Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Phẩm thế gian: 7 - Cô Bé Dệt Vải

Đăng lúc: Thứ hai - 24/06/2013 13:03 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
(174) Ðời này thật mù quáng, Ít kẻ thấy rõ ràng. Như chim thoát khỏi lưới, Rất ít đi thiên giới.

Ðời này thật mù quáng ...

Câu chuyện này xảy ra khi đức Thế Tôn ở tinh xá Aggàlava liên quan đến một cô bé thợ dệt.

Một hôm, đức phật đi đến Alavi. Dân chúng Alavi thỉnh phật thọ trai. Thọ trai xong, đức Phật dạy một bài pháp ngắn:

"Hãy quán niệm về sự chết, các người hãy tự nhủ rằng: đời sống của ta mong manh. Cái chết của ta là điều cố nhiên. Chắc chắn ta sẽ chết. Cái chết sẽ chấm dứt đời ta. Ðời sống không cố định, cố định là cái chết. Ai không quán niệm về sự chết, sẽ sợ hãi khi giờ lâm chung đến, và sẽ chết trong sợ hãi kinh hoàng, như một người đi đường gặp rắn, không có gậy trong tay, run rầy dường nào. Còn người có quán niệm về sự chết, sẽ không sợ hãi trong giây phút cuối của cuộc đời, và như một người gan dạ thấy rắn từ xa, đã cầm gẫy hất nó đi. Vì thế, hãy quán niệm về sự chết".

Mọi người nghe xong lại trở về đời sống bình thường. Chỉ có một cô bé thợ dệt mười sáu tuổi tự nhủ "Lời dạy của đức Phật thật kỳ diệu, phần ta, ta sẽ quán niệm về sự chết". Và cô bé quán niệm suốt cả ngày đêm. Ðức Thế Tôn rời Alavi đến Kỳ Viên. Cô bé cũng tiếp tục quán niệm về sự chết trong ba năm.

Vào một ngày, sáng sớm Thế Tôn quán sán thế gian, Ngài nhìn thấy cô bé xuất hiện trong tầm quan sát của Ngài. Ngài tự hỏi "Những gì sẽ xảy ra?" Ngài chú ý đến sữ diễn tiến tiếp theo: "Từ ngày cô bé này nghe Ta nói Pháp, đã thực hành quán niệm về sự chết troing ba năm. Bây giờ, Ta sẽ đế Alavi và hỏi cô bé ấy bốn câu, Ta sẽ khen cô bé, và Ta sẽ nói Pháp Cú: Ðời này thật mù quáng. Nghe xong cô bé ấy sẽ chứng quả. Nhờ vậy, thính chúng sẽ thâm hiểu lời dạy của Ta. Thế là Thế Tôn cùng năm trăm Tỳ-kheo lên đường đến tinh xáAggàlava.

Dân chúng Alavi nghe tin Thế Tôn đến, họ vào tinh xá thỉnh Phật thọ trai. Cô bé con người thợ dệt cũng nghe tin ấy, tràn đầy hân hoan. Cô nghĩ: "Thế Tôn đã đến, bậc từ phục của ta, bậc đạo sư, bậc thầy quý kính dung mạo như trăng rằm, đức Cồ-đàm Phật-đà". Cô tự nhủ "Bây giờ, lần đầu trong ba năm nay, ta mới gặp Thế Tôn, người thân sắc vàng chói, giờ đây ta được đảnh lễ thân kim sắc của Ngài, và nghe Ngài giảng pháp vi diệu thấm đầy mật ngọt".

Nhưng cha cô trước khi đến xưởng dệt, đã dặn cô:

- Này con, trên khung cửi của cha còn một khổ vải chưa dệt xong, cha phải dệt xong hôm nay. Con hãy quấn chỉ vào thoi cho đầy và mang gấp đến cha.

Cô gái nghĩ thầm: "Ta rất mong được nghe đức Phật thuyết pháp, nhưng cha ta đã căn dặn như thế. Ta sẽ đi nghe pháp hay đánh sợi cho cha ta?" Cô nghĩ tiếp: "Nếu ta không mang thoi đến, cha ta sẽ đánh ta. Vậy thì phải đánh sợi cho đầy mấy con thoi, đem đến cho ông, đợi dịp khác đi nghe pháp". Cô ngồi vào ghế và đánh sợi.

Dân chúng Alavi đợi chờ Thế Tôn, cúng dường thức ăn, sau khi ăn xong họ dọn bát và nghe Ngài chỉ dạy. Ðức Thế Tôn tự nhủ: "Ta đến đây qua một khoảng đường ba mươi dặm chỉ vì một cô bé, cô ấy chưa có mặt. Khi cô ấy đến, Ta sẽ giảng pháp". Vì thế, Ngài ngồi im, thính chúng cũng lặng yên đợi chờ (Khi đức Phật làm thinh, không có người hay trời nào dám thốt ra một câu).

Cô bé đã đánh thoi xong, bỏ vào giỏ và đem đến xưởng dệt cho cha. Trên đường đi, cô đứng lại ngoài vòng thính chúng và chăm chú nhìn Ðức Phật. Thế Tôn cũng nhìn thấy cô, và cô hiểu ý Ngài: "Ðức Bổn sư ngồi trong pháp hội, tỏ dấu nhìn ta với ý muốn ta đến gần, Ngài muốn ta đến nghe pháp vào ngay lúc này".

(Vì sao đức Thế Tôn chú ý cô bé? Vì Ngài biết rằng nếu cô bé đi tiếp cô sẽ chết khi chưa xong việc, kiếp sau của cô sẽ không biết ra sao. Nhưng nếu cô bé đến nghe pháp, cô sẽ chứng quả Dự lưu và chắc chắn sẽ tái sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Ngài biết cô bé phải chết ngày hôm nay).

Với dấu hiệu của cái nhìn đức Phật, cô đến gần Thế Tôn chiêm ngưỡng vầng hào quang sáu sắc chung quanh thân Phật, cung kính đảnh lễ và kính cẩn đến gần Thế Tôn, cô ngồi vào chỗ một cách im lặng với thính chúng chung quanh. Ðức Thế Tôn hỏi cô:

- Con từ đâu đến đây?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con sẽ đi đến đâu?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

- Con biết hay không biết?

- Bạch Thế Tôn! Con biết.

- Con không biết phải chăng?

- Bạch Thế Tôn! Con không biết.

Sau bốn câu hỏi của Phật, thính chúng nổi giận xì xào: "Coi kìa! Con bé, con lão thợ dệt nói như đùa với Thế Tôn. Khi Ngài hỏi từ đâu đến nó phải đáp: "Từ nhà thợ dệt" chứ. Và khi Ngài hỏi đi đâu, nói phải thưa là: "Ði đến xưởng dệt, mới phải chứ".

Thế Tôn bảo thính chúng im lặng, Ngài hỏi cô bé:

- Này con! Khi Ta hỏi con từ đâu đến, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết rằng con từ nhà cha con là người thợ dệt đến đây. Vì thế khi Ngài hỏi con từ đâu đến, con hiểu rằng ý của câu ấy là con từ đâu sinh ra đây. Nhưng con chẳng biết con từ đâu sinh đến nơi này.

Phật khen ngợi:

- Lành thay! Lành thay! Này con, con đã trả lời đúng câu hỏi của ta.

Ngài hỏi tiếp:

- Khi Ta hỏi con đi về đâu, vì sao con trả lời không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ngài cũng biết con đến xưởng dệt với giỏ thoi trên tay. Nên khi Ngài hỏi con đi đâu, con hiểu ý của câu ấy là khi rời nơi đây con tái sinh về đâu. Nhưng với con, sau khi chết con chưa biết sinh về đâu.

- Con trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ðức Phật khen cô lần thứ hai, và hỏi tiếp:

- Khi Ta hỏi, con biết hay không, vì sao con trả lời con biết?

- Bạch Thế Tôn! Vì con biết rằng chắc chắn con sẽ chết, nên con đáp như thế.

- Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ðức Phật khen cô lần thứ ba, hỏi tiếp:

- Vì sao khi Ta hỏi con không biết hay chăng, con trả lời rằng không biết?

- Bạch Thế Tôn! Ðiều con biết chắc là con sẽ chết, nhưng chết vào lúc nào, vào ban đêm hay ban ngày, vào buổi sáng hay bất cứ khi nào, con không thể biết, nên con trả lời không biết.

Ðức Phật khen ngợi lần thứ tư.

- Con đã trả lời đúng câu hỏi của Ta.

Ngài dạy thính chúng:

- Các người không hiểu ý câu nói của cô bé, nên nổi giận. Với người không có tuệ nhãn, họ đui mù, chỉ người nào có tuệ nhãn mới thấy được điều này.

Ngài nói kệ:

(174) Ðời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới.

Cuối thời pháp cô bé chứng quả Dự lưu. Cô cầm giỏ thoi đi đến chỗ cha mình. Ông đang ngồi ngủ bên khung cửi. Không biết cha đang ngủ cô đưa giỏ thoi vào. Giỏ thoi chạm nhằm đầu khung cửi gây nên tiếng động, cha cô choàng dậy tiếp tục kéo cửi, đầu khung văng mạnh vào ngực cô bé cô ngã ra chết, sanh lên cõi trời Ðâu-suất. Cha cô giật mình thấy con gái mình nằm sóng sượt, đầy máu và đã chết. Ông kinh hoàng than khóc:

- Không có ai cứu khổ cho ta.

Ông đi đến chỗ Phật kể lại mọi việc và nói:

- Bạch Thế Tôn, xin cứu con.

Ðức Phật an ủi:

- Chớ ưu sầu, này thiện nam tử! Trong vòng luân hồi vô tận, người đã từng khóc con nước mắt nhiều hơn nước bốn bể.

Ðức Phật nói về vòng luân hồi vô tận, người thợ dệt nghe xong, bớt đau buồn, xin Phật được xuất gia.

Ông làm tròn bổn phận của một tu sĩ và chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán.
 


Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 82
  • Khách viếng thăm: 70
  • Máy chủ tìm kiếm: 12
  • Hôm nay: 16879
  • Tháng hiện tại: 1709909
  • Tổng lượt truy cập: 59362842

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile