Phật, nghe pháp, sau đó ông xin đi xuất gia và cũng chứng quả A-la-hán.
Như vậy, đó cũng để nói lên cô gái này mới có mười mấy tuổi nhưng có chủng tử Bồ-đề sâu nên tuy nghe Phật thuyết một thời pháp ngắn nhưng cô thấm sâu và ứng dụng liền, quán niệm liên tục suốt ngày đêm. Nó thấm sâu vào tâm trí cô nên cô lúc nào cũng thấy pháp, nên khi đến gặp Phật, Phật hỏi những câu đó thì với mọi người chỉ là thấy theo bình thường ở thế gian (hỏi ở đâu đến thì nói là ở nhà, hỏi đến đâu thì đáp đến kia v.v…); nhưng cô vì thấy được pháp nên biết Phật hỏi như vậy không phải là hỏi theo kiểu thường tình thế gian mà muốn hỏi cô từ đâu sanh đến đây, rồi hỏi đi đến đâu tức sẽ tái sanh đi về đâu. Mà đúng là vậy, trong lòng cô lúc nào cũng quán niệm về sự chết, lúc nào cũng là thấy pháp thôi nên nói ra thì chỉ nghĩ đến nó. Bởi vậy, quý vị khéo ứng dụng thực hành như vậy thì bảo đảm, cái chết có đến thì cũng vẫn thấy pháp.
Đó là những điểm muốn nhắc cho tất cả người học đạo, làm sao mình học để ứng dụng, để sống luôn luôn thấy pháp, thấy được chân giáo pháp chứ không phải là thấy pháp trên văn tự chữ nghĩa hoặc là trên những lời lẽ mà thôi. Được như vậy thì mới xứng đáng với tinh thần học đạo, học pháp. Mà như vậy thì mới bảo đảm cuộc sống của mình sẽ có nhiều an vui, là sống có pháp, thì cuộc đời mới thật có ý nghĩa. Kiểm lại xem, nếu cuộc đời này mà quý vị sống không có pháp thì có ý nghĩa gì? Sinh ra, lớn lên, rồi lập gia đình tạo sự nghiệp, vui chơi thế này thế kia v.v… rồi chết! Hoặc là sáng dậy mở mắt ra, đánh răng, rửa mặt, súc miệng, lo ăn rồi đi làm, chiều về rồi ăn, rồi ngủ, ngủ rồi thức dậy, thức dậy rồi ăn, ăn rồi đi làm, đi làm rồi ăn, rồi đi chơi, đi ngủ v.v… rồi chết! Sống như vậy thì quý vị thấy ý nghĩa gì?! Xét kỹ, mình có duyên gặp Phật pháp, rồi học để mà sống thì đó mới đúng là, sự sống có những ý nghĩa sâu xa, cao quý hơn. Được như vậy thì mình mới thấy rằng: "Vua Trần Nhân Tông đi tu là có lý!". Đúng là dù cho ngai vàng, điện ngọc v.v… gì đi nữa thì cũng còn chưa phải quý, trong Phật pháp quảù còn có cái gì đó cao quý vượt hơn nữa nên Ngài mới sẵn sàng từ bỏ để đi tu. Thấy như vậy thì mình mới quý trọng pháp, mới thấy đúng là Pháp bảo.
Mong sao tất cả học pháp, thấy được pháp để thấy rằng Đức Như Lai vẫn luôn luôn dạy chúng ta đây chứ chưa có mất. Được như vậy thì bảo đảm trên đường học Phật mình luôn có chỗ nưông tựa chắc chắn, chánh pháp vẫn luôn soi sáng thế gian chưa từng gián đoạn.
Mã an toàn:
LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...
Ý kiến bạn đọc