Đa số Phật tử theo đạo Phật không nhiều thì ít đều có liên tưởng tới những hiện tượng huyền bí đó là thần thông. Vậy thần thông có phải là cái chúng ta nương tựa, để cho chúng ta nương cậy, để cho chúng ta học hỏi luyện tập không?
Khi Phật còn tại thế, tôn giả Mục-kiền-liên sau khi chứng quả A-la-hán, Ngài có đủ lục thông. Song đối với những vị chứng A-la-hán như Ngài, Ngài là người ưu việt hơn cả. Nên Phật nói tôn giả mục-kiền-liên thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử lớn của Phật. Vì thần thông siêu việt nên tôn giả có thể dùng thần thông đi từ thế giới này đến thế giới nọ trong chớp mắt, hoặc dùng thần thông hóa hiện tùy ý. Khi ấy, Phật ngự trên một tầng lầu, dưới tầng trệt các Tỳ-kheo nói chuyện ồn ào. Phật bảo tôn giả Mục-kiền-liên làm cho các Tỳ-kheo đó đừng làm ồn nữa. Tôn giả liền duỗi chân ra thì cái nhà xoay tròn, chư Tỳ-kheo hoảng hốt không dám nói chuyện nữa. Với sức thần thông siêu việt như thế, vì lòng hiếu thảo Ngài dùng thiên nhãn thông tìm trong lục đạo coi mẹ sanh ở đâu, Ngài thấy bà đang mang thân ngạ quỉ khổ vô cùng. Ngài thương xót mẹ, nên đi khất thực được một bát cơm, liền vận thần thông đem đến dâng cho mẹ. Khi được cơm, tay trái bà bưng bát cơm, tay mặt bốc cơm để vào miệng, cơm vừa tới miệng liền hóa thành lửa. Tôn giả Mục-kiền- liên thấy mẹ ăn cơm không được khổ sở vô cùng, tôn giả rơi nước mắt.
Chúng ta đặt lại vấn đề, nếu thần thông của ôn giả Mục-kiền-liên siêu việt thì khi mẹ Ngài ăn cơm, cơm hóa thành lửa. tại sao Ngài không dùng thần thông thổi cho tắt lửa, để mẹ Ngài dùng cơm cho no lòng mà lại đứng khóc ? Vậy, quí vị nghĩ sao về thần thông của Ngài và nghiệp ác mà mẹ Ngài gây ra ? Để thấy, thần thông không cứu được nghiệp ác của người thân. Nếu tu để có thần thông, mà thần thông không cứu được ai hết thì có thần thông để làm gì ? Toàn chúng đệ tử Phật đều tôn xưng Ngài là người thần thông bậc nhất. Vậy mà trước cảnh khổ đau bi đát của mẹ, Ngài không có một phương tiện gì để giải cứu, mà chỉ đứng khóc. Như vậy để thấy thần thông không chi phối được nghiệp lực. hai cái khác biệt nhau rõ ràng. Thần thông không đưa người đến sự an lạc vĩnh viễn, mà cũng không giải cứu được ác nghiệp làm cho người đau khổ. Vậy, tu thiết tha mong cầu chứng đắc thần thông, hay tu cốt để đoạn các nghiệp ác, để tránh khỏi khổ đau đang chi phối cả kiếp người ? Sau đó tôn giả Mục-kiền-liên trở về thuật lại cảnh khổ của mẹ Ngài và cầu Phật dùng phương tiện để giải cứu. Phật dạy:
- Mẹ ngươi nghiệp ác quá nặng, sức ngươi không thể cứu được. ngươi phải làm lễ Vu lan thiết đãi chư Tăng:
Sơn Lâm thiền định
Thọ hạ kinh hành
Lục thông La-hán.
Nhờ oai lực của các vị này cầu nguyện, thì mẹ ngươi mới thoát được kiếp ngạ quỉ.
Khi đó, tôn giả Mục-kiền-liên vâng theo lời Phật dạy sắm sửa trai viên, thỉnh chư Tăng đang thiền định ở núi rừng, đang kinh hành dưới cội cây, là những bậc đã chứng lục thông A-la-hán cùng trợ lực cầu nguyện thì mẹ Ngài thoát kiếp ngạ quỉ. vì lý do tôn giả Mục-kiền-liên không đủ sức cứu mẹ, nên phải nhờ số đông chư Tăng đã chứng A-la-hán trợ lực mới cứu được mẹ Ngài.
Chính sự kiện này mà về sau hàng Phật tử noi theo gương hiếu thảo của tôn giả mục-kiền-liên, là một bậc xuất gia tu hành chứng A-la-hán, không quên ơn cha mẹ, vẫn nhớ và muốn đền đáp. Nên hàng Phật tử mỗi năm sau mùa an cư tự tứ của chúng Tăng, đều làm lễ Vu lan thỉnh chư Tăng cúng dường và cầu siêu cho cha mẹ. Đó là việc làm đạo đức căn bản. Tuy nhiên, chư Tăng Ni hiện thời không phải là những bậc chuyên thiền định, chứng lục thông A-la-hán như Phật đã dạy tôn giả Mục-kiền-liên cung thỉnh cúng dường, cầu nguyện cho mẹ Ngài. Nên sự cầu nguyện của chư Tăng Ni hiện thời không bảo đảm được như ý nguyện của Phật tử. Nhưng tại sao mỗi năm vào rằm tháng bảy, Phật tử tụ hội về chùa làm lễ Vu lan để làm gì ? Điều này phật tử nên hiểu cho tường tận.
Với tấm lòng hiếu thảo của người Phật tử, mỗi khi nhớ lại gương sáng của đức Mục-kiền-liên, là người đã cắt ái từ thân, xuất gia hành đạo, quên hết chuyện đời mà vẫn không quên ơn sanh dưỡng của cha mẹ, biết mẹ bị quả báo làm ngạ quỉ, tìm mọi phương tiện cứu mẹ thoát khổ của kiếp ngạ quỉ. Theo gương hiếu thảo của tôn giả Mục-kiền-liên, nên ngày nay Phật tử làm lễ Vu lan để tỏ lòng hiếu thảo nhớ ơn cha mẹ, và mong cứu cha mẹ thoát khỏi cảnh khổ. Đến chùa vì hiếu nghĩa, vì nhớ ơn để cầu nguyện cho cha mẹ, đó là tinh thần từ thiện tốt đẹp. Nhưng nếu tin chắc cha mẹ thoát khổ thì không bảo đảm.
Trong kinh A-hàm, Phật có nói: “Người biết ơn và đền ơn, dù ở xa ta ngàn dặm, cũng như hầu cận bên ta, ngược lại người không biết ơn và không đền ơn dù ở hầu cạnh bên ta cũng cách xa ta ngàn dặm”. Phật dạy, đạo đức bắt nguồn từ chỗ biết ơn và đền ơn. Người lương thiện là người thọ ơn ai, không bao giờ quên. Những lúc mình nguy khốn được người giúp đỡ, khi người hoạn nạn thì mình sẵn sàng giúp đỡ lại không ngại khó khổ gian lao.
Trong kinh Ưu-bà-tắc giới, Phật có dạy: Trời nắng người đi đường vào bóng cây núp mát, khi ra đi không được bẻ cành cây. Và trên đường đi được bóng cây hai bên đường che mát. Phật cấm không được bẻ lá cây, vì cây có cái ơn che mát cho chúng ta trên đường dài nóng bức. Đối với cái ơn rất nhỏ của loài cây cỏ vô tri, mà Phật còn không cho phép chúng ta quên ơn, huống là cái ơn sanh dưỡng lớn lao của cha mẹ. Nếu ơn sanh dưỡng sâu nặng mà chúng ta quên đi thì những cái ơn khác không dễ gì nhớ được. Ở đời cũng có lắm kẻ được người giúp đỡ qua cơn nguy khốn, sau đó đối với người ơn của họ, họ ngoảnh mặt làm kẻ xa lạ. Cũng như những đứa con ngổ nghịch không tiếc lời nặng nhẹ, khảo tra tiền của cha mẹ, cha mẹ đến tuổi già yếu, đói no, sướng khổ, họ không buồn nghĩ đến. Người như thế là người không biết ơn và đền ơn, không phải là người lương thiện. Thế nên, người đạo đức chân thật là người biết ơn và nhớ ơn sanh dưỡng của cha mẹ. Dù cho cha mẹ còn hay mất, mỗi mùa Vu lan đến, người con hiếu thảo vì cha mẹ mà làm việc phước thiện, để hướng tâm tưởng thiện đến với cha mẹ, mong cha mẹ được nhẹ nhàng hết khổ. Đó là kẻ biết ơn và đền ơn mà thế gian thường nói: “Uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây”. Nhớ ơn cha mẹ là đạo đức căn bản vậy.
Có một lần Phật đi khất thực ở vùng mất mùa, dân trong làng ai cũng nghèo đói. Phật đi từ sáng đến trưa không có người cúng dường, trong bát Phật không có thức ăn. Khi đó có một thầy Tỳ-kheo đem lá y mới của mình đổi được một bát cơm, vội vàng đem dâng lên Phật. Phật hỏi:
Ông còn cha mẹ không ?
Tỳ-kheo trả lời:
Bạch Thế-tôn con còn một bà mẹ.
Phật hỏi:
Mẹ ông sáng nay có cơm ăn chưa ?
Tỳ-kheo đáp:
- Bạch Thế-tôn, con đổi một lá y chỉ được một bát cơm, con dâng lên Thế-tôn, mẹ con vẫn chưa có cơm ăn.
Phật dạy:
- Người đáng thọ nhận bát cơm này là mẹ của ông.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy Phật rất chú trọng đến đức hiếu thảo của con người. Nếu người tu hành không nhớ công ơn cha mẹ thì việc tu hành chỉ là việc làm ích kỷ, không có căn bản đạo đức. Chúng ta tu là vì thương cha mẹ, thương thân bằng quyến thuộc, thương dân tộc, thương nhân loại, nên nỗ lực tu hành để rồi khuyên những người thân, người sơ cố gắng tiến trên đường đạo đức, làm đẹp cho người, làm đẹp cho quê hương xứ sở. Đâu phải vong ơn cha mẹ, quên thân bằng quyến thuộc, phản bội quốc dân mà đi tu . Dù là người xuất gia hay cư sĩ tại gia đều phải lấy công ơn cha mẹ làm gốc để tu hành. Vì vậy, mỗi năm tới mùa báo hiếu. Phật tử quy tựu về chùa, trước là đem lòng thành kính nguyện Tambảo gia hộ cho cha mẹ sớm được về cõi Phật. Kế đó, vì cha mẹ mà làm lành, tu thiện, cứu giúp người nghèo khổ và nhắc nhở, khuyến khích hướng dẫn con cháu
tiến trên con đường đạo. Đó là nền tảng đạo đức đời đời không quên.
Tăng Ni hiện tại tuy không đủ tư cách như Phật dạy trong kinh Vu lan. Nhưng dù sao đi nữa, một người tu ăn chay, bỏ ác làm thiện, cũng có chút công đức lành góp phần với quí Phật tử, cùng hồi hướng, cùng cầu nguyện cho cha mẹ. Đó là cội nguồn của ngày lễ Vu lan. vì vậy, nếu đã là đệ tử Phật, phải nhớ rằng tu với Phật không bằng tu với cha mẹ. Vì Phật đã giải thoát mọi khổ đau, dù cho chúng ta có đảnh lễ, tán thán đến đâu, Ngài vẫn bình thản mặc nhiên. Còn cha mẹ chưa hết phiền não nên mỗi khi con cháu tỏ lòng hiếu thảo, biết nghĩ tưởng đến thì cha mẹ hoan hỷ sung sướng. Thế nên chúng ta thường làm cho cha mẹ vui, chẳng phải chỉ lo lạy Phật, cúng Phật mà quên không lo phụng dưỡng hiếu kính cha mẹ. Người tu như thế thì chưa đúng với tinh thần của đạo Phật. Người Phật tử muốn đền đáp công ơn của cha mẹ, trường hợp thứ nhất khi cha mẹ còn sanh tiền, muốn cho cha mẹ an vui trong hiện đời và an vui trong mai hậu, ngoài việc cung phụng nuôi dưỡng cha mẹ về mặt vật chất, nếu cha mẹ chưa biết đạo, phải tạo duyên tốt khiến cho cha mẹ phát tâm tu hành bỏ ác làm lành. Vì người phát tâm lành làm việc lành, mới khỏi đọa ba đường ác và sanh vào cõi thiện được an vui. Cho cha mẹ ăn ngon, mặc đẹp, ở sang, tuy là hiếu thảo nhưng hiếu thảo đó chỉ tạm bợ không lâu dài, vì cha mẹ sẽ chết không còn hưởng dụng những thứ đó nữa. tạo duyên lành cho cha mẹ hướng về đường thiện, thì chẳng những bảo đảm trong đời này ít khổ đau mà đời sau cũng hết đau khổ. Chính việc làm đó mới là cái hiếu chân thật. Vì vậy, quí Phật tử ai được vinh hạnh cha mẹ còn tại tiền, hãy ráng tạo điều kiện giúp cho cha mẹ tu hành, đó là hiếu lớn nhất. Trường hợp thứ hai là khi cha mẹ quá cố rồi, chúng ta không làm gì khác được, nên mới cúng dường, cầu nguyện, hồi hướng phước lành cho cha mẹ được siêu thoát. Đó là việc làm cầu may chớ không bảo đảm kết quả được như ý. Nhiều khi quí Phật tử nghĩ đến người chết mà quên hẳn người sống. Đến rằm tháng bảy cúng kiến cầu nguyện cho ông bà tổ tiên được siêu sanh tịnh độ, mà ông bà cha mẹ tại tiền thì không để ý chăm sóc giúp đỡ để tiến tu. Như thế là không xứng đáng, không đúng với chữ hiếu trong đạo Phật.
Trở lại, thần thông không cứu được khổ không giải được nghiệp. Như chúng ta biết tôn giả Mục-kiền-liên đã từng dùng thần thông qua lại trong không gian từ cõi này đến cõi khác, một cách tự do. Nhưng đối trước quả báo nghiệp ác của mẹ Ngài, Ngài đành bó tay đứng khóc chớ không cứu được, đó là trường hợp thứ nhất. Đến trường hợp thứ hai là chính bản thân Ngài khi trở về già, một hôm đi khất thực qua chân núi, ngoại đạo lăn đá rớt xuống đè Ngài chết. Bình thường có chuyện bất ổn xảy ra là Ngài dùng thần thông bay bổng không ai hại được Ngài. Bấy giờ nghiệp đến, thấy đá lăn từ trên xuống Ngài dùng thần thông bay đi mà bay không được, nên bị đá đè chết. Để thấy, thần thông vẫn bất lực trước quả báo, nghiệp ác của mẹ Ngài, thần thông cũng không giải được nghiệp của chính Ngài khi quả báo đến. Như vậy, luyện tập thần thông để làm gì ? Song, tâm lý chung của Phật tử thì ưa thích thần thông với những tướng lạ thường. Giả sử bây giờ quí vị đang ngồi nghe tôi nói pháp, ngoài kia có người đang vận thần thông bay lên dạo chơi trong hư không, quí vị sẽ cùng đua nhau ra xem họ trình diễn thần thông, chớ không thể ngồi yên mà nghe pháp. Vì bản chất của con người là hiếu kỳ, ưa thích những điều khác lạ, còn những gì bình thường đơn giản thì không ưa chuộng. Tu nếu bảo dừng nghiệp ác của thân, của miệng, của ý, chuyển thành ba nghiệp thiện thì thấy thường và khó làm. Còn nếu nói tôi có thần thông, ai muốn được hết tội, tôi hóa ra nước cam lồ rưới sẽ hết phiền não, thì mọi người ham thích đua nhau xin nước cam lồ để tắm gội hay để uống cho hết tội. Vì người ta vừa hiếu kỳ vừa lười biếng, hễ thấy dễ khỏe là làm. Vì vậy, nên dễ bị gạt và dễ rơi vào mê tín tà giáo.
Thời đức Phật còn tại thế, có bốn người ngoại đạo tu chứng được ngũ thông ! Thiên nhãn thông là thấy tất cả người vật gần hay xa. Thiên nhĩ thông là nghe khắp tất cả âm thanh lớn nhỏ gần xa. Tha tâm thông là biết được ý người khi mới khởi nghĩ chưa nói ra lời. Thần túc thông là biến hóa hình lớn nhỏ tùy ý, thăng thiên độn thổ không ngại. Túc mạng thông là biết được vô số kiếp về trước. Bốn vị này biết mình sắp bị quỉ vô thường đến bắt đi, nên mỗi người tìm cách để trốn thần chết. Vị thứ nhất dùng thần thông bay lên hư không núp trong đám mây xanh. Vị thứ hai vận thần thông lặn xuống đáy biển. Vị thứ ba dùng thần thông chui vô lòng núi. Vị thứ tư chui trốn ở trong lòng đất. Tất cả bốn vị đều nghĩ rằng chỗ mình trốn, quỉ vô thường không thể tìm được. Nhưng đến giờ thần chết đến thì vị thứ nhất ở trên mây hết thần thông rơi xuống nát thây. Vị thứ hai ở dưới biển hết thần thông ngộp chết nổi lên. Vị thứ ba ở trong lòng núi hết thần thông đá nứt đè chết. Vị thứ tư ở trong lòng đất hết thần thông bị đất sụp chôn thây luôn.
Để thấy, tu chứng được thần thông muốn thoát chết vẫn không thoát được. Tu mà chứng được ngũ thông là đã trải qua quá trình tu tập không phải ngắn và dễ dàng, thế mà muốn thoát chết cũng không thoát được.
Lại một trường hợp nữa: Có một vị tu sĩ đạt đạo, chứng được ngũ thông, thuyết giảng giáo lý rất hay cho đến trời Đế Thích cũng đến nghe giảng xong ra ngoài ngồi bên gốc cây khóc. Vị tu sĩ lấy làm lạ hỏi:
- Tại sao nghe giảng xong ông lại khóc ? Tôi giảng có chỗ nào ông không đồng ý ?
Đế Thích đáp:
- Không. Ngài giảng rất hay, vì tôi thấy Ngài sắp chết nên tôi thương tôi khóc.
Tu sĩ hỏi:
- Vậy phải làm sao cho khỏi chết ?
Đế Thích đáp:
- Nếu Ngài muốn khỏi chết, hãy đến cầu cứu với đức Phật Thích ca.
Tu sĩ hỏi:
- Đức Phật Thích-ca là ai và đang ở đâu ?
Đế Thích đáp:
- Ngài là một vị giác ngộ hoàn toàn sạch hết vô minh lậu hoặc, đang ở Tinh xá Trúc Lâm gần thành Vương Xá.
Vị tu sĩ bèn vận thần thông bay đi tìm Phật, đi dọc đường ông nghĩ rằng: Đi cầu Phật dạy nên có lễ vật để cúng dường Ngài. Ông thấy bên đường có những cây ngô đồng đang trổ hoa thật đẹp, bèn nhổ và cầm đến cúng Phật. Khi đến Tinh xá Trúc lâm. Thấy Phật đang thuyết pháp cho chúng Tỳ-kheo nghe, ông vào quỳ xuống dâng hai cây ngô đồng lên Phật và thưa:
- Thưa Thế-tôn, con xin cúng dường Ngài hai cây ngô đồng và cầu xin Ngài dạy cho con phương pháp tu để khỏi chết.
Lúc đó Phật không dạy gì hết, chỉ bảo:
Buông !
Tu sĩ buông tay thứ nhất, ngã cây ngô đồng thứ nhất, Phật lại bảo:
Buông !
Tu sĩ buông tay thứ hai, ngã cây ngô đồng thứ hai, Phật nói tiếp:
Buông !
Tu sĩ sửng sốt thưa:
- Hai tay con cầm hai cây ngô đồng, lần thứ nhất Phật bảo buông, con buông cây thứ nhất, lần thứ hai Phật bảo buông, con buông cây thứ hai là hết.
Phật bảo buông nữa con không biết buông cái gì?
Phật nói: - Ta đâu có bảo ông buông hai cây ngô đồng. Lần thứ nhất ta bảo ông buông là đừng chạy theo ngoại cảnh. Lần thứ hai ta bảo ông buông là đừng chấp sáu căn là ngã. Lần thứ ba ta bảo ông buông là không chấp sáu thức là ngã. Nếu ông buông hết ba cái đó thì ông hết chết.
Nghe Phật nói, tu sĩ nhận ra yếu chỉ, tu một thời gian chứng A-la-hán. Hết chết là không còn nghiệp dẫn đi trong luân hồi sanh tử, chớ không phải thân tứ đại hiện đời không hoại, không chết, phải hiểu rõ chỗ này. Để thấy, dù có tu có luyện thần thông đến đâu, mà chưa buông xả được cảnh, thân và tâm thức thì cũng chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi.
Lại, một đạo sĩ và một thiền sư, hai vị cùng đi chung một con đường. Đạo sĩ hỏi thiền sư:
- Thầy tu lâu chưa ?
- Lâu rồi !
- Thầy chứng thần thông chưa ?
- Tôi tu không có thần thông. Vậy đạo sĩ có thần thông không ?
Có.
Hai vị cùng đi tới một bến đò, đạo sĩ muốn thi thố thần thông cho thiền sư thấy bèn rủ:
Thôi chúng ta đi qua.
Đạo sĩ qua sông mà không đi đò. Thiền sư nói:
- Thôi, đạo sĩ cứ qua đi.
Đạo sĩ liền vén áo đi trên mặt nước qua bên kia bờ. Còn thiền sư thì đến bến đò mua vé, lên đò, qua sông. khi qua bờ bên kia, đạo sĩ gặp lại thiền sư, ra vẻ tự hào, nói:
- Thầy thấy tôi không ?
- Đạo sĩ tập luyện thuật đi trên nước mất bao nhiêu năm ?
- Hết hai mươi năm.
Thiền sư cười, nói:
- Công phu luyện tập hai mươi năm của đạo sĩ đáng giá bằng hai xu tôi qua đò !
Tốn hai xu cũng đi qua sông được mà phải luyện tập hai mươi năm được thần thông cũng để qua sông, thì có giá trị gì ? Thiền tông không trọng thần thông, coi đó chỉ là trò biểu diển vui chơi, không giải cứu được khổ đau của con người. Thế mà người đời không biết, rất hâm mộ nể phục thần thông.
Trở về nguồn, khi Thái tử Sĩ-đạt-ta tu sắp thành đạo dưới cội cây Bồ-đề, Ma Ba Tuần biết Ngài sắp chứng đạo nên cùng nhau đến phá Ngài. Quân ma có tới mười tám ức, bao vây Ngài dưới cội Bồ-đề. ma bảo:
- Sa-môn mau đứng dậy.
Thái tử lặng thinh không đáp, như thế đến ba lần, Ma hỏi:
- Sa-môn sợ ta chăng ?
Thái tử đáp:
- Ta không kinh sợ.
Ma hỏi: - Sa-môn thấy bốn chúng binh của ta chăng ? Ông chỉ một mình, không binh khí, đầu cạo, mặc y bày thân, lại nói không sợ ?
Thái tử đáp bằng bài kệ:
Giáp nhơn cung tam muội
Tay cầm tên trí tuệ
Phước nghiệp làm binh khí
Nay sẽ phá quân ngươi.
Ma bảo:
- Nếu không nghe theo lời ta, ta sẽ làm cho thân hình ông tan thành tro bụi.
Thái tử nói:
- Ta tự xem xét trên đời, cõi người, ma và thiên ma, nhơn và phi nhơn cùng bốn bộ chúng của ngươi không thể động được một mảy lông của ta.
Ma nói:
- Sa-môn, nay muốn cùng ta chiến chăng ?
Thái tử đáp:
- Muốn được giao chiến.
Bấy giờ Thái tử mặc áo giáp nhơn từ, Ngài dùng cung tam muội, tên trí tuệ và binh khí phước nghiệp để giao chiến với ma quân.
Ngày nay, chúng ta tu một mình ở nơi vắng vẻ có nhiều ma, thì quí thầy dạy nên học thuộc các câu chú, vẽ những lá bùa để trừ tà ma, hoặc để con dao hay cái rựa bên cạnh, phòng khi đối trị ma quái. Xưa Phật chiến đấu với ma quân Ngài mặc áo giáp từ bi, cầm cung thiền định, bắn tên trí tuệ và dùng phước đức làm binh khí để chiến đấu với ma quân. Chúng ta thấy đức Phật đơn độc một mình và chỉ sử dụng có bốn loại khí giới là từ bi, thiền định, trí tuệ và phước đức mà chiến thắng được ma quân một cách vẻ vang. Sở dĩ Phật chiến thắng được ma quân là vì Ngài có tâm từ bi vô lượng vô biên, không oán không thù ai, nên ma không hại được. Còn chúng ta thì lòng từ bi chưa bủa khắp, sử kỷ tiếp vật còn thân còn sơ, nên ma tham, ma sân có chỗ vào. Vì vậy mà cứ thua ma dài dài, đó là yếu tố thứ nhất. Yếu tố thứ hai là tâm Phật luôn luôn an định, dù ma có hiện hình tướng kỳ quái thô bạo dữ dằn đến đâu, Ngài vẫn mặc nhiên không run, không sợ nên ma không hại được. Bây giờ chúng ta tu nếu gặp ma hiện mặt vằn, mặt đỏ trong đêm tối, thì hoảng hốt chạy la, không giữ được bình tĩnh đó là do tâm không an định, vì tâm không an định nên sợ và thua ma. Yếu tố thứ ba là với trí tuệ sáng suốt, Phật thấy rõ thân này không thật thì các tướng mạo của ma quỉ nào có thật; nên không bị chi phối bởi ma. Chúng ta vì trí tuệ chưa sáng, thấy thân này thật, ma cũng thật, sanh tâm kinh sợ nên bị ma hại. Yếu tố thứ tư là phước nghiệp do công phu tu tập, làm lợi ích chúng sanh, phước đức kết nhóm nhiều đời nhiều kiếp nên ma không hại được. Chúng ta tu, sở dĩ thường gặp chướng nạn ma nạn là vì phước đức mỏng, sức tu tập yếu nên bị ma nhiếp phục dễ dàng.
Tôi thường nói chúng ta tu đừng ỷ mình thông minh, đừng ỷ mình tài giỏi, cũng đừng ỷ mình khôn lanh là có thể hanh thông trên đường tu tiến, mà phải xét nét công hạnh tu tập của mình. Nếu thấy phước đức mình cạn mỏng thì lo vun bồi cho được sâu dầy, hầu giúp mình vượt qua mọi chướng nạn và tiến đến chỗ cứu cánh viên mãn. Vì có rất nhiều người khôn lanh, thông minh, tài giỏi mà không tránh được chướng nạn khổ đau. Ngược lại, người có nhiều phước đức thì vượt qua tất cả mọi chướng ngại, sự tu tập dễ dàng tiến mau nên được kết quả tốt.
Chúng ta thấy, đức Phật khi chiến đấu với ma quân, chỉ dùng có bốn loại binh khí: Nhân từ là do tự tâm phát khởi lòng thương yêu tất cả mọi loài. Chánh định là do lóng lặng tâm tư mà được thanh tịnh, nhờ tâm thanh tịnh nên trí tuệ phát sáng. Còn phước nghiệp là do công hạnh làm lợi ích cho mọi loài. Chính bốn đức ấy hóa giải sự nhiễu hại của ma quân ở chính mình. Như vậy, chúng ta vào đạo là phải giữ tâm không oán không thù, lần lần để tâm lóng lặng cho trí tuệ phát sáng, và hằng ngày làm việc thiện lợi ích cho mọi người. Đó là những điều căn bản không một người tu nào có thể thiếu được.
Tóm lại, tu theo đạo Phật, chủ yếu là tránh ba nghiệp ác của thân miệng ý và tạo ba nghiệp lành. Vì nghiệp có sức mạnh đưa người tới chỗ khổ hay vui.
Nếu tu mà nghiệp thức còn thì dù có chứng thần thông siêu việt đến đâu, cũng không giải cứu được khi nghiệp báo đến. Vì thế, đạo Phật không trọng thần thông, mà sợ gây nghiệp ác, khuyên tạo nghiệp lành. Thế nên mọi hiện tượng huyền bí lạ lùng không phải là cái đích cho người tu Phật hướng đến. Người tu Phật chân chính là tự trau sửa mình, để trở thành người tốt, nhân từ đức hạnh, tâm bình an, trí tuệ sáng suốt, hàng ngày làm lợi ích cho mọi người, đó là điều cơ bản. Không hiếu kỳ, không lười biếng, không ỷ vào thần quyền ma lực, tu như thế mới đúng với tinh thần của đạo Phật.
Ý kiến bạn đọc