Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Vạn niên huynh đệ - Phần 5

Đăng lúc: Chủ nhật - 25/12/2011 12:20 - Người đăng bài viết: Tịnh Cường
Vạn niên huynh đệ - Phần 5

Vạn niên huynh đệ - Phần 5

Máy Đạo không xa xôi,Quay đầu lại thấy rồi;Thấy ra mau hay chậm,Là do sức tỉnh hồi. Thanh-Sĩ.


Vạn niên huynh đệ 05

 Thanh sĩ Thích Huệ Duyên
****

Càng nhiều lũ quỉ ma lung trạo;
Kẻ lành duyên cần tạo thêm nhiều,
Nặng bao nhiêu thuyền lớn bấy nhiêu,
Quyết độ chúng phải theo thời thế,
2080. Ơn đức Phật nặng vô số kể,
Em há không tìm kế đáp đền,
Duyên cùng đời trước đã tạo nên,
Có lắm kẻ nghe tên liền mến.
Tiếng khuyên dứt một khi nghe đến,
Sẽ nhiều người hướng thiện qui chơn,
Nhờ oai linh của đấng Phật Thần,
Khiến được lắm kẻ lần tỉnh ngộ,
Vẹt gai góc ở trên giác lộ.
Phần của chơn tử đệ rán lo,
2090. Phận con dân và phận làm trò,
Khéo xử vẹn chớ cho dang dở,
Nếu muốn được sum vầy thầy tớ,
Lo cứu dân lo mở lời lành,
Đem cái thân đã muốn quyên sanh;
Để vào chốn sỏi sành dắt chúng,
Nếu để lạnh trứng kia sẽ úng;
Trứng úng rồi hết móng nở con.
Duyên đang nồng rán giữ cho tròn,
Chúng nhẹ dạ hết mòn tâm trí,
2100. Xưa có ông tên là Thắng Kỷ.
Giàu hơn trong lân lý xa gần,
Tánh hiền từ ăn ở có nhơn,
Rất kính mến các tăng nhà Phật,
Mỗi khi gặp các tăng hành khất,
Ông mời về cơm nước cúng dường;
Rồi cầu xin giảng nghĩa Phật đường,
Đã phát nguyện dựa nương Tam-bảo.
Thời buổi ấy ruộng đồng khô táo,
Dân khắp làng cơm gạo thiếu ăn;
2110. Cảnh đói nghèo thê thảm không ngằn,
Ông khui hết kho tàng lúa thóc.
Và gom cả bạc vàng châu ngọc,
Kêu mọi người đói khát đến cho;
Đến các loài rùa trạnh chim cò,
Của kẻ đói bẫy nò (5) bắt được,
Ông mua hết thả ra làm phước.
Khi ấy lòng ông phát nguyện vầy:
Những người nầy những thú cầm này,
Khi lýnh lấy của đây giúp đỡ,
2120. Do duyên nầy đến sau muôn thuở,
Sẽ cùng ta nên nợ Bồ-đề.
Đến chừng nào độ chúng hết mê,
Ta mới mãn lời thề nầy được.
Tên Thắng-Kỷ kiếp em thuở trước,
Lời nguyền kia nay được ứng thành,
Những người nghèo những vật phóng sanh,
Phần lớn đã chuyển lên cõi thế,
Họ đang chờ đợi em cứu tế,
Đúng như lời đã thệ xưa kia,
2130. Em mau tìm độ họ khỏi mê,
Đang trong cảnh thuyền bè gió tạt;
Họ chưa rõ thông đường giải thoát,
Em mau tay dìu dắt họ đi,
Nếu chần chờ huốt mất thời kỳ.
Đâu thỏa chí từ bi ôm ấp,
Đạo sĩ đem chuyện xưa kết lập,
Khiến cho ta bỗng trực nhớ ra;
Lầu tiên được gặp cụ già,
Cụ lại bảo là nhà Thắng-Kỷ.
2140. Cụ liền cất lên ngâm bài lý :
Giống nằm tận dưới đất sâu,
Mưa xoi nắng đục nay đầu trồi lên,
Một lời xưa đã nguyện nên,
Nay nhiều kẻ đứng đợi trên trần đời.
Màn đời sắp hạ chiều mơi,
Há không lo gọi những người còn mê.
Cụ chỉ nói sơ qua như thế,
Rồi biến đi không kể chi thêm.
Nay bất ngờ trong khoảng thâu đêm,
2150. Được Đạo Sĩ căn nguyên kể nốt.
Tự thấy lòng ta như châm đốt,
Bắt lo âu hơn phút vừa qua,
Đáng lo âu gấp bội nữa là,
Gánh nặng, gặp đường xa, thân yếu;
Biết sao mọi người thông đạo diệu,
Sớm giúp ta kết liễu lời nguyền,
Khi lòng người còn lắm đảo điên,
Ta vẫn thấy không yên trong trí.
Như đã hiểu rõ lời ta nghĩ,
2160. Đạo sĩ đưa tay chỉ thẳng xa;
Rồi tự nhiên ở trước mặt ta.
Vách phòng bỗng nhiên đà tan mất,
Hiện ra một con sông trong vắt,
Ngài chỉ vào dòng nước bảo rằng:
Dòng nước nầy có phải yên chăng?
Thuyền nặng mấy vẫn hằng chở nổi.
Đường xa mấy vẫn là chảy tới,
Ngày như đêm cứ nối chảy luôn;
Dù có nhiều vật cản ngăn luồng,
2170. Vẫn chiều để mà tuôn không nghỉ.
Đạo sĩ ngắm dòng sông chăm chỉ,
Rồi tự nhiên trong ấy ứng thinh:
Từ xưa lâu trước đến lâu sau
Tánh yếu mềm hơn các thứ nào,
Xa mấy vẫn đi, đi tột chỗ,
Nặng bao cứ chở, chở không nao.
Giúp cho nhơn vật khi khao khát,
Nhuần thắm cỏ cây lúc héo xào,
Tùy ý muôn loài cần cứ lấy;
2180. Ít nhiều chẳng tiếc với ai đâu.
Em nghe chăng những câu thơ ấy,
Há lại không nhận lấy làm gương,
Giúp muôn loài khắp chốn cùng phương;
Nặng chẳng mỏi xa đường không chán.
Hình tròn méo dài vuông bất hạng,
Vẫn uốn chiều theo đặng như thường;
Người hung sùng hoặc kẻ hiền lương,
Vẫn giúp khỏi những cơn khao khát.
Từ xưa mát đến nay vẫn mát,
2190. Mặc dù ai cạy bát thế nào;
Từ nguồn sâu chảy đến lung bàu,
Làm tươi cả cành lau cọng cỏ.
Trên đường đi giúp cho muôn họ,
Bị cản ngăn thường có biết bao;
Thông đi nhanh, bít thấm lần vào,
Làm theo ý chỗ nào không ngại.
Vẫn đi tận vào trong các loại,
Mời đến liền không chối từ ai;
Ai muốn xài thì cứ lấy xài,
2200. Chẳng hề tiếc với ai một nhỏ,
Nổi sóng lên vì là phất gió,
Tánh vẫn bình nào có giận ai;
Trái lại thường ngăn chận họa tai,
Và làm mát những ai nóng nực.
Xưa nay tánh dung hòa một mực,
Thời đại nào nhân vật cũng cần;
Sớm gần dân chiều vẫn gần dân,
Thành thị đến thôn lân đều dụng.
Ai lại chẳng vui đem vào bụng,
2210. Vắng một ngày ai cũng ngóng trông;
Kẻ chạy Tây, người lại chạy Đông,
Xa mấy cũng ra công tìm kiếm.
Quên lao khổ quên nơi nguy hiểm,
Lòng khát khao tới điểm cực cùng;
Giờ chẳng dùng lát nữa phải dùng,
Ai dám nói rằng không cần tới.
Trên quả đất bất kỳ các giới,
Đều nhận cho ích lợi phi thường;
Một cọng rau nhỏ mọc bên đường,
2220. Cũng nhờ có thấm nhuần mới sống;
Tình khắn khít các loài rất rộng.
Chớ không riêng vì giống cá tôm,
Cứ đi luôn bất luận đêm hôm;
Lo tươi tỉnh khắp cùng quả đất.
Người tu nhân hay là tu Phật,
Há không theo tánh nước mà tu,
Được liệt hàng chánh đạo chơn sư,
Hay được gọi trượng phu quân tử.
Tánh tình như nước kia một thứ,
2230. Cần dường bao! Đại sự dường bao!
Cứ theo đây hôm sớm giồi trau,
Quả đất dẫu bao cao cũng tới.
Nếu có thật như lời ta nói,
Xin tàng cây kia đối lại dùm,
Từ trên cây nhánh lá um tùm,
Bỗng ứng một bài ngâm thảnh thót:
Hơn một ngàn năm đứng tại đây,
Chính ngay bên cạnh gốc cây này,
ĐÃ nhiều tăng sĩ siêu Tam giới,
2240. Có lắm thiền sư đáo cõi Tây.
Do quán tâm trong như bích thủy,
Nhờ trau tánh khí tợ nguồn khai,
Thí luôn không nghĩ, trong nên dạng,
Được vậy chẳng thành ta héo ngay.
Cơ huyền bí dễ ai thấy mối,
Chỗ không không lại nói ra lời,
Thấy cảnh mầu nghe tiếng diệu vời,
Ta vừa kính vừa vui không xiết.
Tàng cây xanh bên dòng nước biếc,
2250. Trên trời thanh che khắp cảnh trần;
Đứng bên mình một vị chơn nhân,
Tướng tốt đẹp kẻ trần khó sánh;
Cặp mắt sáng như sao lóng lánh,
Râu dài phơ trên mảnh áo dà,
Thân đoan trang nét mặt hiền hòa
Trông liền biết ngay là Thánh hóa,
Lời thao thao như nguồn xối xả,
Khéo dạy khuyên khéo tả nhiều câu;
Từ trên sông phẳng lặng một màu,
2260. Tự nhiên phát nhiều câu thi Thánh,
Nào ủy khúc tùy hình chi tánh;
Nào vị tha cứu cánh chi tâm.
Lời thanh bai ý vị thâm trầm,
Vang trên mặt nước đang êm lặng,
Mầu vô tận, nhiệm không kể đặng,
Nh.n cảnh trần mất dạng hồi nào,
Những ưu sầu lo ngại đớn đau,
Không còn thấy lẫn vào trong trí.
Đồng thờ ngắm cảnh do thần bí,
2270. Trong lòng ta đã nghĩ thầm rằng;
Chẳng vì riêng ta có thiện căn,
Đạo sĩ dụng phép thần cho thấy.
Mà là chính Ngài vì nhơn loại,
Mới làm cho ta thấy cảnh này;
Để truyền cho nam nữ được hay,
Có sớm tỉnh lòng say vật dục.
Nên Ngài mới chỉ rành trong đục,
Lòng thương không kém đức mẹ cha,
Ước mong rằng khắp hết trẻ già,
2280. Lời nầy được nghe ra liền giác.
Sợ mất đạo hơn là sợ thác,
Năng rèn lòng chay lạt kệ kinh,
Tự chùi lau trong sạch tánh tình;
Ôm chặt một lòng tin đức Phật.
Mặc gai góc mặc lời đố tật,
Niệm từ bi để lánh cho qua;
Dịp huốt rồi khó kiếm sao ra,
Rán chịu khổ để mà thoát khổ.
Từ trong cây trái bông được trổ,
2290. Cũng từ cây sâu bọ sanh ra;
Thành cũng ta mà bại cũng ta,
Tâm Phật được tâm ma cũng được.
Phải gạn xét như người lọc nước,
Đục và trong cố lượt cho ra;
Ma hung gian Phật vốn hiền hòa,
Chơn là Phật, nguỵ là ma quỉ.
Thể theo đó mà suy xét kỹ,
Tội sẽ không mang lấy vào mình;
Tội nếu không, phước đức ắt sinh,
2300. Phước đức vốn phép linh giải nạn.
Ước gì khắp Bắc Nam các hạng,
Đều được trông thấy đặng cảnh này;
Có tan lòng ngờ vực xưa nay,
Lo tu để kịp ngày thiên định.
Đạo sĩ liền khoát tay cái mạnh,
Trở lại y gian cảnh phòng ta;
Ngài rằng: em vừa đã nghe qua,
Lời ấy chẳng phải là lời ngụy.
Thuở xưa có một ông Đạo sĩ,
2310. Họ là Lưu tên thị là Năng;
Từ nhỏ đà vào cửa nhà tăng,
ĐÃ giữ mấy mươi năm chay giới.
Nhưng bổn tâm chưa tìm ra mối,
Trong ýluôn thấy rối không ngừng,
Một hôm kia trong dạ bần thần,
Ông liền mới đi lần đến đấy,
Dưới cội cây em trông khi n.y,
Ông liền dừng chân lại một hồi,
Để ngắm xem dòng nước đang trôi;
2320. Rồi ông bước đến nơi mé nước,
Ông vừa mới cúi mình đến trước,
Định lấy tay khoát nước rửa mày,
Liền từ trong đáy nước sâu dày,
Cả mặt mũi chơn tay hiện rõ,
Ông thấy rồi tâm liền sáng tỏ,
Rằng: tâm và nước có khác chi.
Nhờ tánh trong bất luận vật gì,
Cũng hiện rõ như y thật cảnh,
Nghĩ rồi ông quầy chơn đi mạnh,
2330. Trở lại ngồi bên cạnh gốc cây,
Quán tánh trong như nước bảy ngày,
Ý rối loạn xưa nay đều tịnh.
Thoắt một cái đã vào đại định,
Được thấy ra bổn tánh Như Lai.
Chính mé sông em mới thấy đây,
Chỗ chứng quả của ngài Đạo sĩ.
Mê với ngộ cách nhau một tí,
Mấy mươi năm chỉ trị một giây;
Đạo sĩ liền cất giọng khoan thai:
2340. Động đó liền tịnh đó,
Chỉ do một cái ngó,
Ý loạn mấy mươi năm;
Tiêu tan như mây gió.
Thường rửa mặt mỗi ngày,
Cũng một thứ nước đó,
Sao chẳng mở được tâm,
Bởi vì khác cách ngó,
Ngó tánh nước năng soi,
Hiểu được tâm rất khó;
2350. Nếu chỉ ngó bằng thường,
Mà được sự sáng tỏ,
Thì độ trong một ngày,
Thành Phật hết đâu khó.
Chẳng riêng ngó nước không,
Cho đến ngó nầy nọ;
Nếu dung hội được tâm,
Bổn lai cũng sẽ rõ.
Phàm Thánh thân giống nhau,
Chỉ khác nơi cách ngó;
2360. Mong tất cả chúng sanh,
Cách ngó nầy được có,
Hầu sớm mở tâm mê,
Để đi về Tịnh độ.
Xương thịt là hoa sen,
Có hào quang chiếu tỏ,
Dung mạo đẹp khác phàm,
Trên Liên đài sáng rõ.
Không bịnh cũng không già,
Sự chết chóc đâu có;
2370. Chính người ở cõi này,
Mới thật là trường thọ.
Muốn gì liền có ngay,
Khỏi phải ra công khó;
Có chim ngâm kệ mầu,
Có nhạc trỗi trong gió.
Khó niệm Phật Di Đà,
Trong khi gặp lửa đỏ;
Lời nầy hãy nên tin,
Chớ nên lòng ngờ bỏ.
2380. Tu sớm được một ngày,
Thân sớm ngày giải khổ;
Cái chết thúc bên lưng,
Lòng niệm Phật cần có.
Lời nầy em hãy mau kể rõ,
Cho nam nữ lớn nhỏ được tường;
Rán niệm câu Cực Lạc Tây Phương,
Cầu Phật độ khỏi đường sanh tử.
Hãy chịu khó làm lành lánh dữ,
Chớ cho lòng lưỡng lự chần chờ;
2390. Phải gắng tu cho kịp ngày giờ,
Kịp Long Hội, kịp cơ biến hóa.
Chúng phần lớn đang chung khổ quả
Nghiệp từ lâu nay đã thành hình;
Nếu tạo thêm nhiều việc bất lành,
Càng thêm lắm xuất sanh tai khổ.
Lòng thương chúng quyết tâm cứu độ,
Em chớ quên khuyên dỗ người đời;
Ta cúi đầu xin nguyện vâng lời,
Đem kể hết những nơi nghe thấy.
2400. Hoặc nói ra hoặc nêu trên giấy,
Làm cho đời sớm dậy cơn mê,
Mặc xác phàm có lắm ủ ê,
Miễn bá tánh sớm về đường chánh.
Đây thường thấy rất nhiều khổ cảnh,
Giữa loài người tranh cạnh miếng ăn;
Khiến cho lòng đau đớn ngày hằng,
Nên rất muốn nhơn sanh hướng thiện.
Được một người thật tâm tu luyện,
Nó đã bày ra trước con người,
Sẽ đỡ ra một chuyện rối ren;
2410. Càng nhiều người đạo hạnh tập rèn,
Càng bớt được nhiều con sâu bọ.
Bởi ích kỷ chiến tranh mới có,
Không từ tâm mới nỡ hại người;
Xem xét kỹ ai người không thấy.
Càng thấy cảnh máu người tay dấy,
Lòng càng mong nhơn loại hòa bình;
Nên muốn cho ai cũng hiền minh,
Có lòng biết yêu mình lẫn kẻ.
2420. Trên sự sống lòng vui san xẻ,
Giúp nhau không lấy lẽ hiếp nhau;
Bất luận là việc lợi ích nào,
Đều thành thật đổi trao dạy chỉ.
Sống bác ái sống đời đạo lý,
Sống ngoài vòng ích kỷ đê hèn,
Ai cũng đều nhờm thói ố hoen;
Biết khắc kỷ biết nên phản tỉnh,
Đạo sĩ rằng : lời em rất chính,
Anh cũng là đồng tính thế ni,
2430. Và chính như các đấng từ bi,
Cũng đều ước mong y lẽ đó.
Quang cảnh nầy kíp chầy sẽ có,
Nhưng phải qua khăn khó nhiều phen;
Kẻ yêu đời cần phải đua chen,
Mới có thể đổi nên hoàn cảnh.
Em là một trong từ bi tánh,
Cần ra tay cho mạnh thêm lên,
Sự lao tâm khổ xác nên quên,
Cứ nhắm thẳng vào nền hoằng hóa.
2440. Cứu đời khỏi sông mê mới hả,
Y lời nguyền từ cả xưa nay;
Không nên cho thệ ý mòn phai,
Chẳng dừng bước lướt nơi gai bớm.
Phải có đủ tinh thần can đởm,
Mới dìu đời khỏi chốn lao lung,
Phật còn không đành hưởng thung dung,
Trong lúc chúng sanh còn mê muội;
Huống mình dấu chơn Ngài quyết nối,
Há ngồi an phòng nội được sao.
2450. Cũng phải nên lo liệu cách nào,
Để cứu khách trần lao thoát khổ.
Chúng đang bị màn đời cám dỗ,
Lòng say mê đến độ cực cùng;
Tánh tình lần biến đổi ác hung,
Chẳng còn biết hiếu trung đạo lý.
Chỉ biết sống cho thân phì mị,
Sống theo lòng ích kỷ tổn nhơn;
Cứ mãi lo phụng sự riêng thân,
Sống theo lối dục trần đê tiện.
2460. Lo thỏa mãn tấm lòng say nghiện,
Chẳng màng nghe những tiếng thị phi;
Mặc cho thân có lắm vết tì,
Miễn là được hưởng thì sung sướng.
Điều cao khiết chúng không hề tưởng,
Chỉ lo làm lo hưởng hiện thời;
Chẳng nghĩ câu báo ứng nay mơi,
Cho nên dễ phạm nơi tội lỗi.
Thấy sanh chúng khinh thường việc tội,
Phật nóng lòng như xối nước sôi;
2470. Lịnh cho chư Bồ tát xuống đời,
Lo kêu gấp cho người tỉnh ngộ.
Giả đủ hình ẩn mình khắp chỗ,
Tùy mọi phương dạy dỗ chúng sanh;
Miễn cho người bỏ dữ theo lành,
Thân đâu quản bùn sình lao khổ.
Nếu có kẻ đường tu ái mộ,
Dù mấy dơ dù chỗ mấy xa;
Cũng đến nơi và cũng tùy hòa,
Chịu đủ cách để mà hóa độ.
2480. Quyết dắt người vào nơi Phật lộ,
Thân ra sao cũng chớ hề màng;
Đồng tâm hồn cứu độ nhân gian,
Em khéo bẻ cho an tay lái.
Miễn bá tánh được lòng tu cải,
Mặc cho thân dơ dáy đừng nao;
Thân tuy dơ mà chí thanh cao,
Sự dơ ấy lòng nào e ngại.
Vào bùn mới cành sen được hái,
Lời cụ già đã dạy cho em;
2490. Chớ núng nao phàm xác luốc lem,
Đem thân ấy lẫn chen khắp đất.
Dắt hết người có căn Tiên Phật,
Mặc cho đời thử thách dường bao;
Khổ càng nhiều đạo quả càng cao,
Muốn bắt cọp phải vào hổ huyệt.
Ngài liền ngâm bài thơ thống thiết:
Xưa cũng như nay vẫn một đàng,
Đầy lòng ưu mẫn khắp nhơn gian;
Quên ăn lúc thấy người làm tội,
2500. Bỏ ngủ khi nghe kẻ mắc nàn.
Mẹ mến yêu con âu có một,
Phật thương xót chúng gấp muôn ngàn;
Theo chiều đâu cũng ra tay độ,
Mất mạng hao tài chẳng tiếc than.
Dấu hiền cha, chơn con khá giẵm,
Em đừng quên soi tấm Phật gương;
Phải cho thân trải tuyết dầm sương,
Để thực hiện tình thương nhơn loại.
Thấy ai có làm điều chi sái,
2510. Trách buồn nhưng khuyên dạy cạn lời;
Chớ nên noi theo lối người đời,
Buồn ai chẳng muốn cho gặp mặt.
Bởi mê dốt lỗi lầm vướng mắc,
Nên ra tay dìu dắt cho người;
Há làm ngơ để bụng ngạo cười,
Chẳng chỉ vẽ những nơi thiếu sót,
Ở đời sự lỗi ai đâu lọt,
Cần dạy nhau phải tốt hơn không,
Người lỗi mình ngồi để mắt trông;
2520. Khi mình lỗi khó mong người chỉ.
Kẻ chỉ dạy phải cho thành ý,
Người lỗi lầm nên thị nhận ngay,
Thì tự nhiên không việc gỗ gây,
Kia cũng tốt mà đây cũng tốt;
Biết đổi trao với tình thiết cốt,
Dù cho người mấy dốt cũng thông,
Tội có đâu lang lợp cả đồng,
Ai lo nấy chớ không ai tiếp.
Chữ tương tồn với câu tương hiệp,
2530. Mong người đời được thuộc nằm lòng;
Để giúp nhau bớt lúc cay nồng,
Kẻ dư quá người không hề đủ.
Đành căn kiếp người bần hay phú,
Do nghiệp xưa hoặc sức làm nay;
Có làm nhiều tất có nhiều nhai,
Xưa nhơn đức ngày nay phú quí.
Kẻ nghèo bởi nghiệp xưa ích kỷ,
Hoặc nghiệp nay chẳng chí công làm;
Vì vậy nên đâu đó chẳng kham,
2540. Lẽ sống của nhơn gian như thế.
Tuy nhiên nếu người đồng tương tế,
Đời sống liền cải chế được ngay;
Nghiệp oan không cơ hội kéo dài,
Giống khổ bị khô mày khó mọc.
Vui hoặc khổ do người làm gốc,
Người năng sanh xuất vật nọ kia,
Nếu người đồng hiệp lại một bề,
Lấp bằng biển và tề bằng núi.
Điều nầy há lại không nghe tới,
2550. Để hợp nhau mở lối bình minh;
Bỏ đi lòng chỉ biết riêng mình,
Lo nghĩ đến cái tình nhơn loại.
Cái tình ấy phải cho tồn tại,
Dù ở bao thời đại biến thiên;
Tình ấy còn thiên hạ bình yên.
Tình ấy mất đảo điên bá tánh,
Tình ấy nhiều là nhiều sức mạnh;
Tình ấy tan sẽ tán oai quyền,
Tình ấy sâu thành Phật thành Tiên.
2560. Tình ấy cạn nên ma nên quỷ,
Tình ấy có, có người tùng thị;
Tình ấy không, không trị được ai.
Tình ấy đầy tâm trí mắt tai,
Ngôi Phật sẽ có ngày kế tự.
Vậy em khéo gọi hàng nam nữ,
Tình ấy nên giữ chặt vào lòng;
Ai cũng thương ai cũng xử công,
Chớ chia rẽ giống dòng Nam Bắc.
Tánh nhơn ngã dễ làm gây giặc,
2570. Không tánh nầy tất hết giết nhau;
Khắp Bắc Nam bất luận người nào,
Nên cố gắng trừ mau tánh ấy.
Người được biết tu hành trai giái,
Tánh ng. nhơn càng phải sớm rời;
Chỉ biết lòng yêu khắp người đời,
Không ý biệt phân người quen lạ.
Sống ngoài cái tánh tình nhơn ng.,
Không trọng giàu chẳng dạ khinh nghèo;
Luôn đem mầm bác ái rải gieo,
2580. Cho đâu đó bớt điều thù hận.
Giặc chẳng phải tự nhiên khai hấn,
Mà do người vì giận hoặc tham;
Giận với tham hỏi tại đâu làm?
Trả lời: vốn tánh phàm nhơn ngã.
Trừ nó được mới là thong thả,
Còn vương mang còn họa liên miên;
Ví dù cho là bậc Thần Tiên,
Còn đeo nó còn huờn phàm tục.
Em khá nhớ ra tay kêu thúc,
2590. Các sắc trần chớ bận lòng mê,
Mê chẳng được chịu bề lao khổ
Kẻo bá gia quên phút ra về;
Cảnh nguy thể nay gần miệng hổ,
Chẳng thương nhau đừng có trách than;
Sống riêng thân là sống khốn nàn,
Biết ngược lại sẽ an lạc phận.
Kêu đời chẳng chịu nghe phát giận,
Như thấy người đánh lẫn con cờ;
Giận nhưng mà không nỡ làm ngơ,
2600. Cố kêu mãi để cho cải hối.
Lòng yêu chúng tràn trề tim phổi,
Dù sao sao cũng nói dạy luôn;
Xông lướt qua gió thảm mưa buồn,
Đem mảnh áo nâu sồng che khắp.
Ai chưởi mắng cũng đành tai lấp,
Niệm A-Di-Đà Phật đi qua;
Nay không duyên người chẳng nghe ta,
Nên ngâm giống để mà sau rải.

Tác giả bài viết: Thanh sĩ Thích Huệ Duyên
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 332
  • Khách viếng thăm: 331
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 21322
  • Tháng hiện tại: 871284
  • Tổng lượt truy cập: 60311301

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile