Sáng ngày 17/3/2013, dưới sự hướng dẫn của Đại đức Thích Pháp Như và Sư cô Huệ Nghiêm, các thành viên của Hội Khuyến học cội nguồn (Hội KHCN) và Hội Tuổi trẻ và Phật pháp (Hội TT&PP) đã có một hành trình về với Tiền Giang, về với ngôi chùa cổ kính của vùng quê sông nước: Chùa Kim Phước, xã Hiệp Đức - huyện Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang để tham dự khóa tu một ngày“ Khơi Nguồn Tuệ Giác”.
KHƠI NGUỒN TUỆ GIÁC
Hai chiếc xe chở hơn 90 người lăn bánh rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh lúc 5h sáng và đến nơi hơn 8h, do phải đi bộ một quãng đường vì đường đang làm cầu nên xe lớn không vào được. Vì vậy thầy và xe chúng tôi đến trễ hơn so với mọi người. Vừa bước chân vào cổng chùa đã nghe tiếng sư cô nhắc “tụi con nhanh lên, quý thầy và mọi người đang đợi”. Thật xúc động khi quý thầy và tất cả mọi người đến trước đã đợi chúng tôi đến để cùng ăn sáng, ăn sáng xong cũng gần 9h, lúc ấy chúng tôi cũng không để ý rằng ngoài chúng tôi còn có các em học sinh ở gần đó cũng tập trung về cùng tham dự. Những hàng dọc thẳng tắp, ngay ngắn được tập trung trên giảng đường: một bên là các bé học sinh, một bên là các bạn của Hội KHCN và Hội TT&PP. Các bạn trong tư thế nghiêm trang lắng nghe thầy trụ trì chia sẽ và dạy bảo.
Sau đó, sư cô Huệ Nghiêm đã hướng dẫn cho tấc cả chúng tôi tụng Kinh Vu Lan. Những lời dạy của đức Phật như tiếng sấm rền vang qua giọng đọc thánh thót, trong trẻo của sư cô và tất cả mọi người - những nam thanh, nữ tú và các bé dễ thương. Bài kinh như xoáy sâu vào lòng người công ơn lớn lao của cha mẹ mà nhất là người đã mang nặng đẻ đau sinh ra ta “ Mẹ sinh con cưu mang mười tháng, cực khổ dường gánh nặng trên vai, uống ăn chẳng đặng vì thai, cho nên thân thể hình hài kém suy”. Ngay từ khi con còn trong bụng mẹ, mẹ đã lo lắng “giữ gìn thai giáo” cho đến khi con sinh ra mẹ lại chăm sóc cho từng miếng ăn giấc ngủ, ẵm bồng nâng niu “thương con hơn ngọc hơn vàng”. Chính vì vậy mà đức Phật đã nhắc nhở chúng sanh “Ơn cha nghĩa mẹ mười phần phải tin” chớ ngỗ nghịch bất hiếu với song thân nếu không những hình phạt nơi A Tỳ ngục không sao kể xiết kia không thể nào dung thứ. Thế mới biết không phải mỗi mùa Vu Lan về ta mới nhớ đến mẹ cha, mà ngay trong từng ngày, từng giờ... từng ý nghĩ ta phải nhắc nhở chính ta rằng công ơn của mẹ cha cao cả biết nhường nào, dù trải trăm ngàn kiếp cũng khó lòng đền đáp... Có thể các bé đều là lần đầu tiên tụng Kinh Vu Lan, hay các bạn có những bạn cũng lần đầu tiên đọc tụng kinh này nhưng tấc cả những lời dạy của đức Phật đã ngân vang và thổn thức trong mỗi trái tim nhỏ bé kia, để chúng ta nhớ rằng đã có một ngày chúng ta ngồi lại cùng và đọc tụng và nghiền ngẫm những lời dạy sâu sắc về công ơn cha mẹ.
Bài kinh kết thúc trong sự bùi ngùi, lắng động của hội chúng và có lẽ đã có một chút “tuệ giác” được khởi lên trong tâm thức mỗi người. Tiếp đó thầy Pháp Như cùng sư cô Huệ Nghiêm đã hướng dẫn chúng tôi niệm thần chú “ Om Mani PadMe Hum” – một câu thần chú tiếng Phạn cầu Quan Thế Âm Bồ Tát và ý nghĩa câu chú này có thể hiểu là “viên ngọc quý trong hoa sen” tức là hoa tâm bồ đề nở trong lòng người. Thần chú khơi mở đại bi tâm, tâm ta như lắng đọng lại chỉ còn tiếng niệm “Om Mani Padme Hum” đồng thanh ngân vang hòa cùng tiếng gió vào hư không…
Sau khi trì chú xong thì mọi người được hướng dẫn cùng tập thiền để tâm tĩnh lặng. Không chỉ các anh chị lớn biết ngồi thiền nghiêm trang mà các bé cũng trong tư thế xếp bằng trang nghiêm, nhìn từng khuôn mặt sáng như mặt trăng rất hiền hòa và đáng yêu. Thế là trong phút chốc đã hết nữa ngày tu,tới giờ cơm trưa tấc cả mọi người được sự hướng dẫn của sư cô đã cùng đồng niệm thần chú “Om mani padme hum” và dùng cơm trong chánh niệm, thanh tịnh.
Sau khi dùng cơm trưa và nghỉ ngơi, đầu giờ chiều mọi người lại tập trung để nghe sư Thích Giác Hoàng thuyết pháp. Nhìn nụ cười an lạc lúc nào cũng nở trên khuôn mặt Sư, mọi người dường như quên hết mệt mỏi. Sư đã bày tỏ niềm hoan hỷ khi Hội chúng nghe giảng là những thanh thiếu niên, học sinh đã dành ngày chủ nhật về chùa tu tập. Những lời giảng của sư như vẫn còn in đậm trong tâm trí chúng tôi: Nào là sư dạy các em nhỏ phải biết nghe lời cha mẹ, kính trọng thầy cô, biết vâng lời anh chị, không nói dối…và cuối cùng là kết thúc bằng những câu kệ rất hay và ý nghĩa:
“Miệng ta là cánh hoa sen
Một khi hé nở một phen thơm lừng
Tiếng ta là gió mùa xuân
Một cơn thổi nhẹ muôn dân mát lòng”
Kết thúc bài pháp, mọi người lại cùng đến với những tiết mục văn nghệ được đầu tư khá hoành tráng của các bạn Hội TT&PP, Hội KHCN. Một chương trình văn nghệ giao lưu ấm áp và vui vẻ, kết nối những trái tim yêu thương với những tài năng trẻ, nhiệt tình năng động với những bài hát về Phật Pháp, về Cha Mẹ… nghe sao thân thương đến lạ kỳ.
Như người ta vẫn nói không có buổi tiệc nào không tàn và một ngày tu cũng đã kết thúc. Mọi người rời khỏi chùa ra xe với bước chân thật chậm rãi, bởi vì qua ngày mới mọi người lại bắt đầu nhịp sống thường ngày với những công việc của riêng mình. Chắc chắn rằng trong lòng mỗi người tham dự đều đọng lại những điều khó quên. Và như tên của khóa tu “ Khơi Nguồn Tuệ Giác”- hành trang của mỗi người khi ra về là những gì mà một ngày đã được khai mở, khơi dậy: đó là lòng biết ơn sâu sắc, kính trọng đối với cha mẹ, là khơi dậy tấm lòng từ ái, yêu thương của mỗi người, là biết nhíp tâm và biết kiểm soát tâm mình bình an trước xô bồ cuộc sống, là biết nở nụ cười trên môi, biết nói lời êm ái, yêu thương để khi lời nói, nụ cười gửi tặng cũng đủ làm cho lòng người mát dịu trước những cơn giận dữ, sân si… là tất cả, tất cả những gì “ Tuệ giác” mà riêng mỗi chúng ta cảm nhận đã được “khơi nguồn”.
KHƠI dậy tâm ai mầm trí tuệ
NGUỒN trong suối mát Pháp Như Lai
TUỆ căng khai mở hành pháp giới
GIÁC ngộ niết bàn bến an vui.
“TỪ tâm gieo hạt giống lành
BI tâm thương hết chúng sanh muôn loài
HỶ tâm luôn nở nụ cười
XẢ tâm buông bỏ thả trôi ưu phiền.”
KHƠI NGUỒN TUỆ GIÁC-TỪ BI HỶ XẢ
Tác giả bài viết: Anh Nhi
Nguồn tin: sưu tầm
Ý kiến bạn đọc