Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phẩm tự ngã: 4 - Đừng ghét bỏ cha mẹ mình

Đăng lúc: Chủ nhật - 16/06/2013 23:09 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
(160) Tự mình y chỉ mình, Nào có y chỉ khác. Nhờ khéo điều phục mình, Được y chỉ khó được.

Tự mình y chỉ mình…

Câu này Phật dạy tại Kỳ Viên, liên quan đến bà mẹ của Trưởng lão Kumāra Kassapa.

4A. KUMÀRA KASSAPA CHÀO ĐỜI

Con gái của chưởng khố thành Vương Xá trước khi đến tuổi khôn lớn đã xin phép đi tu nhiều lần, nhưng không được. Đến tuổi cặp kê bà thành hôn, về sống bên nhà chồng là một gia chủ, làm người vợ trung thành.

 Chẳng bao lâu bà có mang, nhưng bà và cả người chồng đều không hay biết. Bà xin xuất gia, lần này được chồng thuận, và cũng chính ông dẫn bà đến Ni chúng. Bà được gia nhập Tăng đoàn Ni chúng thuộc phái Đề-bà-đạt-đa.
Sau một thời gian Ni chúng thấy bà mang thai nên hỏi:
- Việc này nghĩa là sao?
Bà đáp:
- Thưa quý Ni, con không hiểu ra sao. Nhưng con biết chắc là con vẫn giữ phạm hạnh trong sạch.
Họ dẫn bà đến Đề-bà-đạt-đa, và vì sợ bị quở trách, ông ra lệnh trục xuất. Bà liền van xin chư ni:
- Quý sư tỷ! Đừng hủy hoại đời con! Con xuất gia không phải theo đề nghị của Tôn giả Đề-bà-đạt-đa. Xin dẫn con đến Thế Tôn ở Kỳ Viên.
Thế Tôn biết bà đã mang thai khi còn ở thế gian, và để phản chứng lời buộc tội sai lầm, Ngài triệu tập vua Ba-tư-nặc, Đại và Tiểu Cấp Cô Độc, cư sĩ Tỳ-xá-khư và các nhân vật tai mắt khác, truyền lệnh cho Trưởng lão Ưu-ba-ly:
- Ông hãy đến giữa tứ chúng biện hộ cho người đàn bà bị kết tội này.
Trưởng lão gọi bà Tỳ-xá-khư đến trước mặt vua giao trách nhiệm. Bà cho treo màn chung quanh thiếu phụ, và khám từ tay, chân, rốn, bụng, đến phần dưới. Rồi đếm tính số tháng và ngày, bà nhận xét thiếu phụ đã có thai khi còn ở thế gian, liền báo tin cho Trưởng lão. Trước tứ chúng Ngài tuyên bố thiếu phụ vô tội và một đứa bé ra đời, mạnh khỏe và to lớn như bà đã cầu xin dưới chân đức Phật Padumuttara.
Ngày kia nhà vua đi ngang qua chỗ Ni chúng, nghe tiếng trẻ khóc, dừng chân hỏi chuyện biết được liền mang đứa trẻ về hoàng cung giao các công chúa nuôi nấng. Đến ngày lễ đặt tên, họ đặt là Kassapa, vì được hoàng gia dưỡng dục, nên mọi người gọi là hoàng tử Kassapa, Kumāra Kassapa.
Trên sân chơi, một hôm, đứa bé đánh mấy trẻ kia. Chúng la lên:
- Tên không cha không mẹ đánh chúng tôi! 
Kassapa lập tức chạy đến vua hỏi:
- Tâu bệ hạ, chúng nó nói con không cha không mẹ, ai là mẹ của con xin nói cho con biết.
Vua chỉ các công chúa bảo:
- Các bà mẹ của con đó! 
Kassapa không chịu cằn nhằn:
- Con không có nhiều mẹ như vậy, đúng ra con chỉ có một mẹ thôi, ai vậy?
Vua biết không thể dối gạt, nên nói hết sự thật. Kassapa xúc động vô cùng, xin xuất gia ngay. Vua hoan hỷ dẫn đến gặp Phật, và thọ giới xong, chú trở thành Trưởng lão Kassapa. Nhận đề mục thiền quán từ Thế Tôn, Kassapa rút vào rừng. Nhưng nỗ lực hết sức mình vẫn không chứng quả, nên Ngài nghĩ cần trở về để xin Phật đổi đề mục, sau đó đến trú trong núi Andha.
(Bấy giờ một Tỳ-kheo từ thời Phật Ca-diếp tự thiền định và chứng Tam quả. Ông tái sanh trên cõi trời Phạm thiên rồi trở lại thế gian, hỏi Kumāra Kassapa mười lăêm câu hỏi, với lời nhắn nhủ “không ai khác ngoài Thế Tôn có thể giải đáp câu hỏi này, hãy đi gặp Thế Tôn”. Kassapa nghe theo, và khi các câu hỏi được trả lời xong, Trưởng lão chứng A-la-hán).

4B. ĐỪNG GHÉT BỎ CHA MẸ MÌNH

Suốt mười hai năm, kể từ ngày Kassapa lìa bỏ thế tục, bà mẹ ni cô vẫn khóc hết nước mắt vì quá đau khổ xa con. Một hôm đi khất thực, bà thấy Trưởng lão trên đường bèn mừng quá la lên:
- Con tôi! Con tôi! 
Bà chạy đến và té sấp xuống chân Ngài, lăn vòng dưới đất. Sữa từ trong ngực chảy ra ướt hết áo khi bà đứng lên ôm Trưởng lão. Nghĩ rằng nếu nói lời ngọt sẽ không giúp ích gì được cho bà, Kassapa lớn tiếng với bà:
- Bà muốn gì đây? Bà không bỏ được tình cảm thế tục sao?
Bà mẹ chới với, không ngờ con mình nói với mình như một tên cướp. Bà nén lòng hỏi thêm:
- Con yêu quí, con nói gì vậy?
Nhưng Kassapa vẫn chỉ lặp lại những lời cộc cằn tàn nhẫn. Sau đó bà hiểu ra rằng chỉ tại vì nó mà bà đã không ngăn được giọt lệ suốt mười hai năm. Nhưng nó quá cứng cỏi đối với bà, tại sao bà còn thương tưởng nó làm gì? Ngay lúc ấy bà cắt đứt cội rễ luyến ái đứa con và chứng quả A-la-hán.
Về sau các Tỳ-kheo bàn tán trong Pháp đường:
- Đề-bà-đạt-đa muốn trừ khử Kumāra Kassapa, người có khả năng chứng quả Dự-lưu và cả ni cô mẹ Ngài. Nhưng Thế Tôn đã che chở họ. Lòng từ bi của Phật đối với chúng sanh to lớn biết bao!
Phật nghe được liền dạy:
- Này các Tỳ-kheo! Đây không phải là lần đầu tiên ta là chỗ dựa và bênh vực họ. Ở kiếp trước cũng đã như thế.
Và Phật kể chuyện Bổn Sanh Nigrodha:

                        Đừng theo nai rẽ đàn
                        Theo nai chúa mà đi.
                        Thà chết bên nai chúa,
                        Hơn sống cạnh nai kia.

Ngài đồng nhất các nhân vật như sau:
- Ở kiếp đó con nai rẽ đàn dẫn đầu một nhánh phái là Đề-bà-đạt-đa, những con nai trong nhánh phái là đồng nhóm của Đề-bà-đạt-đa, con nai cái đã đạt được sở nguyện là ni cô, con nai tơ là Kumāra Kassapa, và con nai đầu đàn, nai chúa, đã hy sinh mạng sống vì con nai cái và nai tơ, chính là ta.
Sau khi ca tụng ni cô đã cắt ái với con mình, lấy chính mình làm nơi an trú cho mình, Thế Tôn đã dạy thêm:
- Này các Tỳ-kheo, bởi vì khi một người đạt được cứu cánh cõi trời hay đạo quả, thì thành quả ấy không thể trở thành sở hữu của người khác, do đó chính mình là nơi nương tựa của mình. Làm sao một người có thể làm nơi nương tựa cho người khác được?
Và Ngài đọc Pháp Cú:

                   (160) Tự mình y chỉ mình,
                            Nào có y chỉ khác.
                            Nhờ khéo điều phục mình, 
                            Được y chỉ khó được.

 

Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 579
  • Hôm nay: 55625
  • Tháng hiện tại: 904294
  • Tổng lượt truy cập: 79773158

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile