MỤC LỤC
============
Phụng Hoàng Cảnh Sách
Tập 3
Thỉnh Nguyện Tăng
Đoạn 1
Ngày 13-5 Ất Hợi (10-6-1995)
Người tu chúng ta cần đem hết khả năng, nghị lực để thực hiện cho được điều chúng ta nhắm đến, tìm cho ra kho báu nhà mình. Như vậy mới đền được những công ơn to lớn.
Cha mẹ sanh ra chúng ta đời này thật là hữu ích chớ không phải vô ích. Nếu chúng ta chạy theo danh lợi cho tới ngày thân này bại hoại thì cũng không làm được điều gì thật sự đáp đền công ơn cha mẹ. Chỉ khi chúng ta tìm được kho báu nhà mình mới thật là giúp cho cha mẹ. Cho nên hồi xưa chư Tổ thường nói: Nếu người con tu hành đắc đạo cha mẹ sẽ sanh thiên. Câu chuyện ngài Hoàng Bá, và gần đây ở Việt Nam có ngài Tông Diễn là hai bằng chứng cụ thể nói lên điều đó.
Như vậy, chúng ta tu đạt đạo là đã đền ơn đầy đủ cho cha mẹ rồi. Cho nên hồi xưa sau khi đức Phật thành đạo, Ngài về chỉ cần khuyên cha mẹ tu hạnh cư sĩ, thọ trì Tam qui Ngũ giới, đó là đã đền ơn cha mẹ. Lúc Ngài đắc đạo, mẹ Ngài cũng được sanh lên cõi trời Đao-lợi. Trong các công ơn, ơn cha mẹ là số một. Nhờ tu chúng ta đền được công ơn cha mẹ, đó là bậc đã sanh thành ra thân này.
Kế đó là ơn Thầy Tổ, người chỉ cho mình một con đường đi tới nơi tới chốn, đạt được mục đích cứu kính. Đó là người tạo cho mình một cơ hội tốt đẹp trên con đường đạo đức, trên con đường giải thoát. Công ơn này rất lớn. Chúng ta tu đạt được đạo rồi, làm lợi ích cho chúng sanh, đó là đền ơn Phật Tổ, đền ơn quí Thầy.
Thứ ba là ơn đàn-na thí chủ, những người ủng hộ chúng ta tu hành. Nhờ đàn-na thí chủ ủng hộ, đời chúng ta được an ổn, no ấm. Khi mình tu được rồi, chỉ lại cho họ, đó là đủ đền ơn. Còn nếu chúng ta tu lừng chừng không ra gì, thì ba công ơn đó không bao giờ đền được.
Kế đó là ơn xã hội, ơn quốc gia. Nhờ trong nước mọi việc được an ổn, bình yên, an ninh trật tự, mình tu hành dễ dàng, không có gì trở ngại. Đó cũng là công ơn giúp cho mình được yên ổn tu. Khi chúng ta đạt đạo rồi cũng là đền được ơn này.
Như vậy, Tứ trọng ân chỉ đền được khi chúng ta tu có kết quả. Nếu chúng ta tu không ra gì thì không ơn nào đền được. Không đền tức là tự phản bội mình và cũng phản bội những người lo cho mình mọi việc gần xa. Cho nên tôi nghĩ rằng người quyết tâm tu lúc nào cũng đặt mình trong điều kiện chỉ có tiến chớ không bao giờ thối. Tiến đây không phải là có ngày đi bảy tám chục cây số, có ngày ngồi chơi. Tiến là đi đều đặn mỗi ngày, bước nào vững bước ấy.
Chúng ta đi đừng mong mau tới. Điều cần thiết là phải tạo điều kiện cho mình đủ sức, vững chân. Chân vững, sức bền ngày nào cũng bước đều thì càng đi càng gần đến đích, còn mong mau tới là triệu chứng bất thường, lười biếng, không phải con người bền chí. Chúng ta có đi tức có đến, chỉ có đi chậm thì đến chậm, đi nhanh sẽ đến nhanh. Đừng ngồi đây trông ngày tới đích, chẳng ích lợi gì.
Trong khi tu cũng vậy, chúng ta không trông đắc đạo, mà phải xét kỹ những gì Phật Tổ dạy, quí Thầy dạy, thấy đúng rồi thực hành. Mỗi ngày mình đều ứng dụng và thực hành bền bỉ lâu dài, tự nó đưa đến kết quả. Còn tu năm ba tháng thấy sao chưa đắc đạo liền muốn đi đến chỗ khác để tu. Tới chỗ khác năm ba tháng cũng chưa đắc đạo lại chạy chỗ khác nữa. Thế rồi mai kia ai nói gạt có cách tu nhanh lắm liền chạy theo, một thời gian sau trở thành ngoại đạo, nguy hiểm cho cả đời mình.
Bởi vậy, người tu phải giống như người trồng cây. Trước hết tìm hiểu xem cách trồng cây đó như thế nào, sau đó ươm giống trồng xuống đất, rồi thường xuyên tưới nước, bón phân, coi chừng sâu bọ... Cứ săn sóc đều đặn đúng pháp thì cây sẽ lớn, một ngày nào đó trổ hoa kết trái. Ngược lại ngồi trông cây mau lớn mà không chịu bón phân, tưới nước, có hoa trái được không?
Chúng ta làm việc gì cũng phải xét thật kỹ từ đầu tới cuối. Phải có một cái nhìn thực tế chớ đừng ước mơ không đâu. Người tu hay có bệnh ước mơ thế này, mơ ước thế nọ mà không chịu bắt tay làm, rốt cuộc không đi tới đâu hết.
Cho nên chúng ta phải vững vàng, mỗi một việc làm mình đều hiểu rõ ý nghĩa, cách thức. Tỉ dụ như trồng cây cứ hai ngày tưới một lần, đừng bỏ sót, vài tháng bón phân một lần theo đúng chu kỳ chừng mực. Chúng ta chăm sóc đúng cách tất nhiên cây sẽ lớn, ra bông, kết trái. Đừng ngồi không trông chờ, nghĩ sao cây lâu có trái quá rồi sanh ra buồn nản, muốn trồng cây khác. Cứ vậy suốt đời không bao giờ thành công.
Vậy nên tôi mong rằng toàn thể đại chúng mỗi người ý thức được việc mình đang làm là việc tối quan trọng. Đã là tối quan trọng thì mọi thứ tầm thường hoặc các chướng nhỏ chúng ta đều bỏ qua, để cố gắng làm một việc cho tới nơi tới chốn. Đó là điều thứ nhất cần nhớ.
Thứ hai là tôi muốn trong chúng mọi người khi bắt tay vào làm việc gì phải làm đến nơi, làm cho thành công, đừng bỏ dở nửa chừng. Muốn vậy phải biết cách thức làm đúng và bền chí lâu dài sẽ thành công.
Thứ ba, trong nhà Phật thường nói câu chữ Hán: “nhất bộc thập hàn”, một ngày nóng, mười ngày lạnh; nghĩa là bữa nay thì hăng hái làm thôi là làm, rồi ngày mai thả trôi. Đây là điều nên tránh. Chúng ta phải cần mẫn mỗi ngày, từng bước, từng bước đều đặn tiến lên không dừng, đó là điều tôi mong mỏi. Thấy ai tinh tấn quá tôi cũng e dè, bởi vì ngày nay họ tinh tấn, biết đâu mai mốt lại thả trôi. Chỉ nên bước đều đặn, tuy chậm nhưng đều là tốt. Nói chậm là đối với những người trẻ, còn ai già phải bước nhanh hơn một chút mới mong theo kịp mấy người trẻ.
Đó là lời nhắc nhở và mong mỏi của tôi. Quí vị nhớ để cố gắng tu.
Ngày 26-5 Ất Hợi (23-6-1995)
Thỉnh nguyện hôm nay có những điểm ưu là quí vị có lỗi đều tự giác ra sám hối hoặc thấy người khác có lỗi mình cũng gan dạ chỉ cho, như vậy là rất tốt.
Giờ đây tôi nhắc nhở chung cho toàn chúng biết rõ lập trường, hướng đi mà tôi đã tuyên bố lâu nay. Tôi từng tuyên bố với chúng ở dưới Thường Chiếu rằng thành lập Thiền viện Trúc Lâm là lý tưởng tối hậu của đời tôi. Vì lúc đó chưa có Thiền viện trên này nên tôi đã tuyên bố ở dưới như vậy. Lý tưởng tối hậu đó là gì? Với số tuổi hơn bảy mươi của tôi, công tác lo cho chúng lo cho đạo không còn được bao nhiêu ngày, mà tôi phải đứng ra thành lập Thiền viện Trúc Lâm, phải đảm đang một công việc nặng nề, bề bộn như vậy là bởi lý do nào?
Chẳng qua là vì tôi muốn tạo duyên tốt cho Tăng Ni tu đến nơi đến chốn. Trải qua bao nhiêu lần tôi thành lập các Thiền viện kia chưa được như ý, giờ đây Thiền viện Trúc Lâm này rất đúng với sở nguyện của tôi. Ở đây vừa là khí hậu mát mẻ, vừa là khung cảnh yên tĩnh và rộng rãi, sắp đặt dễ dàng. Tôi nghĩ rằng nơi này có thể tạo đủ duyên lành cho chúng tu hành, tiến tới được chỗ đáng tin cậy để hướng dẫn người sau. Cho nên khi khởi công tôi đặt ba điểm trọng yếu phải làm.
Điểm thứ nhất, phải xây dựng một cơ sở có hình thức một Thiền viện rất là Việt Nam. Bởi vì chúng ta là người Việt Nam, sanh sống trên đất Việt, khi tu hành tự nhiên chúng ta phải thừa kế những tinh ba của tổ tiên để lại. Chúng ta phải làm sao thể hiện cụ thể những tinh ba đó cho mọi người thấy biết. Nên trên hình thức tôi cố gắng thực hiện một ngôi chùa có nét văn hóa Việt Nam và có đầy đủ điều kiện cho Tăng Ni tu. Trải qua hai năm về phần cơ sở tương đối đã ổn. Đó là phần thứ nhất tôi đã làm được.
Phần thứ hai, tôi chủ trương phải gầy dựng lại, khai thác những điều cao quí của các bậc Tôn túc ngày xưa tu hành đạt đạo. Chúng ta là con cháu sau này cũng phải đạt được những cái người xưa đã đạt. Muốn được như vậy nhất định mình phải nương theo lời dạy của các ngài. Vì vậy phần kinh sách hoặc những Ngữ lục của chư Tổ ngày xưa tôi cố gắng tìm, và dịch giải cho quí vị hiểu để tu. Mục đích của tôi là phải làm sao có được một nền tảng Phật giáo Việt Nam cụ thể, đó là nền tảng văn hóa thật sự của Phật giáo Việt Nam. Chúng ta phải nắm vững đường hướng và lối đi của các vị trước.
Tôi thường nói với mọi người, chúng ta muốn tu theo Phật, trước hết phải tìm hiểu thấu đáo chỗ tu và đạt đạo của Phật. Kế đến, chúng ta phải hiểu được sự truyền bá của chư Tổ từ Ấn độ sang Trung Hoa đến Việt Nam. Việt Nam là đoạn chót, nơi chúng ta ra đời, chúng ta thừa kế, tự nhiên chúng ta phải nắm cho thật vững chớ không thể nào chỉ nói suông, nói cho có lệ. Do đó tôi sắp đặt phải làm sao thời gian đầu là xây dựng cơ sở, kế đó là phần văn hoá. Các Ngữ lục cũng như thi tụng của chư Tổ từ đời Lý, Trần cho tới đời Lê, Nguyễn có được bao nhiêu tôi đều góp nhặt và sẽ đem giảng giải cho người sau khỏi hiểu lầm.
Đó là việc thứ hai tôi phải làm cho được. Việc đó hiện giờ chúng ta đang làm.
Phần thứ ba là phải đem những lời hay của Phật và của các vị Thiền sư Việt Nam ra cho Tăng Ni ứng dụng tu có kết quả tốt, đó mới đầy đủ.
Như vậy, phần thứ nhất là hình thức cơ sở, phần thứ hai là văn hóa từ các Tổ truyền lại và phần thứ ba thực hành những lời dạy từ Phật đến Tổ. Nếu chúng ta thực hiện ba điều đó được vuông tròn thì Phật giáo Việt Nam mới có cơ đứng vững. Nếu chúng ta chỉ được hai phần đầu, tức là cơ sở và văn hóa, còn phần thứ ba không thực hiện được thì không thể gầy dựng hoặc tạo điều kiện cho Thiền học Việt Nam sống dậy được.
Phần thứ nhất là phần của tôi và Phật tử cũng như chư Tăng chung lo, bây giờ nó đã thành hình. Phần thứ hai, văn hóa, là phần tôi đang làm, đang giảng dạy. Còn phần thứ ba là phần của ai? Đó là phần của tất cả Tăng chúng và Ni chúng chớ không phải của tôi nữa. Tôi chỉ là người nhắc nhở, chỉ dạy mà thôi, còn thực hiện được hay không là do quí vị.
Nếu hai phần đầu có hay đẹp mấy mà phần thứ ba không có kết quả thì người ta còn tin Phật giáo Việt Nam do mình chủ trương đề xướng là đúng hay không? Chắc chẳng ai tin, vì mình nói hay nhưng không làm được. Không làm được thì nói ai tin! Bởi vậy phần thứ ba tuy sau cùng lại là quyết định tối hậu không thể thiếu.
Tôi mong rằng tất cả chư Tăng hiểu được lẽ đó, thấy được trọng trách của mình để mỗi người cố gắng tu, cố gắng thực hiện cho được những điều hay từ đức Phật truyền dạy mãi đến chư Tổ Việt Nam. Chúng ta ứng dụng được, có kết quả thì mới xứng đáng là người kế thừa, sau này có thể làm sáng tỏ nền Phật giáo thế giới nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng. Còn nếu chúng ta cứ lơ là cho qua ngày tháng, chờ đến ngày trăm tuổi, thật uổng một đời!
Vậy nên tất cả chư Tăng phải nỗ lực, cố gắng thể hiện cho được những điều mình đã học, thực hành cho được những gì đã hiểu, đừng có lơ là bỏ qua. Tất cả mọi thứ trên thế gian chỉ là trò ảo mộng, không có gì quí, chỉ đáng quí nhất là con đường giải thoát, Phật Tổ đã vạch ra, mình phải tiếp bước cho được. Đi cho đến nơi mới xứng đáng là người tu Phật, đừng nên lơ là, bỏ dở nửa chừng, uổng đi một đời. Đó là lời tôi nhắc nhở toàn chúng.
Ngày 13-6 Ất Hợi (10-7-1995)
Thỉnh nguyện hôm nay toàn chúng chỉ một vài người phạm lỗi, đa số đều không có lỗi lầm gì, như vậy rất tốt. Chúng tinh tấn tu hành thì mọi việc đều được an ổn.
Tinh tấn là mình tạo công đức cho chính mình. Chúng ta ngồi thiền nếu thiếu tinh tấn thì có thể từ một tiếng đồng hồ tiến lên hai tiếng nổi không? Chắc không bao giờ tiến nổi, bởi vì vừa nghe đau liền muốn xả cho khỏe, mà muốn xả cho khỏe tức là không có sức tinh tấn. Cho nên đối với tất cả những điều khó làm, nếu chúng ta thiếu tinh tấn sẽ không bao giờ làm được. Do đó tinh tấn giúp chúng ta tăng trưởng công đức tu hành.
Từ chỗ tu hành yếu ớt, nhờ sức tinh tấn sự tu lần lần cứng cỏi, mạnh mẽ lên. Chẳng hạn khi chúng ta ngồi thiền hơi nhọc nhằn, buồn ngủ, lúc ấy phải nỗ lực, nhìn thẳng, cố gắng lên mới vượt qua được. Nếu cứ thả trôi, ngủ gục tức không bao giờ tiến. Vì vậy trong lúc tu hành, nếu chúng ta muốn tiến, muốn vươn lên thì phải đầy đủ nghị lực và tinh tấn. Nhờ đó, chúng ta từ một con người thấp kém, xấu xa tiến lên thành người hay tốt, cao siêu.
Lại nữa, muốn được thiền định và trí tuệ cũng nhờ tinh tấn mà nên. Tất cả chúng ta có bệnh lười biếng, giải đãi. Đó là bệnh thả trôi, mặc kệ tới đâu hay đó, không chịu nỗ lực. Nó đưa chúng ta đến chỗ lui sụt, hư xấu. Chỉ có người tinh tấn mới là người thắng trận.
Tôi thường ví dụ người tu giống như người chèo thuyền ngược nước, ngược gió. Nếu chúng ta không nỗ lực chèo, nó sẽ trôi lần ra biển. Đã ở trên dòng nước ngược thì phải nỗ lực vô cùng. Hình ảnh ngược nước, ngược gió, tôi ví dụ như sự tu hành trái với thói quen của bản thân. Thí dụ người thế gian lớn lên có gia đình, sống theo thế tục, đó là thuận theo dòng đời. Còn quí vị ở đây, có những người còn trẻ chưa lập gia đình, vào chùa xuất gia sống hạnh tu sĩ, đó là ngược với dòng đời. Ngược dòng rất khó, cay đắng như người bơi ngược nước, phải cố gắng tối đa mới khỏi bị cuốn trôi ra biển.
Kế đó là ngược gió, tức là trái với thông tục, thói đời. Thông thường, người ta cứ khuyến khích mình chạy theo tham sân si, khuyến khích mình thụ hưởng dục lạc. Nay chúng ta không theo lối đó là trái với thông tục, với thói quen của thế gian. Những ngọn gió thế gian thường đùa chúng ta trở lại, nhưng mình phải vươn lên tiến tới không lùi. Đó gọi là đi ngược gió. Hai sức đẩy này dồn dập, lôi cuốn chúng ta từ trong bản thân cho tới ngoại cảnh, nếu không có sức gan lì, cố gắng e khó vượt qua.
Cho nên, chúng ta tu phải can đảm, chịu đựng rồi mọi thứ sẽ qua. Đừng nghĩ sao mà khổ quá. Phải nỗ lực, cố gắng, gan dạ mới thắng được các ham muốn, cám dỗ, nhất là những người trẻ tuổi. Cho nên nói tới tu là phải nói tới tinh tấn. Có tinh tấn mới thắng được các thứ chướng của bản thân và ngoại cảnh. Ai thả trôi sẽ có ngày bị nước cuốn ra biển khơi.
Như vậy, tinh tấn là sức mạnh cần yếu của người tu. Phải cố gắng vượt qua các thói quen, nghiệp chướng của bản thân, đó mới là sức mạnh phi thường. Mỗi người phải nỗ lực cố gắng thì sự tu mới tiến, con đường giác ngộ mới rõ ràng, sáng sủa được. Đó là tôi nhắc nhở chung, mong tất cả cố gắng.
Ngày 13-7 Ất Hợi (8-8-1995)
Trong thời thỉnh nguyện hôm nay, toàn chúng đều thấy được những sai sót của mình, can đảm ra giữa chúng sám hối. Đó là điều đáng khen ngợi. Tôi thường nói tất cả chúng ta chưa có ai là Thánh, tự nhiên sẽ có nhiều sai sót, lỗi lầm. Mỗi lần có lỗi lầm đều can đảm sám hối, từ đó về sau mình dễ chừa bỏ, đó là cái hay, cái tốt của người tu. Thấy trong chúng ai có lỗi lầm đều thành tâm sám hối, tôi rất mừng.
Kế đây tôi xin nhắc nhở chúng một điều. Trong kinh Duy-ma-cật, đức Phật dạy: “trực tâm thị đạo tràng”, nghĩa là tâm ngay thẳng là đạo tràng. Đạo tràng là chỗ thờ Phật, chỗ tu hành; chúng ta giữ tâm ngay thẳng, chân chánh thì trước mặt chúng ta có Phật, là tu hành tinh tấn. Nếu tâm ta quanh co, tà vạy, trên đường tu sẽ khó tiến được, bởi vì tất cả đạo đức nằm ở chỗ chân thật.
Đức Phật khi đi tu gọi là đi tầm chân lý, tức là tìm lẽ thật. Muốn tìm lẽ thật thì nội tâm mình phải chân thật, nếu tâm quanh co tà vạy ắt khó thấy được lẽ thật. Cho nên muốn tiến đến chỗ đạt đạo, mỗi người phải khéo giữ tâm ngay thẳng, chân thật. Đó là gốc của đạo đức, là gốc của sự đạt đến chân lý.
Đức Phật dạy như vậy, nghĩa là có trực tâm thì thấy đạo tràng luôn ở trước mắt, còn thiếu trực tâm không thể nào thấy đạo tràng được. Dầu chúng ta ngồi trước bàn Phật ở trong đại chúng nhưng nếu tâm chúng ta tà vạy thì cũng không thấy Phật, không thông cảm với đại chúng. Do đó, khi đã phát nguyện xuất gia, chúng ta phải xả bỏ hết mọi thứ phàm tục, hư dối của thế gian để tìm cái chân thật, nhất là cái chân thật cứu kính.
Vậy tất cả chúng ta nên nuôi dưỡng một tâm chân chánh, ngay thẳng mới có thể tiến tới chỗ cứu kính chân thật. Bằng ngược lại đường tu khó có kết quả tốt. Vậy mong toàn chúng phải luôn giữ gìn tâm ý ngay thẳng, chân thật để đời tu của mình sớm có kết quả mỹ mãn.
Tôi thường nói với tất cả chúng rằng đời tôi không có gì bí mật hết. Bởi vì những gì tôi thấy biết, tôi làm gì, tôi đi đâu đều công khai, không hề giấu giếm. Do tâm thật thà ngay thẳng đó mà trên đường đạo tôi thu thập được nhiều kết quả tốt. Nếu tôi quanh co, tà vạy có lẽ đời tu của tôi không có gì sáng sủa. Quí vị đã nhìn thấy lẽ đó rồi nên ráng tập, ráng ứng dụng.
Gần đây tôi thấy giới tu sĩ của mình miệng nói một đàng tâm ở một ngả. Dạy người không được nói dối, mà chính mình lại nói dối. Có người gặp Phật tử than chùa thiếu, chúng đói, mà tiền đem gửi ngân hàng. Nghe những lời đó tôi cảm thấy khó chịu, không chấp nhận được. Tôi nghĩ người tu là người hướng dẫn, dạy dỗ Phật tử, nếu chúng ta không chân thật thì không biết hướng dẫn họ đi đâu, dạy dỗ họ cái gì?
Do đó tôi mong chư Tăng ở đây mai kia muốn dạy dỗ Phật tử, trước tiên phải là người đạo đức, chân thật. Sở dĩ tôi được chỗ này chỗ kia tiếp tế là do tôi chưa bao giờ than với ai về sự thiếu hụt, về chuyện hết gạo... Tôi cứ lặng lẽ lo cho chúng, được tới đâu làm tới đó, có bao nhiêu nuôi Tăng Ni bấy nhiêu, chớ không hề kêu than xin xỏ ai, cho nên người ta tưởng tôi giàu. Rồi quí vị thấy, chính nhờ tôi ngay thật thành ra tôi giàu thật, phải không? Bây giờ muốn cái gì được cái ấy, tôi không mưu mô, tính toán gì cả.
Như khi thành lập Thiền viện Trúc Lâm, tôi nghĩ sẽ nuôi từ sáu, bảy chục cho tới một trăm chúng, nên lúc xây dựng tôi sắp đặt nhà cửa theo như dự định. Khi xong xuôi rồi tôi lại thầm nghĩ, mình nuôi số chúng như vậy mà trên đây toàn là thông, chúng lấy gì ăn? Nên kỳ rồi đi chơi về có chút ít, tôi nghĩ để dành nuôi chúng được năm ba năm. Tôi lo tính như vậy nhưng bây giờ kết quả lại khác. Như quí vị biết, nhờ Phật tử và du khách tới lui, chùa mình bây giờ có một số lương phạn tạm sống được khỏi phải lo. Tôi đâu có dám tính trước việc đó, nhưng nhờ lòng ngay thật của tôi mà mọi việc đều như ý.
Lúc trước tôi nghĩ tất cả những gì tôi đi ra ngoài có được là để dành nuôi chúng thôi, vì mình ở đây không có một khoản tài chánh tự túc nào hết. Nhưng bây giờ những khoản không tính trước mà có được tôi đem làm Phật sự khác, như trùng tu chùa Phước Hậu, Phật Quang... Như vậy quí vị thấy tôi không than, không tính toán, chỉ nhờ lòng thật thà, ngay thẳng, mà làm cái gì Tam Bảo cũng gia hộ khiến cho muốn ít lại được nhiều, hoặc là chưa dám mong, nó đã xảy đến đúng như ý mình.
Đó là tôi dẫn chứng cho chúng thấy, nhờ chân thật, tất cả những dự tính đều được thành tựu; nếu thiếu chân thật thì mọi thứ mong cầu khó được toại nguyện. Cho đến ngày nay, từ việc tu hành cho đến các Phật sự tôi làm có được kết quả gốc từ tâm chân thật mà ra. Câu Phật dạy “trực tâm thị đạo tràng” quả là một lẽ thật không nghi ngờ gì. Vậy mong toàn chúng sớm lấy đó làm tiêu chuẩn tu hành để có thể đạt kết quả tốt như sở nguyện, từ việc tu cho đến con đường làm Phật sự.
Ngày 28-7 Ất Hợi (23-8-1995)
Tinh thần thỉnh nguyện hôm nay rất tốt, người có lỗi tự giác ra sám hối, hoặc huynh đệ nhắc nhở giùm. Bởi vậy ai còn nhiều xấu dở mỗi lần thỉnh nguyện được nhắc tới nhắc lui, lâu ngày sẽ giảm bớt lỗi lầm đi. Nhờ bớt lỗi lầm nên đạo đức tăng trưởng, đạo đức tăng thì trí tuệ mới sáng. Nếu chúng ta tu mà xấu dở không biết sửa, không biết chừa làm sao đạo đức được tăng trưởng, cho dù cố gắng bao nhiêu cũng không thể có trí tuệ sáng suốt. Đó là lẽ thật. Vậy nên toàn chúng nhờ được nhắc nhở mà sự tu hành càng thêm tinh tấn, đạt kết quả tốt. Đó là tinh thần buổi thỉnh nguyện.
Bây giờ tôi nhắc chúng một vài điểm.
Thứ nhất, tôi tin chắc tất cả chúng ở đây đều là người quyết chí tu hành mong sớm đạt đạo; không có ai đến đây với tinh thần yếu đuối muốn nương nhờ cửa Phật để được yên thân. Đã quyết chí tu, đương nhiên mỗi người phải tự ý thức bổn phận của mình để nỗ lực, cố gắng tu. Tuy nhiên cái bệnh của chúng sanh là khi mới phát tâm thì rất mạnh nhưng một thời gian sau phai lạt dần, khiến cho sự phát tâm bị xao lãng đi.
Khi mới vào đạo quyết chí tu mạnh trăm phần trăm, sau một thời gian sự tu suy giảm, yếu lần xuống tám mươi, bảy mươi phần trăm, có khi chỉ còn năm, sáu chục phần trăm, đó là lẽ thường, ai cũng có. Bởi vậy hồi xưa tôi có nói với chúng Tăng ở Phật học đường rằng: Người nào mới phát tâm tu hành cũng thấy như mình là Thánh hết, nhưng tu một thời gian rồi trở lại phàm, không còn Thánh nữa. Đó là tại tánh chất yếu đuối của con người, cái gì lâu cũng sanh khinh lờn rồi không còn ý chí mạnh như buổi đầu.
Đức Phật luôn nhắc chúng ta mỗi sáng nên rờ đầu một lần. Rờ đầu để nhớ mình đã cạo tóc, xuất gia. Những điều gì có tánh cách phàm tục không có quyền nghĩ nhớ, không có quyền làm. Đó là điều tôi nhắc cho chúng nhớ. Sáng nào ta cũng phải rửa mặt, sờ đầu để thấy cái đầu mình trọc khác hơn thế gian, nhớ mình là người tu, khác người thế tục. Nhớ như vậy để nuôi dưỡng ý chí cao thượng, bằng không nhiều khi tu lâu ý chí suy giảm.
Chúng ta phải đặt Phật quả là mục tiêu cuối cùng của đời mình. Như vậy trên đường tu lúc nào cũng nỗ lực, tinh tấn chớ không giải đãi. Trong Thiền viện chúng ta, ai cũng phải theo đúng thời khóa căn bản. Ngoài ra các giờ khác cũng phải tu, nhưng đó là sự tu nhẹ nhàng, tự mình ý thức trách nhiệm lấy.
Trong sự tu tập, quyết tâm là yếu tố quyết định, có thể san bằng mọi chướng ngại. Ngày xưa tôi đọc sách của Đại sư Thiên Thai Trí Giả dạy ngồi thiền, nếu người nào có u nhọt ở đâu đó trong cơ thể, Ngài dạy trụ tâm ngay chỗ u nhọt đó lâu ngày nó sẽ tan, khỏi phải dùng thuốc cũng được. Sau này tôi mới biết rõ, mình trụ tâm nơi nào thì máu tụ lại nơi đó, nó nóng lên, lần lần những tế bào hư sẽ bị loại đi, u nhọt tan mất. Vì vậy nếu tu khéo sẽ trị được bệnh của mình, chớ không phải không trị được.
Ở Nhật Bản có một vị Thiền sư, đang ở trong chúng bất thần bị phát bệnh cùi, nổi đầy người. Ngài thấy nguy hiểm cho chúng nên từ giã Hòa thượng và đại chúng đi về cất am ở riêng. Sau đó Ngài quyết chí ngồi thiền chết sống chẳng màng. Ngồi mãi như vậy trải qua một thời gian bỗng nhiên Ngài sáng được lý đạo. Sáng đạo rồi, từ từ bệnh cùi của Ngài cũng tan luôn. Như vậy, nếu quyết chí chết sống tu hành thì có thể thắng được những căn bệnh trầm kha, nguy hiểm.
Quí vị nhớ trong sử, Tổ Tăng Xán gặp Tổ Huệ Khả khi toàn thân đang bị bệnh ghẻ lở. Khi nghe Tổ Huệ Khả khai thị một câu, Ngài liền ngộ. Từ đó bệnh thuyên giảm dần, ghẻ lở cũng hết. Vậy mới thấy được đạo đức tu hành là phi thường, chẳng phải tầm thường. Nhiều khi huynh đệ không có được cái tâm tin sâu, hiểu chắc, hễ chớm bệnh là thối tâm, mất tinh thần, đó là chỗ yếu. Chúng ta cứ giữ vững tinh thần tu, chết sống gì cũng được. Chuyện chết sống thật ra cũng là trò chơi thôi.
Trong chúng nếu ai nấy đều quyết tâm tu thì những trở ngại chút ít về bản thân như bệnh hoạn, đau nhức, hay những chướng ngại của ngoại cảnh đều có thể vượt qua. Chúng ta phải cương quyết vượt qua hết những thứ đó, đừng để nó làm mình khó chịu, sanh ra suy yếu rồi thối tâm. Dù có cưng chiều, lo lắng cho thân này bao nhiêu, một thời gian rồi mình cũng phải chết, mà kết quả tu hành không ra gì. Thà chúng ta quyết chí tu, dù có chết cũng chết trong tinh tấn, đó là sức mạnh để đời sau mình tiếp tục không lui sụt. Đây là điều tôi nhắc nhở toàn chúng, khi tu phải gan dạ, quyết tâm, đừng nên yếu đuối. Được vậy, sự tu hành sẽ có kết quả chắc chắn không nghi.
Kế đến, tôi nhắc chúng về một chướng ngại người tu cần phải vượt qua. Đây là bệnh của con người chớ không riêng một cá nhân nào, bệnh ái dục. Trong kinh Tứ Thập Nhị Chương, Phật dạy: “Nếu có cái thứ hai bằng ái dục thì khắp thế gian không ai tu được.” Phật đã thấy ái dục là trở ngại lớn của người tu, nhất là những người trẻ tuổi. Tuổi trẻ là cơ hội tốt để tu, vì còn đang dồi dào khí lực, đủ trí tuệ sáng suốt, cơ thể đang mạnh khỏe, nên sự tu hành có thể vươn lên rất nhanh, nhưng cũng dễ sa vào ái dục. Đó là cái gốc trở ngại, nếu vượt qua được rồi thì mọi thứ khác mình đều qua dễ dàng, không khó nữa.
Tôi thấy ở thế gian, không chỉ ngày nay mà cả ngày xưa, có những người không có gia đình vẫn sống tới già, dù họ không biết đạo, không tu. Còn chúng ta cả ngày sống với đạo, bao nhiêu tư tưởng điên đảo, rối loạn buông xả hết, dục sẽ không có cơ hội sanh trưởng. Ái dục xuất phát từ tưởng. Có lần ngài A-nan với một huynh đệ đi khất thực, người bạn thấy cô gái đẹp, ông si mê quá, phải cầu ngài A-nan cứu giúp. Ngài A-nan bảo quán thân bất tịnh và các cách chế ngự khác nhưng không có hiệu quả. Cuối cùng vị ấy tự kiểm điểm một hồi và khám phá ra ái dục từ tư tưởng sanh. Do thấy rõ như vậy, vị ấy dừng dục tưởng, không còn bị quấy rầy nữa.
Vậy là chúng ta biết được gốc bệnh, nếu khởi tưởng ái dục ắt nó làm cuồng loạn; còn nếu không khởi tưởng tự nhiên nó không thể lôi kéo mình được. Biết vậy quí vị luôn nhớ gìn giữ tư tưởng của mình, đừng nghĩ bậy, đừng có những niệm hướng ra nơi này nơi kia, tâm ái dục dần dần bình lặng. Khi nó bình lặng thì mình vượt qua không khó khăn gì.
Ái dục không những có giữa những người khác phái, mà đồng phái cũng có. Cho nên trong chúng ráng dè dặt, cẩn thận, đừng thân thiện quá rồi sau gây ra những điều không tốt, chướng ngại sự tu. Quí vị phải hằng nhớ đến chí nguyện ban đầu của mình để luôn quyết tâm tinh tấn.
Đó là lời tôi nhắc nhở, mong tất cả quí vị thông cảm cho.
Ngày 13-8 Ất Hợi (7-9-1995)
Người ta thường nói, trên đường tu phải thường nhiếp tâm, tinh tấn, không thì dễ gặp các ma chướng, ma sự. Đó là những loài ma chúng ta đã từng nghe nói như là tử ma. Gọi là tử ma, ma chết, vì họ không được siêu hoặc họ làm quỉ thần. Khi thấy chúng ta tu hành họ hay phá phách. Điều đó ngày xưa tôi rất nghi, tôi nghĩ rằng lẽ ra quỉ thần thấy người tu thì ủng hộ để cho có phước, sẽ được mau sanh thành người hoặc sanh lên các chỗ tốt hơn. Cớ sao họ lại phá người tu?
Sau này đọc kinh tôi mới hiểu. Vì ma lúc nào cũng muốn bè phái nó đông, cho nên thấy người tu nó phá. Nó muốn hướng dẫn cho sai lầm để đi theo con đường tà, đi vào nhóm ma, để quyến thuộc nó càng ngày càng đông. Điều này cụ thể như ở thế gian có những người hút xì ke, ma túy. Khi hút, chích họ cũng không bao giờ để yên cho những bạn bè xung quanh. Họ rủ người này, xúi người kia cùng hút chích với họ. Đã lỡ xấu rồi, họ cũng muốn người khác xấu như họ.
Do đó nên biết rằng tâm ma là tâm tà vạy. Nó muốn cho bè bạn nó ngày càng đông, uy thế càng lớn nên hay phá người tu. Vì vậy chúng ta tu phải ráng cẩn mật. Ma phá được chúng ta là do nội tâm chúng ta không chánh, nếu nội tâm mình chánh thì ma không phá được. Nên nhắc nhở trong chúng phải ráng dè dặt, tu hành cẩn mật đừng để tâm buông lung.
Nhiều khi ở đây chúng ta tuyên bố cố gắng tu hành miên mật, không đi đây đi kia để mất thời giờ, cũng không có thời giờ trống nghĩ ngợi lung tung, cho nên ma thấy cũng hơi ngại, nó lại càng cố tình muốn phá mình. Vì vậy quí vị ráng tu cho chín chắn để tất cả những thứ tà vạy không thể phá được. Đó là điều thứ nhất tôi nhắc nhở trong chúng đừng có coi thường.
Điều thứ hai, khi mình tu có nội ma cũng nguy hiểm lắm. Thật ra nếu nói thẳng, nội ma còn mạnh và nguy hiểm hơn cả ngoại ma. Sở dĩ ngoại ma phá phách chúng ta có hiệu lực cũng gốc từ nội ma mà ra. Nội ma là gì? Tức là những tâm tham luyến ái dục, chạy theo ngũ dục, làm cho ma dễ lôi kéo, hướng dẫn mình. Các thứ ngũ dục là tài, sắc, danh, thực, thụy, hoặc sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nếu chúng ta còn đắm mê một món nào trong những thứ đó đều là cái cớ để ma hướng dẫn mình. Vậy nên chúng ta tu luôn luôn phải chiến đấu với nội ma và ngoại ma.
Chiến đấu với nội ma là mình phải canh chừng vọng tưởng, khởi niệm liền buông bỏ, đừng chạy theo. Dù là lúc lao động, lúc đi chơi cũng phải cẩn mật như vậy. Người xưa nói rằng: Người tu giống như quân lính gìn giữ thành lũy trong lúc chiến tranh, lúc nào cũng phải chăm chăm, thấy rõ.
Tôi nói chăm chăm ở đây không phải kềm chăm chăm mà là phải tỉnh, phải thấy rõ từng tâm niệm không hề lơ là, đó là điều cần yếu. Nhờ chúng ta thấy rõ nên mới có thể dẹp nó được, còn nếu bỏ quên lửng nó sẽ dẫn mình đi. Vọng tâm rất nguy hiểm, nhiều khi chúng ta ngồi thiền nó không dẫn chạy được, đến lúc dạo chơi hoặc cười đùa với huynh đệ, nó liền phóng chạy, buông lung. Vậy nên phải ráng dè dặt, cẩn mật mới chiến thắng được nó.
Vấn đề kế đến tôi muốn nhắc nhở toàn chúng nên lưu tâm là chúng ta ở đây tu theo Thiền tông, nhưng có một số người hay hiểu thiền theo nghĩa không được hay. Ví dụ như có một hai cái lóe sáng nho nhỏ rồi lầm tưởng mình ngộ đạo, muốn bắt chước các Tổ Trung Hoa nói trên trời dưới đất hoặc nói những lời thô bạo không được nhẹ nhàng. Điều đó không đúng. Bởi vậy, đa số người tu Tịnh độ cứ phàn nàn mấy vị tu Thiền hay nghênh nghênh ngang ngang, không có tư cách. Đấy là một tai họa.
Tại sao là họa? Quí vị nên biết, hiện giờ ở trên nước Việt Nam chúng ta, mấy chục ngàn ngôi chùa chỉ có vài nơi biết tu Thiền, còn tất cả đều tu Tịnh độ. Những người tu Tịnh độ chân chánh luôn luôn đặt giới luật làm trên, lấy oai nghi, giới luật, nghiêm trang tề chỉnh làm mẫu mực. Cho nên những Phật tử thuần thục theo học quí thầy chân chánh rất quí giới luật, oai nghi. Rồi họ thấy một số người tu Thiền cứ nghênh nghênh ngang ngang, họ coi những người đó là không đủ giới luật, đức hạnh. Dầu mình nói hay họ cũng không tin. Đó là cái khó của chúng ta trong hoàn cảnh hiện tại.
Bởi vậy chư Tăng chúng ta khi tu cần có đủ hai mặt. Về phần tâm phải thông suốt, về phần giới luật oai nghi chúng ta cũng phải gìn giữ. Có đủ hai phần đó, mình giáo hóa không ngại.
Chúng ta không thể nào bắt chước các Thiền sư Trung Hoa. Bởi vì ở Trung Hoa trải qua các đời, từ đời Đường qua đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh đã thấm nhuần đường lối tu thiền, nên những ngôn ngữ bất thường, hành động kỳ lạ của các ngài người ta hiểu được. Chúng ta ở đây hoàn cảnh hơi khác, mình tu thiền nhưng phải làm sao cho có sự gần gũi để Phật tử có thể chấp nhận dễ dàng. Chúng ta không thể nào có thái độ nghênh ngang, gây trở ngại cho mình và cũng trở ngại cho sự hoằng hóa. Đó là điều tất cả phải hiểu, phải cảm thông.
Quí vị cũng nên biết Thiền sư Việt Nam chúng ta không hề đánh, hét, không có thoi, đạp.
Các ngài chỉ dùng những lời nói để cho người ta sáng, thấy được đạo, chớ các ngài không làm các hành động lạ. Mà giả sử có làm những hành động lạ trong lúc đối cơ như Mã Tổ Đạo Nhất ở Trung Hoa, thì trong sử vẫn thường nói Ngài đi như trâu, nhìn như cọp, tức là đi một cách vững vàng, đều đặn, chậm rãi, không có vẻ bất thường như muốn chạy, muốn nhảy; còn nhìn như cọp, cọp luôn luôn nhìn thẳng chớ không ngó liếc hai bên. Ngài cũng như vậy, đi đứng đều nghiêm trang tề chỉnh, trừ một hai trường hợp đối cơ, Ngài mới dùng những thủ thuật đặc biệt thôi.
Lại như Tổ Lâm Tế nổi tiếng hay đánh hét, nhưng bình thường hằng ngày oai nghi Ngài rất đĩnh đạc. Bởi vậy trong hội Tổ Hoàng Bá, chính Thủ tọa Trần Tôn Túc cũng phải khen ngợi tư cách, thái độ của ngài Lâm Tế, mới giới thiệu lên Tổ Hoàng Bá.
Qua bao nhiêu đó quí vị cũng thấy người thấu suốt rồi, khi sống luôn có những tư cách mẫu mực, trừ lúc đối cơ muốn giúp người khác sớm được ngộ, quí ngài mới dùng những thủ thuật kỳ đặc thôi.
Chúng ta hiện nay chưa được như các Tổ mà mình tưởng như đã bằng, đó là điều lỗi lầm.
Chúng ta phải luôn luôn sống khiêm tốn, cung kính những người tu trước, dầu tu Tịnh độ hay Thiền tông, ai tu trước mình cũng đều cung kính, để bỏ cái tật nghênh ngang. Nếu quí vị nghênh ngang, người ta sẽ nói tu thiền cống cao ngã mạn. Người nào không biết nể ai, coi như không có ai trên mình hết, xem thường Phật, Tổ, xem thường những người tu trước sẽ bị tổn phước, tổn đức. Vì vậy quí vị phải ráng dè dặt, đừng có thái độ nghênh ngang như vậy không tốt. Phải nghiêm chỉnh, đàng hoàng, lời nói, hành động phải đi đôi, không được nói một đàng làm một ngả người ta thấy chê cười. Đó là điều rất quan trọng.
Quí vị thấy chư Tổ ngày xưa ở Việt Nam, lúc nào tu cũng kinh điển song song với Thiền, nhất là đời Trần. Đây gọi là Thiền Giáo đồng hành, hai cái này không thể rời nhau. Bởi vì Việt Nam là một nước nhỏ, văn hóa không bằng Trung Quốc, người tu phải có trình độ văn hóa để mọi người trong xứ biết và mến phục. Nếu dốt thì không làm gì được. Như vua Trần Thái Tông, Ngài chẳng những lo việc nước mà khi rảnh rỗi thì xem kinh, học chữ Nho cho giỏi, nên những bài về Thiền học Ngài viết rất hay, nhờ vậy mới truyền bá được. Rồi tới Tuệ Trung Thượng Sĩ cũng thế, vừa biết rõ đạo lý, vừa có những áng văn chương hay, nên khiến người ta nể phục.
Ngày nay nếu chúng ta dốt quá, kinh không biết, sử cũng không rành, rồi cứ nói càn, nói bậy, làm sao người chung quanh tin được. Cho nên chúng ta cần có một vốn liếng căn bản, vừa hiểu Phật pháp, vừa biết diễn tả những gì mình hiểu cho người khác thông cảm. Đó là điều hết sức cần thiết, đừng coi thường. Có nhiều chú không biết, mới hiểu được chút ít, rồi bỏ hết không chịu học hành. Đến lúc ra ngoài, người ta hỏi gì nói cũng không được, chừng đó mới khổ. Lúc ấy muốn học lại, không có ai dạy. Vậy nên mấy chú phải ráng, sao cho nội tâm mình thanh tịnh, hành động bên ngoài nghiêm trang, có đủ lời lẽ để diễn tả cho người hiểu được cái hay của đạo. Được như vậy là quí. Tôi thấy một số chú nhỏ có bệnh khinh thường này, ăn nói nghênh ngang, cứ tưởng mình như Tổ. Nếu hiểu chưa tới nơi mà có thái độ đó là tổn phước, gây trở ngại trên đường tu.
Tôi nhắc trong chúng ráng cẩn thận. Mình tu cốt phải thông suốt đạo lý, tức là phải ngộ, dù ít dù nhiều, hoặc tiểu ngộ hoặc đại ngộ, đó là cái gốc. Nhưng khi ngộ rồi mình phải có thái độ bình tĩnh, sáng suốt, nghiêm trang, có đủ tư cách một người tu chân chánh, vậy sau mới có thể giúp người.
Ý kiến bạn đọc