Thầy còn nhớ thuở nhỏ, thầy bị con của ông hương quản học cùng lớp cậy thế cha nó, luôn ăn hiếp những bạn cùng lớp và thầy cũng là nạn nhân của cậu học trò này. Nó rất dữ, là con nhà giàu, ốm yếu nhưng trong lớp ai cũng phải sợ nó. Thầy không chịu được cách hống hách đó nên đã đấm nó sặc máu mũi. Thầy giáo đã nhốt thầy một ngày, không cho về nhà. Nếu thầy nhịn được việc xấu của nó thì đã không bị nhốt, không bị bỏ đói.
Tuy nhiên, người có trí mới nhịn được; không có trí, dễ nóng nảy, bực tức, dẫn đến hành động sai trái. Có trí sẽ có cách giải quyết tốt hơn. Vì vậy, Đức Phật đề cao trí tuệ, cần có trí tuệ chỉ đạo mọi việc của chúng ta trên bước đường tu. Ở Ta-bà mà không có trí tuệ, nhứt định bị khổ đau, bị đọa.
Chúng ta nhẫn có trí tuệ, đầu tiên phải thấy được thực tế mình đang sống là nên nhẫn hay không và nhẫn bằng cách nào, làm gì. Nếu đánh người, giết người, bị ở tù, tất nhiên người có trí từ chối việc này. Phật dạy đệ tử luôn nhớ giữ giới không sát sanh, không giết người, không hại người. Vì vậy, ý thức rằng đã thọ giới, giữ giới nên chúng ta nhịn họ. Có Phật tử thưa với thầy rằng ông gặp việc ức lòng, nhưng nhớ là ngày rằm đi chùa, nên tha cho họ; vì ông giữ giới, nếu không tha, không nhịn sẽ trở ngại việc tu của mình và làm trái lời Phật dạy thì không được gần Phật, đó là điều đáng sợ nhứt, mà phạm phải, coi như việc tu hành của mình hoàn toàn thất bại. Như vậy, vì Phật, vì tu mà nhịn. Riêng đối với thầy, ai làm gì, thầy cũng nhịn để thực hiện mục tiêu của mình. Thầy thường nói rằng đường còn xa, phải lo đi cho kịp và việc còn nhiều, phải làm cho xong; ở đó gây sự sẽ làm mất thời gian và hư việc của mình. Cái gì tránh được thì tránh liền, nhịn được là nhịn. Có trí, biết đi đường này sẽ gặp ác ma thì mình tránh, đi đường khác, hay đi giờ khác để không gặp. Có trí tuệ thì giải, không trí tuệ tự cột lấy mình.
Trong Hồng danh Pháp hoa mà thầy hành trì hàng ngày, khi nghĩ đến các vị Tổ sư hành đạo gặt hái được kết quả tốt đẹp, thầy làm bài kệ như sau:
Ta-bà kham nhẫn độ
Ứng hóa thọ sanh thân
Hộ trì Như Lai tạng
Lợi lạc chư quần sanh.
Chí tâm đảnh lễ Pháp hoa kinh hoằng thông liệt vị Tổ sư.
Đó là bài kệ thầy tán thán công đức của chư vị Tổ sư và đảnh lễ các ngài, nhờ các ngài gia bị để có được sức kham nhẫn mà vượt qua khó khăn trên bước đường hành đạo. Làm việc gì, thầy cũng nghĩ Phật và các vị Tổ sư còn gặp khó khăn gấp trăm ngàn lần mà các ngài còn vượt qua được. Khó khăn của mình thấm vào đâu, nếu không vượt qua thì làm sao làm được việc lớn. Noi theo tấm gương của các ngài và nương vào kinh nghiệm của các ngài để chúng ta tiến tu.
Sanh ở thế giới Ta-bà này, có thể khẳng định rằng nếu không nhịn thì không sống được. Thật vậy, ta thấy những việc xảy ra xung quanh toàn là những cái bất bằng, khó chấp nhận được; nếu không chấp nhận, chắc chắn là quả báo sẽ tới liền. Ở thế giới này phải chấp nhận những gì xảy đến và phải biết mình đang ở đâu. Nếu chúng ta tu Tịnh độ về Cực lạc thì khác rồi, vì ở đó toàn là thượng thiện nhân và các ngài có trí tuệ đầy đủ, biết tất cả mọi việc, biết mình nghĩ gì, không cần phải nói.
Người có trí sống chỗ nào, biết rõ phải làm gì. Khi chúng ta được ưu đãi của xã hội, biết ngay là người trong xã hội tin tưởng ta thì ta phải làm gì cho họ. Còn họ cho ăn và kính trọng mà cứ nhận đại, không biết gì thì nguy hiểm vô cùng. Sanh ở thế giới này và được kính trọng, vì người nhận thấy ta làm được việc, nhưng ta không làm được theo yêu cầu của họ, họ còn kính trọng hay không. Thí dụ Tổng thống Mỹ được nhân dân tín nhiệm, bỏ phiếu cho làm Tổng thống. Một thời gian sau, họ thăm dò mức tín nhiệm, nếu còn 60% thì tiếp tục làm được. Còn tín nhiệm 50% là một ăn một thua, nhưng nếu sự tín nhiệm sụt xuống chỉ còn 30% thì người có trí tự biết phải rút lui, nhưng khởi lòng tham, cố gắng ngồi lại sẽ rơi vào tình trạng thê thảm như Tổng thống Kadafi ở Bắc Phi, dù giỏi và giàu có cũng kết thúc địa vị bằng cái chết, hoặc ở Việt Nam, Tổng thống Ngô Đình Diệm không được nhân dân tín nhiệm, thậm chí người ta đảo chánh mà ông vẫn bám cái ghế Tổng thống để cuối cùng bị sát hại.
Người có trí tự biết khi không còn được tín nhiệm, dù giỏi cũng không làm được, cho đến bị giết chết. Được tín nhiệm cao, không giỏi cũng làm được. Người có trí theo thế gian là khôn xảo, tìm cách gây khó khăn, hay giết người để bảo vệ vị trí của mình, không phải là người có trí của đạo Phật. Điển hình như Tần Thủy Hoàng ác độc, thủ đoạn, ai chống đối là ông giết, bỏ tù. Người có trí theo Phật thấy việc ác như vậy sẽ lãnh quả báo tương ưng. Thật vậy, Tần Thủy Hoàng ác quá khiến cho nhiều người căm ghét, bấy giờ ông ở trong vòng đai bảo vệ an toàn của cung điện, nhưng nhìn đâu ông cũng thấy có người ám sát làm ông sợ hãi đến mức mất ăn mất ngủ.
Hoặc xưa kia, Nhạc Phi bị Tần Cối hại, nhưng ông thanh thản và nói một câu rất hay rằng ông không làm gì tội lỗi, nên lòng lúc nào cũng yên ổn, thậm chí trước khi chết vẫn an; còn Tần Cối tạo nhiều tội ác thì chắc chắn lúc nào cũng bất an.
Phật tử hãy nghiệm xem nếu mình không làm sai, không làm ác, dù có bị oan vẫn coi như việc bình thường. Người xấu ác, tâm trí không thể nào bình an được.
Khi có trí tuệ theo Phật sẽ nhận ra rằng có trí mới có nhẫn. Người không có trí tuệ, cố gắng nhịn cũng được, nhưng cái nhịn này sẽ khiến họ trở thành cố chấp thì những cái không đáng nhịn cũng nhịn. Nhịn để làm gì và ta được gì mới nhịn. Theo Phật, ở thế giới này phải nhịn, nhưng phải biết nhịn, không phải cái gì cũng nhịn. Người trí là những vị Tổ thể nghiệm pháp nhẫn nhịn để giữ gìn giáo pháp tồn tại trên thế gian làm lợi lạc cho mọi người.
Năm 1963, một số thầy rủ thầy tự thiêu. Mới nghe, thầy thấy việc này có lý, nhưng suy nghĩ lại thấy rõ rằng ai nên tự thiêu và ai không nên. Lúc đó, thầy gặp một người làm trong Phủ Tổng thống chạy trốn đến chùa Ấn Quang báo cho các Hòa thượng biết tối nay ông Diệm sẽ thực hiện kế hoạch Nước lũ, bắt giết hết các thầy. Ai trốn được thì trốn, ai muốn ở tù thì chờ bị bắt. Có một số bạn của thầy nghĩ rằng trốn sang Campuchia để cầu cứu ông Sihanouk giúp đỡ và trích máu viết thơ gửi cho vua Sãi. Những thầy này không nằm chờ chết, không chấp nhận ở tù, nhưng trốn đi để làm được việc giúp cho Phật giáo tồn tại. Trong khi một số thầy khác lại trốn vào chiến khu để cầm súng chống lại chế độ độc tài. Còn những người ở lại chùa chịu chết, chịu tù đày cũng có suy nghĩ làm như vậy để đạt được kết quả tốt đẹp. Điển hình như Hòa thượng Quảng Đức phát nguyện tự thiêu để các thầy tiếp tục tiến tới con đường tu tập. Người có trí nhịn chịu tù đày, chết chóc để người ở bên ngoài hoạt động bảo vệ Phật pháp sống còn.
Có thể thấy thế giới này là thế giới kham nhẫn, nhịn chịu, nhưng có trí tuệ chỉ đạo biết rõ phải làm cách này hay cách khác để dẫn đến kết quả tốt đẹp. Tranh đấu của Phật giáo năm 1963 để đánh thức lương tâm con người. Bồ-tát Quảng Đức thiêu thân tỏa ánh sáng xua tan bóng tối vô minh, thúc đẩy lương tâm con người sống dậy. Thật vậy, kết quả trước tiên, người thân của ông Diệm là ông Trần Văn Chương lúc đó làm Đại sứ ở Mỹ khi nghe tin các thầy bị bắt, ông đã từ chức. Kế đến, Giáo sư Vũ Văn Mẫu làm Bộ trưởng Ngoại giao cũng từ chức, sang Ấn Độ hành hương. Hai việc này đã gây tiếng vang lớn trên thế giới, nên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã cử người sang điều tra việc đàn áp Phật giáo ở Việt Nam. Và ông Tôn Thất Đính làm Tư lệnh Quân đoàn 3 lúc đó ra lệnh bắt các thầy, nhưng sau việc ác này, lương tâm ông thức dậy, nên chính ông đã cầm đầu cuộc đảo chính ông Diệm.
Người trí kham nhẫn theo Phật, chịu chết chóc, tù đày để gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh lương tâm con người hướng thiện, không nhịn chịu chết chóc như con ong cái kiến cho uổng công và không phí phạm sinh mạng quý giá này để còn tiến tu đạo hạnh. Lịch sử đã thể hiện rõ nét rằng nhờ sự kham nhẫn sáng suốt của các nhà truyền giáo trên vạn nẻo đường đã giúp cho đạo Phật tồn tại đến ngày nay và phát triển khắp năm châu bốn biển. Vào thế kỷ XII, khi Phật giáo Ấn Độ bị tiêu diệt, các nhà sư đã qua Miến Điện, Thái Lan, Trung Hoa và một số nước khác. Sự kham nhẫn, chịu đựng, khổ cực của họ để bảo toàn mạng sống, để thực hiện lý tưởng của người tu theo Phật là giữ gìn đạo pháp sống còn trên thế gian soi đường dẫn bước cho nhân loại được thăng hoa trí tuệ và có cuộc sống an lạc. Riêng thầy, trên bước đường tu luôn luôn nhắm đến việc bảo tồn Phật pháp.
Nói đến kham nhẫn, chúng ta hẳn nhớ đến Bồ-tát Quan Âm có sức kham nhẫn lớn nhất. Thật vậy, Ngài là nhân vật thứ hai đứng đầu ở Cực lạc, vì sau khi Phật Di Đà Niết-bàn, Bồ-tát Quan Âm sẽ làm giáo chủ Cực lạc. Vậy mà Ngài vào Ta-bà, chấp nhận làm bà Thị Kính. Quả thực là sức kham nhẫn của Ngài quá lớn khiến cho mọi người ngưỡng mộ Bồ-tát Quan Âm và phát tâm theo Phật. Cái nhẫn này rất có ý nghĩa, chịu đựng này để nói lên điều cao quý nào đó. Cốt lõi bên trong là Bồ-tát, nhưng thân xác bên ngoài thì Quan Âm mang đủ hình tướng, thậm chí chấp nhận hàm oan để thể hiện cho mọi người thấy pháp tu của Phật đem lại kết quả vĩ đại. Hành đạo như vậy, tu như vậy, cuối cùng thành Phật Quan Âm; nếu không kham nhẫn thì cũng là phàm phu trong sáu đường sanh tử.
Kham nhẫn có ý nghĩa, chịu cực khổ để hành đạo. Các bậc chân tu đều tỏa sáng pháp hành này, trong khi chúng sanh chỉ thích hưởng thụ. Tu Pháp hoa, biết rằng hưởng là hết; vì vậy, hành đạo không dám hưởng. Thể hiện ý này, người Việt Nam có câu nói rất hay: “Người ăn thì còn, con ăn thì hết”.
Người nào nghĩ sanh về Cực lạc để hưởng thú vui thì khó về được. Nên nghĩ về Cực lạc theo tinh thần mới. Hòa thượng Trí Hải nói với thầy rằng ngài phát nguyện tụng một ngàn bộ kinh Pháp hoa để cầu nguyện chiến tranh chấm dứt, nước ta hòa bình. Ngài tụng được sáu trăm bộ Pháp hoa thì đất nước thống nhất. Thầy thưa rằng còn 400 bộ để con tụng. Các thầy hỏi làm sao Thượng tọa có thì giờ tụng 400 bộ Pháp hoa khi còn bận biết bao nhiêu việc của Tổng vụ Thanh niên, trong khi Hòa thượng rảnh rang, không làm gì, mà phải mất đến 25 năm mới tụng được 600 bộ Pháp hoa. Nhiều người thường nghĩ rằng tụng một bộ kinh Pháp hoa 28 phẩm phải đọc từ sáng đến chiều mới xong. Có một người kể rằng ông đã tụng một trăm bộ Pháp hoa để vô miền Nam, mọi việc được dễ dàng, nhưng vẫn gặp khó khăn. Thầy nói dù tụng một ngàn bộ Pháp hoa thì cũng gặp khó.
Chúng ta không tụng kinh suông, nếu chỉ tụng cho đủ con số thì tụng cũng như không. Đức Phật dạy rằng chúng ta tụng một câu kinh hay một bài kệ cũng được, vì điều quan trọng là phải phát sanh trí tuệ, có cái nhìn chính xác và làm lợi ích cho người, chứ không phải chỉ tụng văn tự thôi. Thầy hiểu ý Hòa thượng Trí Hải muốn nói rằng ngài sống 25 năm ở miền Bắc, nhưng nay ngài lớn tuổi rồi, nên phần còn lại là xây dựng Phật giáo thì ngài ký thác cho lớp trẻ. Lúc đó, thầy còn trẻ, nên thưa với ngài để thầy tiếp tục làm, tức việc vận động thống nhất và phát triển Phật giáo là bổn phận của người sau phải tiếp tục làm. Chúng ta phải hiểu Hòa thượng đã tụng sáu trăm bộ Pháp hoa nghĩa là ngài đã xây dựng được nền tảng đạo đức trong đạo Phật làm cho người phát tâm tu; đó là việc quan trọng nhất đối với người đệ tử Phật, làm sao để chúng ta thấy đúng, khiến người phát tâm tin Phật, tu theo Phật.
Năm 1963, có mấy ai biết Phật giáo. Vào thời đó, Hòa thượng Thiện Hoa làm Trưởng ban Hoằng pháp, chỉ có bốn mươi đến năm mươi người nghe pháp là tốt rồi, làm gì có mấy trăm Phật tử về giảng đường tu học như ngày nay. Nhờ có cuộc vận động của Phật giáo năm 1963, người dân bắt đầu nghĩ đến Phật giáo, kể cả người làm cách mạng mới biết Phật giáo.
Tụng bốn trăm bộ kinh Pháp hoa còn lại nghĩa là khi đất nước thống nhất thì Phật giáo làm sao phát triển, phục hưng như thời Lý-Trần. Vì yếu nghĩa của kinh Pháp hoa là nâng cao đời sống trí tuệ và đạo đức. Có trí tuệ mới làm được lợi ích cho nhiều người, khiến họ nghĩ đến đạo Phật, sống theo pháp Phật, đạo Phật mới hưng thạnh. Cho đến tất cả mọi người theo Phật là tròn đủ một ngàn bộ kinh Pháp hoa. Thầy nhận lời tụng tiếp bốn trăm bộ kinh Pháp hoa là ý này.
Hòa thượng Trí Hải chuyên niệm Phật Di Đà để về Cực lạc, nhưng ngài nói rằng chỉ về đó vài hôm thôi để nhìn thấy Cực lạc và Thánh chúng rồi nguyện trở lại Ta-bà cùng các thầy chung lo Phật sự. Nói cách khác, về Cực lạc để thấy sự thật là thấy kết quả tu của người trước và học kinh nghiệm của các ngài xong, trở về Ta-bà. Nói đến đây, thầy liền nhớ trong kinh Vô Lượng Thọ có câu chuyện Phật Di Đà xây dựng được Cực lạc, vì Ngài đã đi khắp mười phương để tham quan các Tịnh độ của chư Phật, mới tổng hợp các thế giới Phật mà tạo ra mô hình Cực lạc.
Chúng ta ở Ta-bà không biết cách nào xây dựng Cực lạc, Niết-bàn. Vì vậy, làm sao một lần đi về Cực lạc, Niết-bàn để chúng ta biết các ngài sống thế nào, mới về xây dựng Cực lạc tại Ta-bà. Kham nhẫn của chúng ta để tạo Cực lạc ở Ta-bà.
Ngày trước Phật giáo còn quá nghèo, giảng đường chùa Ấn Quang được coi là lớn cũng chỉ chứa được vài ba trăm người. Từ giảng đường nhỏ này, thầy liên tưởng đến Phổ Môn quán của Rissho Kosei kai có sức chứa đến năm ngàn người. Thầy ước mơ xây dựng giảng đường lớn như vậy và xin Nhà nước cho xây dựng giảng đường chùa Phổ Quang chỉ bằng một nửa của Phổ Môn quán. Tuy nhiên, khi làm giảng đường này rộng được như vậy, có người lại nghĩ làm sao có đủ người đến đây nghe pháp, nhưng đến lễ lớn thì giảng đường này lại trở nên chật hẹp. Trên bước đường tu, thiết tưởng chúng ta nghĩ đến Cực lạc, Niết-bàn, hay Tịnh độ của chư Phật thiết kế đạo tràng như thế nào để chúng ta phỏng theo mô hình trang nghiêm thanh tịnh đó mà xây dựng cho mọi người được an trú ở cảnh giới Cực lạc tại thế gian này.
Mã an toàn:
Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...
Ý kiến bạn đọc