Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

TÌNH MẪU TỬ

Đăng lúc: Thứ bảy - 30/06/2012 07:58 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
TÌNH MẪU TỬ

TÌNH MẪU TỬ

TÌNH MẪU TỬ

Cơn đói năm 1945 là một trong muôn một những điều mà mẹ tôi đã gian khổ vì con.
Lúc ấy tôi chưa tròn hai tuổi. Nước ta bị sự đô hộ của Pháp, chiến tranh loạn lạc khắp nơi, gây bao cảnh điêu tàn tan tóc, máu đổ thịt rơi, vợ mất chồng, cha mất con, nhà tan cửa nát, đói rách khôn cùng, mạng sống bấp bênh. Xác chết vì bom đạn và chết đói nằm la liệt trên khắp nẻo đường.   
Quá đau xót, những nhà hảo tâm vắt cơm thành từng nắm nhỏ phân phát cho từng người tạm dùng qua cơn đói.
Người xin thì nhiều mà cơm thì có hạn, ai đứng trước thì được, đứng sau hết phần rồi lủi thủi ra về với nỗi lòng chua chát.
Lúc ấy tuổi đời mẹ tôi chưa quá ba mươi. Cũng đứng sắp hàng ngã nón xin cơm. Thấy mẹ tôi con trẻ người phát cơm không cho, rồi nói: “Mặt mày còn có máu, không được. Để phần cho người khác”. Thế là mẹ tôi trở về với nỗi niềm cay đắng. Đầu óc luôn nghĩ hai chị em tôi vẫn trông từng giây, đợi từng phút mẹ về. Chẳng khác nào cảnh chim non đợi mẹ mang mồi về mớm. Nhưng đợi càng lâu càng mất bóng. Thật xót xa vô cùng!
Bà nội tôi cũng có mặt hôm đó, nhận được một vắt cơm mang về nhà. Lòng mừng khắp khởi. Khổ nỗi, cả nhà có sáu nhân khẩu làm sao chia đủ một vắt cơm? Nội biểu mẹ lấy nồi bỏ vắt cơm vào, đổ nhiều nước khuấy lên nấu, rồi lấy nước húp, để thóat cơn nguy kịch.
Sau khi nấu xong, mẹ lấy vá múc để dành cho tôi ít xác, vì nghĩ tôi là kẻ nhỏ và yếu đuối nhất nhà, sợ không chịu nổi cơn đói. Bà nội thấy vậy mới mắng: “Mày xem con mày lớn hơn tao và cả gia đình này. Công tao đi xin cực khổ, tại sao mày làm như thế?”. Mẹ không dám nói năng gì, chỉ nghẹn ngào với hai dòng nước mắt.
Nghe mẹ kể, tôi biết rằng bà nội không phải không thương tôi, vì tôi là cháu đích tôn mà. Sở dĩ có việc như thế là do trong cơn đói khát mà ra. Chẳng trách cổ nhân đã nói: “Đói thì mất thảo mất ngay”.
Chiến tranh đến, mẹ bỏ nhà cửa, tài sản, sự nghiệp chỉ còn quẩy một đôi gióng trên vai. Một đầu gánh con, một đầu gánh áo quần và nồi khoai luộc còn dang dỡ. Chị thì mẹ dắt tay chạy bên, té lên té xuống. Bom đạn nổ rền trời, lửa cháy khắp nơi nơi, tiếng gào thảm thiết ngút tận mây xanh. Thật là kinh hãi !
Mãi sau này, chuyện đó vẫn cứ vật vờ trong tâm trí tôi. Tôi vẫn tự hỏi: “Mẹ ơi! Tương lai chúng con về đâu khi nhà tan cửa nát, tiền bạc trống không, không nơi nương tựa, không người cứu giúp, chỉ với tấm thân nữ nhi làm sao nuôi nổi các con? Mẹ ơi! Nếu chúng con có mệnh hệ gì liệu mẹ có chịu bỏ chúng con mà đi hay nhất quyết ở lại cùng sống chết với chúng con? Và chúng con sẽ thế nào nếu chẳng may mẹ bị trúng đạn?”. Bao nhiêu ý nghĩ là bấy nhiêu nước mắt tuôn trào. Và con đã nhận thức được rằng: “Chính mẹ là nguồn sống an lành tưới mát cho đời con được đơm bông kết trái, lớn khôn trưởng thành hạnh phúc theo tháng năm”.
Ba mẹ kính yêu! Hôm nay con được một thân hình sáu căn đầy đủ, không tật nguyền, bệnh tật, lại được tiếp cận với những tri thức tuyệt vời để có thể đạt được một trí tuệ cao siêu, tinh tấn xuất gia tu hành … là nhờ ơn giáo dưỡng thâm hậu từ tinh cha huyết mẹ đã gieo vào thân con một hạt giống vô cùng quí giá. Con chẳng biết làm gì hơn là nương vào tình mẩu tử thiêng liêng ấy, làm động lực tiến tu để nên thành đạo nghiệp.   
Kính xin cha mẹ nhận nơi đây chút lòng hiếu thảo của con dù biết lời nói và hành động của mình là quá ít ỏi so với ân đức cao dày của cha mẹ. Song con chẳng biết làm gì hơn là quì gối cúi đầu năm vóc sát đất lạy tạ ơn đấng sinh thành và nguyện tu hành tinh tấn, hồi hướng công đức đó cho cha mẹ, hầu đền được chút nào đó công ơn sinh thành dưỡng dục lớn lao trọng đại của cha mẹ như trong kinh Phật đã dạy : “Ví như có người cõng cha vai phải, cõng mẹ vai trái đi khắp hòn núi Tu di muôn đời ngàn kiếp cũng chưa báo đáp được một phần trong muôn một công ơn cha mẹ”.
Hoặc:
“Ví có người gặp cơn đói khát, cắt thịt mình làm thức ăn cho cha mẹ muôn đời ngàn kiếp cũng chưa báo đáp được một phần trong muôn một thâm ân của cha mẹ”.
Ngài Mục Kiền Liên đã hỏi Phật làm sao để báo đền ơn đức cha mẹ?
Phật dạy nếu là người tại gia thì vào rằm tháng bảy là ngày tăng tự tứ, ngày Phật hoan hỉ, cũng là ngày cứu thóat vong nhân, hàng Phật tử nên đem hết lòng thành cúng dường cảm niệm công ơn sinh thành trời biển của cha mẹ. Nương vào lực tu hành thúc liễm thân tâm trong ba tháng an cư kiết hạ của chư Tăng chú nguyện cho cha mẹ và cửu huyền thất tổ khiến kẻ mất được siêu thăng, người còn thì phúc lạc.
Phật cũng dạy ân đức sinh thành khó bề đền đáp. Duy chỉ có người phát tâm xuất gia, tinh tấn tu hành mới có thể trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường. Do phước duyên nhiều đời, nay con đã là người xuất gia theo Phật, nguyện quyết tâm tu hành mong thành chánh giác để đáp đền công ơn cha mẹ từ vô thỉ kiếp đến nay. Cũng nguyện tất cả chúng sinh muôn loài thoát khỏi u đồ, siêu thăng lạc quốc.        

 
 
Tác giả bài viết: Thích Tâm An
Nguồn tin: thuongchieu.net
Từ khóa:

vu lan, Tình mẫu tử

Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 34
  • Hôm nay: 2618
  • Tháng hiện tại: 1716202
  • Tổng lượt truy cập: 59369135

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile