MỤC LỤC
============
Phụng Hoàng Cảnh Sách
Tập 3
Thỉnh Nguyện Ni
Đoạn 2
Ngày 28-08 Ất Hợi (22-9-1995)
Thỉnh nguyện kỳ này ít lỗi, như vậy thấy chúng mỗi ngày mỗi tiến. Ban đầu lỗi nhiều nhưng dần dần giảm bớt, đến khi nào không còn lầm lỗi nữa mới thật là tốt.
Bây giờ Thầy nhắc nhở chúng tu hành. Trong bản Thanh qui Thầy có nói rõ, tu là phải nỗ lực không được chần chờ. Bởi vì ai tu cũng hướng đến mục đích giác ngộ, mong rằng một ngày nào đó gần hoặc xa sẽ được giác ngộ. Khi làm một điều gì nếu đã có mục đích, có chỗ nhắm thì việc làm đó tụi con phải nỗ lực, cố gắng. Nếu lôi thôi, chần chờ không bao giờ có kết quả.
Ví dụ như việc lao động hằng ngày của tụi con. Trồng cây, muốn cho cây tốt, tụi con cũng phải siêng năng chăm sóc. Khi nấu nồi cơm, phải coi chừng củi lửa cho tốt đều, cơm mới ngon. Những việc nhỏ muốn được kết quả trọn vẹn còn phải cố gắng và xem chừng, không lơ là, huống nữa tu là việc rất cao siêu, nếu tụi con lơ là làm sao đạt được kết quả?
Vậy nên tụi con lúc nào cũng phải quyết chí, không để tâm hồn mình phóng đãng, lôi thôi, chần chờ. Phải tự sách tiến cố gắng lên. Bởi vì đường tu lâu xa, dài ngày dễ sanh ngán rồi muốn thả trôi, rất uổng. Dù con đường xa mấy nếu tụi con cố gắng đi cũng sẽ tới. Còn thấy xa đâm ngán ngẩm rồi muốn buông xuôi thì không bao giờ đạt được kết quả mong muốn.
Vì vậy, tu là một việc làm phi thường vượt hơn thế gian. Nếu tâm tụi con lơ là và có ý niệm chán nản, tụi con không bao giờ đạt được kết quả. Cho nên tụi con phải cố gắng, phải chăm hẳm, không bao giờ lôi thôi. Đừng để tâm mình chạy theo chuyện tầm phào của thế gian làm mất thời giờ. Phải dồn hết tâm lực vào việc tu. Dù khó mấy mà mình nỗ lực cố gắng thì cũng đạt được kết quả, còn dễ mà lôi thôi cũng không ra gì.
Vậy nên trên đường tu, tất cả tụi con đều phải cố gắng, nỗ lực tối đa, quên hết những thứ tầm thường chung quanh mình, chuyên làm một việc cho đến nơi đến chốn. Được vậy, tụi con mới có thể thành công. Trong kinh dạy, tinh tấn là điều quyết định để được kết quả. Dù tu hạnh nào mà thiếu tinh tấn cũng không xong. Đó là điều thiết yếu nhắc nhở tụi con.
Ngày 13-08 nhuần Ất Hợi (06-10-1995)
Hôm qua có hai vợ chồng người Úc, có đi học thiền ở vài nơi và học với các Sư dòng Lâm Tế, tới đây xin gặp Thầy nêu vài câu hỏi, chú thông dịch dịch lại. Khi gặp Thầy, ông hỏi:
- Ở đây Thầy chủ trương dạy người tu như thế nào?
Thầy trả lời:
-Thầy chủ trương dạy Tăng Ni, Phật tử và tất cả người tu nhận ra con người chân thật của chính mình.
Ông khách vỗ bàn hỏi:
- Cái bàn này có Phật tánh không?
Thầy nói:
- Trong nhà Phật có chia ra hai phần: chúng sanh có Phật tánh, sự vật thì có Pháp tánh.
- Phật tánh của con và Phật tánh của Thầy đồng hay khác?
- Đứng về thể thì Phật tánh của ông, của Thầy và tất cả chúng sanh là đồng. Nhưng Phật tánh của Thầy là của Thầy, của ông là của ông.
Tụi con nghĩ câu này trả lời dễ hay khó? Nói là đồng nhiều khi mình có lỗi. Nếu đồng thì người tu cũng thành Phật, người không tu cũng thành Phật luôn. Câu này phải rất dè dặt, đồng là trên cái thể, còn phần riêng của mỗi người ai có phần nấy. Thầy ví dụ như có năm, bảy cây đèn đặt ở trong phòng, ánh sáng của năm bảy ngọn đèn đó đồng hay khác? Đứng về mặt ánh sáng thì đồng, đồng nhưng không phải một. Nếu nói một thì khi mình đem một cây đèn đi chỗ khác sẽ tối luôn cả căn phòng. Vì vậy đồng là trên ánh sáng, nhưng từng cây đèn thì khác. Nếu đem một cây đèn đi đâu thì ánh sáng sẽ có ở đó, còn trong phòng này chỉ bớt sáng một chút thôi.
Đó là câu người ta hỏi, Thầy kể lại cho tụi con hiểu để không lầm lẫn.
Bây giờ Thầy nhắc tụi con một điều. Lâu nay Thầy chủ trương “phàm làm việc gì phải đạt được kết quả của việc đó”.
Thấy trong tụi con có nhiều đứa làm thì làm mà không cố gắng đạt được kết quả. Nghe như là thiền vậy! Nhưng thật ra trong cuộc sống này, mỗi cá nhân làm việc gì đều được kết quả tốt thì xã hội đẹp biết chừng nào! Như người làm ruộng làm sao cho cuối mùa thu hoạch có nhiều lúa. Người làm rẫy tới thời vụ thu hoạch được tốt. Người đi học tới kỳ thi được đậu. Nếu ai làm trong ngành nào cũng đều thu hoạch kết quả tốt thì xã hội sẽ được tiến. Còn làm cho có làm, không có kết quả gì thì chỉ phí công, không lợi ích gì cho mình và người.
Như tụi con đây đang làm nghề gì? Làm nghề thầy tu phải không? Vậy phải tu làm sao? Tu để mà tu hay tu phải đạt kết quả? Nếu chưa thành Phật ít ra cũng thành Hiền, hoặc thành Thánh tăng. Phải tiến lên, chớ không thể tu cho có chừng. Làm một ngành nghề ngoài đời còn phải đến nơi đến chốn, không phí đi công sức của mình, huống là con đường tụi con đã chọn rất cao quí, siêu thoát, nếu làm không quyết chí, không liều chết thì khó đạt được kết quả.
Tụi con đừng mặc cảm, e rằng mình nghiệp chướng lâu đời quá dày, tu thì tu mà không mong gì sáng được đạo lý. Tụi con đừng nghĩ như vậy. Có quyết tâm thì sớm muộn gì cũng đạt được. Đạo lý không dành riêng cho ai.
Tất cả mọi người trên thế gian này, làm nghề gì mà có quyết tâm cũng sẽ giỏi và thành công. Nếu làm một cách lừng chừng, chỉ để có làm, không muốn tiến lên sẽ không bao giờ thành công trong nghề đó. Việc tu của chúng ta là một việc hết sức khó, khó nhất trên đời, nhưng ngày xưa Phật đã thành công, chư Tổ đã thành công và các bậc tiền bối đã thành công. Bây giờ chúng ta quyết tâm như các ngài, chúng ta cũng sẽ thành công.
Tụi con đọc trong sử thấy có nhiều vị rất tối tăm mù mịt, như thời đức Phật có ngài Châu-lợi-bàn-đặc học hoài một bài kệ không thuộc. Về sau Ngài được đức Phật chỉ dạy, quyết tâm tu cũng chứng quả. Ương-quật-ma-la chặt ngón tay chín trăm chín mươi chín người làm tràng đeo cổ, khi được Phật giáo hóa, quyết tâm tu cũng đắc quả. Như vậy người tối tăm dốt nát quyết tâm cũng thành tựu, người hung dữ quyết tâm cũng đắc quả, huống là chúng ta chưa đến nỗi như vậy, nếu quyết tâm thế nào cũng thành công. Chỉ có bệnh tu lừng chừng, tu để mà tu, không quyết tâm, người đó khó đạt kết quả.
Bởi vậy từ hồi nhỏ, khi Thầy quyết làm việc gì là làm tới nơi tới chốn. Lớn lên đi tu, Thầy làm cái gì chuyên một việc, làm phải thành công, không làm chỉ để làm. Đừng nên ban đầu vào chùa coi như hăng hái quyết chí lắm, ở chùa một thời gian rồi thả trôi, ai sao mình vậy, tới giờ thì tụng kinh, làm việc, chỉ theo lệnh bắt buộc chớ không có sự quyết tâm của mình. Nếu không có quyết tâm khó mà tiến được.
Bây giờ tụi con tới giờ sám hối, ngồi thiền phải chí quyết, giờ nào ra giờ ấy, làm cho xứng đáng với việc làm của mình, làm trong tỉnh giác chân thành. Sám hối phải chân thành sám hối, ngồi thiền phải tỉnh giác, chí quyết, chớ không phải làm vì bị bắt buộc. Tụi con tập như vậy, giả sử có buồn ngủ cũng sẽ thắng được nó. Ngồi là phải quyết tâm ngồi, sao cho sáng suốt, làm chủ được, không phải ngồi đợi hết giờ.
Tụi con nỗ lực thì đường tu sẽ đạt được kết quả, còn tu như bị bắt buộc hay kềm ép dù mười năm hai mươi năm cũng không ra gì. Có kết quả hay không là do quyết tâm của tụi con. Bởi vậy tụi con phải tập từ việc nhỏ tới việc lớn. Ví dụ việc nhỏ là trồng một vồng khoai lang cũng phải quyết tâm trồng cho có kết quả, trồng bắp phải có bắp ăn. Tụi con phải tập làm đâu ra đó, làm phải thành công, chớ đừng làm chỉ để làm, ra công mà không cần biết có kết quả hay không. Tập quen rồi thì ý chí quyết định đó sẽ giúp tụi con trong những việc lớn. Từ ý chí đó khi tu mới được thành tựu, còn lừng chừng không có kết quả gì hết.
Chính kinh nghiệm bản thân Thầy, do quyết tâm từ thuở nhỏ, Thầy đã chọn “nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, sau này Thầy làm cái gì cũng làm đến nơi đến chốn. Nhờ thói quen đó mà trong việc tu hành, Thầy luôn quyết chí. Nhờ sự quyết chí đó công phu tu của Thầy so với nhiều thầy khác tuy không bằng mà vẫn có kết quả. Thầy nhắc cho tất cả tụi con hiểu rõ, để mỗi đứa tự tạo cho mình một ý chí quyết tâm. Ban chức sự chỉ là những người trợ duyên, còn cái chính là sự quyết tâm của tụi con, đừng để đợi nhắc mới làm, mới tu. Mỗi đứa đã có ý chí, quyết định rồi, tới giờ làm việc của mình, sẵn sàng làm một cách sáng suốt, tỉnh táo.
Khi ngồi thiền tụi con phải tỉnh, phải sáng. Nếu cảm thấy hơi mờ mờ liền chấn chỉnh sáng suốt lên, như vậy mới thắng được hôn trầm. Thiền là phải tỉnh sáng, “tỉnh tỉnh lặng lặng”. Đừng thả trôi yên yên ngồi ngủ. Thường ngày, khi tụi con suy nghĩ lăng xăng thì khó ngủ, khi không nghĩ gì hết ngủ ngon lành. Cũng vậy, ngồi yên quá một lát dễ buồn ngủ. Ngồi hơi yên phải giữ sự tỉnh sáng chớ không phải yên một cách lơ mơ. Tỉnh sáng mới có lợi ích, còn yên rồi gục lên gục xuống là đi trong hang quỉ. Cho nên tu phải cương quyết, không lôi thôi, chần chờ.
Đó là ý nghĩa Thầy nhắc, tụi con phải nỗ lực, cố gắng. Đừng nên làm chỉ để làm, làm là phải có kết quả, ngồi thiền giờ nào ra giờ ấy, không phải ngồi thả trôi. Tụi con có bệnh đó không? Thầy nhắc tụi con phải nhớ, giờ nào cho xứng đáng giờ đó, giờ tụng kinh ra giờ tụng kinh, giờ tọa thiền xứng đáng giờ tọa thiền, thì sự tu hành của tụi con sẽ có kết quả chắc chắn không nghi ngờ. Đó là lời nhắc nhở hôm nay.
Ngày 28-8 nhuần Ất Hợi (21-10-1995)
Thỉnh nguyện là ai có lỗi tự biết ra sám hối. Từ lỗi nặng đến lỗi nhẹ đều thành tâm sám hối chừa lỗi. Đó là điều hay của chúng.
Hôm nay Thầy nói vấn đề hơi khó hiểu một chút. Tụi con học kinh Kim Cang rồi, Thầy nhắc một điểm này trong kinh Kim Cang cho tụi con nhớ. Sau khi đức Phật trả lời về an trụ tâm rồi, Ngài trả lời về hàng phục tâm. Phật dạy đưa chín loài từ thai sanh, thấp sanh, đến hữu sắc, vô sắc, hữu tưởng, vô tưởng... vào Vô dư Niết-bàn mà không thấy có chúng sanh nào được diệt độ. Tại sao không thấy có chúng sanh được diệt độ? Thật ra tất cả chúng sanh đều không thật, chỉ là bóng dáng từ nội tâm dấy khởi.
Ở đây Thầy nói một khía cạnh khác hơn. Nếu thấy không có một chúng sanh nào thật được diệt độ, vậy mình thấy mình có thật hay không? Nếu chúng sanh không thật tức mình cũng không thật. Đó là ý nghĩa Phật dạy trong kinh Kim Cang. Chúng sanh có bốn tướng: ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Bốn tướng đó làm cho chúng ta không đạt được chỗ cứu kính Niết-bàn.
Số một là ngã. Ngã là gì? Là ta, đó là ngọn núi to, ngăn trở chúng ta trên con đường đến Niết-bàn. Bởi vậy, khi tu tụi con thấy kinh Phật, giáo lý Phật chủ yếu là dẹp cái ngã, nên nói thuyết vô ngã. Nếu còn bám chắc vào ngã thì con đường giải thoát bị ngưng trệ.
Cái ngã hiện giờ chúng ta chấp là thân này. Thân này có quí không? Nó không có gì quí hết, chỉ là một khối da thịt nhớp nhúa, nay sanh chứng này, mai trở tật kia, rối loạn tơi bời, luôn luôn chực tan rã. Như vậy có gì là thật? Đã không thật mà cứ thấy ta đây là quí. Thèm ăn món ngon này, thích nghe tiếng nhạc kia, chỉ để thỏa mãn cái thân. Chúng ta nghĩ nó thật là mình nên cứ phải nô lệ vào nó, chạy theo sự đòi hỏi của nó, gọi đó là hạnh phúc, thỏa mãn.
Ví dụ tụi con được ăn bánh xèo, hai ba tháng sau không ăn thì thấy thèm. Tụi con tưởng tượng được ăn một bữa bánh xèo sẽ hết thèm. Nhưng ăn rồi vài tháng sau cũng muốn ăn nữa, đâu có hết thèm. Như vậy làm sao thỏa mãn hoàn toàn được! Ở đây lâu lâu tụi con muốn ăn chè trôi nước. Giả sử bữa đó phần mỗi người bốn viên mà mình được sáu viên, sau đó có còn thèm ăn nữa không? Thật ra lúc đó không còn thích ăn, ngán ngược ngán xuôi, nhưng vài tháng nữa lại thấy thèm.
Như vậy, con người không bao giờ thỏa mãn, nếu được rồi thời gian sau cũng đòi nữa. Nó đòi đủ thứ. Nên ai chạy theo những nhu cầu đòi hỏi của cơ thể này sẽ không được an ổn. Được cái này lại đòi cái kia không dừng. Cả một cuộc đời loay hoay tới chết không bao giờ được thỏa mãn.
Sở dĩ người ta giành nhau từng món ăn ngon, từng hình sắc đẹp đẽ... cũng do chấp chặt vào thân cho là mình, nên cái gì thích liền tìm cách thỏa mãn, không được thì sân hận đủ thứ. Với con mắt nhà đạo, những người như vậy gọi là tỉnh hay mê? Ai đuổi theo dục lạc say sưa là kẻ mê, phải không? Tụi con không muốn làm người mê, nên đi tu, nhưng nếu tụi con đi tu rồi mà còn xem trọng sở thích của người mê thì có đúng với nghĩa tu chưa? Đó là điều tất cả phải thấy rõ.
Chúng ta nhìn tường tận thân này không thật, cái ngã không thật, đó là tỉnh hay mê? Thân không thật thì những nhu cầu bồi đắp cho thân đâu có gì quan trọng. Sở dĩ người ta say mê đuổi theo đòi hỏi của nó là vì thấy thật. Nếu mình biết rõ thân này không thật thì những nhu cầu cũng tạm bợ, không có giá trị lâu dài. Thấy thân không thật nên mọi theo đuổi đều dừng. Như vậy tụi con có tu chưa? Tu là phải thấy nơi mình trước. Còn thấy mình thật, mình quí thì sự đuổi theo bên ngoài làm sao dừng được.
Người ở thế gian chỉ biết có thân này nên họ giành nhau từng món ăn, cái mặc, chỗ ở, có thể họ giết hại nhau nữa. Còn chúng ta tu, biết rõ thân không thật, cái ngã chấp thân cũng không thật, phải không? Như vậy là hữu ngã hay vô ngã? Nếu tụi con thấy vô ngã tường tận thì những cái lôi kéo mình chạy theo ngũ dục hay sáu trần đều dừng. Dừng là chỗ tu căn bản. Chớ nhiều khi tụi con cố gắng ngồi thiền tụng kinh mà không dùng trí tuệ Bát-nhã thấy rõ thân mình không thật, thì tuy tu mà tội lỗi khó dừng được.
Vậy nên phải vận dụng trí tuệ Bát-nhã, thấy thân này không phải là ta, chỉ là một mớ duyên hợp lại, đủ duyên thì còn, hết duyên liền hoại. Nhớ chắc như vậy thì trong cuộc sống tuy mang thân này, làm tất cả bổn phận, nhưng biết rõ nó không thật nên không còn gây tạo tội lỗi. Cho nên Phật chủ trương vô ngã làm gốc.
Kế đây nói về tâm. Tụi con cũng như tất cả mọi người, lúc suy nghĩ hay lúc phân biệt phải quấy, tốt xấu, hơn thua đều nói đó là tâm tôi. Nhưng tâm này có thật không? Nó không thật. Như vậy chấp xác thịt này làm mình là không đúng, vì thân tạm bợ hư giả không phải thật. Rồi chấp tâm suy gẫm phân biệt không thật làm mình, vậy mình là thứ hư dối sao? Biết thân tâm không thật, có được vô ngã chưa? Biết rõ như vậy là thức tỉnh, giác ngộ được lý vô ngã. Giác ngộ lý vô ngã thì phiền não không còn dấy động lăng xăng.
Sở dĩ ngày nay chúng ta bị phiền não lăng xăng là vì còn chấp thân và tâm. Chấp suy nghĩ của mình là đúng, mà người khác bảo sai nên tức giận, đôi khi đưa tới thù hằn, giết chóc. Vì vậy, chấp vọng tưởng làm mình là một cái họa. Hơn nữa khi khởi niệm phân biệt cái này đẹp sanh tham, cái kia xấu liền ghét... Vậy là tham, sân, si cũng từ phân biệt dấy khởi. Do chấp thân là mình, chúng ta đuổi theo sáu trần, giành giật với người, tạo biết bao tội nghiệp. Chấp tâm phân biệt suy nghĩ là mình cũng tạo nghiệp giận, thương, đố kỵ, thù hằn... Đây Phật gọi là chấp ngã, bệnh khổ muôn đời của chúng sanh.
Nên người tu phải sáng suốt, hiểu tường tận điều này. Thân và tâm đều không thật. Nó hư dối thì có gì là ta thật. Đó là chủ trương vô ngã của đạo Phật. Nếu thấy mình không thật tức mọi cái chấp theo đó rã tan. Mọi cái chấp hết thì trên đường tu không có gì chướng ngại, đường Niết-bàn bằng phẳng tiến tới một cách dễ dàng.
Trong kinh Viên Giác, đức Phật dạy Bồ-tát Văn-thù: Thế nào là vô minh? Vọng nhận tướng tứ đại làm thân, chấp cái duyên theo bóng dáng sáu trần làm tâm, đó là vô minh. Chúng ta tu theo Phật, biết nguồn cội của vô minh, gốc rễ của chướng ngại, phiền não, thì phải ráng mà bứng bỏ, trừ dẹp nó.
Ngã không thật thì nhân cũng không. Nếu phá được chấp ngã liền phá được chấp nhân. Nhân tức là người. Do thấy mình thật nên thấy người thật, sanh ra đối chọi, giành giật nhau. Mình và người đều không thật thì có gì đâu để tham lam, giận hờn. Vì nghĩ người thật nên thấy có người dễ thương, dễ ghét, có người đẹp hay xấu... Khởi thương ghét, đẹp xấu... như vậy có phiền não không? Vì chấp cái ngã mình là thật nên thấy ngã người khác cũng thật, đó là lý do khiến cho phiền não luôn quấy nhiễu.
Như vậy, biết thân tâm mình không thật là vô ngã, đối với người cũng không thật là vô nhân. Ngã không thật, nhân không thật thì chúng sanh cũng không thật. Chúng sanh là ai? Là con người, cho đến kiến, sâu... Nhiều người hoặc vật chung hợp lại gọi là chúng sanh. Nhỏ là phe nhóm, lớn hơn là tập thể, tôn giáo, quốc gia... Chúng sanh không có lỗi, chỉ do chấp nên thành sai. Thấy mình thật, người thật, phe nhóm mình thật, rồi bênh vực phe ta. Phe nhóm mình bị ai ăn hiếp hay bị thiệt thòi mình không vui. Đó là bệnh thâm căn cố đế.
Từ chấp thân, đưa đến chấp người, phe nhóm, tôn giáo, rộng nữa là quốc gia. Chấp chúng sanh cũng là gốc của phiền não. Nếu thấy chúng sanh thật thì phiền não tràn trề. Còn bây giờ, nếu thấy ta không thật, người không thật thì chúng sanh, phe nhóm, hay đảng phái, tôn giáo cũng không thật.
Đến thọ giả, tức là mạng sống con người. Ai cũng mong mình khỏe mạnh sống lâu. Nếu có người coi tướng, coi tay nói mình vài hôm nữa chết, liệu có phản ứng không? Mình sẽ cảm thấy sợ hãi nếu tin, ngược lại sẽ phản ứng giận dữ, cho là nói bậy, là trù rủa. Tại cái gì mà phản ứng như vậy? Tại nghĩ mình sống dai, thọ mạng còn dài, ai nói ngắn lại thì giật mình. Trên thế gian này mọi người sợ cái gì nhất?
- Dạ, sợ chết.
Con người cố bám giữ mạng sống, từ đó mọi lo âu, sợ hãi, sân hận dấy khởi. Vì vậy chấp thọ giả là gốc phiền não. Người ta sợ bệnh hoạn, tai nạn là vì sợ chết. Tất cả ngầm vì mạng sống mà bao nhiêu sợ hãi kéo tới. Vì vậy phải phá luôn ngã, nhân, chúng sanh và thọ mạng, mới hết bị chướng ngại trên đường tu.
Hiểu thấu điều này mới thấy ý nghĩa hết sức thâm trầm, bốn cái chấp đó làm cho chúng ta không giác ngộ được. Vậy nên nói đó là những ngọn núi cao ngăn lối Niết-bàn. Cho nên đức Phật luôn luôn chủ trương vô ngã. Vô ngã được rồi thì trên đường tu không có gì chướng ngại.
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, phẩm đầu Lục tổ Huệ Năng nói về Bát-nhã, nghĩa là Ngài dạy Bát-nhã là bước đầu tiên. Bởi vì có trí tuệ Bát-nhã thì mọi chướng ngại chúng ta mới qua được. Dù ngồi thiền được lâu, sám hối nhiều, tư cách tốt mà cái ngã chưa bỏ thì trên đường tu vẫn chướng như thường. Nên cái chướng quan trọng là chướng chấp ngã.
Tất cả chúng ta phải thấy cho tường tận. Thân, tâm sanh diệt này đều là ảo ảnh, hư dối, không thật, chỉ tồn tại một giai đoạn rồi bại hoại. Chúng ta phải đi sâu, tìm cho được cái chân thật của mình. Nhưng muốn thấy được chỗ chân thật, trước phải thấy cái hư dối. Nếu chấp thân và tâm phân biệt suy nghĩ là thật, đó gọi là vô minh. Tất cả tụi con ở đây tu, đã thoát được vô minh chưa? Tuy tu mà vẫn vô minh. Chưa khỏi vô minh tức còn trong mù tối.
Thấy được thân và tâm phân biệt này hư dối, chính là cái thấy của trí tuệ Bát-nhã. Nếu còn tưởng hai thứ đó thật, là ta, đó là cái thấy của vô minh. Thật như trở bàn tay, đâu có khó, đâu có xa! Cũng thân này bên đây là vô minh, bên kia là trí tuệ. Từ đó chúng ta mới thấy vô minh là phàm phu, tạo nghiệp luân hồi muôn kiếp, trí tuệ là sáng suốt, phá tan nghiệp chướng và đi trên đường giải thoát. Cho nên giác ngộ rồi đưa tới giải thoát là như vậy.
Tuy nhiên, sẽ có nhiều người hỏi rằng: “Mình không thật, người không thật, cái gì cũng không thật, vậy còn cái gì?” - Còn cái biết tất cả không thật. Nếu không có cái biết đó thì ai biết tất cả không thật phải không? Như vậy rõ ràng quá, đừng lo mất.
Tụi con thấy ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả không thật, đó là trí tuệ Bát-nhã. Khi chúng ta thấy tất cả không thật, trí Bát-nhã liền hiện tiền, đó là giác ngộ, giải thoát. Bởi vậy Lục Tổ lúc nghe giảng kinh Kim Cang, Ngài liền bừng ngộ. Khi chúng ta nhận ra tất cả hư dối, không còn dính mắc nữa thì cái chân thật hiện tiền. Vì vậy Ngài nói: “Đâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh, đâu ngờ tự tánh vốn không sanh diệt, đâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ...”
Đây là trọng tâm sự tu. Tu thiền mà thiếu trí tuệ cũng trở ngại nhiều. Cho nên Ngũ Tổ giảng kinh Kim Cang là gốc tu thiền, và bài giảng đầu của Lục Tổ là bài Bát-nhã. Phá được bốn tướng, chúng ta mới bước vào cửa Niết-bàn, mới thấy được cái chân thật. Trong Bát-nhã không bao giờ nêu chỗ thật, chỉ nói cái giả thôi, nhưng khi nhận biết tất cả đều là giả, cái nhận biết đó có nằm trong hư giả không? Đó là ngầm chỉ, là chỗ khéo của kinh Bát-nhã. Vậy mới thấy ý kinh rất thâm trầm, trên đường tu chúng ta nếu không nắm vững được những điều này dễ bị thối chuyển.
Chúng ta tu bước đầu là phải thấy cho tường tận, đúng với lẽ thật, từ đó mới dễ tiến lên, thoát khỏi những cái chướng. Còn nếu chúng ta không thấy được như vậy, tu thì tu mà chướng vẫn tràn trề. Bởi vì còn thấy mình thật, thấy có ngã, cái gì trái ý mình, trái với sự ham muốn của thân liền bực bội, rồi trở thành chướng đạo.
Như vậy, khi tu chúng ta phải nắm vững cái gốc này, phải sống bằng trí tuệ Bát-nhã để xóa bỏ bốn tướng, sạch các chướng muôn đời của mình, bản ngã tan biến, chỉ còn một cái chân thật thôi. Được vậy, đường giải thoát không xa. Đó là lời nhắc nhở của Thầy, mong tất cả cố gắng thực hiện.
Ngày 13-9 Ất Hợi (5-11-1995)
Hôm nay trong chúng những người có lỗi đều tự thấy, ra sám hối, đó là điều tốt. Kể từ đây về sau, phần công tác xây dựng nặng đã hết rồi, chỉ còn công tác lặt vặt, toàn chúng nên làm việc đúng giờ, theo thời khoá đàng hoàng để giờ giấc tu hành không thiếu.
Bây giờ Thầy nhắc nhở thêm. Tụi con trong khi tu, nhiều đứa hay than gặp chướng ngại. Vậy chướng có mấy thứ? Có ba: báo chướng, nghiệp chướng và phiền não chướng. Báo chướng là thân bệnh. Nghiệp chướng là tập khí nhiều đời còn sót lại mình phải vượt qua. Còn phiền não chướng là do những lời hơn thua, phải quấy với nhau rồi sanh ra bực bội.
Ba thứ chướng đó, tụi con phải thắng hết. Phiền não chướng dễ thắng nhất, phải không? Nhưng ở đây tụi con đã thắng trọn vẹn chưa? Dễ lắm, ai nói trái tai gì cũng bỏ qua, thấy người đó có vẻ khinh mình, cũng bỏ qua. Chỉ vì bỏ qua không được thành phiền não. Vì vậy tu là phải khéo buông xả, đừng chấp, lòng mình sẽ an nhiên thanh tịnh. Đó là thắng được phiền não chướng.
Nghiệp chướng là thói quen cũ, không phải chỉ riêng đời này mà có ở nhiều đời trước. Thí dụ như Thầy hồi xưa, ngồi chơi có cái tật hay bắt tréo chân. Khi ở Ấn Quang, Thầy ngồi chơi với huynh đệ, có ông Phật tử vô thấy nói: “Thầy tu sao ngồi tréo nguẩy?” Người ta phê bình ngồi như vậy không phải tư cách của người tu. Từ đó Thầy mắc cỡ không ngồi vậy nữa, nhưng lâu lâu quên cũng tréo chân ngồi.
Đó là những thói quen không phải chỉ ở đời này mà từ đời nào đó còn sót lại. Nếu mình nhớ thì sửa, khi quên lại mắc kẹt. Có những lúc quên, chúng ta làm mà không để ý, người khác thấy chướng mới nhắc cho, mình biết rồi phải sửa. Nghiệp chướng trong đời này, cái gì mới gây tạo thì mình nhớ nên ráng tránh, còn những thói quen đời trước, do quên nên làm thật tự nhiên. Vì vậy, nghiệp chướng rất khó trị.
Báo chướng càng khó hơn. Thật ra người tu hành tinh tấn mấy đi nữa, đến khi gặp bệnh hoạn cũng hơi chán nản, bệnh hoạn là báo chướng. Nếu bệnh hoạn mà không chán không nản tức thắng được báo chướng.
Trên đường tu ai cũng bị ba chướng này: phiền não, nghiệp và báo chướng. Vậy ở đây tụi con ráng, không có duyên bên ngoài nên phiền não vì bị chửi mắng không có; còn lời qua tiếng lại thì phải khéo tu, bỏ qua hết để thắng phiền não chướng. Đối với nghiệp chướng, khi nào mình lỡ làm điều gì sai mà không lưu tâm lưu ý, có ai nhắc phải sám hối. Đó là tập khí nhiều đời chớ không phải mới. Còn báo chướng tụi con phải gan dạ mới vượt qua được.
Ba cái chướng qua được rồi, tụi con sẽ tiến đến gần con đường đạo và đạt đạo không nghi ngờ. Muốn đời tu của mình đi tới chỗ cứu kính, tụi con phải ráng vượt qua ba chướng đó. Đứa nào biết khéo, biết khôn thì tu để dẹp phiền não, dẹp nghiệp chướng, dẹp báo chướng; chớ không phải tu là nuôi dưỡng phiền não, tập khí, và nuôi dưỡng thân này rồi làm chướng đạo.
Đó là ba điều Thầy nhắc, tất cả tụi con nhớ để ứng dụng tu, có lợi cho mình và cho nhiều người.
Ngày 28-9 Ất Hợi (20-11-1995)
Hôm nay Thầy nhắc tụi con một điều. Ở Thiền viện tụi con ý thức rõ nơi này tu nhiều chớ không phải học nhiều, cũng không giao thiệp nhiều như những nơi khác. Đã đặt nặng tu nhiều thì ở đây tụi con nên tập tánh ngay thẳng thật thà. Đức tánh này giúp tụi con có đầy đủ phước và đức nên tụi con dễ tu, dễ tiến. Nếu thiếu ngay thẳng thật thà, trên đường tu sẽ gặp chướng, lại còn tập cho mình nhiễm thói thế tục.
Tụi con thấy những người làm trong ngành ngoại giao cần phải bặt thiệp, nói năng khôn khéo. Nếu ai tiếp xúc với bạn hàng cũng phải khéo xã giao, chiều chuộng để được lòng khách, phải khéo lựa lời nên nói không được chân thật. Còn chúng ta ở trong giới tu hành thì khác, nên thật thà chất phác. Người tu nói ngay thẳng, thật thà, có ai chê ngu không? Mình ngốc nghếch quá người ta mới chê ngu, còn mình ngay thẳng thật thà, không ai chê ngu hết. Chính cái đó là dễ tu, lại tăng trưởng công đức.
Thật thà không chỉ ở ngôn ngữ mà cả nơi hành động nữa. Như Thầy thường nhắc, ở đây mỗi đứa được chừng ấy bộ đồ ngắn, áo tràng, y hậu và những vật dụng của Thiền viện cho tụi con xài. Nếu tụi con thật thà thì cho bao nhiêu xài bấy nhiêu, không tìm kiếm cách này cách kia để có thêm, vì kiếm thêm là mưu mẹo, thiếu thật thà, phải vậy không?
Điều Thầy vừa nhắc e rằng trong đây còn mắc kẹt nhiều lắm. Tụi con đừng thèm thêm một thứ gì, dù chỉ một miếng vải cũng không, cho bao nhiêu xài bấy nhiêu thôi. Tụi con nhớ trong luật Phật dạy, Tỳ-kheo tăng thì ba y một bình bát, Tỳ-kheo ni năm y một bình bát. Phật cho bao nhiêu giữ bấy nhiêu không kiếm thêm. Ở đây Thầy cho tụi con nhiều hơn, ngoài y, áo ra, những đồ lặt vặt cũng có nữa, như vậy đâu phải thiếu. Cho nên nếu có ai cho cái gì đều giao qua chúng hết, không lãnh một món nào, đó mới gọi là thật thà. Nếu có cái gì hơn và khác với huynh đệ là không thật thà. Người khéo giấu giếm, khéo che đậy để có cái khác hơn thiên hạ không đủ tư cách làm Thiền sinh Trúc Lâm.
Tụi con ở đây, khi áo rách không còn xài được thì đem đến Tri sự đổi, còn rách ít nên vá lại mặc. Thầy thấy có mấy đứa mặc áo vá cũng hay hay. Người tu mặc đồ rách dễ thương lắm, còn người tu mặc đồ đẹp là thích hợp hay thấy sang? Người xưa tự xưng mình là bần đạo, nghĩa là ông thầy nghèo, chớ không có ai xưng là phú tăng.
Trong Chứng Đạo Ca có câu:
Cùng Thích tử, khẩu xưng bần,
Thật thị thân bần đạo bất bần.
Bần tắc thân thường phi lũ hạt,
Đạo tắc tâm tàng vô giá trân.
Nghĩa là:
Cùng Thích tử, miệng xưng nghèo,
Thật là thân nghèo đạo chẳng nghèo.
Nghèo vì thân thường mặc áo vá,
Đạo ắt lòng mang vô giá châu.Những câu đó đẹp làm sao! Thân nghèo là mặc áo vá. Bây giờ y không chằm vá nhưng mấy cái áo mặc đi lao động rách vá lại coi cũng dễ thương. Còn tu mà sang quá, đẹp quá là trái với bản ý của mình. Nhiều khi Phật tử cho Thầy đồ sang quá, Thầy mặc cũng mắc cỡ. Thầy đòi mặc áo rách mà không ai cho, chớ người tu mặc áo rách mới hợp “thân thường phi lũ hạt”.
Chỉ cần tâm mình chứa được hòn ngọc vô giá, đó mới là cái giàu của người tu. Có nhiều đồ đạc, của cải là giàu thế gian, trái với đạo. Đạo đức là nghèo về thân mà giàu tâm, tâm luôn chứa một hòn ngọc vô giá. Vậy tụi con phải nhớ, sống nghèo là nếp tốt của người tu, còn sống sang quá e không hay.
Như người ta ở ngoài có tiền là sắm chiếc xe tốt tốt để đi, phải không? Xe Thầy cũng tốt mà là của mượn chớ không phải của Thầy. Thầy chưa từng mua xe hơi, toàn đồ người ta cho. Như hồi ở Thường Chiếu, ông Toàn Thiện cúng chiếc xe Ladalat để chở đồ, sau này chú Thông Giải về, mua chiếc xe cũ đỏ đỏ. Trên đây không có xe, gia đình Hồng Đức cúng chiếc xe cũ hiện đang xài.
Thầy chưa từng bỏ tiền ra mua một chiếc xe nào cả. Nếu có tốt là do người ta cúng, chớ Thầy không dám sắm vì sợ việc làm của mình tổn phước. Mỗi khi Thầy xài hoặc sắm cái gì hao tốn của Tam Bảo, Thầy không vui.
Tất cả cái gì Thầy có là của Phật tử cúng, một là để nuôi Tăng Ni tu hành, hai là xây dựng lại các ngôi già-lam, còn phần thứ ba là giúp cho những người nghèo khổ như ở Tuệ Tĩnh đường. Đời Thầy chỉ có bấy nhiêu đó. Còn chuyện ăn mặc sang là do thí chủ cho, không mặc họ buồn, buộc lòng phải mặc. Mặc chưa rách cái này, họ lại cho cái khác, thành ra mặc đồ mới hoài.
Thật ra Thầy thấy mặc áo rách dễ thương lắm! Tụi con ở đây không đi đâu, cũng không có tiếp khách, nếu áo rách chút ít vá lại mặc thì thêm đạo vị, đâu có sao! Ngoài ra, giày dép, tất vớ, tất cả đồ hư rách, đem lại Tri sự đổi đồ mới cho. Như vậy là quá tốt. Ở đây tạo duyên cho tụi con không phải lo đói rách thiếu thốn, tất cả tụi con yên lòng.
Người giữ kho cũng không có quyền xài nhiều hơn tụi con. Người đó phải chịu cực, vừa lo tu cho mình, vừa phải giữ đồ đạc cho huynh đệ. Như vậy, tụi con chỉ yên ổn ngồi tu, đừng bận bịu suy nghĩ, tính toán, suy nghĩ tính toán càng thêm rối loạn, ngồi tu không yên. Thầy cố tình tạo đủ duyên cho tụi con yên tu mà trái lại tụi con cố tình tạo duyên bất an. Như vậy tụi con làm ngược lại điều Thầy muốn. Vậy phải ráng thật thà, cho bao nhiêu thì xài bấy nhiêu, hư rách đem lại Tri sự đổi.
Đó là nói tụi con thật thà về mặt đồ dùng. Còn về tiền bạc, nếu tụi con đi đâu, Thủ bổn đưa tiền cho, tụi con xài cái gì đáng, những thứ không quan trọng bớt xài, còn bao nhiêu đem về trình Thủ bổn, xin hoàn lại chúng. Nếu còn dư mà cố giữ là tham, là phạm giới thứ mười, không tốt. Giới thứ mười chỉ cho phép mình giữ tiền cho chúng, hay khi đi đâu cần có tiền trao đổi qua lại, chớ không được cất riêng. Hơn nữa, có tiền trong túi thì muốn mua sắm cái này cái kia, thêm cái họa loạn tâm, lại thiếu lục hòa.
Bởi vậy, nếu tụi con thật thà thì chúng xài bao nhiêu mình xài bấy nhiêu, cái gì hư rách đem đi đổi, không nghĩ thêm cũng không nghĩ bớt. Muốn thêm dù một vật nhỏ xíu cũng không nên, phải biết tự hổ thẹn. Còn bớt là vì nghĩ mình có nhiều quá, huynh đệ thiếu, muốn chia cho, cái bớt đó cũng bất hợp pháp. Ở đây không thêm cũng không bớt, có bao nhiêu xài bấy nhiêu để yên ổn tu hành. Giá trị của tụi con không phải nơi của cải nhiều mà do đạo đức thâm hậu, đó mới là chân thật.
Bởi vậy tụi con nên đem hết tâm tư dồn vào một việc tu thôi, không lo nghĩ gì về vật chất bên ngoài. Được như vậy thì đức tánh chân thật, ngay thẳng nơi tụi con sẽ thành tựu.
Ngày 13-10 Ất Hợi (4-12-1995)
Hôm nay Thầy nhắc nhở toàn chúng những điều cần thiết. Tụi con phải tập có ý chí mãnh liệt. Muốn có ý chí mãnh liệt phải giữ những điều rất bình thường. Hồi xưa lúc còn nhỏ, Thầy có đọc một quyển sách nói về luyện chí. Trong đó họ dặn mỗi ngày mình chỉ viết năm dòng nhật ký, làm sao suốt một tháng không thiếu ngày nào, đó là có ý chí. Việc này dễ hay khó? Một ngày chỉ viết có năm dòng thôi, hết sức dễ, mà một tháng chưa chắc gì đủ. Tại sao vậy? Vì khi hứng viết cả tờ, khi không hứng bỏ quên mất. Không có chừng mực, điều độ là không có ý chí. Người có ý chí luôn làm việc có chừng mực và điều độ.
Khi học được vậy Thầy thấy phải làm cho được những gì để lập chí. Thầy thường nói với tụi con, lúc ở Phật học đường, còn là Tăng sinh, Thầy không tu hơn huynh đệ chút nào, cũng không học hơn. Nghĩa là tới giờ tụng kinh Thầy tụng kinh, giờ học Thầy học, giờ ngủ Thầy tắt đèn ngủ, không thức thêm. Khi thức chúng, nghe kiểng Thầy trỗi dậy liền, không nán thêm một phút nào, bây giờ già cũng không thay đổi, dù có mệt cũng dậy, đã thành thói quen.
Nhờ đều đặn bền chí mà Thầy có sức chịu đựng dù gặp hoàn cảnh dễ hay khó. Nếu tụi con không tập như vậy, lúc thuận làm hăng say, lúc nghịch lại chán nản, thì chẳng có việc gì làm đến nơi đến chốn được. Trong cuộc sống này, không có công việc nào luôn xuôi chèo thuận gió. Có khi thuận, khi nghịch, lúc hài lòng, lúc bực bội trái ý, cho nên phải tập dù ở hoàn cảnh nào mình cũng giữ đều đặn bền bỉ trước sau như một. Đó là điều hết sức khó, thấy thì thường mà làm được không phải dễ.
Tụi con gắng tập làm sao trong sự tu học, cũng như giờ tụng kinh, quá đường..., giờ nào đúng giờ đó, không cần đi sớm cũng không đi trễ. Giữ đều đều như vậy là rất tốt, lâu ngày tụi con trở thành người đứng đắn đàng hoàng, có mực thước, còn làm việc vô chừng hoài trở thành không có nề nếp, không hay. Ngày nay tụi con còn là Thiền sinh ở Thiền viện, ngày sau sẽ làm thầy người. Làm thầy mà không có ý chí, không điều độ, chừng mực thì người học không có duyên tốt để tiến lên. Đó là lỗi thiệt thòi cho bản thân mình, lại thêm cái lỗi hướng dẫn người sau không có kết quả.
Tụi con ngay bây giờ phải tập, tới giờ tụng kinh lên tụng kinh, giờ ăn cơm đi ăn cơm, giờ nào đúng giờ đó. Không phải giờ kia quan trọng, giờ này coi thường, mà giờ nào cũng là giờ quan trọng hết. Thầy bây giờ tuy già rồi nhưng đi đâu Thầy cũng đúng giờ, luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng trước. Đó là Thầy tập lâu rồi thành quen.
Ngày nay tụi con còn nhỏ nên tập sống chừng mực, điều độ, đừng để sai chạy. Như Thầy sáng nào ngồi thiền rồi cũng ra tập thể dục không bỏ, tối xả thiền xong tập lộc lô đều đặn, nhờ vậy Thầy ít bệnh. Tụi con nhiều khi trong người khỏe thì sốt sắng, còn trong người mệt lăn qua trở lại muốn nằm, đó là giải đãi, nên tới giờ tụng kinh đi trễ. Bệnh trễ nải sau thành thói quen, rồi dần dần thiếu tinh tấn, không có đức độ. Mình không tinh tấn sau này làm sao dạy đệ tử tinh tấn được. Bởi vậy tụi con phải sáng suốt, sống điều độ, chừng mực, đừng nên khi thăng khi giáng không tốt, đó là Thầy nhắc điều thứ nhất.
Điều thứ hai là ở đây Thầy muốn tạo duyên cho tụi con giữ được mười giới cấm của Sa-di. Tụi con đa số là Tỳ-kheo, Thức-xoa rồi nhưng Thầy chỉ dạy tụi con giữ giới Sa-di thôi. Sa-di có hai giới mà trong chúng coi thường: giới ăn phi thời và giới nói dối.
Nhiều khi chia bữa lỡ gần tới giờ cơm, tụi con muốn để dành chiều ăn, như vậy là phi thời. Tuy điều này nhỏ, nghĩ đó là phần của mình, ăn lúc nào cũng được, nhưng Thầy bảo tụi con ráng giữ mười giới, tụi con phải cẩn thận tối đa. Món gì ăn được giải quyết liền, đừng để dành chiều. Giả sử chiều còn thức ăn, tụi con vẫn giữ giới không ăn. Ngày nay là Thiền sinh giữ được giới như vậy, mai sau tụi con làm thầy, dạy đệ tử giữ giới mới nên. Nếu chiều mình ăn, biểu nó giữ giới nó đâu thèm giữ, rốt cuộc thầy trò như nhau.
Nên tụi con tập ngay từ bây giờ, đúng giờ thì ăn, qua giờ không ăn, tập như vậy cho quen. Mới nghe như cố chấp nhưng chính cái đó là gương mẫu cho người sau. Nhất là ở đây, trong nội qui Thầy dạy như vậy mà tụi con để dành đồ bữa lỡ chiều ăn, nếu khách tới thấy mấy cô ăn chiều, họ nghĩ sao? Trong Thanh qui tối thiểu giữ được mười giới, bây giờ mấy cô chỉ giữ được chín giới, bỏ hết một giới. Đó là tụi con hơi khinh thường, khinh thường như vậy không tốt.
Phần ăn tụi con, nếu không muốn ăn, đem chia người khác, không được ăn sai buổi. Cho nên tất cả phải dè dặt. Tất cả ráng giữ gìn thì giá trị của mình tăng lên, người chung quanh thấy cũng nể. Nếu mình nói chiều không ăn, đến khi có thức ăn chị em kéo ra lai rai với nhau, như vậy người ta sẽ cười mình không có tinh thần giữ giới. Giới khinh mà coi thường quen rồi, thì giới trọng mình cũng coi thường. Cho nên khi đã quyết tâm giữ giới, dù giới khinh mình cũng ráng giữ cho tròn.
Trong Thanh qui, Thầy ghi giữ tròn mười giới làm căn bản, còn những giới trên nữa thì giữ bao nhiêu tốt bấy nhiêu, điều kiện nào giữ không được đành phải chịu. Thí dụ như trong Tỳ-kheo, những giới về y, bát... chúng ta không thể thực hiện thì đâu có giữ được. Cho nên mấy giới có thể giữ được mình phải ráng giữ.
Ở đây chiều và tối ngồi thiền. Chiều ngồi thiền nên sự tiêu hóa hơi chậm, không cảm thấy đói. Buổi tối cũng ngồi thiền, nếu chiều mình ăn nữa sẽ làm trở ngại cho việc ngồi thiền, một là nghe bụng nặng, hai là sanh buồn ngủ. Bởi vậy người tu thiền buổi chiều ăn uống hết sức đơn giản nhẹ nhàng, để cho sự tu hành không bị trở ngại, cũng vừa giữ đúng giới luật, tránh tội coi thường giới. Vậy nên giả sử chiều còn dư thức ăn, chúng ta cũng không ăn, chỉ uống một ít bột vừa phải, nhẹ nhàng, giữ sức khoẻ đủ để tu, đừng vì sự ăn uống làm người ta chê cười. Tụi con ráng tập tôn trọng giới luật, dù giới nhỏ mình cũng quí, giữ gìn.
Ở đây Thầy nói như vậy, đến khi tụi con về T.C. thấy chiều ăn như thường, sẽ thắc mắc: “Sao ở T.C. Thầy không rầy mà ở đây Thầy rầy?”
Tụi con nhớ câu chuyện ông Sa-di bị lỗi ăn trộm mùi hương hoa sen không? Ông Sa-di thắc mắc, sao mấy cô gái nhảy xuống hồ nhổ ngó sen làm tan nát cả hồ sen mà ông Thần không quở, còn mình đi ngang ngửi hương hoa một chút lại bị quở? Ông Thần nói rằng: Ví như một người mặc áo trắng, chỉ dính một đốm mực mọi người đều thấy. Còn người mặc áo đen dù dính cả chục đốm mực cũng không ai để ý tới.
Ở đây cũng vậy, Trúc Lâm được danh tiếng tốt là nơi tu hành thanh tịnh, giữ giới luật đàng hoàng, nếu mình phạm một giới nhỏ không đáng, cũng bị người ta đánh giá. Còn những nơi kia, buổi chiều phải làm lụng nên có lý do để ăn chiều, họ phạm ít ai để ý. Ở đây mình tôn trọng giờ tu, mong có đủ thời giờ để cố gắng nhiếp niệm, tất nhiên giới luật mình cũng ráng giữ cho thanh tịnh theo, cả hai bên đầy đủ như vậy là tốt.
Vì vậy, Thầy nhắc nhở toàn chúng, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự thúc liễm mình, những điều không hay ráng giữ đừng để xảy ra, sao cho tập thể mình ai đến cũng đều quí mến, như vậy mới có giá trị. Hiện tại có giá trị thì mai kia Thầy tịch rồi, tụi con mới đủ tư cách ra lãnh đạo, mọi người trông đợi, tin tưởng. Nếu bây giờ tụi con không cố gắng, mai kia ra người ta coi thường, coi thường thì Phật sự rất khó làm. Vì vậy Thầy mong tất cả đều cố gắng, gìn giữ giới luật cho được thanh tịnh.
Thứ hai là giới nói dối. Nhiều người nghĩ rằng nói gạt chơi không sao, nên coi thường giới nói dối. Hậu quả đáng buồn là trong chùa nói dối nhiều quá. Tụi con có không?
- Dạ, có.
Như trong chùa tiền đầy túi, mà Phật tử tới lại than trong chúng thiếu thốn đủ thứ. Hoặc vì quyền lợi gì đó mà nói sai sự thật, đó là nói dối. Người ta hay gọi là thiện xảo phương tiện, nhưng cứ thiện xảo như vậy lâu ngày thành nói dối khá nhiều.
Như gia đình nọ có đứa con sắp thi tú tài, có một ông thầy bảo: “Đem tên nó lại đây, thầy cầu nguyện giùm cho.” Họ nghe ham quá đem tên lại nhờ cầu nguyện. Thầy ở gần nên biết ông thầy đó không siêng. Đến khi họ về, Thầy nói với ông ấy: “Sao không cầu nguyện cho họ?” Ông trả lời: “Nói cho vui chớ rảnh đâu mà cầu!” Như vậy có phải là nói dối không? Nói cho được lòng người mà không làm gì hết, đó là nói dối. Nếu nó rớt, nói thầy có cầu mà tại nó học dở; còn nó thi đậu là nhờ thầy cầu đó, chuyến này cúng cho thầy kha khá. Đó là lập công khéo léo mà không có công gì hết.
Vì vậy trong nhà đạo phải tập nói năng thật thà, đúng Phật pháp, cái gì có nói có, không nói không, cái gì làm được thì nói làm được, làm không được nói làm không được, đừng đánh lừa thiên hạ không tốt. Vì trong chùa cái xảo ngụy đó hơi nhiều nên Thầy dạy tụi con phải ráng thật thà.
Tụi con thấy có khi nào Thầy than với Phật tử Thầy thiếu cái gì đâu. Bởi vậy người ta nói Thầy giàu. Nhờ người ta nói Thầy giàu nên Thầy giàu luôn, chớ mình than nghèo suốt kiếp cũng nghèo. Vì vậy mình thật thà chẳng thiệt thòi gì, còn xảo ngụy lừa gạt thiên hạ rồi cũng không tới đâu, lại mang tội điêu ngoa xảo trá. Đó là điều cần thiết cho cuộc sống tu sĩ.
Thầy nhắc thêm một điều nữa. Bây giờ trời sắp sang đông, hơi lạnh, giờ ngồi thiền, tụi con đóng cửa phía có gió, còn bên không gió nên mở ra. Thuở xưa đức Phật ngồi thiền trong rừng, dưới cội cây hoặc trong đình miếu có kín đáo gì đâu, chính nhờ khí hậu mát mẻ, tinh thần sảng khoái người ta dễ đạt đạo. Đức Phật ngồi dưới cội bồ-đề, Ngài đã đạt đạo, còn tụi con nếu đóng cửa hết, ngồi trong đó ngộp, bực bội, không thoải mái làm sao mà đạt đạo? Cho nên chỉ đóng cửa bên gió là đủ ấm rồi.
Thầy ở đằng thất có một mình, đầu hôm hay buổi khuya Thầy ngồi thiền vẫn mở một cánh cửa sổ. Còn ở đây có một khoảng không gian này mà bấy nhiêu người, đâu có đủ không khí. Người này thở ra người kia hít vào, không sảng khoái thì tâm hồn làm sao sáng suốt được? Vậy nếu có hơi lạnh, tụi con ráng chịu, đừng tự ý đóng hết cửa. Ai cũng phải tôn trọng cái lợi chung, tụi con chỉ đóng một phía gió thôi.
Những vị sư Tây Tạng ở xứ lạnh gấp mấy lần mình mà họ ngồi ngoài trời, còn cởi áo nữa. Mình ở đây hai, ba lớp áo vẫn còn than lạnh thì đạo lực quá yếu. Ráng tập điều hòa đừng để lạnh hay nóng quá sanh bực bội khó tu. Đó là những kinh nghiệm nhắc cho tụi con biết.
Ý kiến bạn đọc