Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phẩm Già: 5 - Ni Cô và bóng sắc

Đăng lúc: Thứ năm - 13/06/2013 15:13 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
(150) Thành này làm bằng xương, Quét tô bằng thịt máu, Ở đây già và chết, Mạn, lừa đảo chất chứa.

Thành này làm bằng xương …

Phật đã dạy như thế tại Kỳ Viên, liên quan đến ni cô Janapada-Kalyāṇī Rūpanandā.

Cô nghĩ rằng: “Anh cả của ta đã từ bỏ vinh quang của quyền uy, trở thành Tỳ-kheo, và giờ đây là người siêu việt ở thế gian, là Phật. Con Ngài là Rūhula Kumāra, cũng là tăng sĩ. Chồng ta là tăng và cả mẹ ta cũng là ni. Cả gia quyến đều sống đời xuất gia, tại sao ta vẫn kéo dài đời tại gia?” Do đó cô muốn đi tu, gia nhập Ni chúng, không phải với lòng tin mà vì lòng thương gia quyến. Vì có vẻ đẹp tuyệt trần nên cô có tên Râpa.

Một hôm nghe Thế Tôn giảng: “Cái đẹp của sắc là vô thường, hệ lụy với khổ đau, phi thực; thọ, tưởng, hành, thức cũng đều như thế.” Cô cho rằng Thế Tôn đã nhìn thấy cái xấu trên thân xác của mình, dù rất đẹp để nhìn rất xinh để ngắm. Do đó cô không thích diện kiến Thế Tôn nữa.

Dân cư ở Xá-vệ thường cúng dường sáng sớm, tiếp tục bổn phận của ngày Bát quan trai. Buổi chiều ăn mặc sạch sẽ tươm tất, tay cầm hương hoa, họ tụ tập tại tinh xá để nghe pháp, Ni chúng cũng thế. Nghe pháp xong, họ vào thành ca tụng công đức của Thế Tôn.

Có bốn tiêu chuẩn để người ta phán đoán về Như Lai và lấy làm mãn nguyện:

• Trên điều họ thấy được là thân kim sắc của Phật, trang nghiêm với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp.

• Trên điều họ nghe được về đức hạnh của Phật qua biết bao trăm kiếp, và nghe Phật âm gồm có Bát Diệu khi Ngài thuyết pháp.

• Trên sự khổ hạnh của Phật.

• Trên sự nhận xét về Ngài là chính trực, có thập lực, có trí, an tĩnh; Phật là bậc độc tôn không ai sánh bằng.

Rūpanandā nghe Ni chúng và nữ cư sĩ kể lại lời ca tụng Như Lai, nhưng cô cho rằng họ xưng tán quá lố đối với anh mình. Nếu như Ngài định chỉ trích sắc đẹp của cô trong chỉ một ngày thôi, Ngài sẽ nói nhiều đến đâu trong khoảng thời gian ấy? Rồi cô có ý định đi nghe pháp, nhìn Thế Tôn rồi trở về mà không muốn cho ai thấy mình. Ni chúng vui sướng dẫn Rūpanandā cùng đi, vì từ lâu cô không muốn đến hầu Phật, có cô Ngài sẽ thuyết pháp với nhiều chi tiết phong phú hơn.

Thế Tôn biết trước hôm nay Rūpanandā đến đảnh lễ. Và để dạy dỗ người quá đắm trước thân mình, để làm tiêu tan lòng kiêu hãnh của nàng vì ỷ có sắc đẹp, Ngài sẽ dùng chính sắc đẹp thân thể làm phương tiện, giống như phải dùng gai lể gai. Thế Tôn liền hiển thần thông: một thiếu nữ mười sáu xuân xanh, đẹp chưa từng thấy mặc bộ y phục đỏ thẫm, trang điểm với tất cả món trang sức, đứng trước Thế Tôn, cầm quạt phe phẩy. Chỉ có Phật và Rūpanandā trông thấy cô gái.

Rūpanandā vào tinh xá với Ni chúng. Cô đứng phía sau, năm vóc gieo xuống đảnh lễ Phật và ngồi xuống chỗ Ni chúng. Rồi cô quan sát Thế Tôn từ đầu đến chân. Rực rỡ xán lạn với ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, hào quang bao quanh tỏa rộng đến hai mét. Rồi cô thấy cô gái đứng cạnh Phật và cô quan sát gương mặt sáng rực như trăng rằm của cô gái. Ngắm lại thân mình, cô thấy mình chẳng khác gì con quạ đang đứng trước con ngỗng chúa thân kim sắc. Cô trợn tròn mắt vì mái tóc thiếu nữ, ôi thật thanh tú. Cô say mê từng bộ phận trên người thiếu nữ, và nóng lòng muốn mình cũng được như thế. Thế Tôn biết được ý tưởng của cô nên bắt đầu thuyết cho cô bài pháp sau. Thế Tôn hóa hiện thiếu nữ từ mười sáu tuổi lên hai mươi tuổi. Rūpanandā nhận ra ngay bóng sắc này không bằng trước đây. Rồi thiếu nữ thành thiếu phụ một con, đến trung tuần và cuối cùng là một lão bà già khụ. Rūpanandā theo dõi từng giai đoạn biến hóa, mỗi lúc vẻ đẹp chỗ này mất, sắc tươi chỗ kia hết. Và khi đứng đó là bà lão răng rụng, tóc bạc, lưng còng, oằn xuống như chiếc rui nhà hình chữ nhân, phải tựa lên gậy, tay chân run rẩy, Rūpanandā không khỏi ghê tởm.

Phần cuối bài thuyết pháp của Phật là bà lão lâm bệnh. Ném gậy và quạt đi, bà kêu thét lên, té xuống đất, lăn qua lăn lại trên đống phân và nước tiểu của mình. Rūpanandā nhìn và muốn lợm giọng. Rồi đức Phật cho thấy cái chết của bà lão. Liền đó thi thể bà trương phồng, từ chín lỗ mủ chảy ra có dạng như bấc đèn và có cả giun sán. Quạ và chó nhào lên người bà xé xác. Sự kiện này làm chấn động Rūpanandā khôn kể. Cô thấy rõ ngay chính chỗ này người đàn bà này già đi, lâm bệnh rồi chết; và thân của cô cũng sẽ như thế. Từ cái thấy thân mình nằm trong sự vô thường, cô thấy thân thể mình hệ lụy đến khổ đau, và do đó phi thực.

Liền đó, ba pháp (già, bệnh, chết) giống như nhà bị lửa thiêu đốt, hoặc như dây thừng quấn ngang cổ cô, hiển hiện trước mắt Rūpanandā khiến tâm cô đi vào thiền định. Tuy vậy, Phật biết cô chưa thể chứng quả, nên đọc thêm bài kệ để hỗ trợ cho cô như sau:

Hãy nhìn, Nandā!

Sự liên kết những bộ phận gọi là thân,

Nó là bệnh tật, bất tịnh, thối tha, rỉ chảy.

Thật là ngu ngốc nếu ham muốn nó.

Thân này như thế nào, thân kia cũng thế,

Thân kia ra sao, thân này cũng sẽ vậy.

Hãy nhìn các yếu tố của thân đều là không.

Đừng trở lại thế gian,

Hãy dập tắt tham ái khiến tái sanh,

Và ngươi sẽ đi trong an tĩnh.

Hướng tâm ý thuận theo giáo lý Phật, Rūpanandā chứng quả Tu-đà-hoàn. Vì muốn cho cô tiến lên Tam đạo và Tam quả trên nữa, đẩy cô thiền định thêm về lý không, Thế Tôn dạy thêm:

- Này Rūpanandā , đừng nghĩ rằng thân này có thực, không một chút gì là thực trong thân này. Thân này là thành trì làm bằng xương, do ba trăm khúc xương dựng lên.

Và Ngài đọc Pháp Cú:

                (150) Thành này làm bằng xương,
                        Quét tô bằng thịt máu,
                        Ở đây già và chết,
                        Mạn, lừa đảo chất chứa.

    Cuối bài kệ, ni cô chứng quả A-la-hán, và nhiều người cũng thọ trì được bài kệ này.

 


Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 79
  • Hôm nay: 7627
  • Tháng hiện tại: 1721211
  • Tổng lượt truy cập: 59374144

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile