Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Sư TỊNH GIÁC THIỆN TRÌ

Đăng lúc: Chủ nhật - 03/06/2012 11:12 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Sư  TỊNH GIÁC THIỆN TRÌ

Thiền Sư TỊNH GIÁC THIỆN TRÌ

(MỘC Y SƠN ÔNG)

Thiền sư Tịnh Giác - Thiện Trì, húy Tánh Ban, hiệu là Mộc Y Sơn Ông thường được gọi là Ông Núi hay Ông Núi mặc áo vỏ cây, tên là Lê Ban, người Trung  Hoa (?).

Năm Nhâm Ngọ (1702), thời chúa Nguyễn Phước Chu, Ông Núi đến núi Linh Phong ở vùng miền biển Phương Phi, Phương Thái, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, lập am tranh tu hành, đặt tên chùa là Dũng Tuyền.

Tương truyền, hằng ngày ông vào núi hái củi, bó thành bó to, đội củi xuống núi đặt bên vệ đường, người dân địa phương đem gạo, rau đổi lấy. Núi này nhiều cọp beo và thú dữ, nhưng với đức hạnh cao phong của Ông Núi, thú dữ trở nên hiền lành, gần gũi nhau thân thiện, không còn cách biệt giữa người và vật.

Năm Quí Sửu (1733), chúa Nguyễn Phước Trú (1726-1738) nghe danh Ông Núi, quí trọng ông là một Thiền sư chân chính nên ra lệnh xây cất lại chùa Dũng Tuyền trở thành một ngôi chùa lớn, đặt tên chùa là “Linh Phong Thiền Tự”, lại ban cho tấm hoành có viết bốn chữ “Linh Phong Thiền Tự”, phía trái khắc chữ “Vĩnh Khánh, tháng giêng năm Quí Sửu”, phía mặt có khắc chữ “Quốc Chủ ngự đề”. Chúa cũng ban cho chùa câu đối:

          Hải ngạn khởi lương nhân, pháp vũ phổ thiên tư Phật thổ.      

          Linh Phong ngưng thoại khí, tường vân biến địa ấm nhân gian.

          (Bờ biển gặp duyên may, mưa pháp khắp trời thấm nhuần đất Phật.

          Núi Linh đọng khí tốt, mây lành khắp chốn che chở người đời.)       

Chúa lại ban cho Ông Núi hiệu “Tịnh Giác Thiện Trì Đại Lão Thiền sư”.

Năm Tân Dậu (1741), niên hiệu Cảnh Hưng thứ ba, chúa Võ Vương Nguyễn Phước Khoát (1738-1765) sắc triệu “Ông Núi” về đô thành Phú Xuân tham vấn Phật pháp. Ông Núi xách tích trượng về phủ Chúa ở đó một tháng. Chúa ban cho Ông Núi ca-sa có móc vàng, vòng ngọc.

Ông Núi viên tịch tại chùa Linh Phong vào thời Tây Sơn, đồ chúng lập tháp thờ ở bên phải chùa vào năm Thái Đức thứ tám (1785). Tháp có câu đối:

          “Quyền thạch tiệm thành sơn, thản thản u trinh thường lạc thổ.

          Chúng lưu năng vi thủy, man man không tế Động Đình thiên.”

          (Gom đá dần dần thành núi, tĩnh mịch thênh thang đất Phật vui.

          Nhiều dòng nước thành sông, mênh mông bát ngát trời Động Đình.)

Năm Gia Long thứ bảy (1808), Hoàng hậu Hiếu Khương ra lịnh cho trùng tu chùa Linh Phong, trong khi trùng tu, không ai được lấy đi bất cứ một vật gì của chùa.         

Tương truyền vào thời vua Minh Mạng (1821-1840), một hôm vua bị bệnh, vừa chợp mắt mộng thấy một vị sư già mặc áo vỏ cây đứng bên giường ngọc quạt cho vua. Sáng sớm hôm sau vua hết bệnh, và khỏe mạnh như thường. Ngự triều kể lại chuyện đêm qua, có quan trong triều cho rằng: vị Sư già đó có lẽ là Mộc Y Sơn Ông (ông Núi mặc áo vỏ cây) ở chùa Linh Phong ngày xưa. Vì vậy vua xuống sắc ra lịnh cho quan trấn tỉnh Bình Định trùng tu lại chùa Linh Phong, cấp cho một trăm hai mươi lượng bạc, đồng thời vua ra lệnh cho quan địa phương thỉnh pháp phục của Sơn Ông được triều trước ban thưởng đem về cung Nội ở kinh đô Huế để vua chiêm ngưỡng, rồi theo mẫu đó, chế ra một áo ca-sa móc vàng, vòng ngà mới ban cho đem về chùa thờ cúng.

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Nguồn tin: thuongchieu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 65
  • Hôm nay: 7810
  • Tháng hiện tại: 1721394
  • Tổng lượt truy cập: 59374327

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile