Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Kinh Nhập Lăng Già - Quyển 2

Đăng lúc: Thứ ba - 10/01/2012 08:50 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Kinh Nhập Lăng Già - Quyển 2

Kinh Nhập Lăng Già - Quyển 2

Hán Dịch: Thiên Trúc Tam Tạng Pháp Sư Bồ Ðề Lưu Chi - Ðời Nguyên Ngụy - Việt Dịch: Tuệ Khai cư sĩ - Phan Rang Chứng nghĩa: Tỳ Kheo Thích Đỗng Minh

KINH  NHẬP LĂNG  GIÀ

 Quyển Thứ Nhất

PHẨM THỨ HAI: VẤN ÐÁP

I- Lúc bấy giờ, Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát lại bạch đức Phật rằng:

- Thưa đức Thế Tôn ! Các thức có bao nhiêu thứ sinh, trụ, diệt ?

Ðức Phật bảo Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát rằng :

- Này Ðại Tuệ! Các thức sinh, trụ, diệt chẳng phải điều có thể biết của người nghĩ suy! Này Ðại Tuệ! Các thức đều có hai thứ sinh, trụ, diệt. Này Ðại Tuệ! Các thức có hai thứ diệt, một là tương diệt, hai là tương tục diệt. Này Ðại Tuệ! Các thức lại có hai thứ trụ, một là tương trụ, hai là tương tục trụ. Này Ðại Tuệ! Các thức có hai thứ sinh, một là tương sinh, hai là tương tục sinh.

Này Ðại Tuệ ! Thức có ba thứ. Những gì là ba ? Một là Chuyển tướng thức, hai là nghiệp tướng thức, ba là trí tướng tức.

Này Ðại Tuệ ! Có tám thứ thức mà lược nói thì có hai thứ. Những gì là hai ?  Một là Liễu Biệt thức, hai là Phân Biệt sự  thức. Này Ðại Tuệ ! Như thấy các sắc tượng trong gương sáng, này Ðại Tuệ ! Liễu Biệt thức cũng như vậy thấy đủ thứ cảnh tượng. Này Ðại Tuệ ! Liễu Biệt thức, Phân Biệt sự thức, hai thứ thức đó không sai khác mà đắp đổi nhau chung làm nhân.

Này Ðại Tuệ ! Liễu Biệt thức huân tập chẳng thể nghĩ bàn biến nhân. Này Ðại Tuệ! Phân Biệt Sự thức phân biệt lấy cảnh giới. Nhân từ vô thỉ đến nay, hí luận huân tập.

Này Ðại Tuệ ! A La Gia thức hư vọng phân biệt đủ thứ huân tập diệt thì các căn cũng diệt. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là tương diệt. Này Ðại Tuệ ! Tương tục diệt nghĩa là nhân nối tiếp nhau diệt thì tức là tương tục diệt. Nhân diệt, duyên diệt tức là tương tục diệt.

Này Ðại tuệ ! Cái gọi là y pháp, y duyên, nói y pháp nghĩa là sự huân tập vọng tưởng hý luận từ vô thỉ; nói y duyên nghĩa là từ tâm thức thấy cảnh giới phân biệt. Này Ðại Tuệ ! Ví như cục bùn với vi trần chẳng phải khác, chẳng phải chẳng khác. Vàng với đồ trang nghiêm bằng vàng cũng lại như vậy, chẳng phải khác, chẳng phải chẳng khác. Này Ðại Tuệ ! Nếu cục bùn khác thì chẳng phải do vi trần kia tạo thành mà thật do nó tạo thành. Vậy nên chẳng khác. Nếu chẳng khác thì cục bùn và vi trần nên không sai biệt. Này Ðại Tuệ ! Như vậy Chuyển thức, A Lê Gia thức nếu tướng khác thì chẳng từ A Lê Gia thức sinh ra, nếu chẳng khác thì Chuyển thức, A Lê Gia thức cũng nên diệt mà tự tướng A Lê Gia thức chẳng diệt. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Tự tướng các thức diệt mà tự tướng diệt thì nghiệp tướng diệt. Nếu tự tướng diệt thì A Lê Gia thức nên diệt. Này Ðại Tuệ ! Nếu A Lê thức diệt thì đây chẳng khác hí luận đoạn kiến của ngoại đạo. Này Ðại Tuệ ! Những ngoại đạo đó nói như vầy : “Cái gọi là lìa các cảnh giới thì thức tương tục diệt mà thức tương tục diệt rồi tức là diệt các thức. Này Ðại Tuệ ! Nếu thức tương tục diệt thì từ vô thỉ đến nay các thức nên diệt.

Này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo nói các thức tương tục từ tác giả sinh ra. Họ chẳng nói thức nương vào mắt, hình sắc, hư không, ánh sáng hòa hợp sinh ra mà nói có tác giả.

Này Ðại Tuệ ! Tác giả của ngoại đạo là người nào ? Là bậc thắng nhân tự tại đối với vi trần.v.v.... chính là người có khả năng tạo tác (tác giả).

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Có bảy thứ tự tính. Những gì là bảy ? Một là Tập (gom) tính tự tính, hai là Tính tự tính, ba là Tướng tính tự tính, bốn là Ðại tính tự tính, năm là Nhân (duyên) tính tự tính, sáu là Duyên tính tự tính, bảy là Thành (nên) tính tự tính.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Có bảy thứ đệ nhất nghĩa. Những gì là bảy ? Một là Tâm cảnh giới, hai là Trí cảnh giới, ba là Tuệ cảnh giới, bốn là Nhị kiến cảnh giới, năm là Quá nhị kiến cảnh giới, sáu là Quá Phật tử địa cảnh giới, bảy là Nhập Như Lai địa nội hành cảnh giới.Này Ðại Tuệ ! Ðây chính là Tính tự tính đệ nhất nghĩa tâm của các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri quá khứ, vị lai và hiện tại. Này Ðại Tuệ ! Nương vào Tính tự tính đệ nhất nghĩa tâm này các đức Phật Như Lai rốt ráo được ở thế gian, xuất thế gian. Từ mắt trí tuệ của chư Phật mà các pháp đồng tướng, khác tướng được kiến lập. Như sự kiến lập này thì chẳng cùng ngoại đạo tà kiến cộng đồng.

Này Ðại Tuệ ! Sao là chẳng cùng với ngoại đạo tà kiến cộng đồng ? Ðó là cảnh giới phân biệt tự tâm vọng tưởng kiến mà chẳng giác biết tự tâm tưởng kiến.

Này Ðại Tuệ ! Những phàm phu ngu si lấy cái kiến thật thể làm đệ nhất nghĩa nên nói Nhị kiến luận.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Nay ông hãy lắng nghe ta sẽ vì ông giải nói ! Hư vọng phân biệt lấy làm có vật, là đoạn ba thứ khổ. Những gì là ba ? Là vô tri, ái nghiệp, nhân duyên diệt, sở kiến tự tâm như cảnh giới huyễn.

Này Ðại Tuệ ! Các Sa môn, Ba la môn nói lời như vầy : “Vốn vô thỉ sinh ra, nương vào nhân quả mà hiện”. Họ lại nói rằng : “Thật có vật trụ nương theo các duyên nên có ấm, giới, nhập, sinh, trụ, diệt. Do sinh thì diệt vậy”.

Này Ðại Tuệ ! Sa môn, Ba la môn đó nói, thể tương tục vốn từ vô thỉ có, hoặc sinh, hoặc diệt, hoặc Niết Bàn, hoặc đạo, hoặc nghiệp, hoặc đế. Phá hoại các pháp chính là đoạn diệt luận, chẳng phải là lời nói của ta. Vì sao vậy ? Vì do hiện pháp chẳng thể được, chẳng thấy căn bản vậy.

Này Ðại Tuệ ! Ví như cái bình vỡ thì chẳng được công dụng của bình.

Này Ðại Tuệ ! Ví như giống bị đốt cháy thì chẳng sinh ra mầm.v.v...

Này Ðại Tuệ ! Ấm, giới, nhập kia chính là diệt mà ấm, giới, nhập quá khứ diệt thì ấm, giới, nhập hiện tại, vị lai cũng diệt. Vì sao vậy ? Vì nhân vào tự tâm hư vọng phân biệt kiến vậy.
Này Ðại Tuệ ! Vì không có cái thể tương tục của ấm, giới, nhập kia vậy.

Này Ðại Tuệ ! Nếu vốn từ vô thỉ sinh, nương vào ba pháp sinh ra đủ thứ thức thì vì sao lông rùa chẳng sinh ? Cát chẳng sinh ra dầu ? Nghĩa quyết định lập ra của ông thì tức là tự hoại. Ông nói có không,  nói sinh, nhân quả sở thành cũng hoại.

Này Ðại Tuệ ! Nếu nương vào nhân duyên ba pháp như vậy thì nên sinh ra tự tướng nhân quả của các pháp. Các tướng hữu vô quá khứ, hiện tại, vị lai, Thí dụ, A hàm, tự giác quán địa nương vào tự kiến hun đúc lòng. Nói lời như vậy, này Ðại Tuệ ! Phàm phu ngu si cũng lại như vậy, bị sự ác hại của ác kiến, ý mê của tà kiến, kẻ vô trí xưng là Nhất Thiết Trí nói.

Này Ðại Tuệ ! Nếu lại có Sa môn, Ba la môn thấy các pháp lìa khỏi tự tính như mây, vừng lửa, thành của Kiền thát bà chẳng sinh, chẳng diệt, như huyễn, ngọn lửa, trăng trong nước, như mộng... nội ngoại tâm nương theo từ đời vô thỉ đến nay mà hư vọng phân biệt, hí luận hiện ra. Lìa khỏi tự tâm hư vọng phân biệt nhân duyên có thể thấy. Lìa khỏi vọng tưởng Diệt Tận nói lời nói pháp. Lìa khỏi của cải sống của thân để giữ gìn sử dụng pháp. Lìa khỏi A Lê Gia thức chọn lấy cảnh giới tương ứng, vào cảnh giới tịch tịnh, lìa khỏi pháp sinh, trụ, diệt. Suy nghĩ, quan sát như vậy mà tự tâm lấy làm sinh.

Này Ðại Tuệ ! Bồ tát như vậy chẳng bao lâu sẽ được tâm bình đẳng Niết Bàn thế gian.

Này Ðại Tuệ ! Ông phương tiện khéo léo khai phát phương tiện quan sát cõi của tất cả chúng sinh đều như huyễn hóa, như hình tượng trong gương, không nhân duyên khởi, xa lìa nội cảnh, tự tâm thấy cảnh giới bên ngoài, thứ lớp theo vào cõi vô tướng, thứ lớp theo vào từ địa đến cảnh giới tam muội địa, tin vào sự huyễn hóa tự tâm của ba cõi. Này Ðại Tuệ ! Người tu hành như vậy sẽ được Như Huyễn tam muội, vào cảnh giới tịch tịnh của tự tâm, đến được cảnh giới bờ kia (bờ giác), lìa khỏi pháp tác giả sinh, được Kim Cương tam muội, vào thân của Như Lai, vào hóa thân của Như Lai, vào những lực thông tự tại đại từ đại bi trang nghiêm thân, vào tất cả đất nước Phật, vào tất cả niềm vui của chúng sinh, lìa khỏi cảnh giới ý thức của tâm ý, chuyển thân được diệu thân.

Này Ðại Tuệ ! Các Ðại Bồ tát tu hành như vậy thì nhất định được diệu thân Như Lai Vô Thượng.

Này Ðại Tuệ ! Bồ tát muốn chứng thân Như Lai thì xa lìa ấm, giới, nhập và pháp hòa hợp nhân duyên của tâm, xa lìa hí luận phân biệt hư vọng sinh, trụ, diệt, các pháp chỉ có tâm ! Phải như vậy tri kiến, ba cõi từ đời vô thỉ đến nay nên hư vọng phân biệt hí luận mà có, quan sát Như Lai địa tịch tịnh chẳng sinh, tiến đến hạnh Thánh của nội thân.
Này Ðại Tuệ ! Ông sẽ chẳng bao lâu được hạnh vô công dụng tự tại của tâm rốt ráo như mọi sắc theo báu Ma Ni hóa thân vào tâm vi tế của các chúng sinh. Do vào theo tâm địa nên khiến cho các chúng sinh thứ lớp vào địa. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Các Ðại Bồ tát cần phải giỏi biết nội pháp tự tu hành của các Bồ tát.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát Mahatát lại bạch đức Phật rằng :

- Nguyện xin đức Thế Tôn vì các vị Ðại Bồ tát nói “Tâm ý ý thức ngũ pháp tự thể tương ứng pháp môn”, chỗ tu hành của chư Phật, Bồ tát xa lìa cảnh giới tự tâm tà kiến hòa hợp, có thể phá tất cả thể tướng ngôn ngữ, thí dụ, lòng nói pháp của tất cả chư Phật vì các Bồ tát ở thành Lăng Già trên núi Ma La Gia trong biển lớn, nói lên sự quan sát cảnh giới sóng biển cả A Lê Gia thức, nói lên lời nói pháp của pháp thân Như Lai.

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Thánh Giả Ðại Tuệ Ðại Bồ tát rằng :

- Này Ðại Tuệ ! Có bốn nhân duyên mà nhãn thức sịnh ra. Những gì là bốn ? Một là, chẳng biết tự nội thân chọn lấy cảnh giới. Hai là, từ đời vô thỉ đến nay hư vọng phân biệt cảnh giới của sắc, huân tập chấp trước hý luận. Ba là, thể tự tính của thức như vậy. Bốn là, ưa thấy đủ thứ sắc tướng.

Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là bốn thứ nhân duyên đối với biển A Lê Gia thức nổi dậy sóng lớn mạnh, có thể sinh ra chuyển thức.

Này Ðại Tuệ ! Như nhãn thức khởi lên nhận thức thì lỗ chân lông các căn nhất  thời Chuyển thức sinh ra như hình tượng trong gương nhiều ít nhất thời hiện. Lại có thứ tùy theo nhân duyên thứ lớp sinh ra, này Ðại Tuệ ! Giống như gió mạnh thổi biển tâm cảnh mà sóng thức sinh, chẳng đoạn dứt nhân sự tướng, đắp đổi chung chẳng lìa nhau, nghiệp thể sai khiến, trói buộc nhau, chẳng hiểu biết sắc thể mà năm thức thân chuyển vậy.

Này Ðại Tuệ ! Năm thức và tâm thức chẳng tác khởi ý niệm này: “Ta đắp đổi chung làm nhân, tự tâm thấy hư vọng phân biệt, chọn lấy các cảnh giới mà thức kia mỗi mỗi đều chẳng khác, cùng nhau hiện phân biệt cảnh giới : “Như vậy thức kia sinh diệt vi tế. Do người vào tu hành Tam muội chẳng giác, chẳng biết huân tập vi tế mà người tu hành tác khởi tâm này : “Ta diệt các thức để vào tam muội”. Mà người tu hành chẳng diệt các thức vào tam muội, này Ðại Tuệ ! Thì huân tập chủng tử chẳng diệt, thủ lấy cảnh giới bên ngoài, các thức diệt.

Này Ðại Tuệ ! Như vậy là hành của vi tế A Lê Gia thức, trừ Phật Như Lai và các Ðại Bồ tát nhập Ðịa còn các Thanh Văn, Bích Chi Phật, người tu hành ngoại đạo khác thì chẳng thể biết, trí lực vào tam muội cũng chẳng thể hiểu vì họ chẳng biết tướng của các Ðịa, vì chẳng thể biết phương tiện trí tuệ khéo quyết định sai biệt, vì chẳng thể hiểu sự huân tập các thiện căn các đức Phật Như Lai, vì chẳng thể biết tự tâm hiện cảnh giới phân biệt hí luận, vì chẳng thể vào hang động A Lê Gia thức với đủ thứ rừng rậm.

Này Ðại Tuệ ! Chỉ có người tu hành đúng như thật thượng, trung, hạ mới có thể phân biệt thấy Hư vọng kiến trong tự tâm, có thể ở trong vô lượng đất nước được các đức Như Lai trao cho ngôi vị, được vô lượng tự tại lực thần thông tam muội, nương theo thiện tri thức, quyến thuộc Phật tử mà có thể được thấy cảnh giới tự thể tự tâm ý thức của tâm ý, phân biệt biển lớn sinh tử do nghiệp ái vô trí lấy làm nhân hữu (có) vậy.
 
Này Ðại Tuệ ! Vậy nên người tu hành như thật nên tìm kiếm, thân cận thiện tri thức.

Bấy giờ, đức Thế Tôn nói kệ rằng :
Ví như sóng biển lớn 
Do gió mạnh nổi lên
Sóng cả vỗ hốc tối 
Không có lục đoạn dừng.
Lê gia thức cũng vậy 
Cảnh giới gió thổi rung
Ðủ thứ những sóng thức
Bay nhảy mà chuyển sinh.
Xanh, đỏ, muối trắng, sữa
Và cả vị ngọt đường
Mọi hoa cùng quả trái  
Như ánh sáng trời, trăng
Phi dị phi bất dị
Nước biển dậy sóng lên.
Bảy thức cũng như vậy
Tâm cùng hòa hợp sinh.
Ví như nước biển động
Ðủ thứ sóng chuyển thành.
Lê Gia thức cũng vậy
Ðủ thứ các thức sinh
Tâm ý và ý thức
Vì các tướng nói lên.
Các thức không  dị tướng  
Phi kiến, sở kiến tướng (chẳng kiến tướng, sở kiến tướng)
Ví như sóng nước biển 
Sai biệt thì là không
Các thức tam như vậy. 
Ý hay quán cảnh chung (tập cảnh)
Thức hay rõ nhận thức 
Năm thức hiện phân riêng.
Lúc bấy giờ, Thánh giả
Ðại Tuệ Ðại Bồ tát dùng kệ hỏi đức Phật :
Các sắc tượng xanh, đỏ...
Tự thức thấy như trên
Sóng nước, pháp tương đối
Vì sao nói như vậy ?
Bấy giờ, đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng :
Các tạp sắc xanh đỏ 
Trong sóng đều là không.
Nói chuyển thức trong lòng
Vì tướng phàm phu nói
Nghiệp đó đều là không
Tự tâm lìa khả thủ.
Khả thủ và năng thủ (chọn lấy)
Cùng những sóng kia đồng
Thân tư sinh trụ giữ
Chỉ thức thấy chúng sinh.
Vậy nên hiện Chuyển thức
Sóng nước tương tợ thức
Sóng biển cả động rung
Nhấp nhô phân biệt được
Vì sao chẳng biết thông
Thức A Lê Gia chuyển ?
Trí tuệ phàm phu không
Thức Lê gia như biển
Pháp như sóng đối chuyển
Vậy nên thí dụ nói.
Lúc bấy giờ, Thánh giả Ðại Tuệ Ðại Bồ tát lại nói kệ rằng :
Mặt trời mọc soi đồng  
Chúng sinh thượng, trung, hạ
Như Lai xuất thế gian
Vì phàm phu nói thật
Phật được pháp rốt cùng
Vì sao chẳng nói thật ?
Nếu nói pháp thật chân
Tâm kia không  chân thật
Như sóng biển mênh mông
Mộng và tượng trong gương
Ðồng thời mà được hiện
Như cảnh giới trong lòng.
Cảnh giới chẳng đầy đủ
Nên thứ lớp hiện lên.
Thức nhận biết cái biết 
Ý biết nên chẳng nên (đúng hay sai)
Năm thức do hiện thấy 
Trong định không như vậy.
Ví như vị họa sư
Cùng với các đệ tử
Vẽ hình tượng đủ màu  
Ta nói pháp cũng vậy.
Sắc màu vốn không văn(vằn, nét vẽ)
Chẳng bút cũng chẳng khí (dụng cụ)
Vì chúng sinh nói nên
Vẽ đan xen hình tượng.
Lời nói lìa thật chân
Chân thật lìa danh tự,
Ta được chỗ thật chân 
Như thật nội thân biết.
Lìa tướng giác, sở giác 
Giải như thật nói lên
Nói đây vì con Phật  
Người ngu phân biệt khác.
Mọi thứ như huyễn thôi
Chỉ thấy chẳng phải thật
Nói lên vì người này  
Người kia chẳng phải nói
Ðó, đó những bệnh nhân
Lương y tùy cho thuốc
Như Lai vì chúng sinh  
Chỉ nói (cho) lòng ứng khí (lòng hợp với pháp).
Vọng tưởng phi cảnh giới
Thanh Văn cũng chẳng phân (chẳng phải sự phân biệt)
Các Như Lai Thế Tôn
Nói cảnh giới tự giác.
Lại nữa, này Ðại Tuệ !

Nếu Ðại Bồ tát muốn biết tự tâm lìa khỏi hư vọng phân biệt tướng năng thủ, khả thủ cảnh giới thì phải lìa khỏi sự rối rắm ồn ào, lìa khỏi sự che phủ của ngủ nghỉ (thùy miên), đầu đêm cuối đêm luôn tự tỉnh thức tu hành phương tiện, lìa khỏi tất cả hí luận của các ngoại đạo, lìa khỏi tướng của Thanh Văn, Duyên Giác thừa, phải thông đạt lòng mình hiện thấy tướng hư vọng phân biệt.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Ðại Bồ tát kiến lập, trụ trì tâm tướng trí tuệ thì đối với ba tướng Thượng Thánh trí phải siêng năng tu học.

Này Ðại Tuệ ! Những gì là ba tướng Thượng Thánh trí ? Ðó là tướng Vô Sở Hữu, tướng tất cả chư Phật tự nguyện trụ trì, tướng nội thân thánh trí tự giác tri. Người tu hành này có thể xả bỏ tướng trí tuệ của con lừa thọt, được ba tướng tu hành của thắng tử đệ bát địa.

Này Ðại Tuệ ! Cái gì là tướng Vô sở hữu ? Là quan sát tướng của Thanh Văn, Duyên Giác và ngoại đạo.

Này Ðại Tuệ ! Cái gì là tướng của tất cả chư Phật vốn tự tác nguyện trụ trì các pháp.

Này Ðại Tuệ ! Cái gì là tướng nội thân Thánh trí tự giác tri ? Tất cả pháp tướng không có sự chấp trước, được thân như huyễn tam muội, chỗ các Phật địa tiến đến tu hành.

Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là ba tướng Thượng Thánh Trí. Nếu người thành tựu ba tướng này thì có thể đến cảnh giới thánh trí tự giác. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Các Ðại Bồ tát cầu ba tướng Thượng Thánh Trí thì phải học tập như vậy.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát biết ý niệm trong lòng những chúng Ðại Bồ tát, thừa lực trụ trì của đức Phật Như Lai  mà hỏi tên gọi Thánh trí hành phân biệt pháp môn thể :

- Thưa đức Thế Tôn ! Nguyện xin ngài vì con nói về tên gọi Thánh Trí hành phân biệt pháp môn thể nương theo một trăm linh tám kiến mà phân biệt nói !

Ðức Như Lai Ứng Chánh Biến Tri nương vào một trăm linh tám kiến vì các Ðại Bồ tát phân biệt nói về pháp tự tướng đồng tướng vọng tưởng phân biệt thể tu hành sai biệt :

- Này Ðại Tuệ ! Ðại Bồ tát khéo được sự tu hành sai biệt của pháp vọng tưởng phân biệt tự thể này thì có thể thanh tịnh được nhân vô ngã, pháp vô ngã, giỏi giải được các Ðịa vượt qua niềm vui thiền định Tam ma bạt đề của các Thanh Văn, Bích Chi Phật, được chẳng thể nghĩ bàn cảnh giới tu hành của các đức Phật Như Lai, được lìa khỏi tướng hạnh tự thể của năm pháp, vào thể chân thật hạnh của pháp thân chư Phật, được chỗ khéo quyết định của pháp thân Như Lai, cảnh giới như huyễn thành tựu, tất cả đất nước, từ trời Ðâu Suất đến cõi A Ca Ni Sấc, được pháp thân Như Lai.

Ðức Phật bảo Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát rằng :

- Có một dòng ngoại đạo tà kiến chấp trước “Không vô” vọng tưởng sở hữu của họ phân biệt nhân của trí có hai : Tự thể và vô thể. Họ phân biệt sừng thỏ không có. Như sừng thỏ không có thì các pháp cũng không có.

Này Ðại Tuệ ! Lại có ngoại đạo khác thấy công đức bốn đại thật có vật. Họ thấy mỗi mỗi vật đều có tướng sai biệt, thật không có sừng thỏ, rồi hư vọng chấp trước vọng tưởng phân biệt thật có sừng trâu. Này Ðại Tuệ ! Những ngoại đạo đó rơi vào nhị kiến, chẳng biết chỉ có tâm, vọng tưởng phân biệt tăng trưởng cõi lòng của mình.

Này Ðại Tuệ ! Như thân, của cải sống, đồ dùng, thế gian.v.v... chỉ là sự phân biệt của tâm, chẳng được phân biệt sừng thỏ, lìa khỏi có, không.

Này Ðại Tuệ ! Chẳng được phân biệt tất cả các pháp, lìa khỏi có, không. Này Ðại Tuệ ! Nếu có người lìa khỏi có không mà nói như vầy : “Không có việc phân biệt có sừng thỏ, chẳng được phân biệt không có việc có sừng thỏ”. Người đó thấy tướng đợi nhân, chẳng được phân biệt không sừng thỏ. Vì sao vậy ? Này Ðại Tuệ ! Vì cho đến quan sát vi tế vi trần (bụi rất nhỏ) cũng chẳng thấy thật sự, lìa khỏi cảnh giới người trí, chẳng được phân biệt có sừng trâu !

Bấy giờ, Thánh giả Ðại Tuệ Ðại Bồ tát bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Ðức Thế Tôn ! Kẻ phàm phu ngu si chẳng thấy tướng phân biệt mà sánh với trí phân biệt thì người đó thấy không có !

Ðức Phật bảo Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát rằng :

- Này Ðại Tuệ ! Chẳng phải quan sát tâm phân biệt người đó vô tướng. Vì sao vậy ? Vì nhân vào tâm hư vọng phân biệt, nương vào sừng mà có tâm phân biệt ! Này Ðại Tuệ ! Y chỉ vào sừng hư vọng mà có tâm phân biệt. Vậy nên nương vào nhân của y chỉ, lìa tướng đối đãi pháp thì chẳng phải thấy sự không có sừng kia của pháp.

Này Ðại Tuệ ! Nếu lìa tâm phân biệt lại có phân biệt thì nên lìa cái có của sừng, chẳng phải nhân vào cái có của sừng.

Này Ðại Tuệ ! Nếu chẳng lìa tâm phân biệt đó thì pháp kia cho đến quan sát vi trần, chẳng thấy có vật thật. Này Ðại Tuệ ! Chẳng lìa khỏi tâm thì pháp đó nên không có, do hai pháp có, không đó chẳng thể được. Nếu vậy thì thấy có những pháp gì ? Không những pháp gì ? Này Ðại Tuệ ! Nếu chẳng thấy có, không như vậy thì chẳng phân biệt được có không. Nghĩa này ra sao ? Thấy có sừng trâu, thấy không có sừng thỏ, chẳng được phân biệt như vậy.

Này Ðại Tuệ ! Vì nhân chẳng tương tợ nên nghĩa có, không chẳng thành, vì các ngoại đạo, phàm phu,. Thanh Văn nói nghĩa có, không, cả hai đều chẳng thành.

Này Ðại Tuệ ! Lại có ngoại đạo khác thấy sắc có rồi nhân đó vọng tưởng chấp trước hình tướng dài ngắn, thấy hư không không hình tướng phân chia tề chỉnh, thấy các sắc tướng khác với hư không, có sự phân chia tề chỉnh ấy.

Này Ðại Tuệ ! Hư không tức là sắc, do sắc đại vào hư không nên, này Ðại Tuệ ! Sắc tức là hư không, nương pháp này có pháp kia, nương pháp kia có pháp này. Do nương sắc phân biệt hư không, nương hư không phân biệt sắc vậy.

Này Ðại Tuệ ! Bốn thứ Ðại sinh ra tự tướng (tướng của mình) đều riêng biệt, chẳng trụ ở hư không mà trong bốn Ðại chẳng phải không có hư không.

Này Ðại Tuệ ! Sừng thỏ cũng như vậy, nhân sừng trâu có mà nói sừng thỏ không.

Này Ðại Tuệ ! Lại, đem sừng trâu đó chặt nát thành vi trần thì phân biệt tướng vi trần chẳng thể được thấy những gì những gì đó là pháp có, những gì những gì là pháp không mà nói là có vậy ? Là không vậy ? Nếu quan sát như vậy thì những pháp khác cũng vậy.

Lúc bấy giờ, đức Phật bảo Thánh giả Ðại Tuệ Ðại Bồ tát rằng :

- Này Ðại Tuệ ! Ông hãy nên lìa sừng thỏ, sừng trâu, hư không, sắc vọng tưởng khác, kiến.v.v... ! Này Ðại Tuệ ! Ông cũng nên vì các Bồ tát nói lìa tướng sừng thỏ.v.v... Này Ðại Tuệ ! Ông nên phải biết tướng hư vọng phân biệt sở kiến của tự tâm.

Này Ðại Tuệ ! Ông phải ở trong đất nước chư Phật, vì các Phật tử mà nói tất cả cảnh giới hư vọng của lòng mình hiện thấy.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :
Sắc ở trong lòng không
Tâm nương cảnh có
Nội thức thấy chúng sinh
Thân, của cải, trụ xứ
Tâm ý, ý thức cùng
Tự tính và năm pháp
Hai vô ngã sạch trong (hai thứ vô ngã tịnh) 
 Như Lai nói như vậy.
Dài, ngắn và có, không...
Hỗ tương sinh đắp đổi
Do có nên thành không
Do không nên thành có
Phân biệt thể vi trần  
Chẳng khởi vọng tưởng sắc
Chỉ chỗ an trụ lòng 
Ác kiến chẳng thể tịnh
Phi cảnh trí vọng tưởng
Thanh Văn chẳng biết thông
Lời nói của Thế Tôn  
Cảnh giới của tự giác.
Lúc bấy giờ, Thánh giả
Ðại Tuệ Ðại Bồ tát  vì tịnh tự tâm hiện tuông chảy, lại thỉnh đức Như Lai mà nói lên rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Làm sao tịnh trừ tâm mình hiện đang tuông chảy ? Là tịnh theo thứ lớp hay là một lúc vậy ?

Ðức Phật bảo Thánh giả Ðại Tuệ Ðại Bồ tát rằng :

- Này Ðại Tuệ ! Ví như trái am ma la chín dần dần chẳng phải một lúc. Này Ðại Tuệ ! Chúng sinh thanh tịnh lòng mình hiện đang tuông chảy cũng lại như vậy, thanh tịnh dần dần chẳng phải là một lúc. Ví như người thợ gốm làm những đồ dùng, dần dần thành tựu chẳng phải là một lúc.

Này Ðại Tuệ ! Các đức Phật Như Lai tịnh các chúng sinh tự tâm đang tuông chảy cũng lại như vậy, dần dần mà tịnh, chẳng phải tịnh một lúc.

Này Ðại Tuệ ! Ví như đại địa sinh ra những rừng cây, dược thảo, muôn vật... tăng trưởng dần dần,  phải một lúc mà thành.

Này Ðại Tuệ ! Các đức Phật Như Lai tịnh các chúng sinh tự tâm đang tuông chảy cũng lại như vậy, cứ dần dần mà tịnh, chẳng phải tịnh trong một lúc.

Này Ðại Tuệ ! Ví như có người học các âm nhạc, ca múa, thư họa, đủ thứ kỹ thuật cứ dần dần mà giải được, chẳng phải biết một lúc. Này Ðại Tuệ ! Các đức Phật Như Lai tịnh các chúng sinh tự tâm hiện tuông chảy cũng lại như vậy, dần dần mà tịnh, chẳng phải tịnh trong một lúc.

Này Ðại Tuệ ! Ví như gương sáng không lòng phân biệt, tất cả sắc tượng đều hiện lên một lúc. Ðức Như Lai Thế Tôn cũng lại như vậy, không có phân biệt tịnh các chúng sinh tự tâm hiện đang tuông chảy mà thanh tịnh trong một lúc, chẳng phải tịnh dần dần, khiến cho họ trụ ở chỗ tịch tịnh không phân biệt.

Này Ðại Tuệ ! Ví như ánh sáng của mặt trời, mặt trăng cùng một lúc soi khắp tất cả sắc tượng, chẳng phải là trước hay sau.

Này Ðại Tuệ ! Ðức Như Lai Thế Tôn cũng lại như vậy, vì khiến cho chúng sinh lìa khỏi phiền não tự tâm, thấy lỗi hoạn của khí huân tập nên nhất thời thị hiện chẳng thể nghĩ bàn cảnh giới trí tối thắng.   Này Ðại Tuệ ! Ví như A Lê Gia thức phân biệt hiện cảnh tự thân, đồ tư sinh, thế gian.v.v... thì nhất thời mà biết, chẳng phải là trước hay sau.

Này Ðại Tuệ ! Phật Như Lai báo cũng lại như vậy nhất thời thành thục các cõi chúng sinh, đặt vào cung điện tịnh diệu của trời Cứu Cánh, chỗ tu hành thanh tịnh.

Này Ðại Tuệ ! Ví như Phật pháp, Phật báo phóng ra những ánh sáng có Phật ứng hóa chiếu soi các thế gian.

Này Ðại Tuệ ! Pháp thể ánh sáng của nội thân thánh hạnh chiếu soi diệt trừ tà kiến hữu vô của thế gian cũng lại như vậy.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Pháp Phật, báo Phật nói tự tướng tất cả pháp đồng tướng, nhân tự tâm hiện thấy tướng huân tập, nhân hư vọng phân biệt hí luận trói buộc nhau. Như đã nói, pháp không có cái thể như vậy.

Này Ðại Tuệ ! Như nhà huyễn thuật huyễn tác tất cả đủ thứ hình tượng. Những người ngu si lấy đó làm thật mà những hình tượng đó thật ra chẳng thể thật được.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Pháp thể hư vọng nương vào pháp nhân duyên, chấp trước có thật mà phân biệt sinh ra.

Này Ðại Tuệ ! Như nhà huyễn thuật giỏi dựa vào cỏ cây gạch đá tạo tác đủ thứ việc, nương vào chú thuật, sức nhân công thành tựu tưởng tất cả chúng sinh với hình sắc và thân phận, gọi là hình dáng người huyễn. Chúng sinh thấy đủ thứ hình sắc huyễn mà chấp trước là người nhưng thật ra không có người.

Này Ðại Tuệ ! Chúng sinh tuy thấy đó là người nhưng họ không thật là nhân thể. Này Ðại Tuệ ! Nhân duyên pháp thể theo tâm phân biệt cũng lại như vậy, do thấy tâm tướng đủ thứ huyễn. Vì sao vậy ? Vì do chấp trước tướng hư vọng, nhân tâm phân biệt huân tập.

Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là thể tướng của hư vọng phân biệt. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là tướng báo Phật nói pháp. Này Ðại Tuệ ! Pháp Phật nói pháp là lìa tâm tương ứng thể, cảnh giới nội chứng thánh hạnh. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là tướng Pháp Phật nói pháp.

Này Ðại Tuệ ! Sở tác của Phật ứng hóa là ứng Phật nói : Thí, giới, nhẫn, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, ấm, giới, nhập, giải thoát, kiến lập thức tưởng sai biệt hạnh, nói tướng thứ lớp vô sắc tam ma bạt đề của các ngoại đạo. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Ứng Phật sở tác ứng Phật nói pháp tướng.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Pháp Phật nói pháp là lìa khỏi phàn duyên (vin, níu vào duyên), lìa khỏi năng quán, sở quán, lìa khỏi sở tác tướng, lượng tướng.

Này Ðại Tuệ ! Chẳng phải cảnh giới của các phàm phu, Thanh Văn, Duyên Giác, ngoại đạo vì các ngoại đạo chấp trước hư vọng ngã tưởng. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Như vậy nội thân tự giác tu hành thắng tướng thì phải học như vậy.

Này Ðại Tuệ ! Ông phải nên lìa khỏi tướng kiến tự tâm, lấy làm chẳng phải thật.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Thanh Văn thừa có hai thứ tướng sai biệt. Ðó là ở nội thân chứng được Thánh Tướng, chấp trước tướng hư vọng phân biệt có vật.
Này Ðại Tuệ ! Cái gì là nội thân Thanh Văn chứng được Thánh tướng ? Là gọi cảnh giới vô thường, khổ, không, vô ngã vậy, là gọi chân đế, ly dục, tịch tịnh vậy, là gọi ấm, giới, nhập, tự tướng, đồng tướng, tướng nội ngoại bất diệt, thấy pháp như thật, được tâm tam muội, được tâm tam muội rồi được thiền định giải thoát tam muội, đạo quả Tam ma bạt đề bất thoái giải thoát, lìa khỏi chẳng thể nghĩ bàn huân tập biến dịch chết, nội thân chứng được pháp Thánh lạc hạnh, trụ ở Thanh Văn địa. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Thanh Văn nội thân chứng đắc Thánh Tướng.

Này Ðại Tuệ ! Ðại Bồ tát vào lạc pháp tam muội nội chứng Thánh hạnh của các Thanh Văn mà chẳng thủ lấy niềm vui Tịch Diệt Không Môn, chẳng thủ lấy niềm vui Tam ma bạt đề, do thương xót chúng sinh nên khởi phát lực hạnh bản nguyện. Vậy nên Bồ tát tuy biết nhưng chẳng lấy làm cứu cánh.

Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Thanh Văn nội thân chứng thánh tu hành lạc tướng. Này Ðại Tuệ ! Ðại Bồ tát nên phải tu hành nội thân chứng Thánh tu hành lạc môn mà chẳng thủ trước.

Này Ðại Tuệ ! Cái gì là Thanh Văn phân biệt hữu vật chấp trước hư vọng tướng ? Là gọi tướng cứng, ướt, nóng, động của bốn Ðại, tướng xanh, vàng, đỏ, trắng.v.v... không có tác giả mà có sinh ra, tự tướng, đồng tướng, châm chước đo lường tương ứng với A hàm hơn trước thấy khéo nói vậy. Nương vào pháp đó mà hư vọng chấp trước, lấy làm thật có. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Thanh Văn phân biệt hữu vật chấp trước hư vọng tướng.

Này Ðại Tuệ ! Ðại Bồ tát đối với pháp Thanh Văn đó nên biết mà xả bỏ, xả bỏ rồi vào với tướng pháp vô ngã. Vào tướng pháp vô ngã rồi vào nhân vô ngã. Quan sát tướng vô ngã rồi thì thứ lớp vào các địa.   Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Thanh Văn phân biệt hữu vật chấp trước hư vọng tướng. Này Ðại Tuệ ! Cái gọi là Thanh Văn thừa có hai thứ tướng thì ta đã nói xong.

Lúc bấy giờ, Thánh giả Ðại Tuệ Ðại Bồ tát lại bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Lời nói của đức Thế Tôn thường pháp chẳng thể nghĩ bàn, pháp nội thân chứng Thánh cảnh giới, pháp thứ nhất đã nói ở trước. Thưa đức Thế Tôn ! Ngoại đạo cũng nói thường nhân quả chẳng thể nghĩ bàn. Nghĩa này là sao ?

Ðức Phật bảo Thánh giả Ðại Tuệ Bồ tát rằng :

- Này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo nói thường nhân quả chẳng thể nghĩ bàn thì chẳng thành. Vì sao vậy ? Này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo nói thường chẳng thể nghĩ bàn chẳng phải nhân vào tự tướng tương ứng. Này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo nói thường chẳng thể nghĩ bàn mà nếu nhân tự tướng tương ứng thì đây là những pháp gì ? Những pháp gì tỏ rõ hiện nay ? Vậy nên ngoại đạo chẳng được nói Thường chẳng thể nghĩ bàn.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo nói Thường chẳng thể nghĩ bàn thì nếu nhân tự tướng tương ứng thì ứng thành vô thường chẳng thể nghĩ bàn do có tướng của nhân. Vậy nên chẳng thành Thường chẳng thể nghĩ bàn. Này Ðại Tuệ ! Ta nói Thường chẳng thể nghĩ bàn Ðệ nhất nghĩa. Thường chẳng thể nghĩ bàn cùng tướng Ðệ nhất nghĩa tương ứng nhân quả vì lìa khỏi hữu vô, vì nội thân chứng tướng, vì có tướng đó, vì nhân tướng của Ðệ nhất nghĩa trí tương ứng, vì lìa khỏi có không, vì chẳng phải sở tác mà cùng với hư không Niết bàn tịch diệt thí dụ tương ứng. Vậy nên Thường chẳng thể nghĩ bàn. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Ta nói Thường chẳng thể nghĩ bàn chẳng đồng với luận Thường chẳng thể nghĩ bàn của ngoại đạo. Này Ðại Tuệ ! Thường này chẳng thể nghĩ bàn, các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri quả thật là thường pháp vì Thánh trí của chư Phật do nội thân chứng được, chẳng phải cảnh giới của tâm ý và ý thức. Này Ðại Tuệ ! Vậy nên Ðại Bồ tát nên phải tu hành Thường chẳng thể nghĩ bàn Thánh trí hành pháp sở chứng của nội thân.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Thường chẳng thể nghĩ bàn của các ngoại đạo là nhân của tướng pháp vô thường tương ứng. Vậy nên nó là vô thường, chẳng phải nhân vào tướng mà được danh xưng. Vậy nên Thường pháp chẳng thể nghĩ bàn. Này Ðại Tuệ ! Nếu Thường chẳng thể nghĩ bàn của những ngoại đạo thấy pháp có Không mà nói là thường do pháp đó so sánh với trí biết thì nói rằng có Thường. Này Ðại Tuệ ! Ta cũng như vậy, liền nhân pháp này mà tạo tác cái thấy có không. Vô thường ứng với thường. Vì sao vậy ? Vì không có nhân.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo nói, nếu nhân tưởng tương ứng thành thường chẳng thể nghĩ bàn mà do ngoại đạo kia nói, nhân tự tướng có không thì đồng với sừng thỏ. Này Ðại Tuệ ! Thường này chẳng thể nghĩ bàn chỉ là các ngoại đạo.v.v... hư vọng phân biệt. Vì sao vậy ? Vì do không có sừng thỏ mà chỉ hư vọng phân biệt, tướng tự nhân không vậy. Này Ðại Tuệ ! Thường chẳng thể nghĩ bàn của ta chỉ là nội thân chứng nhân của tướng, lìa khỏi pháp tạo tác hữu vô. Vậy nên Thường chẳng thể nghĩ bàn do không có ngoại tướng, thường pháp tương ứng. Này Ðại Tuệ ! Các ngoại đạo.v.v... thấy không có ngoại tướng. So sánh trí biết Thường chẳng thể nghĩ bàn lấy làm thường thì ngoại đạo.v.v... kia chẳng biết Thường chẳng thể nghĩ bàn ! Tướng nhân của mình và tướng nhân của người do nội thân thánh trí chứng cảnh giới tướng vậy. Này Ðại Tuệ ! Những ngoại đạo kia đối với pháp của ta chẳng nên vì họ mà nói.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Các Thanh Văn, Bích Chi Phật sợ sinh tử, vọng tưởng ra khổ mà cầu Niết bàn, chẳng biết thế gian, Niết bàn không có sai biệt. Họ phân biệt tất cả pháp cùng phi pháp mà diệt hết các tướng (căn), chẳng thủ lấy cảnh giới vị lai mà hư vọng thủ lấy làm Niết bàn, chẳng biết pháp tu hành nội thân chứng, chẳng biết A Lê  Gia thức chuyển vậy. Này Ðại Tuệ ! Vậy nên những người ngu đó nói có pháp ba thừa mà chẳng thể biết Chỉ tâm tưởng (tướng ?) diệt thì được pháp tịch diệt (tịnh ?). Vậy nên kẻ ngu, vô trí đó chẳng biết các đức Phật Như Lai Ứng Chánh Biến Tri quá khứ, vị lai và hiện tại tự tâm thấy cảnh giới  mà chấp trước cảnh giới bên ngoài tâm. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Người ngu si đó ở trong vòng sinh tử của thế gian, luôn chuyển chẳng trụ.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Tất cả các đức Phật quá khứ, vị lai, hiện tại đều nói các pháp chẳng sinh. Vì sao vậy ? Vì là tự tâm thấy pháp có, không. Nếu lìa khỏi có, không thì các pháp chẳng sinh. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Tất cả pháp chẳng sinh. Này Ðại Tuệ ! Tất cả pháp như sừng thỏ, sừng lừa, sừng lạc đà.v.v... Này Ðại Tuệ ! Kẻ phàm phu ngu si vọng tưởng phân biệt mà phân biệt các pháp. Vậy nên, tất cả các pháp chẳng sinh. Này Ðại Tuệ ! Tự thể tướng của tất cả các pháp chẳng sinh là nội thân chứng Thánh trí cảnh giới, chẳng phải là tự thể phân biệt hai cảnh giới của các phàm phu vậy. Này Ðại Tuệ ! Chính là A Lê Gia thức ! Tự thể tướng của thân, đồ tư sinh, thế gian, khứ lai... thấy có thể thủ lấy, có thể chuyển lấy. Các phàm phu rơi vào sanh, trụ, diệt, tâm nhị tướng nên phân biệt các pháp, sinh ra có, không. Này Ðại Tuệ ! Ông nên biết pháp như vậy.

Lại nữa, này Ðại Tuệ ! Ta nói, ngũ chủng thừa tính chứng pháp. Những gì là năm ? Một là, Thanh Văn thừa tính chứng pháp. Hai là, Bích Chi Phật thừa tính chứng pháp. Ba là, Như Lai thừa tính chứng pháp. Bốn là, Bất định thừa tính chứng pháp. Năm là, Vô tính chứng pháp.

Này Ðại Tuệ ! Thanh Văn thừa tính chứng pháp là gì ? Nghĩa là nói pháp ấm, giới, nhập, nói pháp tự tướng, đồng tướng chứng trí, lỗ chân lông của thân đó vui vẻ hân hoan, ưa tu trí của tướng, chẳng tu tướng nhân duyên chẳng lìa nhau. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Thanh Văn thừa tính chứng pháp. Tà kiến chứng trí của người Thanh Văn đó lìa khỏi sự khởi dậy phiền não thô, chẳng lìa khỏi phiền não của vô minh huân tập, thấy tướng chứng của thân mình, gọi là lìa khỏi các phiền não trong sơ địa cho đến ngũ địa, lục địa. Việc lìa khỏi đồng rồi, huân tập vô minh phiền não, rơi vào chẳng thể nghĩ bàn chết biến đổi mà nói lên rằng : “Sự sống của ta đã hết, phạm hạnh đã lập, việc làm đã xong, chẳng thọ cái có đời sau... như vậy.v.v... Ta được vào vô ngã của loài người !”. Cho đến họ phát sinh tâm cho là đã được Niết Bàn. Này Ðại Tuệ ! Lại có ngoại đạo khác cầu chứng Niết Bàn mà nói lên rằng : “Giác biết ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, tác giả, thọ giả, trượng phu thì đó là Niết Bàn”. Này Ðại Tuệ ! Lại có ngoại đạo khác thấy tất cả các pháp nương vào nhân mà có nên sinh tâm Niết Bàn. Này Ðại Tuệ ! Những ngoại đạo đó không có Niết Bàn giải thoát do chẳng thấy pháp vô ngã. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Thanh Văn thừa ngoại đạo tính, ở chỗ chẳng phải ly (lìa khỏi) mà sinh ra ly tưởng (tư tưởng lìa khỏi). Này Ðại Tuệ ! Ông nên chuyển tà kiến này mà tu hành hạnh như thật.

Này Ðại Tuệ ! Bích Chi Phật thừa tính chứng pháp là gì ? Nghĩa là nghe nói nhân duyên mà giác ngộ chứng pháp, lông toàn thân dựng đứng, buồn khóc rơi nước mắt, chẳng ưa rối rắm ồn ào. Quan sát các pháp nhân duyên, chẳng chấp trước các pháp nhân duyên, nghe nói đủ thứ thần thông của tự thân, hoặc lìa hoặc hợp đủ thứ biến hóa mà tâm ấy theo vào. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Duyên Giác thừa tính chứng pháp. Ông hãy nên biết thuận theo lời nói của Duyên Giác !

Này Ðại Tuệ ! Như Lai thừa tính chứng pháp là gì ? Này Ðại Tuệ ! Như Lai thừa tính chứng pháp có bốn thứ. Những gì là bốn ? Một là, chứng thật pháp tính. Hai là, ly thật pháp chứng tính. Ba là,  tự thân nội chứng Thánh trí tính. Bốn là, ngoại chư quốc thổ thắng diệu trang nghiêm chứng pháp tính. Này Ðại Tuệ ! Nếu khi nghe nói mỗi một pháp này mà chỉ tâm A Lê Gia thấy đồ tư sinh, thế gian sở y của ngoại thân, cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn mà chẳng kinh, chẳng bố, chẳng úy thì, này Ðại Tuệ ! Ông phải biết người đó chứng Như Lai thừa tính. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là Như Lai Thừa Tính Chứng Pháp Nhân (người) tướng.

Này Ðại Tuệ ! Bất Ðịnh thừa tính chứng pháp là gì ? Này Ðại Tuệ ! Nếu người nghe ba thứ pháp này mà ở trong mỗi một pháp có được niềm vui thì thuận theo vì họ nói. Này Ðại Tuệ ! Nói ba thừa là vì phát khởi tu hành Ðịa. Nói các tính sai biệt chẳng phải cứu cánh Ðịa. Vì muốn kiến lập rốt ráo có thể thủ lấy địa tịch tịnh. Này Ðại Tuệ! Ba thứ người đó lìa khỏi phiền não chướng, huân tập được thanh tịnh, thấy pháp vô ngã, được tam muội lạc hạnh, Thanh Văn, Duyên Giác rốt ráo được pháp thân của Như Lai vậy.

Bấy giờ, đức Thế Tôn một lần nữa nói kệ rằng :
Nghịch Lưu tu vô lậu
Vãng Lai và Bất Hoàn
Ứng Chúng, A La Hán 
Những tâm đó mê loàn (loạn)
Ta nói ba thừa đủ  
Nhất thừa, Phi thừa thêm
Các Thánh giải như thật
Phàm phu chẳng biết thông.
Ðệ nhất nghĩa pháp môn
Xa lìa khỏi hai giáo (nhị giáo)
Với ba thừa lập nên  
Vì trụ chỗ tịch tịnh.
Vô lượng và các thiền  
Tam ma đề vô sắc
Vô tưởng định diệt hết 
Cũng đều không trong lòng.
 
Này Ðại Tuệ ! Vô Tính thừa là gì ? Nghĩa là Nhất xiển đề. Này Ðại Tuệ ! Nhất xiển đề thì không có tính Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì ở trong giải thoát, nhất xiển đề chẳng sinh ra tín tâm, chẳng vào Niết Bàn. Này Ðại Tuệ ! Nhất xiển đề thì có hai thứ. Những gì là hai ? Một là, thiêu đốt tất cả căn lành. Hai là, thương xót tất cả chúng sinh mà tạo tác hết tất cả nghiệp của cõi chúng sinh.

Này Ðại Tuệ ! Sao gọi là thiêu đốt tất cả thiện căn ? Nghĩa là bài báng Bồ tát tạng mà nói lời như vậy. Những kẻ đó chẳng phải thuận theo Tu Ða La (Kinh), Tỳ Ni (Luật) giải thoát mà nói, xả bỏ các thiện căn. Vậy nên chẳng được Niết Bàn.

Này Ðại Tuệ ! Thương xót chúng sinh tạo tác hết nguyện của cõi chúng sinh thì đó là Bồ tát. Này Ðại Tuệ ! Bồ tát phương tiện tác khởi nguyện rằng : “Nếu các chúng sinh chẳng vào Niết Bàn thì ta cũng chẳng vào Niết Bàn”. Vậy nên Ðại Bồ tát chẳng vào Niết Bàn. Này Ðại Tuệ ! Ðó gọi là hai thứ nhất xiển đề không có tính Niết Bàn. Do nghĩa này nên quyết định chọn lấy hạnh nhất xiển đề.

Bồ tát Ðại Tuệ bạch đức Phật rằng :

- Thưa đức Thế Tôn ! Hai thứ nhất xiển đề này thì những nhất xiển đề nào là thường chẳng vào Niết Bàn ?

Ðức Phật bảo Ðại Bồ tát Ðại Tuệ rằng :

- Nhất xiển đề thường chẳng vào Niết Bàn. Vì sao vậy ? Vì do có thể giỏi biết tất cả các pháp bản lai Niết Bàn. Vậy nên chẳng vào Niết Bàn, chẳng phải xả bỏ tất cả thiện căn xiển đề. Vì sao vậy ? Này Ðại Tuệ ! Vì người đó xả bỏ tất cả thiện căn xiển đề mà nếu gặp các đức Phật, thiện tri thức.v.v... phát tâm Bồ Ðề, sinh ra các thiện căn thì liền chứng Niết Bàn. Vì sao vậy ? Này Ðại Tuệ ! Vì các đức Phật Như Lai chẳng bỏ tất cả chúng sinh. Vậy nên, này Ðại Tuệ ! Bồ tát nhất xiển đề thường chẳng vào Niết Bàn.
 

KINH  NHẬP  LĂNG  GIÀ 

- Quyển thứ hai hết -

 --- o0o ---

Quyển 1 | Quyển 2 Quyển 3 Quyển 4 Quyển 5
 Quyển 6 | Quyển 7 Quyển 8 Quyển 9 Quyển 10
 
--- o0o ---
 

Tác giả bài viết: Tuệ Khai cư sĩ
Nguồn tin: Trang nhà Quảng Đức
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 132
  • Khách viếng thăm: 131
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 14217
  • Tháng hiện tại: 1727801
  • Tổng lượt truy cập: 59380734

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile