Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phẩm Tạp Lục: 1- Sông Hằng Dâng Nước

Đăng lúc: Thứ năm - 29/05/2014 17:01 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Nhờ từ bỏ lạc nhỏ...

Câu chuyện xảy ra khi đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, liên quan những hành động quá khứ của Ngài.

Một thuở, thành Tỳ-xá-ly là một đô thị giàu mạnh, dân cư đông đúc. Có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hoàng tử nối nhau trị vì. Mỗi ông hoàng có cung điện riêng, nhiều đền chùa, lâu đài, công viên, hồ tắm ở khắp nơi trong xứ. Tóm lại đó là một thành phố sung túc.

Nhưng ít lâu sau nguồn lương thực bị cạn dần, rồi mất mùa, kế đến là nạn đói. Những người nghèo đói chết trước nhất, tử thi của họ bị vất khắp nơi, mùi hôi thúi xông lên quyến rũ một số ác quỷ. Bọn này tung hoành làm một số người chết thêm, mùi hôi xác chết kinh khiếp đưa đến bệnh dịch. Như vậy có ba thiên tai xảy ra: nạn đói, ác thần và bệnh dịch.

Dân cư trong thành họp lại dâng kiến nghị lên nhà vua:

- Ðại vương! Trong thành chúng ta đang bị ba thiên tai, trong thời bảy vua quá khứ không hề xảy ra điều này. Thời của vị minh quân nào đã qua cũng không có thiên tai đến như thế.

Nhà vua họp đại hội toàn quốc, tuyên bố:

- Có thể ta phạm một vài lỗi lầm, hãy phán xét ta.

Dân chúng tìm tòi những hành vi của nhà vua từ trước đến giờ, không thấy lỗi gì.

- Ðại vương, chúng tôi không tìm thấy lỗi nơi ngài.

Họ họp nhau, tìm cách giảm bớt những thiên tai đang xảy ra. Một số người đề nghị tế lễ, cầu cúng, hội hè, nhưng thiên tai không giảm bớt. Số người khác đưa kế hoạch:

- Hiện đang có sáu vị giáo chủ nhiều quyền năng, chúng ta mời các vị ấy đến xem may ra có giảm bớt thiên tai.

Người khác nói:

- Ðấng Toàn Giác đã hiện ra nơi đời, Ngài là đấng Thế Tôn giảng dạy giáo lý cứu khổ cho chúng sanh. Ngài có nhiều thần thông và quyền lực siêu nhiên. Nếu Ngài đến đây, thiên tai sẽ giảm.

Mọi người tán thành ý kiến sau cùng.

- Hiện nay Thế Tôn đang ở đâu?

Lúc ấy, gần đến ngày an cư, đức Thế Tôn ở tại Trúc Lâm, theo lời hứa với vua Tần-bà-sa-la. Và lúc đó, có một ông hoàng dòng Licchavi tên là Mahàli, là người trong hội đồng hoàng tộc của vua Tần-bà-sa-la, đã chứng quả Dự-lưu, có mặt trong hội nghị. Dân Tỳ-xá-ly sắm sửa phẩm vật long trọng gởi kèm theo ông hoàngMahàli, cùng với con trai của vị tư tế, đến thành Vương-xá để xin thỉnh Phật.

Hoàng tử Mahàli và con trai thầy tư tế đến gặp vua Tần-bà-sa-la dâng phẩm vật, nói rõ lý do và thỉnh cầu:

- Ðại vương! Hãy để đức Thế Tôn đến thành phố chúng tôi.

Nhà vua chỉ nói:

- Các ông là những người thông minh, có thể tự thỉnh lấy.

Họ bèn đi đến chỗ Phật, đảnh lễ và thưa:

- Bạch Thế Tôn, tại thành phố chúng con có ba thiên tai tàn phá. Nếu Ngài đi đến đó chúng sẽ giảm bớt. Xin Ngài đến với chúng con.

Ðức Phật nghe xong lời thỉnh cầu, quan sát và dự biết rằng, ngay khi câu kinh Kim Cương được đọc tụng tại Tỳ-xá-ly, sẽ làm chấn động tam thiên thế giới. Khi bài kinh kết thúc, sẽ có tám muôn bốn ngàn người được Pháp nhãn, và thiên tai giảm thiểu Ngài nhận lời.

Vua Tần-bà-sa-la nghe tin Phật nhận lời đến Tỳ-xá-ly, bèn ra lệnh báo tin khắp thành Vương-xá, còn vua đến chỗ Phật, thưa:

- Bạch Thế Tôn, có phải Ngài sắp đi đến Tỳ-xá-ly.

- Ðúng vậy, đại vương!

- Nếu thế, xin hãy đợi con dọn dẹp đường.

Nhà vua ra lệnh dọn con đường dài năm dặm, từ thành Vương-xá đến bờ sông Hằng, mỗi dặm đặt một trạm nghỉ chân. Khi đâu đó xong xuôi, nhà vua báo tin cho Phật biết rằng Ngài có thể lên đường. Ðức Phật ra đi, dắt theo năm trăm vị Tỳ-kheo. Trên mỗi dặm đường, nhà vua ra lệnh trải hoa ngũ sắc ngập đến đầu gối, cờ lọng giăng đầy, hai lọng trắng che trên đức Thế Tôn, còn mỗi vị Tỳ-kheo một lọng trắng. Chung quanh Phật và các Tỳ-kheo, nhà vua tung hoa, rắc hương, mỗi trạm nghỉ đêm nhà vua cúng dường vật thực thật nhiều. Trong năm ngày, nhà vua đưa Phật ra đến bờ sông, trang hoàng một chiếc thuyền lộng lẫy rồi nhắn tin cho dân thành Tỳ-xá-ly:

- Hãy sửa soạn đường sá và cung nghinh đức Thế Tôn.

Dân Tỳ-xá-ly tự nhủ: "Chúng ta sẽ đón tiếp Thế Tôn long trong gấp hai lần vua Tần-bà-sa-la". Vì thế, từ bờ sông Hằng đến Tỳ-xá-ly dài ba dặm, họ dọn đất bằng phẳng dựng cờ lọng dãy cao dãy thấp, dành riêng cho Phật bốn lọng, các Tỳ-kheo mỗi vị hai lọng. Chuẩn bị xong, họ đứng chờ bên này bờ sông.

Vua Tần-bà-sa-la cột hai chiếc thuyền lại với nhau, dựng mái che ở trên, trang hoàng đầy hoa rực rỡ, đặt một chiếc ghế bằng các loại ngọc cho Phật ngồi. Ðức Thế Tôn ngồi vào ghế, chư Tỳ-kheo bước xuống thuyền, ngồi vây quanh đức Phật. Nhà vua đi theo thuyền, lội xuống nước tận đến cổ, và bạch Phật.

- Bạch đức Thế Tôn, con sẽ ở lại bên bờ sông này, đợi Ngài trở về.

Nói xong, vua đẩy thuyền ra giữa dòng và trở vào. Sau khi thuyền bơi được một dặm, Phật đến giang phận thành Tỳ-xá-ly.

Các hoàng tử dòng Licchavi đến đón đức Phật, họ cũng lội xuống nước ngang cổ, kéo thuyền vào bờ và đưa đức Phật rời thuyền lên bờ. Khi Phật vừa đặt chân lên bờ, một cơn bão lớn nổi lên, mưa như trút, nước dâng lên cao, cuốn sạch các tử thi xuống sông, và toàn thể thành phố trở nên sạch sẽ tinh khiết. Các hoàng tửLicchavi mời Phật nghỉ chân từng dặm đường, dâng cúng phẩm vật gấp đôi số phẩm vật của vua Tần-bà-sa-la. Sau ba ngày, Phật đến Tỳ-xá-ly.

Thiên chủ Ðế Thích bay xuống đấy, cả chư thiên tùy tùng; với ảnh hưởng quyền lực rộng lớn như thế, các ác thần chạy trốn gần hết. Vào buổi chiều, đức Phật đứng ở cổng thành, ra lệnh cho Tôn giả A-nan.

- Này A-nan, hãy nghe ta nói kinh Kim Cương và đi quanh thành trùng tụng lại để tạo năng lực bảo hộ trên ba lớp thành Tỳ-xá-ly, thành phố của các hoàng tử Licchavi.

Tôn giả A-nan tiếp nhận kinh từ kim khẩu Thế Tôn, lấy nước trong bình bát của Phật, rồi đi ra đứng tại cổng thành Tỳ-xá-ly. Tôn giả quán tưởng về tất cả công hạnh của Phật "Bắt đầu từ ý chí quyết thành Phật, đến mười Ba-la-mật của Như Lai, năm pháp đại thí, ba ân đức, là vì lợi lạc cho thế giới, vì lợi lạc cho thân quyến và cho sự tìm cầu giác ngộ; Bồ-tát vào thai mẹ trong đời sống cuối cùng, Ðản Sanh, Xuất Gia, hành Khổ Hạnh, hàng phục Ma vương, đạt Tam Minh và chín tầng Thiền Ðịnh". Quán tưởng như thế xong, Tôn giả đi vào thành, suốt ba canh trong đêm đi kinh thành trong ba lớp thành, vừa đi vừa tụng đọc kinh Kim Cương như một năng lực bảo hộ.

Khi Tôn giả đọc đến đoạn thứ ba và rải nước, những giọt nước rơi trúng các ác ma. Từ đoạn thứ ba trở đi, những giọt nước kết tụ thành những quả cầu bằng bạc nhỏ tí, bay trên không trung đến nơi trên các người bệnh. Lập tức họ lành bệnh, trỗi dậy khắp mọi nơi và vây quanh Tôn giả. Cũng thế, khi câu kinh đoạn ba vừa đọc lên, các loài ác ma chui núp trong đống củi, đống rác, kẹt tường, khi chạm nhằm các giọt nước ấy đều trốn hết, chúng chen chúc nhau chật cửa đến nỗi phải phá tường mà chui ra.

Dân chúng dùng đủ loại hương rảy lên trên hội trường thành phố nằm ngay trung tâm Tỳ-xá-ly, cho dựng mái che ở trên gắn đầy sao vàng và các thứ trang sức khác, sắp đặt chỗ cho Thế Tôn ngồi. Ðức Thế Tôn ngồi vào tòa, các vị Tỳ-kheo và các hoàng tử Licchavi ngồi vây quanh thành vòng tròn, rồi thiên chủ Ðế Thích cùng chư thiên quyến thuộc cũng đứng vào chỗ của mình. Tôn giả A-nan đi quanh thành vừa xong, trở về cùng với số đông các người bệnh được chữa lành, cũng đến đảnh lễ Phật, ngồi một bên. Ðức Thế Tôn quan sát chúng hội, lặp lại kinh Kim Cương thêm một lần nữa. Nghe xong có tám muôn bốn ngàn người được Pháp nhãn. Ðiều này xảy ra liên tiếp bảy hôm nữa, đức Thế Tôn vẫn dạy cùng một bài kinh trên. Sau đó, nhận thấy tất cả thiên tai đều tiêu trừ, Ngài giảng dạy cho các hoàng tử Licchavi xong, rời thành Tỳ-xá-ly. Các ông hoàng tôn phụng Thế Tôn gấp bội, và lần nữa suốt ba ngày theo sau Phật đến bờ sông Hằng.

Các vua rồng cư trú tại sông Hằng tự nghĩ: "Loài người đã tôn kính Như Lai, tại sao chúng ta không làm như thế?" Bèn hóa hiện những con thuyền bằng vàng, bạc, châu báu, trên ấy đặt ghế trân bảo, mặt nước trải đầy hoa sen ngũ sắc. Các vua rồng thỉnh Phật lên thuyền:

- Bạch Thế Tôn, xin hãy ban phước cho chúng con.

Lúc ấy, chư thiên từ cõi trời Dục đến cõi trời Phạm bảo nhau:

- Người và rồng đã tôn kính Như Lai, tại sao chúng ta không làm như thế?

Và họ cùng tôn vinh Phật. Các long vương dựng những cây lọng này kế tiếp cây lọng kia, cao một dặm và bên dưới, các long vương khác cũng làm như thế. Các loài chư thiên ở trên cây, trong rừng, trên núi, trên trời, từ thế giới rồng đến cõi trời Phạm, tụ họp thành vòng tròn, mỗi vị tay cầm lọng, giữa lọng là cờ, giữa cờ là phướn, tung hương rải hoa, rưới nước thơm. Các thiên nam trang sức lộng lẫy như ngày hội, bay lượn trên không, ca ngợi vang rền (Theo truyền thống, có ba cuộc đại hội như thế: một vào dịp Phật hoá hiện thần thông song hành, một vào dịp Ngài từ cung trời xuống, và một vào dịp sông Hằng dâng nước). Bên bờ sông phía thành Vương-xá, vua Tần-bà-sa-la đã chuẩn bị phẩn vật gấp đôi số phẩm vật của các hoàng tử Licchavivà đứng đợi đức Phật.

Khi đức Phật nhìn thấy các phẩm vật long trọng của các vị vua hai bờ sông Hằng, nhìn thấu tư tưởng của chư thiên, long vương, Ngài bèn hóa thiện một hóa Phật và năm trăm Tỳ-kheo cho mỗi chiếc thuyền. Cũng y như thế, một vị hóa Phật ngồi dưới mỗi cây lọng trắng, một vị ngồi dưới mỗi cội cây như ý, một vị ngồi dưới mỗi vòng hoa báu, vây quanh là vô số rồng thần. Giữa các chư thiên cõi người và cõi trời, cũng có một vị hoá Phật và đồ chúng. Như là một dịp lễ hội của toàn cõi thế giới, và để tỏ lòng chiếu cố loài rồng, trên mỗi chiếc thuyền bằng châu báu của loài rồng có một vị hóa Phật ngồi, và để chiếu cố chúng Tăng, trên mỗi thuyền châu báu đều có hóa Phật ngồi.

Long vương đưa Phật và chúng Tăng xuống long cung, nghe Phật giảng pháp suốt đêm; ngày sau cúng dường Phật và Tăng chúng những thức ăn thượng vị loại cứng, loại mềm. Sau khi hồi hướng phước báo cho vua rồng, đức Phật rời long cung, cùng đoàn thuyền năm trăm chiếc bơi ngang sông Hằng, trong sự cung nghinh của chư thiên trời Ðế Thích. Vua Tần-bà-sa-la đến đón Phật, thỉnh Ngài rời thuyền, cúng dường, tiếp đón Phật long trọng gấp đôi các ông hoàng Licchavi, và đưa Phật về thành Vương-xá.

Hôm sau, các thầy Tỳ-kheo đi dự hội trở về, ngồi bàn tán tại pháp đường:

- Ôi! Thần thông của đức Thế Tôn thật phi thường. Thật thành tín thay! Lòng thành kính tin tưởng của người và trời đối với Thế Tôn. Suốt tám dặm trải dài dọc theo hai bờ sông Hằng, với lòng kính tin Phật, các nhà vua đã dọn bằng phẳng đất đai, trải cát sạch, rải hoa ngập đến đầu gối. Còn long vương thì rắc hoa sen ngũ sắc đầy trên sông, cờ lọng giăng từ thấp lên đến các tầng trời, toàn cõi thế giới trang hoàng như ngày lễ.

Ðức Phật đến gần và hỏi:

- Các ông ngồi đây bàn tán chuyện gì?

Và khi nghe kể lại, Ngài bảo:

- Sự tôn kính và các phẩm vật ấy dành cho Ta không phải do thần thông của Phật, không phải do thần thông của long vương và chư thiên. Ðó là do một phẩm vật đơn sơ Ta đã cúng dường từ quá khứ, mà hiện tại Ta nhận được như thế.

Các thầy Tỳ-kheo hỏi lý do. Ðức Phật kể lại câu chuyện quá khứ.

1A. Bà La Môn Samkha

Thuở xưa, cách đây rất lâu, có một người Bà-la-môn tên Samkha, cư ngụ tại Takkasilà, ông có một người con trai mười sáu tuổi tên Susìma. Ngày kia Susìma nói với cha:

- Thưa cha, con muốn đến Ba-la-nại, học tập kinh điển.

- Tốt lắm, ta có một người bạn Bà-la-môn ở đấy, con sẽ học với ông ta.

Susìma nghe lời cha, đến Ba-la-nại tìm người thầy Bà-la-môn. Người Bà-la-môn nhận con của bạn mình làm đồ đệ. Và sau khi đã nghỉ ngơi, chàng bắt đầu học với thầy. Chàng học rất nhanh, rất nhiều và nhớ hết, không sót một điều gì, như sữa sư tử đựng trong bình vàng, không chảy ra giọt nào. Không bao lâu chàng học hết của thầy những gì đáng học. Chàng đọc tụng thông suốt, hiểu thấu đoạn đầu, đoạn giữa, nhưng không hiểu đoạn cuối. Chàng thưa điều ấy với thầy, thầy bảo:

- Này con, ta cũng không hiểu đoạn cuối.

- Vậy ai là người hiểu đoạn cuối, thưa thầy.

- Ở Isipatana có những bậc hiền triết, may ra hiểu thấu, con hãy đến đấy hỏi.

Susìma đến chỗ các vị Phật Ðộc Giác và hỏi:

- Có thật là các Ngài hiểu rõ đoạn này?

- Phải, chúng ta hiểu.

- Xin hãy dạy cho con.

- Chúng ta không dạy cho người chưa xuất gia. Nếu con muốn học, hãy trở thành Sa-môn.

Chàng Susìma đồng ý xuất gia và trở thành một Sa-môn trong giáo đoàn của các vị Ðộc Giác. Các Ngài dạy thầy Sisìma: "Hãy mặc hạ y như thế này, hãy mặc thượng y như thế..." Như thế, thầy học oai nghi của người sơ cơ.

Ở lại đây như một đồ đệ ngoan ngoãn, thầy học hết những gì được dạy, vì có khả năng đặc biệt nên không bao lâu thầy đạt quả vị Ðộc Giác. Danh tiếng Susìma nổi như cồn trong thành Ba-la-nại như mặt trăng tròn trên bầu trời, Ngài nhận nhiều sự tôn kính và cúng dường. Chẳng bao lâu, Phật Ðộc Giác Susìima nhập Niết-bàn, bởi vì các nghiệp Ngài tạo tác chỉ đưa đến một thọ mạng ngắn. Các vị Phật Ðộc giác và dân chúng làm lễ hỏa táng trọng thể, thu nhập xá lợi, xây tháp thờ tại cổng thành.

Khi ấy, người cha nghĩ thầm: "Con ta đi khá lâu, ta sẽ đi tìm thăm xem việc gì xảy ra cho nó". Ông đến Ba-la-nại, thấy đám đông dân chúng, ông nghĩ: "Chắc có vài người biết về con ta". Ông bước đến hỏi:

- Trước đây có một thanh niên tên Susìma từng đến thành này, các vị có biết tin tức gì về chàng ấy?

- Chúng tôi biết! Người ấy học hết ba bộ Vệ-đà tại nhà Bà-la-môn nọ, sau đó xuất gia làm Sa-môn, đạt quả vị Ðộc Giác và nhập Niết-bàn. Tháp này là tháp của vị ấy.

Nghe nói xong, Bà-la-môn đập tay xuống đất, khóc than kể lể, đi chung quanh tháp. Ông nhổ sạch cỏ quanh tháp, dùng áo đựng cát sạch rải chung quanh tháp, tưới nước, tung hoa để tỏ lòng kính trọng, trải áo ra như một lá phướn và cắm cây lọng của mình che trên tháp, xong rồi đi về.

Kể xong chuyện, Phật kết luận:

- Lúc ấy Ta là Bà-la-môn Samkha, do phước báo nhổ cỏ chung quanh tháp của vị Phật Ðộc Giác Susìma, nên hiện tại ông hoàng dọn sạch con đường dài tám dặm, không còn cây cỏ, đất bằng phẳng. Vì Ta trải cát quanh tháp, nên con đường dài Ta đi hôm nay cũng được rải cát. Vì Ta tung hoa lên tháp nên hôm nay các loại hoa được rải trên đường, và một dặm trên sông Hằng đầy hoa sen ngũ sắc. Vì Ta tưới nước quanh tháp nên khi ta vừa đến Tỳ-xá-ly một trận mưa rơi xuống. Vì Ta treo cờ cắm lọng nên toàn thể chư thiên cầm cờ lọng cao đến tận trời.

Này các Tỳ-kheo, các phẩm vật và những sự tôn kính ấy không phải tự nhiên đến với ta do thần lực của Ta là thật, không do thần lực của trời, rồng. Trái lại từ thần lực có từ những phẩm vật thô sơ Ta cúng dường từ thời quá khứ.

Ngài nói kệ:

(290) Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn.


Nguồn tin: thuongchieu.net
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 379
  • Khách viếng thăm: 376
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 66205
  • Tháng hiện tại: 2052358
  • Tổng lượt truy cập: 76994953

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile