Ngày 28-10 Ất Hợi (19-12-1995)
Kỳ thỉnh nguyện này, trong chúng ai có lỗi đều nhận thức rõ ràng ra sám hối, những người có lỗi mà không biết cũng đã được huynh đệ chỉ cho để chừa sửa, cố gắng tiến tu. Đó là điều rất tốt. Sau đây tôi có ít lời nhắc nhở chúng.
Vừa rồi quí vị có coi lại phim khánh thành Phật Quang chưa? Trong đó có bài ca vọng cổ nói về Thiền viện Trúc Lâm làm tôi thêm lo. Theo tinh thần bài ca đó, Phật tử tán thán Thiền viện Trúc Lâm, tán thán sự tu hành thanh tịnh của chư Tăng Ni. Ngày trước chúng ta lên đây tu, mọi người đều đinh ninh rằng mình chỉ lo cố gắng tu, không cần ai biết đến, cũng không cần ai khen ngợi. Như vậy việc tu của mình rất thầm lặng, yên ổn. Nhưng ngày nay, chúng ta tu chưa tiến được bao nhiêu mà Phật tử có những bài hát tán thán mình giữa quần chúng đông đảo, tự nhiên tôi thấy lo. Nếu lời tán thán đó không đúng sự thật thì vô tình người ta tưởng mình mướn, hay mượn Phật tử quảng cáo mình. Vì vậy khi nghe họ hát, tôi càng lo, chớ không mừng.
Thật ra, người Phật tử lúc nào cũng chân thành quí kính chư Tăng Ni. Nghe ở đâu tu hành đàng hoàng chân chánh, họ rất mừng, hoan hỉ tán thán. Những lời đó, người ta đặt ra để ca chơi thôi, không ngờ bây giờ một số Phật tử đem ra ca giữa quần chúng. Nên tôi thấy, nếu Tăng Ni ở đây tu hành không ra gì thì thật là một sự quảng cáo rỗng.
Bởi vậy, tôi mong tất cả chư Tăng ở đây, quí vị nên tự kiểm lại mình, nếu tu hành có chỗ nào yếu, chỗ nào lơ là, phải ráng làm sao phấn phát lên, đừng để chìm lặng. Vị nào còn có những hành động, tư cách thô tháo thì phải chỉnh sửa lại cho được tốt đẹp. Làm sao để những lời Phật tử tán thán chúng ta là một lẽ thật, không phải lời quảng cáo suông. Được vậy thì rất tốt, chúng ta không hổ thẹn khi được người khác tán thán. Tôi lo vì không biết Tăng Ni ở đây có xứng đáng với những lời khen đó hay không?
Hôm nay có toàn thể đại chúng ở đây, tôi nhắc cho quí vị tinh tấn tu hành, kiểm điểm lại mình, đừng để thiếu sót, đừng để bệnh giải đãi lấn át làm cho sự tu không tiến. Đó là điều tôi nhắc nhở tất cả. Ở đây sắp được ba năm rồi, khi nào tôi rảnh việc, bên Tăng cũng như bên Ni, mỗi tháng cho ba hoặc bốn người lên trình sự tu hành trong thời gian qua, để tôi kiểm lại coi quí vị tiến bộ thế nào. Vậy tôi mới yên lòng, chớ nghe người ta tán thán quá tôi rất ngại. Quí vị nhìn trong phim, khi họ ca bài Trúc Lâm thấy mặt tôi có hớn hở hay không? Tôi hơi méo méo một bên!
Kế đây, tôi nhắc lại một câu hỏi Phật pháp cho tất cả nghe. Hồi sáng tôi có tiếp một Phật tử ở Virginia, là huynh trưởng Gia đình Phật tử chùa Hoa Nghiêm. Trong khóa học huynh trưởng, huynh đệ trong đoàn có một hai điều vướng mắc.
Kỳ này về, y đem máy đến nhờ tôi giải thích giùm, thâu lại để đem về bên đó phổ biến cho anh em cùng nghe.
Y trình bày vấn đề:
- Học kinh Bát-nhã, được nhiều thầy chỉ dạy các pháp là không, không có thật. Bởi thấy các pháp không, không thật nên Bồ-tát mới qua hết khổ nạn. Mình tu nếu thấy được các pháp không thật thì sẽ dứt sạch phiền não...
Y đặt lại nghi vấn: Nếu các pháp không, không có thật thì trong đời này có cái gì quan trọng mà phải thành lập Gia đình Phật tử, phải xây dựng cho con em mình hay, tốt? Vì những lợi ích này có thật đâu! Rồi bỗng dưng y thấy học kinh mà dùng không được.
Tôi giải thích cho y nghe hai phần. Trước hết tôi định nghĩa rõ chữ không trong kinh Bát-nhã. Chúng ta đừng hiểu lầm không là không có gì hết hoặc không là đối với có. Không này là không có thực thể, không có tự tánh. Tại sao Phật nói các pháp không có thực thể? Vì căn cứ trên lý nhân duyên thì các pháp do nhân duyên sanh. Với trí tuệ, Phật thấy rõ như vậy.
Không có một sự vật nào tự hình thành, tất cả đều do nhân duyên hoà hợp mà có. Nhân duyên hoà hợp thì không có thực thể, không có chủ thể; nếu có chủ thể thì không có hoà hợp. Vì vậy, chữ không ở đây là ngay trong tướng hoà hợp biết nó không có chủ thể. Thí dụ như cái nhà này, mình đang ở trong nhà, nhưng biết cái nhà chẳng qua là do tất cả những thứ vật liệu đất, cát, gạch, ngói, gỗ, xi măng... ráp lại mà thành, chớ không có chủ thể cái nhà. Cho nên nói “sắc tức là không”. Không đó không phải là không ngơ.
Từ đó chúng ta hiểu được tất cả mọi hình sắc, sự vật đều không có chủ thể. Như thân mình, Phật nói là không. Không tức là không có chủ thể, chỉ do năm uẩn kết hợp mà thành. Nếu nó có chủ thể thì không đợi năm uẩn kết hợp. Như vậy thân người do năm uẩn hay tứ đại hợp, không có chủ thể, nên nó không thật. Muôn sự muôn vật trên thế gian này cũng vậy, cái gì có hình tướng đều do duyên hợp mà thành, duyên tan thì hoại, nên nói “sắc tức là không”.
Như vậy, không đó là không có chủ thể chớ đừng nói không ngơ. Ví dụ như vật này rõ ràng trước mắt, thấy được rờ được, làm sao nói là không. Cho nên phải hiểu chữ không đó là không có chủ thể. Tất cả sự thành, hoại, từ con người đến muôn vật đều theo duyên, mà đã theo duyên thì không phải chân thật. Nên nói các pháp như huyễn như hóa, không thật. Huyễn hóa nghĩa là tạm bợ chớ không phải là không ngơ, không có gì hết.
Tôi giải thích cho chú ấy hiểu nghĩa không trong Bát-nhã. Y nói rằng: “Muốn xây dựng một xã hội tốt, mà bây giờ mình biết các pháp duyên hợp không có thực thể, là hư dối, thì xây dựng cũng vô ích.”
Tôi bèn nói tiếp: Tuy mình đang sống với thân hư dối, cảnh hư dối, nhưng nếu muốn cho cuộc sống được an lạc, bình yên mình phải tạo những duyên tốt để đi tới an lạc bình yên. Còn nếu tạo duyên xấu sẽ đi tới chỗ khổ đau, khó chịu, bực bội. Dù cho những người đang có mặt ở đây biết rằng thân mình sẽ hoại, nhưng trong lúc còn sống ai cũng muốn được an lạc, bình yên. Muốn vậy phải tạo duyên tốt, đừng tạo duyên xấu.
Tôi thí dụ như mình muốn đóng cái ghế phải có gỗ, đinh, bào, đục... và người thợ mộc. Giả sử mọi vật liệu đều tốt mà ông thợ mộc vụng thì cái ghế đóng có tốt được không? Nếu thiếu một duyên thì kết quả không tốt. Bởi vậy phải tạo những duyên tốt. Muốn cho cái ghế hoàn bị tốt đẹp phải đủ các yếu tố: gỗ tốt, bào đục tốt và ông thợ mộc giỏi đóng cái ghế mới hoàn hảo.
Nói vậy để thấy rõ muốn cho xã hội tốt đẹp, chúng ta phải tạo nhân tốt. Nhân tốt đó là xây dựng con người tốt. Nếu nhân tốt không có thì kết quả xã hội sẽ không đẹp. Vì vậy, biết cuộc đời là tạm bợ mà đức Phật luôn luôn dạy chúng ta phải hướng dẫn, chỉ dạy cho những người chung quanh biết điều hay lẽ phải để thực hành, chừa bỏ điều xấu dở để thành những con người xây dựng xã hội tốt.
Tôi giải thích như vậy, nhưng y còn thắc mắc:
- Thưa Thầy, nếu cứ nhớ trong đầu mình cái gì cũng giả dối, như huyễn như hóa thì làm sao can đảm làm cái việc giúp đỡ người ta lâu dài?
Tôi trả lời: Đạo Phật dạy người tu phải đủ hai mặt trí tuệ và từ bi. Nếu chỉ có trí tuệ sẽ trở thành khô cằn, vô dụng, còn chỉ có từ bi sẽ trở nên mù tối. Cho nên trí tuệ ví như đôi mắt, còn từ bi như hai chân. Thân này muốn đi tới được nơi này nơi kia đúng mục tiêu mình nhắm thì hai cái đó không thể thiếu được. Nếu không có mắt, dù chân mạnh bao nhiêu đi một hồi không lọt hầm cũng rớt hố. Còn có con mắt sáng mà chân yếu cũng không đi đâu được.
Như vậy hai cái hỗ tương, thiếu một thì không thể thực hiện được đầy đủ công đức của người tu. Nếu chúng ta dùng Trí tuệ Bát-nhã quán chiếu sẽ thấy các pháp như huyễn như hóa, như mộng... Tuy nhiên, cái không thật đó không phải là không ngơ, vì tạm thời nó vẫn có.
Thí dụ, trong lúc mình ngồi chơi, có người bên cạnh đang ngủ nằm mộng, người ấy thấy mộng dữ nên vừa khóc vừa la. Biết họ đang nằm mộng rồi chúng ta mặc kệ họ khóc la khổ sở như vậy sao? À, phải lại gần kêu, đánh thức họ tỉnh dậy. Khi người ấy tỉnh thì những cái khổ trong mộng chấm dứt. Như vậy người có lòng từ bi, dù biết đó là mộng, nhưng thấy người ta khổ cũng không nỡ bỏ. Nếu mình cứ theo lý trí: “ôi, mộng mà! kệ nó, làm gì thì làm”, như vậy là thiếu lòng từ bi.
Cho nên với con mắt trí tuệ Bát-nhã, nhìn thấy các pháp duyên hợp, tạm bợ, không có thực thể, thân mình cũng như thân người đều tạm bợ; nhưng đối với người mê, thấy thân của họ thật, thấy cảnh thật, nên chuyện được mất trong đời làm họ đau khổ, chịu không nổi. Vì vậy mình phải cố gắng giải thích, hướng dẫn, tạo cái duyên cho họ bớt khổ. Khi bớt khổ rồi phải dạy cho họ thức tỉnh, biết cuộc đời là không thật. Đó là cứu họ trọn vẹn.
Nếu chúng ta chỉ an ủi người trong khi khổ mà không chỉ cho họ thức tỉnh thì cái khổ cũng không hết. Ví như thấy có người đang khóc la trong mộng, mình đứng gần đó nói: “cô đừng có sợ”, nói vậy người đó hết khổ chưa? Chỉ khi nào đánh thức họ dậy thì mới hết khổ. Như vậy, từ bi của đạo Phật là phải làm sao cho người ta tỉnh giác, thì mọi khổ đau theo đó mới chấm dứt; nếu chưa tỉnh giác, dù mình giúp thứ gì người ta cũng không bao giờ hết khổ đau. Đó là trọng tâm của đạo Phật.
Tôi giải thích tới đó y nghe mừng lắm, hiểu được ý nghĩa Bát-nhã, không phải thấy các pháp như huyễn rồi tha hồ muốn làm gì thì làm, ai khổ sao mặc họ. Trái lại, chúng ta vẫn lao mình vào cảnh khổ để giúp đỡ người. Đó mới đúng tinh thần đạo Phật.
Hôm nay sẵn dịp tôi kể lại cho chư Tăng nghe, những điều này rất thiết yếu trong sự tu. Nếu mình nhìn mọi sự thấy là thật, thân thật, cảnh thật, muôn vật thật thì không làm sao hết đau khổ được. Chắc chắn một trăm phần trăm! Phải thấy tất cả pháp không có thực thể, chỉ là duyên hợp tạm có. Không có gì duyên hợp mà bền lâu. Thân này tạm bợ còn mất tùy duyên. Một khi duyên nghịch hay duyên thiếu thì nó tự hoại, không thể giữ được.
Thấy và hiểu như vậy, tất cả chúng ta đối với người, mới có thể bỏ qua những điều trái ý, và đối với mình, bỏ qua những điều mình cho là thiệt thòi mất mát. Bằng không, cứ nhìn thấy huynh kia sao được ưu, mình không được ưu, hay người kia được khen còn mình bị chê hoài, đừng nghĩ như vậy mà buồn vô ích. Nên thấy các pháp không thật rồi tùy duyên xử sự, đừng để mắc kẹt.
Cho nên nói Bát-nhã là phá chấp, phá chấp tức hết khổ, đương nhiên như vậy. Đó là cái gốc tu hành rất cần thiết đối với người xuất gia. Quí vị thấy trong kinh Pháp Bảo Đàn, phần đầu Lục Tổ giảng là Bát-nhã, mới thấy Bát-nhã rất hệ trọng. Chính Thiền tông cũng gọi cửa Thiền làcửa Không. Chúng ta phải hiểu rõ tinh thần Bát-nhã để ứng dụng tu mới không bị trì trệ. Nếu bị mắc kẹt trong ngã và ngã sở, chỉ khiến sự tu tăng thêm phiền não chớ không hết khổ. Đó là tôi nhắc nhở cho tất cả nhớ.
Ngày 15-11 Ất Hợi (5-1-1996)
Phần thỉnh nguyện đã xong, giờ đây tôi có ít lời nhắc nhở trong chúng.
Tôi thấy tất cả Tăng chúng ở đây, khi đã quyết tâm xuất gia, dù lớn hay nhỏ đều có chí nguyện tu để được giác ngộ, giải thoát sanh tử. Đó là một lý tưởng cao siêu, một con đường vượt trên thế gian. Đã quyết tâm đi con đường rộng lớn và có một lý tưởng cao cả vượt bậc, như vậy thì phải nhớ dè dặt. Tất cả những chuyện nhỏ bé, tầm thường đừng nên bận bịu.
Chúng ta tu, nhiều khi không trở ngại ở việc lớn mà lại vướng mắc việc nhỏ. Việc nhỏ là sống trong chúng có những điều không được như ý, hoặc kẻ này phê bình, kẻ kia chỉ trích gì đó, mình không làm chủ được rồi sanh bực bội, đi đến thối tâm. Chúng ta đi tu, mục tiêu cao cả là giác ngộ giải thoát, lại để những chuyện nhỏ, có thể nói là chuyện trẻ con làm cho mình bị thối chuyển trên con đường rộng lớn, cao cả thì thật vô lý. Vì vậy người nào để chuyện nhỏ làm trở ngại việc lớn là không được thông minh, sáng suốt. Người nào biết vì việc lớn bỏ qua những điều nhỏ mới gọi là người nhìn xa thấy rộng, biết nhắm thẳng mục đích mà tiến tới.
Trên đường tu, tất cả cái chướng nhỏ đều không đáng kể. Sự thật, lâu nay tôi đã từng nói với toàn chúng, mình tu không có gì gọi là chướng hết. Bởi vì trở ngại là những thử thách coi ý chí, đạo lực của mình mạnh hay yếu. Như vậy, chính nó là cơ hội để mình vươn lên, không phải là chướng. Nếu gặp trở ngại mình lùi bước mới thật là chướng.
Đối với người quyết tu thì không có gì là trở ngại, là chướng hết. Nhờ có thử thách, chúng ta vươn lên, đạt được mục đích tối thượng của mình. Như vậy mỗi người tự nhớ, tự xét, đừng vì những chuyện nhỏ mà làm hư việc lớn của mình, điều đó không hay. Nhất là trong chư Tăng, tôi thấy tuy tu nhưng sự nóng nảy hình như còn nhiều lắm.
Hôm qua, trong bài giảng “Cư Trần Lạc Đạo Phú” của ngài Trần Nhân Tông lúc còn làm Thái thượng hoàng, có đoạn Ngài nói về tam đồ khổ: địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là từ tham, sân, si. Tôi cũng đã vạch ra cho mọi người thấy tham sân si là cái gốc làm chướng trên đường giác ngộ của mình. Không phải kẻ này hay người kia làm chướng, mà chính tham, sân, si mới là chướng.
Quí vị nhớ, sân là một điều không có giá trị gì. Thí dụ như có người nói mình là chó, là trâu, bò, nếu nghe câu nói đó mình vẫn mỉm cười bỏ qua, thì câu đó trở thành vô nghĩa. Còn nếu người ta nói mình là chó, là trâu bò, mình nổi sân lên thì câu đó trở thành có nghĩa. Tại sao có nghĩa? Bởi vì cái nhân của địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh là tham, sân, si. Nhất là sân, dễ tạo nghiệp ác, nổi sân là cái nhân để rơi ba đường ác. Nhẹ nhất là súc sanh.
Nếu người ta nói một tiếng chó mà mình nổi sân lên, tức là chấp nhận đi trên con đường súc sanh. Còn khi nghe người ta nói vậy chỉ cười thôi, thì lời nói đó như gió thổi qua rồi mất, không có giá trị thật. Như vậy chúng ta tu là cốt làm sao nghe những lời nói hư giả đó mình đừng bị dính kẹt thì sự tu mới tới chỗ an vui giải thoát được.
Ngày xưa, các vị Tổ, các vị Bồ-tát tu hành trải qua biết bao thử thách, có người xin cả thân thể, tay chân, đầu mắt mà các ngài còn sẵn sàng cho; nay chúng ta chỉ nghe một lời nói trái tai mà chịu không nổi, đó là dính mắc quá sâu quá đậm, tâm sân hận còn nhiều. Cho nên phải tự chinh phục mình, dẹp bỏ tham sân si, đó là cái gốc. Còn lời người ta nói, dù thô nặng mình vẫn coi thường, chỉ là tiếng nói qua tai rồi mất chớ không thật, không lâu bền. Do mình cố chấp nên tạo thành nghiệp, sanh trong đường xấu, đó là điều dại khờ trên đường tu.
Mong tất cả đại chúng ý thức được sự tu hành. Những điều thiên hạ cho là chướng, là nhục nhã, đối với mình chỉ là một trò chơi, một trận cười thôi, không có gì đáng để sợ. Được vậy, chúng ta mới đạt đến kết quả như chí nguyện của mình. Đó là lời nhắc nhở của tôi.
Ngày 28-11 Ất Hợi (18-1-1996)
Thỉnh nguyện hôm nay những vị có lỗi rất nhỏ cũng biết thành tâm sám hối, đó là điều rất đáng quí. Đồng thời những người có lỗi mà không tự biết cũng được huynh đệ nhắc cho. Như vậy phần tự giác, giác tha được đầy đủ trong buổi thỉnh nguyện. Tôi mong tất cả chúng mỗi ngày trên đường tu mỗi tăng tiến hơn, tránh được những lỗi lầm, để bản thân mình càng đầy đủ đức hạnh và làm cho mọi người chung quanh thấy được tư cách đạo đức, nề nếp tốt mà phát tâm hướng đến Phật pháp.
Kế đây tôi có ít lời nhắc nhở toàn chúng. Qua lời Thông Giác trình hồi nãy, thấy rằng khi lãnh một trách nhiệm hay lo lắng Phật sự gì, nếu gặp những trở ngại, khó khăn nhiều lúc cũng dễ thối tâm. Đây là điều tôi muốn nhắc nhở chung cho quí vị hiểu.
Hồi xưa lúc còn là Học tăng, tôi cứ thắc mắc một điều. Khi Đức Phật đi tu, Ngài nguyện thành đạo để độ tất cả chúng sanh trong lục đạo luân hồi, đủ tất cả những loài thai sanh, thấp sanh, hóa sanh, noãn sanh. Nhưng không biết tại sao khi Ngài tu gần thành Phật thì ma quỉ tới phá? Sao không để Ngài thành Phật độ cho thoát khổ mà lại phá Ngài? Người quyết tâm cứu mình mà mình lại phá thì thật là khó hiểu.
Sau này tôi đọc kỹ lại trong các kinh A-hàm, thấy có một bài kinh kể rằng, khi Đức Phật tu sắp thành đạo thì tất cả cung điện Ma vương rung động như sắp sụp đổ. Nó hoảng hốt tìm xét lý do thì biết vì Phật tu sắp thành đạo. Ma vương lo sợ, nếu Phật thành đạo rồi Ngài giáo hóa chúng sanh, người ta tu sẽ qua khỏi sanh tử thì không còn ai cho nó sai sử nữa. Do đó, Ma vương hoảng sợ tìm mọi cách phá Phật.
Qua câu chuyện đó tôi mới thấy rằng chúng ta ngày nay làm Phật sự cũng vậy. Khi nào có tà và có chánh, thì hai cái không dung hoà với nhau được, vì tà không chấp nhận chánh, chánh cũng không dung được tà. Khi người ta làm một việc sai, lại bảo mình phải hoà với điều sai đó tất không thể nào chấp nhận được, như vậy tự nhiên có sự hiềm khích, chống chọi nhau, không thể tránh khỏi.
Cho nên chúng ta đừng nghĩ chủ quan rằng mình làm việc tốt mọi người đều khen và kính mến. Chúng ta làm được việc tốt thì người tốt sẽ khen, họ mừng vui và giúp đỡ chúng ta. Ngược lại, người không tốt sẽ chống chọi, phá vỡ cái tốt của mình. Thí dụ như ở nhà quê, trẻ con xuống sông tắm, vừa tắm vừa vọc sình chơi. Có một nhóm lên trước mặc đồ sạch vô, thì nhóm trẻ còn dơ ở dưới nước móc bùn vẩy lên mấy người ở trên cho họ bị dính bùn dơ lại như mình. Đó là thái độ của con nít, nó không muốn ai sạch hơn mình.
Trong cuộc sống cũng vậy, chúng ta càng cố gắng trong sạch chừng nào thì những người không trong sạch sẽ chống đối mình, tìm cách làm cho mình dơ như họ. Nếu không được thì họ tìm cách chọc phá mình. Cho nên trên con đường hành đạo, chúng ta đừng tưởng mọi việc đều sẽ như ý, đừng nghĩ mình làm Phật sự tốt thì ai cũng chấp nhận và ủng hộ. Nghĩ như vậy là lầm!
Chúng ta phải chuẩn bị trước rằng, khi quyết tâm làm Phật sự, chúng ta sẽ gặp nhiều trở ngại, khó khăn và những điều bất như ý. Chúng ta phải chấp nhận, dầu khó khăn gian khổ mấy vẫn phải vượt qua, cương quyết đem thân này phụng thờ chánh pháp. Bởi vì chúng ta khơi sáng ngọn đèn chánh pháp thì tất cả điều tà sẽ chống lại, điều đó không nghi. Chuẩn bị tinh thần trước khi làm Phật sự và sẵn sàng chấp nhận hết những khó khăn, chúng ta mới yên lòng vượt qua được, bằng không mình dễ thối chí. Đó là điều thứ nhất.
Thứ hai là cần phải biết rõ, điều mình làm thuận với người này sẽ nghịch với người kia. Trong kinh Pháp Cú, Phật dạy rằng: Từ xưa đến nay và trong tương lai, không bao giờ có một ai hoàn toàn bị chê, cũng không có một ai trọn vẹn được khen. Thí dụ như đối với mấy chú ăn trộm, ăn cướp, mình cứ nghĩ thiên hạ ai cũng chê ghét, nhưng khi nó đem tiền về thì vợ con thương và khen nó phải không? Nhờ nó trộm cướp mà cả nhà có tiền xài. Ngoài ra, kẻ trộm cướp cũng có đồng bọn trộm cướp ưa thích, khen ngợi. Như vậy kẻ xấu ác cũng có người thương, người hiền lành cũng có kẻ ghét.
Những việc mình chủ trương, được một số này hưởng ứng sẽ có một số khác phản đối, không bao giờ tất cả đều bằng lòng. Hiểu như thế khi bị phản đối mình chỉ cười thôi. À, đó là chuyện đương nhiên không sao tránh khỏi, sẵn sàng chấp nhận. Được vậy Phật sự của mình sẽ không thối chuyển. Nếu cứ ngỡ việc mình chủ trương là hay tốt, ai cũng phải hưởng ứng theo, đến lúc bị phản đối, đâm ra nản lòng thì Phật sự mình làm không được vuông tròn.
Trên đường tu tất cả chúng Tăng cũng vậy, chúng ta biết việc tu của mình là việc rất tốt, rất đáng khen, nhưng chỉ tốt với người ham tu thôi, còn những người không ham tu sẽ thấy chướng mắt trái ý nên chống đối, điều đó không nghi. Vì vậy, chúng ta sẵn sàng nghe chê, nghe chửi vẫn không nản lòng, xem đó là những thử thách, giúp chúng ta lập chí vững hơn chớ không phải là trở ngại cho mình.
Đó là tôi nhắc nhở riêng Thông Giác, cũng nhắc nhở cho toàn chúng biết để mai kia làm Phật sự không bị thối chuyển.
Ngày 28-12 Ất Hợi (16-2-1996)
Hôm nay là ngày thỉnh nguyện cuối năm, toàn chúng đã có những bước tiến đáng mừng và đa số đều không lỗi lầm. Một ít vị có lỗi cũng không phải hoàn toàn cố ý. Đồng thời những người sai sót đều được nhắc giữa chúng để biết mà sửa. Đó là có tinh thần tự giác để cùng tu với nhau.
Bây giờ tôi có ít lời nhắc nhở toàn chúng.
Tất cả chúng ta có duyên lành nên mới tụ hội một nơi để cùng tu, cùng học với nhau, đó là nhân duyên sâu dày mới được như vậy. Nhưng tất cả đều là những người đang tu nên vẫn còn có các điều xấu dở. Vì vậy Phật mới dạy chúng ta trong nửa tháng có buổi Bố-tát, đọc tụng lại giới luật của Phật để nhớ việc sai lầm của mình mà sửa. Ở đây thay vì Bố-tát, tụng giới, thì mỗi nửa tháng có buổi thỉnh nguyện. Trong buổi thỉnh nguyện có tụng đọc mười giới của Sa-di làm căn bản. Đồng thời chúng ta ứng dụng theo nội qui là nếp sống thích hợp với Thiền viện để mọi người trong chúng đều được đầy đủ đức hạnh.
Ngày nay là cuối năm, mọi cái dở năm rồi quí vị nhớ quyết tâm đừng tái phạm trong năm tới. Đừng nghĩ rằng năm nay sám hối vậy là xong, năm tới có lỡ xảy ra cũng được. Không phải vậy! Những cái dở của năm cũ tuy đã sám hối, nhưng tập khí đó vẫn còn ẩn náu ở trong, bây giờ chuẩn bị sang năm mới phải bỏ hết, xả hết, đừng nuôi dưỡng, chất chứa nữa.
Kế đó chúng ta chuẩn bị sang năm mới phải tu hành tinh tấn hơn, phải bước đi dõng mãnh, sáng suốt hơn. Mỗi năm qua, nếu chúng ta cứ đứng yên một chỗ hay giậm chân tại chỗ là không hay. Chúng ta phải tiến, tiến mãi. Bởi vì tuổi thọ của mình mỗi năm mỗi giảm, mất một tuổi là mất một phần sống, chúng ta không thể nào đứng y chỗ cũ. Nếu đứng y chỗ cũ thì đến ngày lìa đời, mình sẽ không tiến được bao nhiêu. Cho nên mỗi năm phải mỗi tiến, vậy mới kịp với thời gian, để khi sắp mãn cuộc đời này, những gì mình muốn làm đều đã làm được. Nếu tu chỉ để mà tu, không tiến chút nào thì uổng đi một đời.
Vậy tôi mong tất cả chư Tăng chuẩn bị qua năm mới, những cái xấu dở cũ đều phải bỏ hết. Mình biết nó là dở rồi thì phải bỏ, đừng nuôi dưỡng, đừng tiếp tục. Đồng thời chuẩn bị cho năm tới, những gì mình chưa đạt đến, chưa thấu suốt thì phải thấu suốt, phải đạt đến. Như vậy sự tu của chúng ta mới không uổng phí. Mong tất cả cố gắng.
Ngày 13-1 Bính Tý (2-3-1996)
Hôm nay tôi có vài vấn đề nhắc nhở trong toàn chúng. Trước hết tôi nhắc cho quí vị thấy tất cả chúng ta họp nhau một nơi để chung lo tu hành, đó là điều rất tốt. Họp nhau ở chung chúng ta cần phải hoà, vì lục hoà là then chốt mở cửa giải thoát.
Tôi đặt nặng lục hoà làm chủ yếu vì ở trong chúng năm mươi, bảy mươi người, nếu điều hoà được “như nước với sữa” theo lời Phật dạy thì không có vấn đề gì phải phiền não, nên sự tu hành tinh tấn. Nếu trong chúng thiếu hoà thì có phiền não, sự tu bị thối chuyển. Do vậy, lục hoà là bước đầu để chúng ta tiến đến an lành thanh tịnh nội tâm, từ đó mới đi tới trí tuệ sáng suốt giác ngộ. Khi chúng ta buồn giận, tâm trí sẽ mờ tối, không thể sáng được, bởi vậy hoà là thiết yếu.
Ở trong quí vị, mấy người nhỏ có thể đi tu vì một hoàn cảnh hoặc một trường hợp đặc biệt nào đó, còn quí vị lớn ai cũng ý thức trên đường tu của mình phải đi tới nơi tới chốn, do đã nhận định kỹ càng rồi mới phát tâm xuất gia. Quí vị đã chung họp lại đây và được tôi phân công mỗi người mỗi trách nhiệm, nếu mỗi người ở vị trí của mình đều làm tròn thì sanh hoạt chung của Thiền viện tốt đẹp vô cùng. Còn nếu chỗ này làm tròn mà chỗ kia tắc trách thì cũng đáng buồn, đáng lo.
Vì vậy chúng ta phải chung lo xây dựng cho mình và huynh đệ, mỗi người đều cố gắng làm tròn bổn phận của mình, tất nhiên tập thể cũng được tốt trọn vẹn. Chỉ cần một bộ phận nào đó không vuông tròn thì sẽ có những hư hao, tai hại chung. Cho nên ở trong chúng khi thấy huynh đệ nào làm tròn bổn phận của họ tốt đẹp phải nên quí kính và mang ơn người đó đã đóng góp lớn cho tập thể và đã gánh vác một trách nhiệm cho Thiền viện. Người có tinh thần biết chung lo thì chỉ mang ơn chớ không bao giờ khởi niệm đố kỵ. Nếu thấy ai làm được việc, mình buồn là trái đạo lý.
Ở trong đây, những phần trách nhiệm tôi giao, người nào cũng nhiệt tình làm tròn, có khi làm hơn nữa, tôi thấy đáng tán thán. Nhưng trong sự nhiệt tình đó thỉnh thoảng thấy bên này va chạm bên kia, vậy là không tốt. Vì thế, tôi mong rằng tất cả quí vị kể từ đây về sau, khi thấy người làm được việc cho Thiền viện phải coi đó là một sự hi sinh, là một cái ơn giúp cho chúng yên tu. Người đó vì công việc phải chịu thiệt thòi trong sự tu tập.
Thí dụ như Hương đăng, Tri khách, mỗi ngày phải tiếp khách liên miên, tự nhiên tâm cũng khó yên, khó định tĩnh. Như vậy là quí vị đã hi sinh lớn rồi, phải cẩn thận làm sao trong sự đối tiếp giữa đồng đạo với nhau khéo hoà thuận, vui vẻ thì mới có lợi cho mình và tập thể. Chúng ta phải biết vì sự giải thoát, vì lợi ích cho đạo mà bỏ qua những điều nhỏ nhặt, không đáng kể, khéo điều hoà cho cuộc sống an vui.
Điều thứ hai là tôi nghe nói một số người thấy ban Lãnh chúng còn trẻ tuổi nên không kiêng nể. Đó là điều sai lầm. Người tu không phải trọng ở tuổi lớn mà trọng nơi đức hạnh. Không phải trọng cái tài bên ngoài mà trọng cái đức trong đạo. Người nào đủ đức đủ hạnh, dầu thấy họ có vẻ như khờ khạo, chúng ta vẫn quí.
Thí dụ như Lục Tổ đâu phải là người có tài so với ngài Thần Tú, nhưng người ta vẫn quí Lục Tổ hơn ngài Thần Tú, đó là quí đạo đức chớ không phải quí ở tài học. Ngày xưa trong đạo có những vị tuổi rất nhỏ mà tu hành sáng, còn người tuổi lớn lại tu hành không sáng. Học luật Sa-di quí vị thấy có câu: “Sa-di thuyết pháp Sa-môn thính, bất trọng niên cao trọng tánh linh”, tức là người ta trọng chỗ thấy đạo, hiểu đạo hơn là người thọ giới cao, tuổi đời cao.
Cho nên ở đây quí vị phải hiểu cho thật rõ, tôi nhắm tinh thần đạo đức hơn là nhắm tài năng bên ngoài. Vì vậy, tôi thấy Thông Phương tu từ thuở nhỏ tới bây giờ, đã sống lâu trong đạo, thấm nhuần vị đạo rồi nên mới cho làm Quản chúng. Mặc dầu tuổi đời Thông Phương không cao nhưng tuổi đạo đã cao, dầu không lanh lẹ bên ngoài nhưng đã thấm nhuần đạo lý.
Như vậy, chúng ta phải quí trọng người lãnh đạo có đức và có trí tuệ. Đừng nghĩ rằng phải lớn tuổi hoặc học cao ngoài đời, mà phải nghĩ tới đạo đức sâu của người đó. Vì vậy những người tôi cử ra giữ trọng trách, không đặt nặng chuyện lanh lẹ, khôn ngoan mà cần phải có đạo đức thật, nhận hiểu giáo lý thâm sâu, đó mới là chỗ tôi tin tưởng.
Tháng năm nào quí vị còn ở Thiền viện thì đều được hun đúc, nhắc nhở để cố gắng tu, đó là trách nhiệm của tôi. Nhưng quí vị đừng lầm rằng ở đây tôi phải nhờ quí vị để được danh được lợi. Đừng hiểu lầm như vậy! Tôi chỉ nghĩ lập Thiền viện là để lo cho Tăng Ni tu. Tăng Ni tu được là mãn nguyện của tôi. Nếu mỗi khi ai có chuyện vui buồn liền xách gói bỏ đi thì chỉ thiệt thòi cho chính mình. Tôi lãnh trách nhiệm hướng dẫn quí vị, nếu quí vị có tâm tha thiết trên đường đạo thì tôi đem hết tâm thành trợ giúp, còn nếu quí vị không ưng tu, không muốn thực hiện lý tưởng của mình, ra đi thì tôi cũng đành chịu chớ không hối tiếc. Bởi vì bổn phận tôi đã làm tròn.
Như vậy nếu tự kiểm điểm thấy ở đây có lợi cho sự tu hành, quí vị cứ hợp tác chung lo để cùng nhau tu tập, và tôi có bổn phận phải hướng dẫn chu đáo. Nếu vị nào cảm thấy ở không có lợi ích mà chỉ sanh phiền não, muốn lui chỗ khác thì tôi cũng hoan hỉ, không trách cứ, cũng không bắt buộc điều kiện nào hết. Bởi vì bổn phận tôi phải làm cho tròn, còn chuyện trách nhiệm của quí vị tròn hay không là phần quí vị.
Lâu nay tôi thường nghĩ, người xuất gia có tâm nguyện hết sức tốt, nhất là những người đã có gia đình mà dám cắt bỏ tất cả để đi tu. Những người chưa có gia đình thì dám bỏ cha mẹ xuất gia, cũng đâu phải việc thường. Trước người ta có tâm tốt như vậy, tại sao vô tu một thời gian rồi lại chán bỏ đi, là do đâu?
Chính vì môi trường không tốt, sự hướng dẫn không tốt làm người ta thối tâm. Tôi trách người lãnh đạo, trách người có bổn phận đi trước không lo cho người đi sau. Bởi vậy tôi cố gắng tạo điều kiện làm sao có được một môi trường tốt, sao cho tròn bổn phận của người đi trước dìu dắt kẻ sau. Nay hai cái đó tôi làm tròn rồi mà quí vị cũng bỏ đi thì đó là duyên của quí vị chớ không phải lỗi của tôi, cho nên tôi không hối hận.
Như vậy nói cho tất cả hiểu rằng, lòng tôi chỉ muốn làm sao Tăng Ni tu được đến nơi đến chốn và mai kia ra làm Phật sự xứng đáng một vị Tăng. Đó là sở nguyện của tôi, chớ không phải tôi muốn nuôi Tăng chúng cho đông để có uy tín. Tôi không cần điều đó bởi vì đó là ảo tưởng, giả danh chớ không có thật. Thực chất là tôi lo cho đạo, muốn giữ mối đạo được bền lâu. Ngọn đèn trước gần tàn thì ngọn đèn kế phải tiếp nối, chớ để nó tắt ngúm làm tăm tối thế gian.
Tất cả quí vị nếu ý thức được chuyện của mình thì chung lo tu hành, hoà hợp nhau cùng làm Phật sự, để mai kia lợi ích cho Phật pháp. Lợi cho Phật pháp tức là nuôi dưỡng công đức của mình. Công đức lớn thì sau này mới dễ đạt đạo, còn tu lơ là sau không đi tới đâu.
Do đó, tôi nhắc tất cả luôn nhớ bổn phận của mình là phải cố gắng tu và xả bỏ cái ngã riêng tư, xả bỏ những hư danh hão huyền để đạt được đạo chân thật, vậy mới là cứu kính. Đừng mắc kẹt những cái nhỏ mà quên mất việc lớn, uổng một đời tu của mình. Quí vị đừng nghĩ rằng mình ở trong thất riêng là tu hay, nhiều khi do không có ai kềm chế, nên thong thả rồi có khi phóng túng, từ phóng túng hư đi một đời tu. Đó là lời tôi nhắc nhở toàn chúng.
Ngày 28-1 Bính Tý (17-3-1996)
Hôm nay toàn chúng thỉnh nguyện thấy có những lỗi nhỏ đều ý thức để sám hối, điều đó rất tốt. Đây tôi nhắc thêm cho tất cả nhớ tu.
Thời gian gần đây, nhìn qua trong chúng, tôi thấy tập khí là điều làm tôi thở dài. Bởi vì có nhiều người thông minh sáng suốt, nghe dạy liền hiểu, biết rõ ràng cái gì hay cái gì dở, nhưng tập khí sâu dày vẫn chưa bỏ được.
Nói đến tập khí, tôi muốn giảng rõ cho quí vị biết. Chữ tập là nhóm họp, khí là hơi. Thí dụ: Mình để cái khăn tay gần một món đồ thơm trong một thời gian rồi đem ra ngửi nghe có mùi thơm.
Cũng vậy, để cái khăn gần đồ hôi nó sẽ hôi. Sức huân tập của mùi thơm, mùi hôi càng lâu càng thấm nhiều. Tập khí của chúng ta không phải mới đời này mà đã huân tập từ nhiều đời. Tuy đời này biết đạo lý, biết tu hành nhưng thói quen cũ vẫn chưa bỏ được. Bình thường mình không thấy ở đâu, nhưng gặp duyên nó xuất hiện không lường trước được.
Thí dụ trường hợp của N.T ở V.C. Trước khi bỏ V.C đi lên chùa T.T, một hôm nó tới chỗ võng tôi đang ngồi, quì xuống chắp tay lạy ba lạy. Tôi ngạc nhiên hỏi:
- Bữa nay có chuyện gì mà con lạy Thầy?
Nó thưa:
- Con lạy Thầy xin nguyện từ đây về sau, nếu có lưu lạc ở đâu thì đời sau con cũng sẽ gặp lại Thầy, nhờ Thầy cứu con trở về chánh pháp.
Nó nói như vậy, tôi ngẩn ngơ không biết tại sao, thấy kỳ cục quá! Tôi mới nói rằng:
- Con đang ở đây tu tập theo Thầy, có gì đâu mà lo!
Nhưng sau đó ít bữa nó bỏ đi.
Như vậy mới thấy rằng tập khí của nó thuộc về Mật giáo, cho nên dù nó tu với mình, nghe, hiểu và thực hành, nhưng một lúc nào đó cũng quay lại với Mật giáo. Đó là cái tôi thấy không thể lường nổi.
Như câu chuyện trong kinh kể, ngài Ca-diếp là vị tu hành khổ hạnh nhất trong chúng của Phật, tức là đầu-đà bậc nhất. Một hôm thần Càn-thát-bà đánh nhạc cúng dường Phật, trên hư không trỗi nhạc thì dưới này ngài Ca-diếp đứng dậy múa. Một vị Tỳ-kheo chứng quả A-la-hán rồi mà tập khí cũ vẫn còn trỗi dậy. Sau đó đức Phật mới giải thích: Ca-diếp thuở xưa có nhiều đời làm nhạc công nên bây giờ tập khí cũ vẫn còn.
Tôi thấy ngày xưa vậy, ngày nay cũng thế. Mỗi người trong chúng đều có một tập khí, một thói quen riêng, chẳng những đời này mà đã huân tập từ nhiều đời trước. Bây giờ nghe kinh, học đạo ai cũng biết rõ cái dở, cái hay nhưng gặp duyên thì không làm chủ được. Cho nên trong chúng, người nào nhiều tập khí là đáng thương, không phải đáng ghét. Còn bản thân mình, khi biết có tập khí gì đó, phải cố gắng mài dũa cho thật sạch thì mới tiến được.
Tôi nói gần nhất là sân, ai cũng biết nó tai hại. Mình có thể giảng dạy về cái sân cho người khác nghe, nhưng khi gặp việc trái ý mình vẫn nổi nóng như thường. Đó là tập khí cũ tích lũy bên trong chớ không phải bên ngoài, nên hiểu thì hiểu mà tập khí chưa phải hết. Do đó người tu phải rất cẩn thận. Tuy rằng mình có hiểu đạo, lóe thấy được chân lý nhưng tập khí không phải dễ bỏ, vậy nên mỗi người phải ráng tu hành chín chắn. Mỗi khi thấy mình có gì sai sót liền sửa, lâu ngày nó mới sạch.
Tôi rất tán thán việc ở trong chúng, vì khi ở thất riêng, tập khí của mình không ai thấy, không ai nhắc, làm sao biết để sửa? Nhờ ở trong chúng nên những gì mình xấu mà chưa tự biết, hay khi quên, nó bộc lộ ra, người khác thấy được liền chỉ cho mình. Nhờ vậy mà chúng ta sửa đổi, bào gọt từ từ cho mỏng, có ngày mới hết; còn sống riêng tư không bao giờ hết tập khí. Đừng tưởng sống trong chúng là thiệt thòi, khó tu. Chính nhờ sống trong chúng mới biết được những cái hư xấu của mình để sửa, trở nên người tu hành chân chánh.
Như vậy, chúng ta đừng bao giờ tự đắc mình là người thanh tịnh, tâm hồn không còn bợn nhơ. Đừng bao giờ tự đắc như vậy! Tôi thấy tập khí con người rất nặng nề, không đơn giản. Có người khi trình bày chỗ nhận được tưởng chừng họ tiến bộ đáng kể lắm, nhưng lâu lâu, gặp duyên gặp cảnh những cái cũ vẫn còn. Biết vậy, phải ráng luôn luôn tự cảnh tỉnh mình, vì tập khí không thể lường nổi, nay thấy tốt, ngày mai gặp duyên chưa chắc đã tốt. Do đó, cố gắng vừa khiêm tốn vừa cẩn thận tu tập cho có kết quả, đừng tưởng mình đã thành công trên đường tu, đến khi sai sót hiện ra hối hận không kịp.
Hôm nay tôi nhắc cho toàn chúng ý thức được sự tu hành của mình vẫn còn nhiều gay go lắm. Mỗi người ráng cẩn thận, phải vui mừng biết ơn khi có ai nhắc nhở lỗi lầm, nhờ đó mình càng ngày càng vươn lên. Nếu không được nhắc nhở, chúng ta ngày càng lún sâu trong vũng bùn tập khí, khó bề ra khỏi.
Ngày 13-3 Bính Tý (30-4-1996)
Phần thỉnh nguyện đã xong, tất cả quí vị có lỗi đều tự nhận biết ra sám hối. Những điều mình không thấy nhờ huynh đệ chỉ cũng thành tâm sám hối. Đó là thực hiện đúng tinh thần tự giác, giác tha. Thỉnh nguyện xong, tôi có ít lời nhắc nhở cho quí vị.
Tất cả chúng ta là người tu, nhất là tu hạnh xuất gia cầu giải thoát sanh tử thì chắc rằng trong lòng ai cũng muốn cố gắng tu làm sao cho được giác ngộ, giải thoát. Trong khi tu chúng ta nhớ thật kỹ đừng lầm lẫn, mình tu là phải khéo trừ dẹp những niệm xấu dở của bản thân, đừng để nó hoành hành, đó là điều thứ nhất. Thứ hai là chúng ta phải làm sao có sức mạnh làm chủ, không để những gì bên ngoài hoặc bên trong làm chủ mình, tức là đừng đầu hàng, đừng chịu thua nó.
Muốn làm chủ thì phải nỗ lực tọa thiền để có sức mạnh dẹp bỏ các thói quen, tư tưởng. Bình thường mình dẹp không được nhưng lúc tọa thiền có sức mạnh hơn. Thiền định là sức mạnh để dẹp tan những vọng niệm và thói quen xấu có sức lôi cuốn. Khi chúng ta làm chủ được, những chuyện bên ngoài vừa xâm phạm mình liền thấy, liền biết. Ngược lại, không làm chủ thì không thể thấy kịp, không biết kịp, đó là do sức tu còn yếu.
Cho nên tất cả chúng ta phải nhớ hai việc: buông xả vọng niệm, dứt bỏ những nghĩ suy không hợp đạo lý, trừ sạch đám giặc bên trong; đồng thời phải có sức làm chủ để chiến thắng những thử thách, cám dỗ bên ngoài, khi nó tới mình không bị xao xuyến. Đó là những điều rất quan trọng, người tu phải nắm vững và thực hiện được, mới mong thành tựu chí nguyện của mình là giác ngộ và giải thoát. Đây là điều tôi cần nhắc cho toàn chúng biết rõ.
Ngày 13-5 Bính Tý (28-6-1996)
Buổi thỉnh nguyện hôm nay trong chúng ít ai có lỗi lầm, đó là điều đáng mừng. Càng ngày thấy chúng càng sống thuần thục, chỉ còn có những phiền não vi tế trong nội tâm. Mỗi người cố gắng tiêu trừ nó, làm sao cuộc đời tu hành của mình mỗi năm, mỗi tháng, mỗi ngày đều được tăng trưởng thanh tịnh, đừng để nảy sanh phiền não làm trở ngại đường tu của mình và chướng ngại cho người khác.
Vừa rồi đi Indonesia, tôi thấy có một Phật tử thật đáng quí. Đó là ông Silvie, người bảo lãnh tôi qua bên đó. Ông là cư sĩ tại gia, bận đủ thứ việc trong công tác làm ăn mà rất nhiệt tình lo cho Phật pháp. Bất cứ lúc nào, chùa nào có Phật sự là ông bỏ hết để đi làm. Ông thường nói với những người xung quanh rằng ông sợ Phật pháp mất đi. Bởi vì ở Indonesia, hồi thế kỷ 16 Phật giáo gần như là quốc giáo, mà bây giờ chỉ còn lại hai phần trăm dân số là Phật tử. Cho nên lúc nào ông cũng nơm nớp lo sợ.
Hôm đó chủ nhật, ông lên thăm tôi, đi bằng xe hơi, dọc đường thấy người Công giáo đi nhà thờ, già trẻ bé lớn đủ cả, nhất là lớp trẻ đi càng đông, ông than với tôi: “Chùa chiền chỉ có mấy ông bà già đi, còn nhà thờ thì lớp trẻ cũng đi, coi chừng Phật giáo Việt Nam sẽ đi tới chỗ suy đồi như Phật giáo Indonesia!”
Người cư sĩ mà nhiệt tâm lo cho đạo như vậy, tôi thấy thật là cảm động. Nhưng tôi nói cho ông biết: Chủ trương của tôi không phải là thu hút Phật tử đi chùa đông, cũng không phải truyền bá ra ngoài cho rộng, mà phải làm sao cho Tăng Ni tu đến nơi đến chốn, phải nhận ra được cái chân thật của mình, nói cách khác là thấy được đạo, đó là gốc Phật giáo không mất. Ví dầu mình có tổ chức hay, dùng mọi thuật quyến rũ người ta đi chùa nhiều, nhưng nếu Tăng Ni tu không ra gì thì cũng khó giữ mối đạo lâu dài. Cho nên chủ trương của tôi là tạo duyên cho Tăng Ni tu được, sáng được đạo. Như thế tôi tin rằng Phật giáo không mất.
Tại sao tôi tin như vậy? Vì thời đức Phật tuy số lượng Tăng, Ni và Phật tử người Ấn Độ không đông, nhưng những vị xuất gia đa số đều chứng quả A-la-hán, nên Phật giáo còn truyền mãi đến ngày nay. Cho nên chúng ta muốn duy trì Phật pháp thì mỗi người phải ráng tu, làm sao thấy rõ chánh pháp, nhận ra được cái chân thật của chính mình thì mới duy trì Phật pháp lâu dài. Vì vậy mong tất cả chư Tăng hiểu được ý đó mà cố gắng, trong thời gian mình còn khỏe, còn đủ điều kiện tiến tu đừng để phí thời giờ vô ích.
Tôi tin rằng ai quyết tâm tu và buông hết những thứ lăng xăng nhỏ nhít chung quanh thì sẽ có kết quả tốt không nghi ngờ. Tôi thấy từ bản thân mình có kết quả rõ ràng như vậy. Cho nên trong Thanh qui tôi dẫn ba điều kiện theo tinh thần ngài Trúc Lâm, mà điều kiện đầu là phải dứt khoát. Nghĩa là khi quyết tu thì mọi việc buông hết, chỉ làm những việc trong đạo do Thiền viện giao cho mình, còn bao nhiêu chuyện lăng xăng nghĩ ngợi về gia đình, xã hội... phải gạt qua một bên, chuyên tâm làm một việc, nhất định sẽ có kết quả.
Những năm tôi còn học và đi giảng, thật ra công chuyện rất nhiều, mỗi tháng tối thiểu cũng viết ba mươi lá thư trả lời cho Phật tử, rồi còn đủ thứ chuyện khác nữa. Đến khi nhập thất, tôi nghĩ rằng đời mạt pháp mình cứ quyết tâm tu chớ không mong gì có kết quả. Nhưng khi tôi buông hết mọi việc, quyết tâm nhập thất, chết sống ở trong đó không nghĩ tới chuyện gì khác, thì chỉ sau ba tháng tôi thấy có kết quả rõ ràng.
Như vậy từ kinh nghiệm bản thân tôi thấy rõ: Ai quyết tâm tu thì đời mạt pháp cũng có kết quả như đời chánh pháp. Nếu đời chánh pháp mà mình không cố gắng tu cũng không đi tới đâu. Bởi vậy, trọng tâm của sự tu là phải quyết tử. Nghĩa là chết sống trong việc tu, mọi việc phải gác qua hết, chỉ dốc sức tu thôi thì chắc chắn có kết quả. Đừng ngồi tu mà cứ lảng vảng trong đầu chuyện gia đình, xã hội, bạn bè..., dầu cho tu bao lâu cũng không có kết quả.
Đó là kinh nghiệm của bản thân tôi và tôi thấy mục tiêu duy trì chánh pháp là như vậy. Cho nên tất cả chư Tăng phải hiểu được ý đó và cố gắng thực hiện cho được. Chúng ta muốn lo cho chánh pháp lâu dài thì chính mình phải tu cho được, đó là điều căn bản không sai chạy. Vậy mong tất cả chúng Tăng nỗ lực tu hành.
MỤC LỤC
Ý kiến bạn đọc