Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Sư TỔ TÔNG VIÊN QUANG

Đăng lúc: Thứ hai - 04/06/2012 08:24 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Sư TỔ TÔNG VIÊN QUANG

Thiền Sư TỔ TÔNG VIÊN QUANG

(1758 - 1827)-(Đời pháp thứ 36, tông Lâm Tế)

Thiền sư Viên Quang, húy Tổ Tông, chưa rõ tên họ thật, có thể là người Minh hương (người Việt lai Trung Hoa) vì ông nội của Sư là một trong số tướng sĩ trong đạo quân của Tổng binh Cao Lôi Liêm Trần Thượng Xuyên của nhà Minh không chịu thần phục nhà Thanh, nên bỏ Trung Hoa qua Đàng Trong (Đại Việt) xin thần phục chúa Nguyễn vào năm 1679, được chúa Nguyễn cho vào làm ăn sanh sống ở Đồng Nai. Tổng binh Trần Thượng Xuyên đã định cư ở vùng Bàn Lân, sau dời lên vùng Tân Lân (trung tâm thành phố Biên Hòa ngày nay) và phát triển cù lao Phố (xã Hiệp Hòa ngày nay) thành một thành phố lớn, đồng thời là một giang cảng quốc tế, gọi là “Đại Phố Đồng Nai” (Đồng Nai Đại Phố).

Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang cùng Trịnh Hoài Đức [Trịnh Hoài Đức (1765-1825)] thường đến chùa Đại Giác tại Đại Phố Đồng Nai để lễ sám. Sau đó, lớn lên Thiền sư Viên Quang tiếp tục tu hành, Trịnh Hoài Đức theo nho học, và ra làm quan dưới thời vua Gia Long và Minh Mạng, được thăng đến chức Hiệp Biện Đại Học Sĩ, tước An Toàn Hầu.

Lúc còn nhỏ, Thiền sư Viên Quang đã tu học ở chùa Đại Giác, Trụ trì là Hòa thượng Thành Đẳng Minh Lượng.

Khi lớn lên, Thiền sư Viên Quang qui y thọ giáo với đệ tử của Hòa thượng Thành Đẳng là Thiền sư Phật Ý Linh Nhạc, là vị khai sơn chùa Từ Ân ở Gia Định (năm 1744).

Thiền sư Viên Quang tu học từ nhỏ giỏi chữ Hán, chịu khó và chăm chỉ tu hành, nghiên cứu nhiều kinh sách, từ kinh sách Phật giáo đến các môn học khác như sách Nho học, Lý dịch, Địa lý... nên uyên thâm cả Phật học và Nho học. Với sức học uyên bác đó, Thiền sư Viên Quang được thầy cử thay thầy diễn giảng kinh pháp cho tăng chúng  ở  chùa.

Năm Nhâm Thìn (1772), chùa Giác Lâm khuyết thầy Trụ trì, nên Phật tử chùa này đến chùa Từ Ân xin Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc cử Sư đến hoằng hóa. Thiền sư Viên Quang được thầy bổ đến Trụ trì tại chùa Giác Lâm xã Phú Thọ, huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn (thành phố Hồ Chí Minh ngày nay).

Khi về chùa Giác Lâm, Thiền sư Viên Quang đã là một vị cao tăng uyên bác với tâm nguyện phổ hóa Phật pháp, Thiền sư Viên Quang mở rộng chùa Giác Lâm thành Phật học xá, thông báo cho chư tăng khắp nơi ai muốn tham học Phật pháp thì đến chùa Giác Lâm. Chùa đài thọ cho học tăng mọi phí tổn, từ việc ăn uống đến kinh sách, tập bút...

Thiền sư Viên Quang đứng ra thuyết giảng kinh pháp, vừa lo cả vấn đề tài chánh cho chùa. Phật học xá này hoạt động suốt hai mươi mấy năm, mà chi phí cho chùa vẫn được đầy đủ, sung túc.

Năm Mậu Ngọ (1798), Thiền sư Viên Quang phải tạm cho học tăng nghỉ học một thời gian để lo đại trùng tu lại chùa Giác Lâm, vì chùa đã bị hư mục sau khi được lập đến hơn nửa thế kỷ (lập năm 1744). Chùa Giác Lâm do cư sĩ Lý Thoại Long đứng ra quyên góp tiền của bá tánh để xây dựng, nên chùa cất bằng cây thường và không mỹ thuật, cột kèo bằng cây tạp nên mau hư mục. Thiền sư Viên Quang cho xây cất chùa lại bằng các loại gỗ quí, cây to, có cây to đến nỗi hai mươi người vẫn chưa khiêng được. Gỗ, ngói được chuyển đến bằng đường thủy. Gỗ quí từ rừng đưa về, được chở bằng thuyền hoặc kết bè, mà chùa Giác Lâm cách xa bến sông đến 2km. Gỗ được đưa từ rừng, xuôi theo sông Đồng Nai, đổ vào sông Bến Nghé, theo rạch Ông Bường, ghé vào bến ở trên bờ rạch Hổ Đất. Từ rạch Hổ Đất đưa về chùa bằng xe trâu. Có nhiều cây to quá, xe trâu kéo không muốn nổi. Cây gỗ chuyển về bến ở rạch Hổ Đất quá nhiều nên Thiền sư Viên Quang phải cử sư Hương đăng của chùa Giác Lâm xuống đó lập am tranh vừa tu hành, vừa giữ gỗ. Chùa phải xây cất trong nhiều năm mới hoàn thành (1798-1804), ông Hương đăng ở bến lo giữ gỗ vẫn chuyên cần công phu, lại khéo léo tu bổ trang trí biến am tranh thành một am thờ Bồ-tát Quan Thế Âm rất đẹp.

Năm Giáp Tý (1804), việc xây cất lại chùa Giác Lâm được hoàn mãn, chùa được dựng với cột gỗ rất quí, cột được làm bằng lõi cây, đường kính bốn, năm tấc tây nên rất chắc, không bị mối mọt và mục nát. Muốn có cột to với lõi cây như thế, cây nguyên của nó đường vòng phải đến hai người ôm mới hết, các thợ mộc phải đẽo gọt rất công phu và mất nhiều thì giờ. Ngoài ra, các câu đối được khắc ngay trên cột, nên các tấm liễn này cũng rất bền chắc; các chữ Nho khắc trên cột rất mỹ thuật, lớp vàng mạ sơn lên chữ Nho làm bằng vàng tốt nên chữ vẫn còn màu vàng sáng óng ánh, không bị mờ đen, lớp mạ không bị tróc vỡ.

Hiện trong chùa Giác Lâm còn hai tấm liễn có ghi như sau:

Vạn pháp đài trung tuyên tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận.

Đại hùng bảo điện diễn tam thừa, chúc Hoàng vương thánh thọ nguyện quốc thái dân an.

(Trên đài Phật pháp, truyền Tứ đế, đáp hồng ân Phật Tổ, cầu mưa hòa gió thuận.

Nơi điện Phật Tổ, diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương sống thọ, nguyện đất nước thái bình dân an.)

Trên hai câu liễn có khắc các hàng chữ nhỏ: “Gia Long tam niên Giáp Tý, thái tuế trọng Đông, kiết đán” và “Mộc Ân đệ tử, thiện tín chúng đẳng khẩn bái phụng cúng”; cho chúng ta biết được; Phật tử Mộc Ân và thiện nam tín nữ khẩn thành lễ bái và phụng cúng vào ngày tốt, trọng Đông (tháng 11) năm Giáp Tý, niên hiệu Gia Long thứ ba (1804).

Sau khi chùa hoàn thành, Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tiếp tục khai giảng kinh luận trở lại, chư tăng ở các tỉnh tựu về theo học rất đông.

Khoảng năm 1816-1820, An Toàn Hầu Trịnh Hoài Đức được Gia Long cử làm Hiệp Tổng Trấn “Gia Định Thành” (gồm 6 tỉnh Nam kỳ sau này). Trong thời gian này, trong một dịp lễ ở chùa Tập Phước (xã Bình Hòa, Gia Định), tình cờ Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức gặp lại Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang, là bạn cũ từ thuở thơ ấu ở quê ngoại, cảm hứng thành bài thơ ngũ ngôn rất đặc sắc, thể hiện trình độ thâm hiểu Phật pháp sâu xa và tâm chân thực của một bực trí giả liễu ngộ lý đạo và hành thâm Phật đạo:

          “Ức tích thái bình thì,

          Lộc Động phương thịnh mỹ,

          Thích-ca giáo hưng sùng,

          Lâm ngoại tổ phú quí.

          Ngã vi thiêu hương đồng,

          Sư tác chi giới sĩ,

          Tuy ngoại phân thanh hoàng,

          Nhược mạc khế tâm chí.

          Phong trần thứ lương bằng,

          Thế giới nhập ngạ quỉ,

          Bình ngạnh nhậm phù trầm,

          Bào ảnh đẳng sanh tử.

          Yểm tứ thập dư niên,

          Hoàn thuấn tức gian sự,

          Tây giao thích nhàn hành,

          Sơn môn ngẫu tương trị.

          Ngã Hiệp Biện Trấn Công,

          Sư Đại Hòa thượng vị,

          Chấp thủ nghĩ mộng hồn, 

          Đàm tâm tạp kinh quí,

          Vãng sự hà túc luận,        

          Đại Đạo hiệïp như thị.

          * Nhớ xưa thuở thái bình,

          Đất Đồng Nai thạnh mỹ,

          Đạo Phật được hưng sùng,

          Nhà ngoại thêm phú quí.

          Ta đồng tử đốt hương,

          Sư theo đòi giáo nghĩa,

          Bên ngoài chia đạo đời,

          Bên trong đồng tâm chí.

          Loạn lạc phải xa nhau,

          Thế giới thành ngạ quỉ,

          Ta trôi nổi vào ra,

          Bọt bèo biển sanh tử.

          Mới đó bốn mươi năm,

          Chớp nhoáng chuyện thế sự,

          Nay bỗng nhiên nhàn hành,

          Nơi thiền môn gặp gỡ.

          Ta Hiệp Biện Trấn Công,

          Sư Cao tăng Thượng sĩ.

          Nhìn xưa như giấc mộng,

          Tâm cùng tâm tương nghị,

          Chuyện xưa nói sao cùng,

          Đại Đạo vốn  Như Thị. [Bài này dựa theo Nguyễn Lang, có thay đổi chút ít]

Sau đó, có lẽ Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cũng thường viếng chùa Giác Lâm và đã tặng chùa câu đối mà chính Ngài đã viết kính điếu thầy học của Ngài là “Xử sĩ Võ Trường Toản”:

          Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử,

          Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giả bất vong.

          (Khi sống dạy dỗ được người, không con như có con,

          Lúc mất lưu danh lại đời, tuy mất nhưng không mất)

Cặp câu đối này vừa mang ý nghĩa hợp với đạo và đời. Một vị “Thầy” (thầy giáo hay thầy tu), lúc còn sống dạy dỗ được người đời, dầu không có con để nối dòng dõi mà cũng như có con vì có học trò nối truyền. Vị thầy này khi mất rồi, danh tiếng vẫn lưu lại trong đời. Tuy thân xác không còn nhưng danh vẫn không bao giờ mất.

Năm Gia Long thứ mười tám (1819), Hòa thượng Viên Quang mở Giới đàn tại chùa Giác Lâm, tăng chúng và thiện nam tín nữ đến qui y thọ giới rất đông.

Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang viên tịch tại chùa Giác Lâm vào ngày mùng ba tháng chạp năm Đinh Hợi (1827), thọ 70 tuổi, đồ chúng lập tháp chôn hài cốt tại sân chùa, trên bia tháp chỉ ghi đơn sơ: “Lâm Tế Chánh Tông, Tông Hiến Quang Công, Đại Lão Hòa thượng.”

Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức viết về Đại lão Hòa thượng Viên Quang như sau:

“Đại lão Hòa thượng Viên Quang thuộc thế hệ 36 của phái thiền Lâm Tế chánh tông, trải từ tuổi nhỏ cho đến khi già, kiên trì tu hành, ngày càng tinh tấn, lại có tánh ưa cảnh khói mây, núi non sông suối (yên hà tuyền thạch), ít khi đến chỗ thành thị huyên náo.”

Từ khi Ngài đến chùa Giác Lâm, chùa này có tình cảnh hợp với câu thơ:

          Sơn trung tức phiền não

          Lâm hạ xuất già-lam.

Tạm dịch:

          Trên núi dứt phiền não

          Trong rừng xuất hiện chùa.

Theo tài liệu ở chùa Giác Lâm cho biết, Hòa thượng Tổ Tông Viên Quang tịch năm Đinh Hợi (1827), thọ 70 tuổi, như vậy là Hòa thượng có thể sanh vào năm Mậu Dần (1758). 

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Nguồn tin: thuongchieu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

CÁC NGÀY VÍA PHẬT

Tháng GiêngNgày mồng một, vía Đức Phật Di Lặc Tháng HaiNgày mồng tám, vía Đức Phật Thích Ca xuất giaNgày rằm,vía Đức Phật Thích Ca nhập diệtNgày 19,vía Đức Quán Thế Âm Bồ tátNgày 21,vía Đức Phổ Hiền Bồ tát Tháng BaNgày 19,vía Đức Chuẩn Đề Bồ tát Tháng TưNgày mồng bốn,vía Đức Văn Thù Bồ tátNgày...

Thống kê

  • Đang truy cập: 44
  • Khách viếng thăm: 43
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 1782
  • Tháng hiện tại: 1715366
  • Tổng lượt truy cập: 59368299

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile