Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Trọn Một Đời Tôi - Hoài bão của tôi

Đăng lúc: Thứ năm - 22/01/2015 16:13 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Chúng ta tu muốn thành Bồ-tát, muốn thành Phật mà không giác ngộ thì thành được không?...
MỤC LỤC
 
  1. Mục Lục & Lời đầu sách
  2. Mục đích của tôi
  3. Hoài bão của tôi
  4. Nguyện vọng của tôi
  5. Cuộc đời là mâu thuẫn
  6. Pháp Phật là thuốc trị tâm bệnh của chúng sanh
Giảng tại Thiền viện Thường Chiếu
Xuân Canh Thìn (06-02-2000)

Cùng tất cả Tăng Ni,

Hôm nay là ngày Tết Nguyên Đán năm Canh Thìn, tôi về đây được Tăng Ni tụ hội tại Tổ đường này để làm lễ Khánh Tuế, đồng thời cũng yêu cầu tôi có những lời nhắc nhở trong ngày đầu năm, quí vị nương đó tinh tấn tu hành, chóng đạt được đạo quả. Tôi nhận lời và sẽ có những điều nói lên cho quí vị nhận ra, hiểu rõ để ứng dụng tu.

Năm này đối với tôi thì tuổi đã khá cao, sự sống của tôi còn được lúc nào thì mừng lúc ấy, chớ không có gì bảo đảm lâu dài. Bởi vậy những gì tôi đã ấp ủ từ lâu, mong muốn thực hiện thì ngày nay tôi sẽ nói rõ ra cho tất cả Tăng Ni nhận hiểu. Mai kia nếu quí vị thấy được đạo lý chân thật và tinh tấn tu hành, có hiệu quả thì quí vị cố gắng thực hiện những gì tôi đang ôm ấp và chỉ dạy cho quí vị hôm nay. Vì vậy buổi nói chuyện này, tôi để tên là “Hoài bão của tôi”.

Hoài bão của tôi tức là những nỗi ấp ủ, trông chờ, mong đợi, thực hiện cho được. Những điều đó tôi ôm ấp đã lâu rồi, nhưng chưa có cơ hội để trình bày rõ ràng cho Tăng Ni thấy biết và hiểu rõ.

Nói tới “Hoài bão của tôi” thì tất cả ai cũng lạ, nghĩ đó là cái gì quí vị chưa từng nghe, chưa từng biết. Nhưng thật sự hoài bão tôi đã trưng bày cho tất cả thấy, tất cả biết rồi, nhưng chưa hiểu được thâm ý của tôi. Như vậy, khi nói tới hoài bão thì tôi liền đặt ra một câu hỏi để quí vị nhớ. Tại sao tôi đặt tên Thiền viện này là Thiền viện Thường Chiếu? Nếu quí vị hiểu được tên Thiền viện Thường Chiếu tức là quí vị cảm thông được hoài bão của tôi.

Chữ Thường Chiếu, tôi thường hay nói có hai ý. Ý thứ nhất là đứng về phương diện lịch sử. Thường Chiếu là hiệu, tên của một Thiền sư cuối đời Lý. Thiền sư này ở tại chùa Lục Tổ, Ngài chịu ảnh hưởng hay là Ngài được kế thừa hệ phái Vô Ngôn Thông, nhưng chùa Lục Tổ lại là chùa của hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi. Như vậy trong đời Ngài hai hệ phái Thiền truyền trên đất nước Việt Nam là hệ Tỳ-ni-đa-lưu-chi và hệ Vô Ngôn Thông tới đây đã hòa hội thành một. Chỗ của Ngài ở, Ngài truyền bá chính là nơi hòa hội. Cho nên tôi thấy danh hiệu của Ngài xứng đáng kế thừa hay xứng đáng hòa hội hay kết hợp những phái thiền Việt Nam trở thành một, để lưu truyền sau này. Đó là nói về ý nghĩa của lịch sử. Nhưng đây chỉ là phần nhỏ, chưa phải là hoài bão của tôi.

Hoài bão của tôi thì nằm ngay hai chữ Thường Chiếu. Thường là luôn luôn là mãi mãi. Chiếu là soi sáng. Luôn luôn mãi mãi soi sáng, đó là Thường Chiếu. Khi thành lập Thiền viện Thường Chiếu đồng thời có Thiền viện Viên Chiếu. Lúc đó, hai Thiền viện ra đời trước ở vùng này. Tôi đặt bên Ni là Viên Chiếu, cũng mang hai ý nghĩa. Một là tên một Thiền sư đời Lý và một ý nghĩa khác nữa, Viên là tròn, Chiếu là soi sáng. Thường Chiếu là đứng về mặt thời gian, chiếu mãi, soi sáng mãi, không ngừng, không đứt đoạn. Đó là ý nghĩa Thường Chiếu. Đứng về chiều thời gian, nó liên tục cho tới không biết đâu là cùng. Đó là Thường. Nhưng nếu thường như vậy, có thể bị khu biệt trong một khu vực nào, một ngôi chùa nào miễn thường là được. Cho nên tôi đòi hỏi thêm một điều nữa là phải Viên. Viên là tròn. Tròn tức là đứng về mặt không gian trùm khắp. Như vậy thì Thường Chiếu là mãi mãi lâu dài. Viên Chiếu tức là trùm khắp hết. Đứng về mặt thời gian thì mãi mãi không cùng, đứng về mặt không gian thì bao trùm không thiếu.

Như vậy thì nguyện vọng, tâm tư của tôi có thể là tham. Tôi muốn Phật pháp hay là con đường của Thiền tông, ngọn đuốc của nhà Thiền sẽ soi sáng, soi sáng mãi không dừng, không tắt. Chẳng những soi sáng một nơi mà soi sáng trùm hết. Đó là mong đợi, là ấp ủ trong lòng tôi. Ngày nay Thường Chiếu đã thành hình, Viên Chiếu cũng thành hình cộng thêm ba Chiếu nữa cũng thành hình. Những nơi tôi dùng từ “Chiếu” ở sau là đều nói lên ý nghĩa soi sáng.

Quí vị mới thấy tâm tư tôi ấp ủ, mong mỏi một ngày này. Hiện tại tôi làm được bao nhiêu cũng như tôi thắp một ngọn đuốc. Từ ngọn đuốc đó, đứng về hai mặt: Chiều dài thì ngọn này sắp tắt, ngọn khác nối tiếp theo. Ngọn khác tắt thì ngọn sau nối tiếp theo, mãi mãi không cùng không tận. Đó là thường. Nhưng chỉ một ngọn này tắt tiếp một ngọn khác thì chỉ là chiếu ở một khu vực nhỏ thôi. Mà tôi không muốn như vậy, tôi muốn làm sao một ngọn đuốc được mồi với mười ngọn đuốc, hai mươi ngọn đuốc. Rồi mười ngọn, hai mươi ngọn sẽ mồi được ba bốn chục ngọn. Rồi mãi mãi từ một khu vực nhỏ lan dần lan dần cho tới khắp nơi, chỗ nào, chốn nào cũng sáng hết. Đó là hoài bão của tôi. Quí vị thấy có tham không? Nếu tham cho tôi thì tham, nhưng tham cho quần chúng, tham cho mọi người chắc không phải là tham.

Tại sao tôi lại đặt nặng chữ “Chiếu” như vậy. Đây tôi giải thích cho quí vị thấy tường tận. Bởi vì trong kinh Phật đã dạy: “Các ngươi phải tự thắp đuốc lên mà đi, thắp lên với chánh pháp.” Phật dạy, mọi người chúng ta phải thắp sáng ngọn đuốc của mình lên. Nhưng ngọn đuốc mình phải mồi ở đâu mới sáng, mới cháy. Mồi với chánh pháp của Phật, chánh pháp của Phật là những ngọn đuốc đang cháy. Chúng ta muốn ngọn đuốc mình sáng thì phải mồi từ chánh pháp, nó sẽ sáng. Đó là lời Phật dạy trong kinh. Còn chư Tổ, chư Tổ nhà Thiền thì luôn luôn dùng từ chuyên môn là “Truyền đăng tục diệm”. Truyền đăng tức là trao đèn, tục diệm là nối đuốc. Chư Tổ dạy chúng ta phải trao đèn, phải nối đuốc để cho ánh sáng liên tục không dừng. Như vậy thì từ đức Phật Ngài đề cập tới thắp đuốc lên mà đi. Chư Tổ cũng luôn luôn dạy chúng ta phải tiếp nối, phải trao truyền bằng những ngọn đèn, những cây đuốc để hướng dẫn người sau.

Tại sao đạo Phật lại đặt nặng cây đèn ngọn đuốc? -  Bởi vì nói tới đạo Phật, nói tới đức Phật thì chúng ta phải hiểu ngay Phật là giác ngộ. Đức Phật là một con người đã được giác ngộ. Đạo Phật là phương pháp dạy chúng ta giác ngộ, hay là một con đường đưa chúng ta đến chỗ giác ngộ. Mà giác ngộ là sáng. Nói tới giác ngộ là nói tới sáng suốt. Như vậy giác ngộ chỉ được tượng trưng bằng những ánh sáng của đèn, ánh sáng của đuốc và luôn ánh sáng của mặt trời mặt trăng.

Nói tới giác ngộ là nói tới trí tuệ, nói tới ánh sáng. Như vậy thì chúng ta truyền bá đạo Phật là truyền bá sự giác ngộ, truyền bá trí tuệ, chớ chúng ta không bao giờ truyền bá những cái mờ tối, những cái âm u được. Đạo Phật là giác ngộ, là trí tuệ, cho nên được tượng trưng bằng đèn bằng đuốc. Nếu không có giác ngộ, không có trí tuệ là không có đạo Phật. Vì thế quí vị thấy cái hệ trọng của người tu Phật như thế nào? Chúng ta tu phải có giác ngộ. Chúng ta phải mở sáng con mắt trí tuệ. Có trí tuệ rồi thì chúng ta mới chỉ, mới dạy lại những người khác mở sáng con mắt trí tuệ được. Nếu chúng ta mù tối mà dạy người được sáng thì không có chuyện đó. Chúng ta trong tay không có một cây đuốc mà muốn đốt đuốc để dắt dẫn người khác đi ra khỏi đường mê, được không? Muốn dẫn người ta ra khỏi chỗ tối tăm mù mịt thì trong tay mình phải có sẵn một ngọn đuốc sáng. Mình có đuốc sáng thì mới dìu dắt người ra khỏi chỗ u tối được.

Như vậy tu theo đạo Phật mà không đặt nặng vấn đề giác ngộ, không đặt nặng mở sáng con mắt trí tuệ, thì chưa phải đạo Phật. Ý nghĩa rõ ràng như vậy. Nhưng gần đây chúng ta thấy người tu hơi lơ là, không đặt nặng trí tuệ. Bởi không đặt nặng trí tuệ nên chúng ta càng tu càng đi xa với đạo. Đó là vì chúng ta không nhắm đúng trọng tâm mà Phật đã nhắm. Đức Phật đi tu, thành Phật là do giác ngộ. Từ giác ngộ Ngài mới đi truyền đạo, nếu Ngài không giác ngộ thì không có đạo Phật. Nói tới đạo Phật mà không nói tới giác ngộ là một thiếu sót lớn. Cho nên chúng ta phải thấy rõ trách nhiệm của mình là làm sao để cầm được ngọn đuốc sáng trong tay, để dẫn người từ những chỗ mê lầm ra chỗ tỉnh giác, từ chỗ tối tăm đến chỗ được sáng suốt. Đó mới là bổn phận của mình. Nếu làm cái gì khác chỉ là việc phụ, chớ không phải là cái chánh.

Quí vị thấy người học Phật, người tu Phật phải là người sáng, người giác chớ không có mê. Vì vậy nên cây đuốc, ngọn đèn là điều cần thiết. Nhưng ở đây, tôi dùng chữ “Chiếu” là soi sáng. Lấy cái gì để soi sáng? - Tức phải thắp đèn, phải mồi đuốc. Thắp đèn mồi đuốc mới có thể soi sáng được. Đó là trọng tâm. Bởi vì tất cả chúng ta đã nguyện trọn đời tu để được thành Phật. Thành Phật tức là được giác ngộ viên mãn. Nếu trong khi tu một năm, hai năm, ba năm tới năm, mười năm mà không giác ngộ tí nào hết, như vậy là tu theo Phật đúng với sở nguyện của mình hay là đi đường nào? Đó là câu hỏi mà tất cả quí vị phải tự đặt ra.

Nếu càng tu càng mù mịt, càng tu càng không biết được cái gì là gốc của sự giác ngộ hết thì chưa phải là mình theo Phật. Dù thờ Phật, lạy Phật, cúng Phật hằng ngày mà ở trong mê muội thì chưa phải là tu theo Phật. Vì mình đâu có sáng, mà không sáng thì làm sao soi sáng được cho người. Cho nên đối tượng của sự chiếu soi là mê lầm. Cũng như đối tượng của ngọn đèn, cây đuốc là bóng tối. Sở dĩ chúng ta mồi đèn, thắp đuốc là vì tối. Do tối mới mồi đèn mới thắp đuốc. Chúng ta vì muốn phá cái tối tăm mê muội nên mới thắp đèn đốt đuốc. Cũng như vậy, vì muốn phá tan cái vô minh mê lầm muôn đời muôn kiếp của con người, cho nên chúng ta mới tu theo Phật để được giác ngộ. Chỉ có giác ngộ, dùng trí tuệ phá tan hết những thứ mê lầm, những cái vô minh. Đó là gốc của sự tu. Biết bao nhiêu người đi tu Phật, họ làm những điều rất tốt, thương người, cứu vật đủ hết. Nhưng thương cứu mà chưa sáng chưa giác, đó cũng là một người mù dẫn một người mù thôi, không đi tới đâu hết. Cho nên chúng ta phải cương quyết tu là phải sáng, là phải giác ngộ. Như vậy thì còn tối tăm hay chỗ nào tối tăm, chúng ta phải thắp đèn, phải đốt đuốc để rọi cho sáng.

Cái tối tăm của thế gian là nhờ đèn nhờ đuốc. Nhưng tối tăm của con người thì phải nhờ gì? - Nhờ trí tuệ, nhờ giác ngộ. Trí tuệ, giác ngộ mới phá tan được cái tối tăm mê lầm của con người. Con người tối tăm mê lầm cái gì, chỗ nào? Hiện giờ quí vị có mê lầm không? Đó là một câu hỏi để chúng ta tự gạn tự xét. Chúng ta có phải là người đang mê lầm, đang tối tăm không? Chắc rằng ít ai dám nói mình là mê lầm, mình là tối tăm. Nhưng thật sự tất cả chúng ta đều là người mê lầm. Không ai chẳng mê lầm cả.

Bây giờ tôi đi thứ tự, trước hết là cái mê lầm trong Phật giáo. Đã nói tu là giác ngộ, mà giác ngộ thì phải thắp sáng ngọn đuốc trí tuệ, mới được giác ngộ. Trí tuệ có mở sáng thì sự giác ngộ mới có thể đến được. Trí tuệ mù tối thì không bao giờ giác ngộ được. Như vậy nói tới người tu, lý đáng ít nhiều cũng phải giác, chớ không có mê. Mà giác thì phải trí sáng. Nhưng bây giờ, chúng ta thấy rất đáng thương có nhiều nơi, có nhiều chùa tu chỉ là tin, chớ không có trí. Cúng Phật, Phật ban phước. Lạy Phật được công đức. Làm cái gì cũng nhờ Phật ban phước, nhờ Phật độ cho. Bị tham sân si quấy nhiễu, sống bực bội khổ sở, lên chùa thắp hương cầu nguyện Phật gia hộ cho con hết phiền não. Con phiền não nhờ Phật gia hộ cho con hết phiền não. Cái gì cũng Phật hết. Mình không có tu, chỉ xin Phật, cầu Phật cho không thôi. Cứ vậy là tu bằng trí tuệ hay là bằng lòng tin? Nếu bằng lòng tin thì không phải là trí. Mà không phải trí thì không có giác. Nếu không giác thì làm sao? Thậm chí nhiều khi tôi rất buồn, người Phật tử của chúng ta cứ ỷ lại vào chư Tăng chư Ni. Nếu có bệnh thì nhờ thầy cầu an. Nếu chết thì nhờ thầy cầu siêu. Cứ cúng tiền cho thầy cầu an, cúng tiền cho thầy cầu siêu. Như vậy là hài lòng, cho là tu kỹ rồi đó.

Tôi đặt câu hỏi lại: Nếu Phật tử bệnh, nhờ thầy cầu an, thầy bệnh nhờ ai cầu an? - Chắc nhờ Bác sĩ. Như vậy tại sao Phật tử bệnh không nhờ Bác sĩ cho rồi. Nếu thầy bệnh, thầy tự cầu an được, hoặc là Tăng Ni có đức cầu cho mình hết thì Phật tử mới bắt chước làm theo. Đằng này thầy bệnh rước Bác sĩ, mà Phật tử bệnh rước thầy cầu an, tin được không, làm việc đó có trí tuệ không? Đó là tôi nói khi sống. Còn lúc chết, nếu cầu được siêu thì chắc ngày xưa đức Phật đi cầu liên miên, phải không? Vì Ngài độ chúng sanh mà. Nhưng quí vị đọc lịch sử Phật, thấy có đám ma nào đức Phật đi cầu siêu không? - Chưa từng thấy. Phật từ bi đáo để, muốn độ hết chúng sanh mà Phật không cầu. Bây giờ chúng ta từ bi hơn Phật sao, chúng ta cầu. Như vậy mà chúng ta hướng dẫn Phật tử chỉ biết cầu mà không biết tu.

Bởi trong kinh Phật dạy quá rõ. Người tạo nghiệp lành thì sẽ được đến cõi lành. Người tạo nghiệp ác phải đọa vào cõi ác. Chớ không phải người khác cầu cho mà mình được. Chỉ có thể giúp được là khi mình sắp từ trần. Lúc đó, có chư Tăng hoặc chư Ni hướng dẫn nhắc nhở để cho mình tỉnh. Thì điều đó là có ích. Tôi đọc A-hàm, nhớ rất rõ ông cư sĩ được đức Phật khen ngợi là người cúng dường rất thâm hậu cho chư Tăng là ông Cấp Cô Độc. Khi ông gần tịch, có cho người đến báo tin với Phật. Ông dặn người báo tin xin Phật cho phép ngài Xá-lợi-phất tới thăm ông. Phật cho phép ngài Xá-lợi-phất tới thăm. Khi ngài Xá-lợi-phất tới thăm, không có lập đàn cầu an như mình. Ngài Xá-lợi-phất chỉ hỏi:

- Trưởng giả lúc bình thường tu những pháp gì. Trưởng giả có giữ được năm giới không?

Ông trả lời:

- Con giữ trọn vẹn năm giới.

- Trưởng giả có tu được sáu pháp? (Sáu pháp tức là bố thí v.v…)

- Dạ, con tu pháp đó được rồi.

Ngài cứ nhắc lại những gì mà ông đã hứa, đã tu cho ông nhớ. Nhớ rồi thì Ngài kết luận: “Như vậy, Trưởng giả đừng ngại. Đó là ông sẽ đi con đường lành, không có gì phải lo sợ hết.” Rồi ngài Xá-lợi-phất ra về, không có tụng bài kinh nào. Chính đó là đạo lý chân thật.

Còn chúng ta bây giờ cứ lo tụng kinh mà không biết cầu được hay không. Ngày xưa, chỉ có trường hợp gần chết, bệnh nặng thì chư Tăng tới nhắc nhở bình thường mình tu pháp gì. Nhắc những điều đó cho nhớ và hỏi lại xem còn có nhớ hay không v.v… Đó là đủ rồi. Như vậy, có phải là lòng tin không hay cũng là trí tuệ? Bởi vì khi mình nhận những giới pháp của Phật, mình học những bài kinh của Phật, nhắc lại để cho mình nhớ. Đó là mở sáng trí tuệ cho mình. Vì vậy trên đường tu mới dễ thăng tiến. Còn chúng ta không nói gì hết, cứ tụng thôi. Tụng rồi phục nguyện, vậy là xong. Mà đặt nặng là cầu nguyện. Đã nặng về cầu nguyện thì nặng về lòng tin. Mà lòng tin thì không hợp với trí tuệ. Tin thì không có trí. Trí thì không có tin.

Chúng ta tu Phật, dạy Phật tử tu Phật mà không dạy cho họ sáng suốt, không dạy cho họ có trí tuệ cứ nhồi cho họ có lòng tin. Như vậy là trái hẳn với đạo Phật. Đó là mê lầm.

 Kế đó là cái mê lầm từ mỗi con người chúng ta. Tất cả chúng ta hiện giờ đang mê lầm hay là đã giác ngộ? Chắc rằng một trăm phần trăm là nhận mình mê lầm, chưa ai dám nói mình giác ngộ. Mà mình mê lầm cái gì?

Ở đây, tôi nêu lên thứ tự cho quí vị thấy. Bài pháp đầu tiên của đức Phật dạy tại vườn Lộc Uyển là bài pháp Tứ Diệu Đế. Đế là lẽ thật, là chân lý. Tuy nói Tứ Diệu Đế, nhưng câu hỏi đầu tiên đức Phật đặt ra với các thầy Tỳ-kheo lúc đó, hay nhóm ông Kiều-trần-như v.v… là: Tất cả chúng ta có khổ không? Nhiều người nói sống vui, đâu có khổ. Mà thật tình chúng ta đang khổ. Thế nào là khổ? Phật kể: sanh, già, bệnh, chết. Bốn cái đó, có ai khỏi không? Nếu chúng ta quên khi sanh khổ thì bây giờ già đến, già có khổ không? Trước khi già, mấy cái răng rụng đã khổ rồi, tới đủ thứ yếu đuối, chân mỏi, gối dùn… Tất cả thứ không có an ổn. Nên già là khổ. Đến bệnh có khổ không? - Khổ không nghi ngờ. Chết có khổ không? Như vậy sanh già bệnh chết là cái khổ sẵn của tất cả con người. Dù cho vua chúa cũng phải như vậy, không có ai thoát khỏi những cái khổ đó. Rồi cộng thêm ái biệt ly, cầu bất đắc, oán tắng hội, ngũ ấm xí thạnh, chung lại là tám thứ khổ. Có ai thoát khỏi tám thứ đó không? Như vậy con người là khổ hay là vui? - Con người là khổ. Nhưng mà chúng ta có chấp nhận cái khổ đó không, hay là tìm cách khỏa lấp cho quên?

Hiện nay chúng ta có nhiều phương tiện, nếu ở những nơi dễ dễ, sau khi tụng thời kinh rồi xuống, có cái ti vi, ngồi mở ti vi xem một hồi rồi đi ngủ. Sáng thức dậy làm công kia việc nọ. Hay khuya thức dậy tụng một thời kinh công phu, rồi ra làm ít công việc. Tối lại rảnh thì mở ti vi xem. Như vậy có khổ không? Coi đủ thứ chuyện vui mắt quá, đâu có khổ. Tại sao người ta bày ra những trò chơi như đá bóng, ca kịch… đủ thứ, để làm gì? - Để cho chúng ta vui chơi mà quên cuộc đời là đau khổ, quên con người là đau khổ. Cũng như người ta chế ra nào là nước hoa này, nước hoa nọ, xà bông này xà bông kia cho thơm, để làm gì? - Tại biết mình hôi quá, khó chịu quá nên chế những thứ đó để khỏa lấp bớt mùi hôi của mình, chớ có gì lạ. Không muốn để những cái quí cái xấu của mình lộ ra, nên chế những cái đó. Cũng vậy, cuộc đời là khổ, nếu để mình ngồi suy ngẫm thì thấy khổ quá, sợ mình liều chết. Cho nên người ta thường hay tìm những cái vui để khỏa lấp đi nỗi khổ. Đó là việc làm của thế gian.

Như vậy người ta đã thấy cuộc đời là khổ. Ai cũng thấy như vậy. Nếu không thấy cuộc đời là khổ thì cần gì tạo các thứ vui. Tự nó vui thôi. Thí dụ ngày xưa đọc chuyện Tàu, thấy mấy ông tiên có khổ không? Mấy ông cỡi hạc bay đi chơi, đánh cờ, uống rượu… thấy mấy ông vui quá. Mấy ông có cần những gì đá bóng, ca cải lương như bây giờ không? Các ông rất vui rồi đâu có cần mấy cái đó. Sở dĩ cần mấy cái đó vì cuộc đời là khổ. Hiểu rõ như vậy, chúng ta mới thấy rằng lẽ thật của con người là đau khổ, không chối cãi được. Đó là Khổ đế.

Nhưng nhà Phật có cái nhìn khác. Đức Phật thấy tận nguồn gốc cái khổ từ đâu ra. Cho nên khi nói khổ rồi, ai nấy chấp nhận thì Phật liền đề ra cái khổ đó có nguyên nhân, chớ không phải ngẫu nhiên. Nguyên nhân là gì? Là Tập đế, tức là nhóm họp những nguyên nhân tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… Các thứ này tụ họp lại, tạo thành quả khổ. Như vậy khổ là quả, mà tập là nguyên nhân tạo thành quả khổ. Đức Phật dạy chúng ta cái gì? - Dạy chúng ta phải mở trí tuệ, quan sát kỹ kiếp người của chúng ta là khổ hay là vui. Mà mình quan sát, mình nhận chân được lẽ thật, là có trí tuệ. Còn mình không chịu quan sát, không chịu tìm kiếm, mình cứ để lòng tin vào đạo thôi thì làm sao có trí tuệ. Trí tuệ là quan sát, là nhận định đúng như thật. Mình thấy đúng như thật, không nghi ngờ nữa, đó là có trí tuệ. Nhưng nếu chỉ biết cái quả khổ mà không tìm ra nguyên nhân thì trí tuệ đó chưa dùng được, chưa hữu ích. Cho nên Phật liền dạy phải nhìn phải xem xét cho tường tận nguyên nhân của nó là cái gì. Thì tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… những thứ đó là gốc, là nhân để tạo thành khổ.

Tôi nói thí dụ, chúng ta tham. Tham có nhiều thứ. Nhưng cái tham gốc mà từ chuyên môn trong nhà Phật gọi là ái ngã. Ái là tham ái. Ái ngã là số một. Tất cả chúng ta có ai không thương mình chăng? - Chắc trăm người như một đều thương thân này. Thương thân này là ái ngã. Vì thương thân này cho nên nó già thì buồn, nó bệnh thì buồn, nó chết thì sợ. Như vậy cái buồn, cái sợ là khổ. Khổ tại vì sợ mất thân. Nếu mình không thương thân này, coi nó như đồ chơi, như rơm như rạ, như cỏ như rác thì nó còn nó mất, mình có sợ không? Thấy cọng cỏ héo, thấy cọng cỏ khô mình sợ không? Nó là đồ bỏ không đáng sợ.

Chúng ta sở dĩ khổ đau là vì chúng ta ái ngã, thương thân này quá. Thương thân này thì thân này bị già, bị bệnh, bị chết là chúng ta phải khổ. Nếu chúng ta dứt được ái ngã thì cái khổ còn không? Rồi từ ái ngã, cho thân mình là quí là tốt nên ai xúc phạm tới nó thì nổi sân. Thân mình, mình thương, mình quí nó nên ai khinh, ai chê thì mình tức giận. Như vậy từ ái ngã là tham, rồi tới sân, rồi đủ thứ si mê theo đó.

Chúng ta quan sát được như vậy, thấy tường tận như vậy. Đó là có trí tuệ. Nhờ mình thắp đuốc trí tuệ soi kỹ biết nguyên nhân dẫn tới đau khổ. Biết nguyên nhân đó rồi, chúng ta dẹp bỏ những nguyên nhân đó thì đau khổ hết. Cho nên cái thứ ba là Diệt đế. Diệt là gì? - Là dẹp bỏ nguyên nhân gây khổ. Tham, sân, si, mạn, nghi dẹp sạch rồi thì hết đau khổ. Mà hết đau khổ tức là được quả Niết-bàn hay cũng gọi là Diệt đế. Như vậy từ cái diệt đó chúng ta mới được an ổn. Muốn diệt nó không phải ngẫu nhiên mà diệt được, phải có phương pháp, cho nên Phật chỉ dạy pháp tu là Đạo đế, tức là phương pháp để diệt khổ.

Như vậy bài pháp đầu tiên đức Phật có dạy lòng tin không? - Hoàn toàn không. Ngài dạy chúng ta phải quan sát. Quan sát từ hiện tượng thân này để mình kết luận lại nó là đau khổ. Rồi chỉ nguyên nhân đau khổ để chúng ta quan sát kỹ các nguyên nhân ấy. Kế chỉ mình những phương pháp để diệt những nguyên nhân đau khổ. Mà diệt hết nguyên nhân đau khổ thì lúc đó mình được giải thoát hết khổ, gọi là Niết-bàn. Kiểm lại hoàn toàn không có một chút nào gọi là lòng tin mà là trí tuệ.

Tôi ví dụ như chúng ta bệnh. Chúng ta bị sốt rét run rẩy đi mời Bác sĩ hoặc là tới Bác sĩ khám. Bác sĩ biết đây là bệnh rét. Cái run rẩy đó là hiện tượng đau khổ. Nhưng cái run rẩy đó có nguyên nhân. Là gì? Thì Bác sĩ phải tra cứu xem bệnh này do loại vi trùng gì. Biết do vi trùng nào làm cho run rẩy. Biết được vi trùng là từ quả phăng tới nhân. Biết được vi trùng là rồi chưa? Biết được vi trùng rồi phải tìm thuốc. Thuốc nào giết được vi trùng đó. Tìm thuốc xong, chỉ bệnh nhân chích hoặc uống. Uống vô mới chết vi trùng. Đó gọi là diệt. Hết vi trùng rồi là mạnh. Mạnh tức là Niết-bàn, là thảnh thơi.

Đường lối của Phật dạy cụ thể, thực tế làm sao, không có cái gì huyền hoặc, không có cái gì mê tín. Mà chúng ta bây giờ không chịu tu như vậy, không chịu quan sát, không chịu tìm hiểu mà cứ đặt lòng tin. Tin ở Phật ban, tin ở Phật cứu, tin ở Phật độ mà không nghe lời Phật, để quan sát để chiếu soi kỹ, rồi ứng dụng cách Phật dạy để tiêu trừ những thứ mê lầm của mình. Tiêu trừ được mê lầm thì mình mới hết khổ. Chúng ta không chịu làm cái đó thì làm sao hết khổ! Cho nên tu thì thật đông, mà chưa chắc có vị nào hết khổ. Có người tới hỏi thầy tu từ bé đến giờ thầy hết khổ chưa? Ai dám nói tôi hết khổ không, kể cả Tăng Ni. Nói tôi tu hồi mười tuổi, hai mươi tuổi gì đó, bây giờ đầu đã bạc rồi mà vẫn khổ như thường. Bởi vì mình không biết được nguyên nhân của khổ. Cũng không diệt sạch cái nhân khổ thì quả khổ làm sao hết được.

Cho nên tôi nói tu chúng ta phải nắm cho vững, phải hiểu tường tận cái gì làm cho chúng ta đau khổ. Những nguyên nhân đó chúng ta diệt được rồi thì khổ theo đó mà hết. Quí vị đọc kinh Phật, nhiều khi thấy dường như là bi quan. Phật nói thân này là nhơ nhớp, là bất tịnh để phá cái ái ngã. Có chỗ Phật nói thân này như huyễn như hóa… như kinh Kim Cang, Bát-nhã v.v… để phá cái ngã. Tất cả những cái đó chỉ dùng trí tuệ quán chiếu thấy rõ nó là nhớp nhúa đúng như thật. Thấy rõ nó là duyên hợp tạm bợ đúng như thật. Thấy tường tận như vậy thì mình hết ái ngã. Hết ái ngã thì mọi cái khổ theo đó hết. Như vậy có phải là quán chiếu không? Quán chiếu tức là soi sáng. Soi sáng lại mình, thấy tường tận con người mình. Rồi thấy được nguyên nhân nào làm cho mình phải đau khổ. Thấy tột cùng, đó là mình quán chiếu. Quán chiếu thì trí tuệ mình sáng. Thấy đúng như thật là trí tuệ. Thấy đúng như thật về thân, thấy đúng như thật về tâm là chúng ta có trí tuệ. Còn không chịu quán chiếu mà cứ cầu xin Phật thì làm gì có trí tuệ.

Tôi muốn luôn nhắc nhở cho quí vị biết rõ cách tu của đạo Phật, nên tôi đặt tên Chiếu. Phải soi sáng, đừng có mê lầm nữa. Như vậy mà có người nào chịu chiếu chưa? Cũng còn thích xin, chớ chưa có chiếu. Đó là chưa chịu mở sáng con mắt trí tuệ. Chúng ta mê lầm về thân, kế đó mê lầm về tâm.

Từ ngày tôi tu nhận chân được lẽ thật về tâm của mình thì từ đó tôi mới thấy chúng ta có cái mê lầm nặng nề về tâm. Tâm mình là cái gì? Đa số đều nói cái nghĩ suy, hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v… là tâm mình. Nếu cái nghĩ suy, hơn thua, phải quấy, tốt xấu là tâm mình, khi những cái đó vắng mặt, nó không hiện ra thì lúc đó mình hết tâm phải không? Như những phút giây ngồi thiền, không có nghĩ suy, không có hơn thua, phải quấy, lúc đó quí vị không có tâm phải không? Nếu không tâm thì làm sao biết, làm sao thấy được vọng tưởng, làm sao biết rằng nó đang chạy nhảy? Mà biết mình có vọng tưởng, tâm nó đang chạy nhảy thì còn có một cái gì thầm kín bên trong nữa. Chớ không phải những cái nổi là hơn thua, phải quấy, tốt xấu v.v… Thế mà lâu nay chúng ta chỉ lấy cái nổi, tức là cái tâm phân biệt chia chẻ sự vật tốt xấu, phải quấy, hơn thua v.v… cho đó là tâm mình. Rồi theo đó để tạo nghiệp, cái gì cho là tốt thì giành với nhau. Ai cũng muốn được, đó là tham. Người ta được, mình không được thì giận. Giận là sân. Từ tâm phân biệt hơn thua phải quấy mà tạo thành nghiệp tham, sân, si… đủ thứ. Đã nhiều nghiệp rồi thì cái khổ theo đó cũng vô cùng.

 Cho nên Phật dạy chúng ta phải nhìn lại tâm của mình, đừng bị những cái tâm đối đãi, hơn thua, tốt xấu v.v… nó làm chủ. Mà phải buông, phải xả nó để trở về cái chân thật. Khi chúng ta nhận, sống được với cái chân thật thì đó là chúng ta tu. Còn nếu chạy theo cái hơn thua phải quấy thì không bao giờ chúng ta tu được.

Tất cả quí vị ngồi lại, tự kiểm tra mình xem có bị hai cái lầm đó không. Một là lầm về thân, cho thân là thật, thân là quí, thân là đẹp… Thấy như vậy là do si mê ái ngã của mình mà ra. Từ cái ái ngã sanh ra tham sân si đủ thứ. Bởi vì thương thân này quá cho nên ai đó cho cái gì bổ, chia người này người kia mà không chia cho mình thì buồn liền. Bổ là được sống dai, được mạnh thêm. Mình được cái đó thì mạng sống thêm dài, được mạnh khỏe mà bây giờ không có phần, nên giận tức. Nếu mình thấy thân này là tạm bợ, sống dai chết yểu không quan trọng, quan trọng ở chỗ mê lầm hay là tỉnh giác. Chúng ta tỉnh dầu chết yểu cũng vẫn tốt. Chúng ta mê dầu sống đến muôn tuổi cũng không ra gì. Quí vị phải nhớ chỗ đó. Nhiều khi mình thấy thân quá quan trọng, rồi cứ cho nó sống trong cái không phân biệt, không hiểu biết gì hết mà cũng muốn sống. Sống để làm gì? Chúng ta phải sống là sống hẳn trong trí tuệ. Còn nếu không có trí tuệ, chết là tốt thôi. Bởi vì sống trong mê lầm thì sống bao nhiêu tuổi cũng vô giá trị. Còn dù mình không sống dai, nhưng tỉnh giác thì cũng quí.

Quí vị nhớ Thiền sư Huyền Giác, Ngài sống được bao nhiêu? Sống có bốn mươi mấy tuổi thôi mà tới ngày nay, chúng ta vẫn học với Ngài. Như Chứng Đạo Ca v.v… chúng ta phải học thuộc lòng những câu Ngài nói. Còn những người thường ở thế gian sống cả trăm tuổi mà không có cái gì hay, không có cái gì sáng thì chúng ta có học không? Đó, để thấy giá trị của con người là giá trị giác ngộ, giá trị thức tỉnh, chớ không phải là giá trị mê lầm. Mê lầm dù có mặt ở trên thế gian này bao nhiêu cũng là thường, không có gì quan trọng. Quan trọng là chúng ta được sáng suốt, được trí tuệ. Vì vậy, đạo Phật cốt mở sáng con mắt trí tuệ cho chúng ta.

Tất cả quí vị có thấy mình đang mê lầm không? Nếu còn ái ngã là còn mê lầm. Như vậy mới thấy chúng ta đang ở trong mê lầm. Chúng ta đã tu đã học đã hiểu mà còn ở trong mê lầm, huống nữa là người thế gian. Họ chưa biết tu, chưa biết học mà không mê lầm sao được! Chúng ta ngày nay ráng tu ráng nghiền ngẫm, chiếu soi lại mình để thức tỉnh. Chúng ta tỉnh rồi thì đã có ngọn đuốc sáng. Từ ngọn đuốc sáng đó chúng ta soi chiếu cho mọi người, để cho ai ai cũng được tỉnh. Nếu tất cả đều tỉnh thì thế gian này có lẽ sẽ giống như cõi Cực Lạc rồi. Không còn ái ngã nữa, cho nên không còn tham, không còn sân, không còn si. Tham sân si không còn thì sống trên thế gian này an vui biết mấy. Chúng ta đâu còn làm khổ nhau.

Ngày nay văn minh tiến bộ, tất cả những nước văn minh trên thế giới, họ làm những chuyện rung trời động đất, nhưng con người có hết khổ không? Tiến chừng nào con người sợ nhiều chừng nấy. Hồi xưa, đánh giặc gặp nhau có gươm có giáo, gặp mặt thì đâm chém. Còn bây giờ ở đâu đó bấm nút là chúng ta nát tan hết. Như vậy bây giờ sợ từng cơn. Thế thì cái tiến bộ của khoa học chưa phải làm cho con người hết khổ. Quí vị thấy ngày nay nhiều tai họa do con người tạo nên không thể lường hết được, đủ thứ, chưa bao giờ an ổn. Cho nên đạo đức dạy chúng ta tu là để dẹp tan tham sân si. Nói nhiều thứ nhưng ba thứ đó là gốc. Con người hết tham sân si là con người hết khổ. Nghèo giàu v.v… không quan trọng, mà quan trọng ở chỗ hết tham sân si. Thế gian chỉ biết làm sao cho giàu, cho hết khổ. Nhưng những nước giàu như Mỹ đã hết khổ chưa?

Như vậy chúng ta thấy gốc đau khổ từ cái mê lầm là si, rồi sanh tham, sanh sân v.v… Cho nên chúng ta thương tất cả chúng sanh, thương tất cả mọi người thì chúng ta phải soi sáng để cho người thức tỉnh, dẹp bỏ được tham sân si. Dẹp bỏ được tham sân si, đó là cứu khổ cho chúng sanh. Còn chúng ta cứ cầu nguyện, cứ xin xỏ thì không cứu khổ được gì hết. Nhiều khi chỉ là trò lừa người thôi, chớ không có thật.

Tôi nói thẳng cái gì nó không phải là lẽ thật thì chúng ta không bao giờ bao che nó. Chúng ta phải thấy, phải biết được lẽ thật. Đó là chúng ta gần với đạo. Chớ chúng ta cứ bao che cái không phải thật để mình có quyền lợi v.v… thì đó là xa với đạo. Vì vậy tôi mong rằng ai đã tu thì phải ráng mở sáng trí tuệ mình ra và phải luôn luôn đem trí tuệ đó soi sáng lại cho kẻ khác. Đó mới là tự giác, giác tha.

Quí vị nghĩ làm sao thành Bồ-tát, làm sao thành Phật? Có Bồ-tát nào mê không? Bồ-tát tức là Hữu tình giác hay là Giác hữu tình. Là một chúng hữu tình được giác ngộ gọi là Bồ-tát, rồi đem sự giác ngộ đó làm giác ngộ cho người khác, đó là giác hữu tình. Như vậy Bồ-tát là giác. Còn Phật thì sao? Phật thì giác hạnh viên mãn. Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn.

Chúng ta tu muốn thành Bồ-tát, muốn thành Phật mà không giác ngộ thì thành được không? Ngày nay có nhiều người lầm lẫn, thấy ai đó làm việc bố thí nhiều, cho tiền của nhiều liền nói người đó tu hạnh Bồ-tát. Làm việc thiện là tu hạnh Bồ-tát hay làm cho người ta giác ngộ là tu hạnh Bồ-tát? Rõ ràng trong kinh đã định nghĩa Bồ-tát là Hữu tình giác và Giác hữu tình. Tức mình là một con người, là một chúng sanh được giác ngộ, gọi là Hữu tình giác. Đem sự giác ngộ đó để giáo hóa cho người cùng được giác ngộ là Giác hữu tình. Như vậy mới là Bồ-tát. Mình giác rồi thấy người mê mình thương, phải làm sao cho họ cùng giác. Đó là tâm Bồ-tát.

Như vậy ý nghĩa mà tôi dùng chữ Thường Chiếu, Viên Chiếu đây là hạnh gì? Quí vị xét kỹ xem là hạnh tiêu cực yếm thế hay hạnh gì? Mình phải giác, đó là thắp được ngọn đèn sáng. Rồi soi sáng cho người hay là cho người mồi ánh sáng ấy, đó là chúng ta phá được cái mê lầm cho chúng sanh. Mình giác, người cùng giác, đó là tự giác, giác tha.

Mình giác rồi thấy ai mê mình mới thương. Thương mình mới cố tìm cách giúp đỡ cho họ được giác. Hiểu thấu đáo lẽ thật của đạo, chúng ta mới không lầm. Nhiều khi vì không hiểu, chúng ta cứ lầm lẫn. Không một vị nào tu mà không dạy người ta giác ngộ.

Như trong bố thí: tài thí, pháp thí, vô úy thí. Tài thí đi trước là vì kẻ đó đói không có cơm ăn, giảng kinh họ nghe họ không hiểu, họ không chịu nghe. Cho nên tạm dùng tài thí trước để rồi tới pháp thí. Pháp thí là giúp cho người ta tỉnh, người ta giác rồi, chỉ cho họ qua khỏi mọi khổ đau. Đó là vô úy thí. Như vậy tài thí tuy Phật đặt trước nhưng nó không quan trọng bằng pháp thí. Ba môn thí: tài thí, pháp thí, vô úy thí thì pháp thí là trên hết, Phật dạy hết sức rõ.

Người tu mà không giác thì lấy cái gì bố thí cho người? Quí vị mê lầm không chịu sáng, không thấy được lẽ thật của đạo thì quí vị dạy ai? Mình mê thì không thể dạy cho người ta giác được. Cho nên ai đã là người tu thì phải cố gắng, phải làm sao mở trí tuệ của mình cho sáng, nhìn thấy đúng như thật để chỉ dạy cho người. Đó mới là chỗ chân thật.

Qua cái tên Thường Chiếu này, quí vị thấy chỗ ấp ủ của tôi thế nào? Ấp ủ của tôi là muốn quí vị phải tự thắp đuốc lên cho sáng, rồi mồi ngọn đuốc sáng của mình cho nhiều người. Đem đến nơi này, đem đến nơi kia bủa sáng để cho mọi người đều hết mê lầm. Mọi người hết mê lầm tức là cứu khổ chúng sanh. Ánh sáng đó không chỉ một thời gian ngắn mười năm, hai mươi năm hay là ba bốn mươi năm. Nói cụ thể hơn, không phải ánh sáng đó chỉ là một ngọn đuốc của tôi, rồi mai kia nó cùn lụn, nó tắt, rồi hết. Mà tôi muốn ngọn đuốc này sẽ tiếp nối người này vừa gần tắt thì có người khác nối. Người khác gần tắt thì có người khác nối tiếp tục vô cùng, để cho thế gian không còn mờ tối nữa. Đó là cái nguyện, cái mong mỏi, sự ấp ủ của tôi.

Chẳng những một nơi mà tất cả nơi đều được chiếu soi như vậy. Được vậy thì cuộc đời sẽ không còn mê tối, chúng sanh sẽ không còn đau khổ nữa. Đó là cái sở nguyện, cái trông chờ mà tôi muốn gởi gấm cho tất cả quí vị. Quí vị có chịu nhận trách nhiệm đó không? Nếu tôi giao, tôi gởi mà quí vị không nhận thì đó là tội lỗi của quí vị. Tất cả chúng ta ai ai cũng có trách nhiệm. Nếu không phải khả năng mình như một ánh mặt trăng sáng bủa khắp bầu trời, như mặt trời sáng bủa khắp tất cả thiên hạ thì ít ra cũng là một ngọn đèn, một cây đuốc. Nếu không được ngọn đèn sáng như những ngọn đèn hiện tại chúng ta thấy, ít ra cũng được ngọn đèn cầy hay ngọn đèn dầu nhỏ nhỏ vậy. Cũng phải là ngọn đèn. Chớ không đợi phải có đèn điện mới sáng. Đèn điện là ở thành thị, ở thôn quê mình là ngọn đèn dầu, ngọn đèn cầy hay là một cụm lửa nhỏ cũng là tốt rồi, mà phải sáng. Bản thân mình phải là ngọn đèn. Nếu mình là một cục đất, mình là một dúm bùi nhùi chưa cháy thì có mồi cho ai được không?

Do đó ý nghĩa tôi đặt ra từ khi đặt chân lên mảnh đất này, xây dựng ngôi Thiền viện này, tôi đã mơ ước, tôi đã trông đợi ôm ấp hoài bão đó. Từ những ngày ấy cho tới ngày nay, tôi không biết ngọn đèn tôi sẽ tắt lúc nào. Nên mong quí vị hãy cố gắng, phải thắp ngọn đuốc của mình, đốt ngọn đèn của mình lên cho nó cháy, để rồi quí vị tiếp cho tôi. Khi tôi tắt thì những ngọn đèn của quí vị sẽ là những ánh sáng.

Tôi chỉ là một ngọn mà thôi, tới quí vị là trăm ngọn ngàn ngọn, chớ không phải một ngọn như tôi nữa. Như vậy mới đúng ý nghĩa là Thường Chiếu, là Viên Chiếu. Đó là lời nhắc nhở đầu năm, cũng là đặt trách nhiệm cho tất cả quí vị đi đúng đường, làm cho đúng bổn phận, đừng để lệch lạc. Đó là sự mong mỏi trông chờ của tôi đối với tất cả Tăng Ni.

Đến đây tôi nguyện cầu Tam Bảo gia hộ cho tất cả chúng ta đều là những người được “truyền đăng tục diệm” mãi mãi.

Tác giả bài viết: HT. Thích Thanh Từ
Nguồn tin: Thiền viện thường chiếu
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 746
  • Khách viếng thăm: 743
  • Máy chủ tìm kiếm: 3
  • Hôm nay: 44079
  • Tháng hiện tại: 1389283
  • Tổng lượt truy cập: 76331878

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile