Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Người Việt mở trường từ thiện, xây chùa trên đất Phật

Đăng lúc: Thứ tư - 08/08/2012 11:55 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Dilip, 11 tuổi, cứ 8h sáng mỗi ngày đều đặn cắp sách đến trường Trung học và chuyên nghiệp tình thương do Phật tử Việt Nam tài trợ, ở làng Bhojwan Tika Bigha tại Bodhgaya (Ấn Độ) - nơi Đức Phật linh thiêng đắc đạo.

Cậu bé là anh cả trong gia đình có 4 anh chị em, cha mẹ làm ruộng, cuộc sống khó khăn ở miền quê rất nghèo của Ấn Độ. Dilip đang học lớp 5 tại ngôi trường do các Phật tử Việt Nam đóng góp xây dựng nên ở cái làng nhỏ bên bờ sông Niranjana (sông Ni Liên Thiền).

* Hình ảnh ngôi trường Việt ở làng Bhojwan
* Ảnh lớp học đông đúc ở trường Linh Sơn Việt Nam

Cứ 8h sáng mỗi ngày, cùng với gần 700 học sinh khác đủ các lớp từ mẫu giáo đến lớp 10, cậu bé áo sơ mi "đóng thùng" quần âu có mặt ở trường để dự lễ cầu nguyện Phật tổ trước khi vào học.

"Em may mắn vì thi đậu vào trường và được làm lớp trưởng", Dilip rụt rè tâm sự. Cậu bé gầy nhom nhỏ bé được các giáo viên đánh giá là học giỏi nhất lớp, đặc biệt với môn toán.

Dilip, cậu bé 11 tuổi học giỏi nhất lớp 5 trường Trung học chuyên nghiệp tình thương do Phật tử Việt Nam xây dựng ở làng Bhojwan, Bodhgaya, Ấn Độ. Ảnh: Phan Anh.
Dilip, cậu bé 11 tuổi học giỏi nhất lớp 5 trường Trung học chuyên nghiệp tình thương do Phật tử Việt Nam xây dựng ở làng Bhojwan, Bodhgaya, Ấn Độ. Ảnh: Phan Anh.

Trong khi đó, nhiều em bé đồng trang lứa của cậu bé ở làng Bhojwan cũng như trên đất Bodhgaya (còn gọi là Bồ Đề Đạo tràng) nheo nhóc, quần áo đen bẩn chạy theo khách du lịch để xin từng đồng rupee. Cứ mỗi khí khách cho tiền, hàng chục em bé khác lại kéo đến với bộ mặt khẩn nài, van xin. "Đừng bao giờ bố thí cho người ăn xin, kể cả các em bé. Nếu bạn muốn, hãy gửi tiền cho những tổ chức từ thiện", Rajesh Tripathi, hướng dẫn viên du lịch của Công ty Top Travel & Tour (Ấn Độ) khuyến cáo.

Những tổ chức từ thiện khá phổ biến tại Bodhgaya, trong đó có một số điểm do người Việt từ khắp nơi góp tiền xây dựng. Một thầy giáo dạy mầm non ở làng Sujata - tương truyền là nơi cô gái Sujata dâng bát cháo sữa cho Thái tử Siddhartha giúp ông ngộ ra đạo hạnh sau đó đắc đạo thành Phật - cho biết, làng có khoảng 10.000 dân trong đó con nít chừng 1/3. Người thầy này chỉ mới 20 tuổi, giới thiệu một album ảnh chụp những đứa trẻ trong một lớp học tình thương để mời gọi góp tiền và nói rằng: "Trẻ con ở đây rất nghèo không được đến trường nên cần học chữ, học cách sống, nhờ những lớp từ thiện".

Ni sư Từ Tâm với tên tục là Trần Thị Cúc, khi sáng lập ra ngôi trường Trung học và chuyên nghiệp tình thương do Phật tử Việt Nam tài trợ, cũng xuất phát từ suy nghĩ "có cái chữ sẽ thay đổi cuộc đời những đứa trẻ". Cái tên trường bằng tiếng Việt khá dài, song giám đốc Từ Tâm nói rằng nó chính xác và không thể thay đổi vì đây là công sức của hàng nghìn Phật tử Việt cả trong cũng như ngoài nước.

Thầy trò ni sư Từ Tâm trước ngôi trường của mình. Ảnh: Phan Anh.
Thầy trò ni sư Từ Tâm trước ngôi trường của mình. Ảnh: Phan Anh.

Ngôi trường được xây dựng từ năm 2003 với 45 học sinh ban đầu, đến nay đã có gần 700 em với 4 cơ sở học tập tại Bodhgaya. Trường làng Bhojwan dạy từ lớp 5 đến lớp 10. Mùa hè năm nay, cơ sở thứ năm bắt đầu hoạt động ở bên kia sông Niranjana đối diện với làng Bhojwan. "Ở đó bọn trẻ đều rất nghèo nàn thiếu thốn nên càng cần phải được đi học, mặc dù chúng phải lội sông đến trường rất khó khăn. Tôi mong muốn được xây một chiếc cầu qua sông để trẻ con đi học dễ dàng", ni sư Từ Tâm chia sẻ. Vốn đầu tư xây cầu dự kiến khoảng 300.000 USD, trường đang tổ chức quyên góp.

12 năm qua, người phụ nữ này gắn bó với Bodhgaya và công tác thiện nguyện tại đây. Ba giai đoạn đầy khó khăn và đáng nhớ nhất trong việc xây trường ở Bodhgaya được ni sư Từ Tâm đúc kết là đào giếng, dựng trường; thuyết phục thầy và trò đến lớp; sự ra đi của những Phật tử tâm huyết.

"Tôi đến đây với 400 USD, thấy nhiều trẻ em nghèo lang thang. Công việc đầu tiên là thuê người đào 22 cái giếng cho người dân đỡ phải dùng nước bẩn gây ghẻ lở", người sáng lập ngôi trường kể. Ký ức về cậu học trò nghèo đầy ghẻ ở tai được mẹ dắt đến trường xin học vẫn còn lưu mãi và khiến sư nữ động lòng quyết "thay đổi số phận những đứa trẻ".

Dần dà, nhiều người Việt biết đến ngôi trường nên gửi tiền hỗ trợ. Có giai đoạn Phật tử Việt khắp nơi góp được 12.000 USD, trường phải chi một nửa để đào giếng cho trẻ. Trong sổ lưu niệm của trường vẫn ghi người phụ nữ tên Kim Dung sống tại Anh, đến khi chết còn lại trong túi 100 bảng Anh vẫn di chúc gửi sang Ấn Độ góp cho trường. Một phụ nữ Việt khác ở Mỹ thường xuyên sang Bodhgaya thăm và quyên góp; 1.000 USD cuối cùng của bà đến được trường thì cũng là lúc thầy trò nhận tin mạnh thường quân đã vào cõi Niết bàn với Đức Phật.

Chùa Linh Sơn Việt Nam ở Kushinagar xây dựng tòa tháp theo mô hình chùa Một Cột. Ảnh: Phan Anh.
Chùa Linh Sơn Việt Nam ở Kushinagar xây dựng tòa tháp theo mô hình chùa Một Cột. Ảnh: Phan Anh.

Ở Kushinagar - nơi Đức Phật vào cõi Niết Bàn, ni sư Thích Nữ Trí Thuận cũng nổi tiếng sau 23 năm gắn bó với vùng đất này và ngôi trường từ thiện tại đây. Trụ trì ngôi chùa Linh Sơn Việt Nam trên đất Phật, người phụ nữ này đang xây sửa lại chính điện nên chuyển trường với hơn 400 học sinh qua một mảnh đất khác gần bên. Trong mỗi lớp, trẻ con ngồi chen chúc nhau 5-6 đứa một bàn, cùng đọc vang bài học theo hướng dẫn của giáo viên.

Người phụ tá của ni sư Trí Thuận cho biết ngôi trường duy trì hoạt động cho đến ngày nay là nhờ công rất lớn của Phật tử Việt Nam trên khắp thế giới. Hàng trăm nghìn USD đã được người Việt quyên góp để xây dựng trường, thuê giáo viên, chăm sóc học sinh Ấn Độ tại đây. Dự kiến chánh điện chùa sẽ được khánh thành vào đầu tháng 3, cùng với một ngôi trường lớn mới hơn có thể dạy học cho nhiều em bé nghèo bản xứ.

Đến nay đã có nhiều lứa học trò ra đời từ ngôi trường Linh Sơn Việt Nam này, trong đó một số em trở thành y tá, bác sĩ, nhiều em đến NewDehli - thủ đô Ấn Độ lập nghiệp. Nhiều em bé khác đang theo học các lớp từ thiện cũng khát khao một tương lai tươi sáng hơn cho mình và giúp đỡ cộng đồng. Ngay cả cậu bé Dilip ở làng Bhojwan cũng chia sẻ: "Em mơ ước sau này sẽ trở thành bác sĩ để khám chữa bệnh cho dân nghèo".

Tác giả bài viết: Phan Anh
Nguồn tin: Báo VnExpress
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 38
  • Hôm nay: 7293
  • Tháng hiện tại: 1359488
  • Tổng lượt truy cập: 59012421

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile