MỤC LỤC
Thỉnh nguyện Tăng
Đoạn 1
Đoạn 2
Thỉnh nguyện Ni
Đoạn 1
Đoạn 2
Câu chuyện buổi chiều
Đoạn 1
Đoạn 2 ------------------------
Ngày 13-8 Bính Tý (25-9-1996)Mấy hôm Thầy đi Indonesia có đem theo cuốn kinh Pháp Cú. Qua bên đó có thời gian Thầy xem lại kỹ, thấy có một bài kinh Phật dạy: Người tụng kinh giỏi mà không khéo tu gọi là thầy tụng kinh chớ không phải thầy tu. Người thuyết pháp giỏi không khéo tu gọi là thầy thuyết pháp chớ không phải thầy tu.
Như vậy Phật xác nhận có thầy thuyết pháp, thầy tụng kinh và thầy tu. Thầy tụng kinh chuyên tụng kinh giỏi, thầy thuyết pháp là người giảng pháp hay, còn thầy tu thì sao? Lâu nay mình cứ ngỡ thầy tụng kinh giỏi là thầy tu, thầy thuyết pháp giỏi là thầy tu, nhưng Phật xác nhận đó là thầy tụng, thầy thuyết. Còn thầy tu là sao? Đó là điều Thầy muốn nói chuyện với tụi con ngày hôm nay.
Hôm qua có người khách quí đến thăm và hỏi Thầy:
- Chư Tăng chư Ni ở đây tu học mấy năm mới ra hoằng hóa?
Thầy trả lời:
- Ở đây không hạn định thời gian, nếu học ở trường thì năm ba năm gì đó mãn khóa hoặc hết cấp, còn tu không định năm. Tôi thấy người nào tôi đủ lòng tin về đạo đức, hiểu thấu giáo lý tu hành, tôi cho ra làm Phật sự chớ không tính năm.
Ông khách hỏi thêm:
- Làm sao biết người đó đủ đạo đức?
Thầy sực nhớ lại mấy câu trong kinh Pháp Cú. Nếu tụi con học hết trường Cơ bản hoặc tới Cao cấp, khi có ai hỏi tam độc là gì, tụi con sẽ kể: Tam độc là ba thứ tham sân si. Rồi kể luôn những tai hại xấu xa của nó. Kể rất rành, rất hay. Nhưng khi có ai chọc tức thì nổi sân đùng đùng lên. Như vậy tụi con thuộc về thầy gì? Thầy thuyết hay là thầy tu?
Vậy là mình chỉ nói chớ chưa làm được, mà chưa làm được thì chưa phải thầy tu. Trong tụi con thầy tu nhiều hay thầy thuyết nhiều? Ai hỏi tại sao đi trong luân hồi sanh tử, tụi con liền kể đủ sáu thứ căn bản phiền não: tham sân si... rành lắm, nhưng khi ai đụng tới, mấy thứ đó hiện hình nguyên vẹn. Chợt nhớ như vậy nên Thầy trả lời ông ấy:
- Muốn biết người đó đáng tin cậy hay chưa, hãy xem họ có ứng dụng được những gì đã học và hiểu không. Nếu ứng dụng được, đó là người đáng tin cậy.
Ông khách lại hỏi:
- Quí Thầy, quí Cô đâu có ra ngoài đụng chạm với ai, làm sao biết người đó có sức chịu đựng hay có thể chiến thắng được cảnh bên ngoài?
Thầy trả lời:
- Tuy ở đây ít tiếp xúc với bên ngoài, nhưng trong chúng năm mươi người là năm mươi ý, sống chung với nhau sớm muộn gì cũng có chỗ bất đồng. Khi có những đụng chạm bất đồng mà vẫn an nhẫn, hỉ xả được, đó là người đáng tin cậy. Nếu bất đồng liền sanh chống đối, cãi lẫy, giận hờn, người đó không đáng tin cậy, đâu cần phải ra ngoài mới đụng chạm.
Lâu lâu tụi con kiểm lại xem mình là thầy thuyết hay thầy tu. Chắc là thầy thuyết! Còn thầy tu thì cái gì biết xấu dở phải chừa. Khi bị chạm tự ái hay có ai làm mất uy tín của mình, bản ngã muốn trỗi dậy, tụi con phải biết để ngăn chặn lại cho bản ngã mòn bớt. Bằng không nói Phật pháp hay lắm, tới lúc gặp việc đâu đó vẫn y nguyên, như vậy không phải là thầy tu.
Không phải nói hay là tu tiến, vì ai siêng học hỏi, thuộc lòng thì nói giỏi. Còn tu tiến là khi gặp người có những ý kiến không giống mình, có hành động khinh miệt mình, tụi con vẫn thản nhiên tự tại không phiền não, không giận hờn. Đó mới thật là thầy tu. Thầy cốt rèn luyện tụi con thành thầy tu chớ không phải thầy tụng hay thầy thuyết. Như vậy tụi con kiểm lại coi trong huynh đệ có đứa nào đáng được Thầy tin cậy chưa? Khi nào tụi con thấy huynh đệ mình đáng cho Thầy tin cậy rồi thì Thầy mở cửa.
Ở đây tụi con có đụng chạm nhau cũng chỉ nhè nhẹ thôi. Khi ra khỏi đây có những đụng chạm tóe lửa chớ không phải thường. Cái nhẹ còn chưa thắng nổi, khi gặp trường hợp tóe lửa làm sao? Tại đây huynh đệ tụi con ở trong môi trường tốt, giữ lục hoà, sống bình đẳng, thương yêu, công bằng thì chuyện gì cũng dễ, còn khi ra khỏi đây rồi, những quyến rũ về bạn bè, tài sắc... mạnh hơn rất nhiều. Nếu ở đây chưa thắng được, ra ngoài làm sao thắng nổi?
Thật ra những duyên nghịch cũng rất có lợi. Nghịch là nghịch thế gian, nghĩa là làm thương tổn bản ngã mình, còn thuận thế gian là ngọt ngào dụ dỗ... Cả hai cái nếu không đủ đạo lực thì không thắng được, rốt cuộc ở Thiền viện năm, mười năm ra đầu hàng ngoại cảnh. Vậy có uổng công Thầy lo cho tụi con không? Có uổng của thí chủ ủng hộ tụi con không? Và có phản bội lại bản nguyện của tụi con không? Đó là ba câu hỏi tụi con cần xét lại.
Nếu không đủ đạo lực để đối kháng lại cảnh thuận và cảnh nghịch của thế gian, không giữ tròn được tâm trong sạch sáng suốt trên đường tu, đó là phản bội công ơn người dạy dỗ nhắc nhở mình, phản bội người giúp đỡ cơm áo và phản bội chính sở nguyện của mình khi phát tâm tu hành. Nếu tụi con không thắng được những va chạm nhỏ, dù ở đây mười năm hay cho đến khi Thầy tắt thở, Thầy cũng chưa dám tin tưởng.
Bây giờ trong thời gian tụi con sống chung với nhau, có những ý kiến bất đồng, có những hành động trái nhau hoặc những tâm niệm riêng rẽ mà tụi con dung hoà và an ổn được, không có gì bực bội buồn phiền thì trên đường tu sẽ vững vàng. Mọi lời Phật Tổ dạy tụi con thực hành thấu đáo, Thầy mới có thể tin tưởng. Mà Thầy tin tưởng được thì mai kia tụi con mới làm được chút ít Phật sự để đền ơn Phật Tổ, ơn quí Thầy, ơn đàn-na thí chủ, đúng như sở nguyện cao cả của mình. Nếu ngược lại là mất đi ý nghĩa cao siêu của một đời tu.
Hôm nay Thầy nhắc lại câu kinh Phật dạy và lời người ta hỏi Thầy để tụi con nhớ mình là thầy tu, chớ không phải thầy tụng hay thầy thuyết. Nhớ rồi phải tu cho đàng hoàng. Nếu thầy tu không ra thầy tu, thầy tụng không ra thầy tụng, thầy thuyết không ra thầy thuyết, đó là lỡ dở hết.
Nhận định của Thầy không phải chuyện tưởng tượng quá đáng mà là một lẽ thật. Như tụi con, đứa nào ở ngoài thế gian cũng có thể kiếm công ăn việc làm được, cũng thành người đàng hoàng trong gia đình không đến nỗi nào. Vậy mà tụi con bỏ hết cuộc đời thế gian vào tu trong đạo. Nếu vào đạo rồi cứ loay hoay với những chuyện không đáng làm, không đáng nhọc sức thì đời không ra đời, đạo không ra đạo, uổng phí đi một kiếp sống.
Thầy nghĩ đến tương lai của Tăng Ni, thấy cái quyết tâm mạnh như vậy phải được đáp ứng lại bằng một tương lai tốt đẹp, cao quí. Không thể nào quyết tâm bỏ tất cả đi tu để gặt hái một kết quả tầm thường, uổng một đời tu. Nếu được thầy lành và bạn tốt nhắc nhở thì đường tu của mình sẽ tiến, còn không có ai nhắc nhở, có khi trở lại tập theo những thói quen thế tục. Ban đầu đầy đủ quyết tâm mà rốt cuộc không như ý, đó là vì mới vào tu lại chạy theo những thói thường của thế gian. Nhưng đó không phải lỗi của họ mà do người lớn đi trước không khéo hướng dẫn, không khéo tạo điều kiện tốt cho họ tu, nên họ phải hi sinh một cách vô ích.
Do đó Thầy lúc nào cũng băn khoăn thắc mắc, làm sao tạo được điều kiện cho Tăng Ni tu hành đến nơi đến chốn. Dù đời này chưa thành Phật, thành Tổ thì tâm hồn và trí tuệ cũng vượt thoát khác người phàm phu, chớ không tầm thường. Như vậy mới xứng với công tu. Nếu tu mà kết quả mình với người thế tục không khác gì nhau, có chăng là khác cái đầu, chiếc áo, thì quá đỗi tầm thường.
Có những điều Thầy thấy không được tốt đẹp cao quí, cần phải tránh, nên Thầy tập cho tụi con sống đàng hoàng, đúng đạo lý. Không cần đông, chỉ năm mươi người, nếu biết làm theo lời Phật dạy thì đời sống tụi con ngày càng cao thượng. Mai kia các nơi nhìn thấy, họ từ từ bắt chước theo, đó là mình đem lại cho Tăng Ni một giá trị thật sự, xứng đáng là người tu hạnh giải thoát. Còn nếu không khéo, mình đua nhau làm việc kinh doanh, làm những chuyện không xứng đáng với ý nguyện tu hành.
Vì vậy tất cả tụi con phải cố gắng. Thứ nhất là sống đúng nề nếp ở đây Thầy đã tạo ra. Tụi con đừng bận tâm lo nghĩ một việc gì ở ngoài, chỉ đem hết tâm hồn tu hành an ổn, như vậy đời tu sẽ có tiến, có vượt lên. Đừng nên bận rộn những chuyện không đâu.
Thứ hai là sống đúng với nội qui Thiền viện. Việc này sẽ tạo cho tụi con hai điều thiết yếu:
Đầu tiên là tụi con sống hoà hợp với nhau, không thấy có người mình phải nặng lo, hoặc có người mình không ưa thích. Thấy tất cả huynh đệ cùng tu cùng tiến đều là người tốt, kính mến như nhau.
Kế là sống trong tình đoàn kết chị em. Mai kia tụi con ở đây hoặc ra khỏi Thiền viện, huynh đệ hợp tác với nhau làm Phật sự dễ dàng, không trở ngại vì những nhu cầu hoặc quyền lợi riêng tư. Như vậy là điều rất tốt để tương lai Phật pháp được sáng sủa, chớ không khéo tụi con dễ bị lôi cuốn trong nếp sống tầm thường, bất hoà với nhau vì những lợi lộc cỏn con.
Hơn nữa, nếu tụi con không thương ai nhiều, cũng không ghét ai nhiều thì sẽ được an ổn, không khó chịu bực dọc, đó là bước tiến mạnh trên đường tu, khiến cho tâm dễ dàng an định. Tâm an định trí tuệ mới sáng, đây là gốc của sự tu giúp tụi con mau tiến. Nếu tụi con lăng xăng, bận rộn, nay thương người này, mốt ghét người kia, cứ thương với ghét hoài làm sao tâm an? Tâm không an, ngồi thiền làm sao được định? Ngồi một lát nhớ huynh này xử sự với mình không tốt, hoặc nhớ huynh kia bạc bẽo, rồi ráng kềm chế đến nhức đầu nên kết quả sự tu không có.
Nếu lúc bình thường tụi con khéo gìn giữ lòng không bận rộn chuyện ghét thương thì tâm dễ an định. Mới nhìn qua thấy ở đây dường như khó khăn, khắt khe. Nhưng sự thật, chủ trương của Thầy là muốn sự tu hành của tụi con có kết quả nên Thầy mới ra điều kiện như vậy. Nếu muốn tụi con nhẹ nhàng thảnh thơi, vừa tu vừa chơi thì Thầy không cần phải khó khăn như thế.
Tụi con thấy khó khăn, nhưng một khi làm được rồi thì đó là một trợ duyên lớn để sự tu của mình dễ đạt kết quả.
Thầy mong tất cả tụi con thực hiện được lý tưởng cao siêu, công phu xứng đáng, đừng để làm người tu mà không có gì hay, uổng đi một đời, đáng tiếc! Đó là lời Thầy nhắc nhở, tất cả tụi con cố gắng.
Ngày 13-9 Bính Tý (24-10-1996)Buổi thỉnh nguyện hôm nay chỉ một người có lỗi, còn toàn chúng đều thanh tịnh, đó là điều tốt.
Hôm nay Thầy nhắc tụi con hai từ ngữ rất quan trọng trong nhà thiền, giản trạch để tụi con biết rõ sự tu. Đây là những vấn đề then chốt mà Thầy e chúng chưa nắm vững. Tụi con hằng ngày thuộc câu: “phản quan tự kỷ” rồi, còn “hồi quang phản chiếu” có thuộc không? Đó là câu châm ngôn căn bản của người tu thiền.
Giả sử có ai hỏi tụi con hồi quang phản chiếu và phản quan tự kỷ khác nhau như thế nào? Tụi con giải thích ra sao?
Phản quan tự kỷ, chữ phản là ngược lại, quan là xem xét quán chiếu, tự kỷ là chính mình. Còn hồi quang phản chiếu, hồi là quay lại, quang là ánh sáng, phản là ngược trở lại, chiếu là soi sáng. Như vậy, hồi quang và phản quan khác nhau chỗ nào? Một bên là xoay ngược ánh sáng trở lại mình; một bên là soi xét, xem xét lại mình. Hai từ đó nếu không giản trạch rõ tụi con sẽ lúng túng. Giả sử có ai hỏi, hai thứ là một phải không? Nếu một tại sao nói hai câu? Như vậy mỗi câu có một ý nghĩa khác, thấy như na ná, nhưng mang tánh chất khác. Tụi con phải hiểu cho thật kỹ, thật rõ.
Hồi quang phản chiếu là xoay ánh sáng lại để chiếu rọi mình. Đó là ánh sáng gì mà mình soi? Bây giờ Thầy nhắc lại hình ảnh này tụi con sẽ nhớ. Trong kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đưa tay lên hỏi A-nan: “Thấy không?” A-nan thưa: “Dạ thấy.” Phật hạ tay xuống, hỏi: “Thấy không?” A-nan thưa: “dạ không”, liền bị Phật quở quên mình theo vật.
Phật quở là vì sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chúng ta luôn luôn phóng ra sáu trần bên ngoài, có nó tưởng như có mình. Thấy tay Phật đưa lên gọi là thấy, tay Phật không đưa lên gọi là không thấy. Nếu không thấy lúc đó mù rồi sao? Không mù tại sao nói không thấy? Bây giờ tụi con có bệnh đó không? Có cái gì đưa lên chỉ thì nói thấy, nếu không đưa lên, không chỉ nói là không thấy. Không thấy tức là mù, nhưng khi không có vật tụi con có mù không? Như vậy không mù mà nói không thấy, đó là chỗ lầm lẫn muôn đời của mình, chỉ nhớ cái bên ngoài mà không nhớ cái hay thấy của mình.
Chúng sanh luôn phóng sáu căn chạy theo sáu trần, sáu căn có mang tánh chất tri giác, cho nên gọi là quang tức ánh sáng. Chúng ta dồn hết tri giác để phân tích, để soi rọi ngoại cảnh mà không hề nhớ mình có ánh sáng đó. Bởi vậy thông suốt ngoại cảnh mà ngu muội đối với mình. Sự sống của mình ra sao không biết, còn chuyện này chuyện nọ của thiên hạ thì bén nhạy sáng suốt vô cùng. Chuyện năm trên năm dưới của ai đâu nhớ rõ, còn chuyện mình thì quên bẵng, không nhớ cái gì hay, điều gì dở để sửa đổi, chỉ thấy chuyện bên ngoài.
Đây là bệnh của nhân loại. Ai cũng đua nhau tìm kiếm, học đòi, phân biệt tất cả chuyện bên ngoài, giỏi chừng nào tốt chừng nấy. Ít ai quay lại tìm hiểu mình là cái gì, kể cả người tu chúng ta cũng thả trôi, chạy ra ngoài nhiều. Chúng sanh mê lầm đem tất cả ánh sáng mình có phóng ra ngoài, ánh sáng ở sáu căn dồn ra tìm hiểu tất cả ngoại cảnh mà không quay lại tìm biết chính mình. Khi có ngoại cảnh tưởng như mình biết, không có ngoại cảnh tưởng mình không biết, đâu ngờ cái không là ngoại cảnh chớ cái biết vẫn hằng hữu nơi mình.
Quên mình chạy theo vật, theo cảnh, đó là bệnh chúng sanh. Đức Phật muốn tất cả người tu biết mình trước, nhận ra cái gì là mình rồi hãy biết những thứ chung quanh. Không biết mình mà biết chung quanh là biết rỗng, không lợi ích gì. Biết bên ngoài là thứ sanh diệt, gốc sự tu là biết lại mình, mà muốn biết mình thay vì sáu căn phóng ra phải quay vào. Phóng ra là đuổi theo cảnh, quay vào là soi sáng lại mình. Cho nên nói hồi quang là xoay ánh sáng trở lại.
Hai chữ sau là phản chiếu tức chiếu ngược lại chính nơi mình. Đức Phật đưa tay lên hỏi, ngài A-nan thấy tay Phật đưa lên nói là thấy, khi Phật không đưa tay lên, bảo là không thấy. Đó là ngài A-nan mắc kẹt hình tướng bên ngoài, cho cái tay bên ngoài là cái thấy, mà quên tánh hay thấy của chính mình. Sự thật là có tay hay không có tay, chớ cái thấy lúc nào cũng sẵn. Khi có tay nói thấy, buông tay xuống nói không thấy, như vậy có cảnh biết có, không cảnh tưởng mình không. Quên hẳn chính mình và lệ thuộc dính mắc vào ngoại cảnh là hai căn bệnh rất sâu kín, trầm trọng của chúng sanh.
Trong nhà thiền chú trọng hai cơ quan tối quan yếu là mắt và tai, cho nên Phật dùng thuật đánh chuông và đưa tay. Đánh chuông để chỉ Tánh nghe, đưa tay chỉ Tánh thấy. Như vậy khi con người chạy theo âm thanh, sắc tướng là quên. Bây giờhồi quang phản chiếu là không kẹt ở âm thanh, sắc tướng, trái lại biết rõ mình đang nghe, đang thấy. Sự vật có động tĩnh, sanh diệt nhưng cái thấy nghe của mình hằng hữu.
Ngày xưa, các Thiền sư dùng đủ thủ thuật, đưa phất tử hoặc đưa ngón tay... để nhắc cho hành giả ngay nơi hình ảnh đó mà biết được mình. Cho nên Phật đưa cành hoa lên, ngài Ca-diếp mỉm cười. Đó là thông cảm được cái gì Phật muốn chỉ. Thấy cành hoa không lệ thuộc cành hoa, mà biết được mình có cái hay thấy.
Chúng ta tu là nhìn cảnh mà chẳng quên mình hay nhân nơi cảnh mà biết mình, trong nhà thiền gọi là “kiến sắc minh tâm”, nghĩa là thấy hình sắc bên ngoài mà sáng tâm mình. Tâm mình ở đâu? Ở trong tim phải không? Chúng ta nghe nói tâm ở trong này lăng xăng, lộn xộn, tưởng đó là tâm. Không ngờ chính cái hay thấy hay biết mới là tâm của mình. Tâm đó không hề lăng xăng, lộn xộn. Bởi vậy, thấy được cành hoa tức là kiến sắc, rồi nhận nơi mình có cái hay thấy, hay biết hằng hữu không vắng thiếu lúc nào, đó gọi là minh tâm.
Biết được tâm, rõ được tâm là nhớ mình không theo vật. Còn nếu chỉ biết cành hoa ở ngoài, có thì nói thấy, không có nói không thấy, đó là quên mình theo vật. Quên mình theo vật là mê, còn nhớ mình không theo vật là giác, không có gì xa lạ. Chúng ta biết nhớ lại như vậy là hồi quang, còn quên mình chạy theo sắc, thanh là phóng quang.
Vậy là dễ hay khó? Tụi con có hồi quang không? Hay là phóng quang? Giả sử ai ngồi bên cạnh mình nói chuyện, họ nói gì thì nói, chúng ta cứ nhớ mình đang nghe chớ không nhớ chuyện của họ. Nhớ mình đang nghe, như vậy là hồi hay phóng? Giả sử ai hỏi: “hồi nãy người đó nói cái gì”, mình trả lời: “không biết”. Vì hồi nãy mình chỉ nghe chớ không chú ý nhớ từng lời từng câu của họ. Bởi vậy trong nhà thiền nói nghe mà như điếc.
Lại giả sử ở trước mình có người ăn mặc sang trọng hay rách rưới đi qua chúng ta đều thấy.
Thấy tất cả nhưng chỉ nhớ mình đang thấy, không nhớ cái sang trọng hay rách rưới. Người qua rồi thôi, vật qua rồi mất, chúng ta chỉ nhớ mình đang thấy. Đó là hồi quang, tức là nhớ lại mình mà không mắc kẹt nơi vật, nên nói thấy mà như mù. Tại sao nói thấy như mù? Nghĩa là ai đi qua trước mắt mình thấy, nhưng qua rồi thôi, không lưu tâm, không chú ý, chỉ nhớ mình đang thấy. Cho nên nếu ai hỏi: “hồi nãy đi qua mấy người, ai đẹp ai xấu”, trả lời: “tôi đâu có nhớ”. Vì có thấy mà không để ý phân biệt đẹp xấu, nên nói thấy mà như mù.
Tụi con nhớ cho thật kỹ, thấy như mù, nghe như điếc, đừng hiểu như mù là không thấy gì hết, như điếc là không nghe được. Không phải vậy! Thấy nghe rõ ràng nhưng không dính mắc. Cho nên các vị Thiền sư không cần ngồi thiền nhiều. Họ thấy cũng như mù, nghe cũng như điếc, tất cả đều không dính mắc nên các ngài không bận bịu về việc kềm chế hay ngồi thiền. Các ngài sống rất tự tại, thoải mái, dù ngồi giữa chợ cũng như ngồi thiền. Còn tụi con ngồi thiền mà ai nói gì cũng lắng nghe, thấy cái bóng gì liền nhìn kỹ rồi phân tích, đó có phải thiền chưa?
Như vậy tụi con thấy tu hết sức gần, không nặng nề chút nào. Chớ nghe nói hồi quang rồi dòm vào ngực mình hoài, xoay nhìn từng nhịp đập của tim, từng mạch máu nhảy, lâu ngày tức ngực, đau tim, đó là sai lầm. Hồi quang có nghĩa là đối với sáu trần, nó qua mình biết, nhớ có cái hay biết sáu trần. Luôn luôn nhớ cái hay biết sáu trần, đó là hồi, còn chỉ theo sáu trần mà không nhớ có cái biết sáu trần, đó là phóng. Như vậy hồi với phóng xa hay gần? Nó rất gần nhưng khéo thì biết, không khéo quên ngay. Cả ngày tụi con tu hồi nhiều hay phóng nhiều? Gần như phóng hoài, chẳng có hồi, phải không?
Vậy nên khi tu tụi con phải hiểu cho thật rõ. Nhiều khi không giản trạch, tụi con không hiểu, dùng từ ngữ làu làu mà không biết ứng dụng để tu. Như vậy chúng ta có thể ngồi chơi ngoài băng đá, ngắm trời ngó thông... nhưng chỉ nhớ mình đang ngó thông, còn thông ra sao mặc nó. Cũng như khi ai nói mình nghe hết, nhưng chỉ nhớ mình đang nghe, không chạy theo tiếng theo lời. Như vậy tụi con tu rất hay, là đang hồi quang phản chiếu. Còn nếu chạy theo tiếng, theo hình ảnh bên ngoài, như có người khách đi qua liền khen là ăn mặc sang trọng, nhớ kỹ từng chi tiết, đó là đang phóng. Nghe đằng kia ai nói rù rì nho nhỏ, bèn ráng nghe, nhớ từng câu khen ai chê ai, đó là đang phóng.
Tụi con phải tập nghe tất cả nhưng không chú ý đến lời tiếng, chỉ nhớ mình đang nghe; thấy tất cả mà không lưu tâm tới cảnh, chỉ nhớ mình đang thấy. Như vậy là không quên mình, không mất mình. Ngược lại, chạy theo âm thanh, sắc tướng bên ngoài, là quên mình theo vật, như lời Phật quở trong kinh Lăng Nghiêm.
Chúng ta tu là phải xoay lại chính mình. Chính mình không phải ở trong tim, gan, mật, mà là cái đang nói, đang nghe, đang xúc chạm, thấy, biết đây. Như vậy hằng ngày đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào cũng biết hồi quang là tụi con tu miên mật. Nếu không được như vậy là tu lôi thôi.
Người xưa sợ chúng ta tu lôi thôi, nên làm bất cứ hành động nào cũng bắt đọc bài kệ, câu chú để cho mình nhớ, không chạy theo cảnh chớ không có gì lạ. Còn bây giờ tụi con hồi quang như vậy khỏi chú hay kệ gì nữa. Người xưa dạy đọc kệ, niệm chú vì cái đó dễ nhớ, đọc lẩm nhẩm để không chạy theo bên ngoài. Còn bây giờ tụi con biết hồi quang phản chiếu thì lúc nào cũng tỉnh, lúc nào cũng biết mình đúng như thật, nên không phải nhờ đến chú và kệ.
Còn nương chú, kệ là biết mà chưa biết, chỉ là không chạy ra ngoài thôi, nhớ kệ, nhớ chú mà chưa biết mình. Ở đây tụi con không chạy theo cảnh tức là đang sống với chính mình. Tụi con thích sống với mình hay thích sống với cảnh? Nếu theo cảnh thì mất mình. Tu mà không biết mình chỉ biết ngoại cảnh! Cảnh sanh diệt, đổi thay tìm biết nó để làm gì? Chính mình là gốc, là nguồn cội mà không biết là sơ sót rất lớn.
Bởi vậy nên Phật Tổ nhắc hồi quang phản chiếu. Hồi quang là xoay ánh sáng trở lại mình. Nói xoay thật ra không có gì xoay, chỉ là nhớ mình, không chạy theo cảnh. Không phóng tức là hồi. Phản chiếu là rọi sáng lại mình, không cho phóng chạy theo vật bên ngoài, đó là tu. Tụi con tu đúng như vậy là tu thiền. Vậy nên ngài Pháp Loa dạy trong Thanh qui: “ra vào không giao thiệp gọi là ngăn dừng”, nghĩa là đối với trần không chạy theo, như vậy là giữ giới thanh tịnh, là tu chân chánh.
Sự tu hết sức tế nhị chớ không phải chỉ hình thức bên ngoài. Người xưa sợ người mới xuất gia phóng tâm quá nên mượn chú, mượn kệ đọc cho bớt phóng tâm. Còn chúng ta tu thiền, chư Tổ dạy phải quay lại, hằng nhớ hằng biết thì cảnh bên ngoài dù đổi thay, sanh diệt mình cũng không mất, không bị ảnh hưởng. Không mất mình nên khi nhắm mắt chúng ta tự có lối đi riêng, thân này bại hoại nhưng cái đó không bại hoại. Đó là yếu chỉ Thiền tông. Như vậy, hồi quang phản chiếu nói lên tinh thần tu thiền, là cốt tủy, tâm yếu của người tu thiền chớ không phải thường.
Bây giờ đến câu phản quan tự kỷ. Chữ quang phản chiếu và chữ quan phản quan tự kỷ là hai chữ khác nhau. Quanlà xem xét, ngắm nhìn; còn quang là soi sáng, là ánh sáng của mình. Như vậy, hồi quang là soi ánh sáng trở lại. Còn phản quan là xem xét trở lại, hai cái khác nhau.
Nguyên câu nói của ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.” Đó là yếu chỉ Thiền tông. Thầy cho rằng câu này có tánh cách quảng bác hơn câu trên, bao gồm tất cả các phương pháp và pháp môn tu. Còn hồi quang phản chiếu có tánh cách chuyên môn về Thiền tông.
Thí dụ tụi con đếm hơi thở hoặc theo hơi thở, đó không phải hồi quang mà là phản quan tự kỷ. Khi chúng ta xem xét hơi thở của mình và sự sanh diệt của từng hơi thở, thấy rõ tinh tường những biến chuyển của nội tâm hay của bản thân, đây làphản quan tự kỷ. Lối tu này tổng quát, bao trùm hết cả giáo lý nhà Phật.
Thầy nói đại khái cho tụi con biết. Thí dụ Phật dạy tu thiền quán Tứ niệm xứ, là pháp căn bản mà các kinh A-hàm thường nhắc, thường dạy rất rõ. Một là quán thân bất tịnh, nghĩa là xem xét, phân tích tường tận từng bộ phận, thấy rõ thân này nhớp nhúa, hôi hám. Hai là quán thọ thị khổ, tức là đối với tất cả các cảm giác do tiếp xúc với sáu trần ở ngoài, chúng ta biết rõ ràng nó vô thường, không thật, là gốc của đau khổ. Ba là quán tâm vô thường, là thấy rõ những tâm niệm của mình luôn luôn sanh diệt không dừng. Bốn là quán pháp vô ngã, tức quán tất cả các pháp, từ tâm pháp nơi mình cho tới ngoại cảnh đều là tướng duyên hợp không có chủ. Hằng quán như vậy.
Trong kinh A-hàm, đức Phật dạy: Người nào cột tâm ở Tứ niệm xứ bảy ngày không dời đổi sẽ chứng quả A-na-hàm, chẳng những bảy ngày mà ba ngày cũng chứng quả, rồi chẳng những ba ngày mà một ngày cột tâm ở Tứ niệm xứ không dời đổi cũng chứng quả A-na-hàm. Quán đó tức là phản chiếu, xem xét soi sáng lại mình, cho nên pháp tu của các kinh A-hàm trong Phật giáo Nguyên thủy chính là phản quan tự kỷ.
Ngũ đình tâm quán cũng là soi xét lại mình, quán Phật, quán từ bi, quán bất tịnh, quán sổ tức, quán nhân duyên... Quán như vậy để trụ tâm, cũng là để soi sáng lại mình.
Đó là nói về hệ thống A-hàm, còn hệ thống Bát-nhã, mỗi đêm chúng ta đều tụng “chiếu kiến ngũ uẩn giai không”. Đây cũng là soi sáng lại chính mình để biết rõ năm uẩn không thật, không có thực thể rồi qua tất cả khổ nạn.
Kế đến Thiền tông, như Thầy thường dạy và hướng dẫn tụi con nhìn lại từng niệm khởi, đừng chạy theo nó, gọi là biết vọng không theo, cũng là phản quan. Câu chuyện Tổ Huệ Khả tìm tâm không được chính là phản quan. Tâm ở đâu? Quay lại liền biết đường vào.
Như vậy, các pháp tu từ A-hàm, sang Bát-nhã cho đến Thiền tông đều là phản quan. Các hệ thống tu đều lấy việc xem xét, quán chiếu lại mình làm trọng tâm, không để tâm buông lung chạy theo cảnh, không cho vướng mắc, dính kẹt bên ngoài.
Thầy thường dạy mấy người mới tu đếm hơi thở hoặc theo hơi thở, đó là phản quan, vì nếu hướng ra ngoài thì quên. Tu mà không biết phản quan tự kỷ thì người tu càng ngày càng mất mình, bị ngoại cảnh lôi kéo. Cho nên tụi con ngày nào, giờ nào cũng phải thường thấy, thường biết rõ từng tâm niệm, chạy theo cảnh, hay không theo đều phải biết, đó là phản quan. Còn hồi quang là nhớ tánh hằng hữu của mình, không cần thấy chi tiết, chỉ cần nhớ rõ.
Hai câu nói nghe qua thấy như tương tự nhưng sự thật khác nhau. Phản quan tự kỷ dễ tu hơn. Còn hồi quang phản chiếu hơi khó, thuần thục lắm mới làm được, nó có tánh cách kỳ đặc, thiết yếu cho người tu Thiền tông. Lối tu này dành cho hàng thượng căn như Lục tổ Huệ Năng hay Tổ Lâm Tế... Các Ngài đã kiến tánh rồi nên đi đứng nằm ngồi không rời Tự tánh, vì vậy các Ngài không cần phương tiện. Có khi Lục Tổ thấy chúng ngồi thiền, Ngài tới kéo lỗ tai thổi “phù”. Ngài Lâm Tế cũng không thích ngồi thiền.
Vậy các Ngài tu cái gì? Đó là đang hồi quang phản chiếu. Nơi sáu căn các Ngài sáng rỡ mà không phóng chạy ra ngoài, cho nên Tổ Lâm Tế nói: Các ngươi tìm cái gì? Người đang nghe pháp đây là ai? Ngài chỉ cho chúng ta biết nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý của mình hiện có cái chân thật. Sống được với cái đó tức là đang thiền. Như thế, ai đến trình độ này ngồi giữa chợ cũng thiền. Nội tâm đã trong sạch, yên lặng hết nên dùng lối hồi quang phản chiếu, đi đứng nằm ngồi biết mọi cảnh bên ngoài mà không dính một điều gì, thấy như mù, nghe như điếc, tự tại vô ngại.
Còn nếu bị dính, bị lôi ra ngoài như cá mắc lưới đang vùng vẫy, càng vùng vẫy càng mắc thêm nữa thì xin phản quan tự kỷ giùm, thấy từng niệm nên không chạy ra ngoài, như vậy dễ hơn. Người xưa sống với hồi quang ngồi thiền là dư, còn tụi conphóng quang quá, nên bắt ngồi thiền để quán chiếu lại mình, thấy rõ từng phần, bớt đuổi theo bên ngoài, bớt chấp trước. Nếu cứ để tự do, bắt chước những vị quen tu hồi quang phản chiếu, tụi con sẽ phóng mãi đến mất luôn cả mình! Hiểu rồi mới thấy tại sao chư Tổ có vị tán thán ngồi thiền, có vị không thích ngồi thiền.
Như vậy khi tu thiết yếu là phải xoay lại mình. Chính ngài Điều Ngự Giác Hoàng cũng ứng dụng phản quan tự kỷ qua câu nói của Tuệ Trung Thượng Sĩ. Ở đây chúng ta dùng phản quan nhiều hơn. Chỉ người nào triệt ngộ rồi, nghĩa là đi đứng nằm ngồi không quên mình mới dùng hồi quang được, còn nếu quên mình thì khoan dùng.
Tụi con phải biết tường tận để trong sự tu thấy ai ứng dụng được lối nào mình biết họ tu tới đâu. Không nên cho rằng mình ngồi thiền giỏi, thấy ai không ngồi thiền liền chê bai e có khi bị lầm. Nếu người ta sống được hồi quang phản chiếu thì đâu cần ngồi, ở giữa chợ cũng là thiền. Còn mình chưa được vậy mà lạm dụng hành động đó sẽ dễ bị trầm luân đau khổ.
Cho nên hiểu tường tận thì trên đường tu có hướng đi cụ thể, dù nghe ai nói hoặc chỉ trích gì chúng ta cũng không sợ sệt. Nếu không hiểu, khi mình đang ngồi thiền lại nghe nói Lục Tổ thấy người ngồi thiền xách lỗ tai thổi, sẽ hoang mang.
Như vậy ngồi thiền đúng hay như Lục Tổ là đúng? Nếu được như Lục Tổ thì làm như Ngài được, vì khi nghe giảng kinh Kim Cang Ngài liền triệt ngộ, thấy cái chân thật hiện tiền hoài không mất, như vậy ngồi thiền cũng là dư. Còn mình nghe hoài không ngộ, nên phải ngồi lại cho lóng lặng, lắng sâu, đến phút giây nào đó thức tỉnh, giác ngộ, hoặc phải nhờ đọc kinh, nghe giảng từ từ rồi sẽ thấy.
Hôm nay Thầy giản trạch rõ, để tụi con biết căn nguyên và ý nghĩa thiết yếu của hai câu nói này. Chỉ hai câu đó thôi mà là nền tảng của tất cả người theo đạo Phật. Tụi con nắm vững để trên đường tu không lầm lẫn.
Ngày 28-11 Bính Tý (7-1-1997)Hôm nay thỉnh nguyện Thầy có ít lời nhắc nhở, giúp tụi con tránh khỏi những lỗi lầm trên đường tu.
Người tu phải dẹp bỏ tình riêng để lo cho đạo nghĩa chung, không nên vì tình cảm riêng, thương nhớ riêng mà quên cái chung. Khi tụi con bước vào đạo, thân thiết nhất là tình gia đình, cha mẹ anh em tụi con còn gạt qua một bên, tìm tới đạo siêu thoát để tự độ và độ cho người. Vậy là tụi con đã dẹp bỏ cái riêng là tình cha mẹ anh em để đạt đến cái chung là tình nhân loại.
Tụi con nghĩ mình mê lầm, chúng sanh mê lầm, nên ráng tu để được giác ngộ và độ tất cả chúng sanh, trong ấy có cả cha mẹ thân nhân của mình. Tâm đó bao la gồm hết tất cả, không sót một ai. Người tu từ tâm niệm rộng rãi thênh thang đó mới thực hiện đúng ý nghĩa một con người vì đạo, vì độ tất cả chúng sanh. Nếu tu rồi vẫn nặng tình riêng cha mẹ, anh em, bạn bè thì cái chung không thể làm được.
Không có tâm rộng rãi bao dung lo cho tất cả chúng sanh thì không bao giờ tụi con tu đạt được kết quả tốt, vì đó là tâm ích kỷ nhỏ nhen. Tâm nhỏ nhen làm sao làm được việc lớn, làm sao thấy được đạo lớn. Nên chúng ta phải bỏ cái nhỏ để được cái lớn. Đức Phật từ bỏ cha mẹ, vợ con, thân thuộc và bỏ cả đất nước để lo cho hết thảy chúng sanh. Từ tâm rộng rãi đó Ngài mới đạt đạo, mới đi giáo hoá chúng sanh được.
Ngày nay nhìn lại chúng ta thấy Ngài là người Ấn Độ, mình là người Việt Nam nhưng vẫn cung kính lễ bái Ngài. Không riêng nước Việt Nam mà cả nhân loại đều quí kính Ngài. Như vậy có tâm thênh thang rộng lớn mới có thể chứng được đạo lớn và mới làm lợi ích cho tất cả chúng sanh nhiều đời nhiều kiếp. Ôm tâm ích kỷ, nhỏ mọn sẽ không bao giờ đạt được đạo lớn. Không đạt đạo lớn thì không làm lợi ích cho tất cả chúng sanh được.
Tụi con nghiệm kỹ, nhìn từng trường hợp nhỏ sẽ thấy người nào đi tu mà còn tâm ích kỷ hẹp hòi khó đạt được đạo. Ai đi tu nghĩ tới mọi người, vì ngộ đạo để chỉ dạy cho chúng sanh cùng được giác ngộ, người đó có thể làm được việc lớn. Tâm niệm rộng rãi đó, chúng ta phải học, phải noi theo, còn những cái ích kỷ nhỏ mọn mình nên dẹp bỏ. Như vậy tụi con mới đạt được sở nguyện trên đường tu hành.
Tụi con thấy không có một ông Tổ, hay một vị đạo đức cao nào lại có cái nhìn theo tâm niệm riêng tư. Các ngài lúc nào cũng nhìn theo việc lớn. Nếu người có tâm niệm riêng tư thì không làm được việc gì lớn. Hiểu như vậy, trên đường tu tụi con phải xả bỏ ích kỷ cá nhân, ích kỷ thân tộc, ích kỷ của người cùng quê hương xứ sở, chỉ mong làm sao cho tất cả mọi người đều được an vui, đều được hiểu đạo. Đó là cái chung, mình ráng lo, ráng làm.
Có tâm niệm rộng rãi thì đời tu tụi con sẽ cao thượng hơn nhiều. Nếu ôm ấp những ích kỷ riêng tư, gia đình, huynh đệ thì không bao giờ đạt được chí nguyện cao cả của người xuất gia. Nhớ và hiểu như vậy, đường tu tụi con sẽ có kết quả tốt, bằng không kết quả sự tu cũng nhỏ bé theo tâm niệm hẹp hòi của tụi con.
Đó là điều Thầy cần nhắc nhở, tất cả tụi con hiểu và nhớ để ứng dụng trong cuộc sống này.
Ý kiến bạn đọc