Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

KINH ĐẠI BẢO TÍCH - 32. Pháp Hội Vô Uý Ðức Bồ tát

Đăng lúc: Thứ sáu - 13/09/2013 23:01 - Người đăng bài viết: Diệu Thành
Như vậy tôi nghe một lúc đức Bà Già Bà ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng năm trăm Tý Kheo câu hội chư đại Bồ Tát vô lượng vô biên có tám đại Bồ Tát làm thượng thủ, đều được tam muội và đà la ni, khéo nhập ba môn giải thoát không vô tướng vô nguyện, thiện xảo các thần thông, được vô sanh pháp nhẫn, danh hiệu các ngài là : Di Lâu Bồ Tát, Ðại Di Lâu Bồ Tát, Thường Nhập Ðịnh Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Bửu Thủ Bồ Tát, Thường Hỉ Căn Bồ Tát, Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bửu Tướng Bồ Tát, La Hầu Bồ Tát, Thích Thiên Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thượng Ý Bồ Tát, Thắng Ý Bố Tát, Tăng Thượng Ý Bồ Tát, có tám ngàn đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ.



GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
KINH ÐẠI BẢO TÍCH 
Việt dịch: Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh 
Xuất bản: Ban Văn Hóa Thành Hội TP. Hồ Chí Minh PL 2543 - DL 1999

XXXII 
Pháp hội 
VÔ ÚY ÐỨC BỒ TÁT 
Thứ ba mươi hai 

Hán Dịch: Nguyên Ngụy, Pháp Sư Phật Ðà Phiến Ða 
Việt Dịch: Việt Nam Tỳ Kheo Thích Trí Tịnh

Như vậy tôi nghe một lúc đức Bà Già Bà ở thành Vương Xá trong núi Kỳ Xà Quật cùng năm trăm Tý Kheo câu hội chư đại Bồ Tát vô lượng vô biên có tám đại Bồ Tát làm thượng thủ,  đều được tam muội và đà la ni, khéo nhập ba môn giải thoát không vô tướng vô nguyện, thiện xảo các thần thông,  được vô sanh pháp nhẫn, danh hiệu các ngài là : Di Lâu Bồ Tát,  Ðại Di Lâu Bồ Tát, Thường Nhập Ðịnh Bồ Tát, Thường Tinh Tiến Bồ Tát, Bửu Thủ Bồ Tát, Thường Hỉ Căn Bồ Tát, Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Bửu Tướng Bồ Tát, La Hầu Bồ Tát, Thích Thiên Bồ Tát, Thủy Thiên Bồ Tát, Thượng Ý Bồ Tát, Thắng Ý Bố Tát, Tăng Thượng Ý Bồ Tát, có tám ngàn đại Bồ Tát như vậy làm thượng thủ. 

Ðức Thế Tôn ở Vương xá thành được nhà Vua các Vương Tử, Bà La Môn, Trưởng giả, Cư sĩ tôn trọng tán thán cúng dường.  Ðức Thế

 Tôn có đủ vô lượng trăm ngàn vạn chúng  cung kính vây quanh mà vì họ thuyết pháp. 

Bấy giờ chư Tôn giả Xá Lợi Phất,  Ðại Mục Kiền Liên,  Ðại Ca Diếp, Tu Bồ Ðề, Phú Lâu Na Di Ða La Ni Tử, Ly Bà Ða, A Thấp Bà,  Ưu Ba Ly,  La Hầu La, A Nan, vô lượng chư đại Thanh Văn như vậy buổi sáng chỉnh y cầm bát vào thành Vương Xá đến từng nhà đúng như pháp mà khất thực không có duyên gì khác, lần lần đi đến trước cung điện cuả vau A Xà Thế,  đồng đứng yên lặng chẳng nói khất thực hay chẳng khất thực. 

Vua A Xà Thế có người con gái tên Vô Úy Ðức đoan chánh xinh đẹp vô song thành tựu công đức tối thắng thù diệu mới mười hai tuổi mang guốc vàng bửu đang ngồi trên cung lầu thấy chư Thanh Văn mà chẳng đứng dậy vẩn yên lặng ngồi tại chỗ. Vua A Xà Thế thấy vậy mới bảo rằng : «Con chẳng thấy chư vị ấy là đệ tử thượng túc của đức Thích Ca Như Lai đã thành tựu đại pháp làm phước điền cho thế gian vì thương chúng sanh mà các Ngài đi khất thực. Nay con được thấy các Ngài sao con chẳng dậy chẳng nghinh chẳng lễ chẳng hỏi han lại chẳng nhường chỗ ngồi. Con thấy sự gì mà chẳng đứng dậy tiếp nghinh? ».

Vô Úy Ðức tâu Phụ Vương : «Chẳng hay phụ vương có thấy có nghe Chuyển Luân Thánh Vương thấy các Tiểu Vương mà đứng dậy tiếp nghinh chăng? ».

A Xà Thế Vương nói : «Không dậy tiếp nghinh».

Vô Úy Ðức lại tâu : Phụ Vương có thấy có nghe lúc sư  tử chúa muông thú thấy các dã can liền đứng dậy tiếp nghinh chăng? ».

A Xà Thế Vương nói: «Không có sự  ấy ».

Vô Úy Ðức lại tâu «Phụ Vương có thấy có nghe Ðế Thích Thiên Vương tiếp nghinh Chư Thiên Tử, đại Phạm Thiên Vương lễ kính  Thiên chúng chăng? ».

A Xà Thế Vương nói : «Không có sự ấy ».

Vô Úy Ðức lại tâu : «  Phụ Vương có thấy có nghe thần biển lớn lễ kính các thần sông thần ao chăng? ».

A Xà Thế Vương nói : «Không có sự ấy ».

Vô Úy Ðức lại tâu : «Phụ Vương có thấy có nghe Tu Di Sơn Vương lễ kính các Sơn Vương khác chăng? ».

A Xa Thế Vương nói : «Không có sự ấy».

Vô Úy Ðức lại tâu : «Phụ Vương có thấy có nghe thần nhựt nguyệt lễ kính trùng đom đóm chăng? ».

A Xà Thế Vương nói : «Không có sự ấy ».

Vô Úy Ðức tâu : «Phụ Vương nên biết Bồ Tát phát tâm xu hướng Vô thượng Bồ đề dùng đại từ bi sao lại lễ kính hàng Thanh Văn rời lìa tâm đại bi !  Ðâu có sư tử vương Bồ Tát cầu đạo Vô thượng, Chánh chơn Chánh giác lại lễ các dã can Tiểu thừa !  Ðâu có Bồ Tát đã cầu đạo đại phạm thanh tịnh tiến lên Vô thượng  Bồ đề lại nên thân cận hàng Thanh Văn thiện căn kém ít !  Ðâu có người muốn đến biển lớn đại trí muốn cầu khéo biết khối đại pháp mà lại còn cầu dấu chưn trâu, vì hàng Thanh Văn nghe âm thanh từ nơi người khác vậy.  Ðâu có người muốn đến núi Phật Tu Di để cầu sắc thân vô biên của Như Lai mà lại cầu sức không tam muội trong hột cải của hàng Thanh Văn mà đi lễ họ.  Ðâu có người đã được nghe công đức trí huệ của chư Phật như nhựt nguyệt quang lại lễ kính hàng Thanh Văn để cầu lửa sáng đom đóm, vì hàng Thanh Văn chỉ có thể tự lợi tự soi từ người khác nghe âm thanh mà được hiểu vậy.

Tâu Phụ Vương ! Sau khi các đức Phật nhập Niết Bàn còn chẳng kễ kính hàng Thanh Văn huống là nay đức Thế Tôn còn tại thế gian. Tại sao ? Vì nếu người nào thân cận hàng Thanh Văn tất phát tâm Thanh Văn, người nào thân cận hàng Duyên Giác tất phát tâm Duyên Giác, có ai gần gũi đấng Chánh chơn Chánh giác tất phát tâm Vô thượng Bồ Ðề ».

Nói xong, Vô Úy Ðức liền dùng kệ báo cáo Phụ Vương A Xà Thế:

« Ví như người đến biển  
Mà lấy một văn tiền  
Tôi thấy chư Thanh Văn  
Tu hành cũng như vậy 
Ðến biển đại pháp rồi  
Bỏ khối báu Ðại thừa 
Mà khởi tâm hẹp kém  
Tu hành đạo Tiểu thừa  
Như người thân cận vua  
Xuất nhập không chướng ngaị 
Theo vua xin một tiền  
Người nầy uổng gần vua  
Cung kính gần Luân Vương  
Xin của vật trăm ngàn  
  
Giúp vô lượng kẻ nghèo 
Ðây là khéo gần vua 
Như người xin một tiền 
Thanh Văn cũng như vậy 
Chẳng cầu chơn giäi thoát 
Mà lấy tiểu Niết bàn 
Nếu khởi tâm hẹp kém 
Tự lợi chẳng tự tha 
Dường như tiểu y sư 
ChÌ hay trị thân mình 
Ví như đại y vương 
Trị bịnh rất nhiều người 
Khéo sanh lòng từ bi 
Ðược cung kính danh tiếng 
Y sư được thế lợi 
Vì được biết y phương 
Tự độ chẳng độ tha 
Người trí chẳng cung kính 
Như y vương thiện xäo 
Thông đạt các y phương 
Cứu vô lượng ngàn ức 
Các chúng sanh bịnh khổ 
Y vương được thế gian 
  
Cung kính và danh tiếng 
Người phát tâm Bồ đề 
Khắp trị bịnh phiền não 
Như rừng tì ma kia 
Hoa hương bóng chẳng tốt 
Thanh Văn như tì ma 
Chẳng phát tâm cứu thế  
Như chỗ thọ vương lớn 
Nhiều người được lợi ích 
Chư Bồ Tát cũng vậy 
Hay lợi ích mọi người 
Chẳng dùng nắng mùa thu 
Hay cạn dòng nước nhỏ 
Ðến cạn biển cả rồi 
Hay chứa vô lượng chúng 
Ðạo Thanh Văn kém hẹp 
Dường như dấu chưn trâu 
Chẳng dứt được tất cả  
Phiền não của chúng sanh 
Chẳng phải lên núi nhỏ 
Mà hiện kim sắc thân 
Chỉ lên núi Tu Di 
Ðều thấy thân kim sắc

Nên biết chư Bồ Tát 
Cũng như núi Tu Di 
Do Bồ Tát trụ thế 
Thế gian được giải thoát 
Ðều là một sắc thân 
Ðầy đủ Nhứt thiết trí 
Trí Thanh Văn chẳng vậy 
Dường như sương buổi sáng 
Chẳng lợi được cho đời 
Vì họ chẳng chứng pháp 
Như mưa lớn tăng trưởng 
Lợi ích vô lượng loài 
Thanh Văn như sương mai 
Bồ Tát như mưa lớn 
Thân cận được đại pháp 
Như sức biển nhận nhiều 
Như hoa héo ném bỏ 
Không còn hương thơm đẹp 
Mọi người chẳng thích nó 
Chỉ ưa hoa chiêm bặc 
Như cầu thanh liên hoa 
Ðẹp thơm rất kỳ diệu 
Hoa bỏ như Thanh Văn

Trì hẹp chẳng lợi người 
Như hoa chiêm bặc kia 
Bồ Tát cũng như vậy 
Vì thương mến chúng sanh 
Hay hóa độ chúng sanh 
Phụ Vương có từng biết 
Gì là đại kỳ đặc 
Một người tại đồng hoang 
Lợi ích nhiều người vậy 
Nếu muốn an ổn tốt 
Ðộ vô lượng chúng sanh 
Phải phát tâm Bồ đề 
Chó theo đạo Tiểu thừa 
Trong thế gian đồng hoang 
Hay cứu chúng lạc đường 
Như nhà hướng đạo kia 
Bồ Tát cũng như vậy 
Phụ Vương có từng thấy 
Bè nhỏ qua biển lớn 
Chỉ ngồi thuyền tơ kia 
Hay đưa vô lượng chúng 
Thanh Văn là bè nhỏ 
Bồ Tát như thuyền to

Tu pháp đạo xong rồi 
Khiến vượt biển đói khát 
Phụ Vương có từng thấy 
Cỡi lừa hay nhập trận 
Chỉ thầy ngồi voi ngựa 
Chiến đấu mà đắc thắng 
Thanh Văn như xe lừa 
Bồ Tát như long tượng 
Hàng ma ngồi đạo thọ 
Ðộ vô lượng chúng sanh 
Như hư không giữa đêm 
Chẳng thấy tinh tú hiện 
Ví trăng tròn sáng rỡ 
Chiếu khắp châu Diêm Phù 
Thanh Văn như tinh tú 
Bồ Tát như trăng tròn 
Vì thương mến chúng sanh  
Thị hiện đạo Niết bàn 
Lửa sáng đom đóm kia 
Không thể dùng làm việc  
Nhựt nguyệt chiếu Diêm Phù 
Làm được mọi sự việc 
Thanh Văn như lửa đóm

Chẳng được lợi ích nhiều 
Phật có sáng giải thoát 
Thương xót các chúng sanh 
Tiếng dã can kêu la 
Chẳng làm muông thú sợ 
Chỉ có sư tử chúa 
Gầm lên chim bay rớt 
Nên biết hàng Thanh Văn 
Chẳng phát tâm Bồ đề 
Chẳng vì lợi ích chúng sanh 
Trừ tất cả phiền não  
Vì thấy biết như vậy 
Chẳng phát tâm Thanh Văn 
Ðã đại phát tâm rồi 
Sao lại còn phát tiểu 
Ðã được thân người tốt 
Nên phát tâm vô thượng 
Cứu độ tất cả chúng 
Vứt bỏ đạo Tiểu thừa 
Ðược thân thế gian tốt 
Lại được lợi thế gian 
Khéo đến tại thế gian 
Mà phát tâm vô thượng

Mong cầu đạo vô thượng 
Cứu độ các chúng sanh 
Hay tự lợi lợi tha 
Người nầy đang được khen 
Cũng được đời tôn trọng 
Và được đạo cứu cánh 
Vì thế hôm nay tôi  
Chẳng lễ kính Thanh Văn ».

Vua A Xà Thế bảo Vô Ý Ðức : « Con đại ngã mạn, sao thấy chư đại Thanh Văn lại chẳng phụng nghinh ? »

Vô Úy Dức tâu : Phụ Vương chớ bảo như vậy. Phụ Vương cũng ngã mạn, sao Phụ Vương chẳng phụng nghinh những người nghèo cùng trong thành Vương Xá nầy ? » 
Vua nói : « Họ chẳng đồng hàng với ta, sao ta lại phụng nghinh ? ».

Vô Úy Ðức tâu : « Sơ tâm Bồ Tát cũng như vậy, tất cả Thanh Văn và Duyên Giác chẳng đồng hàng ».

Vua nói : «  Con há chẳng thấy chư Bồ Tát lễ kính tất cả chúng sanh ư ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Bồ Tát vì độ các chúng sanh kiêu mạn sân não khiến họ phát khởi tâm hồi hướng đại đạo nên lễ kính tất cả chúng sanh, vì tăng trưởng gốc thiện căn cho các chúng sanh mà Bồ Tát lễ kính. Nhưng nay chư Thanh Văn không tâm sân hận lại cũng chẳng tăng trưởng thiện căn được. Dầu trăm ngàn chư Phật vì họ mà nói diệu pháp nhưng nơi giới định huệ họ đã được vẫn không tăng thêm. Thanh Văn như khối lưu ly, Bồ Tát như chiếc bình báu lớn. Bình nếu đã đầy lúc trời mưa không chứa thêm được một giọt. Cũng vậy, dầu trăm ngàn chư Phật vì hàng Thanh Văn nói diệu pháp họ cũng chẳng được lợi ích chẳng tăng thêm giói định huệ, họ chẳng thể làm cho chúng sanh phát tâm đến Nhứt thiết trí. Ví như đại hải có thể nhận nước của tất cả sông và mưa mây, tại sao, vì đại hải là cái bình vô lượng vậy. Chư Bồ Tát lúc diễn thuyết pháp tùy chỗ người được nghe được phước lợi lớn tăng trưởng tất cả gốc các thiện căn, tại sao, vì chư Bồ Tát là chiếc bình ngôn thuyết vô biên vậy ».

Vua A Xà Thế nghe Vô Úy Ðức nói những lời trên thì nín lặng ngồi yên.

Bấy giờ Tôn giả Xá Lợi Phất tự nghĩ rằng : Vô Úy Ðức nầy được đại biện tài có thể ngôn thuyết vô tận như vậy, nay ta đến hỏi nàng ít lời xem nàng có đắc nhẫn chăng. Tôn giả lièn đến hỏi Vô Úy Ðức rằng : « Nay cô an trụ Thanh Văn thừa ư ? ».

Ðáp : « không ạ ». 
Hỏi : « Nay cô an trụ Duyên Giác thừa ư ? ». 
Ðáp :  « Không ạ ». 
Hỏi :  « Nếu như vậy thì cô an trụ thừa nào mà có thể sư tử hống như vậy ? ». 
Ðáp : « Giả sử nay tôi có thể an trụ thì tất chẳng thể làm sư tử hống, do tôi không chỗ trụ nên tôi có thể làm sư tử hống. Nhưng Xá Lợi Phất nói an trụ thừa nào, như pháp được Ngài chứng đắc, pháp ấy há lại có thừa sai khác ư, là Thanh Văn thừa, là Duyên Giác thừa, là Ðại thừa ư ». 
Tôn giả Xá Lợi Phất nói : « Cô nghe tôi nói, pháp tôi được chứng không có tướng thừa chẳng phải thừa sai khác, vì là nhứt tướng, nghĩa là vô tướng vậy ». 
Vô Úy Ðức nói : « Nếu pháp vô tướng thì thế nào cầu được ? ».

Tôn giả Xá Lợi Phất nói : « Pháp chư Phật cùng pháp phàm phu có tướng thắng phụ sai biệt gì ? ». 
Vô Úy Ðức nói : « Không và tịch tĩnh có sai biệt gì ? ».

Tôn giả Xá Lợi Phất nói : « Không có sai biệt ».

Vô Úy Ðức nói : « Như không và tịch tĩnh không có tướng sai biệt, pháp chư Phật cùng pháp phàm phu không có tướng thắng phụ sai biệt. Lại như hư không hay thọ các sắc mà không có sai biệt, pháp chư Phật cùng pháp phàm phu không có tướng sai biệt cũng không có dị tướng ».

Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên nói với Vô Úy Ðức rằng : « Cô thấy Phật pháp cùng Thanh Văn pháp có sai khác gì mà nay cô thấy hàng đại Thanh Văn cô chẳng dậy tiếp đón chẳng nhường giường ghế ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Giả sử tinh tú đầy trời cũng chẳng chiếu sáng thế gian. Hàng Thanh Văn cũng vậy , vì lúc nhập định mới có trí thấy biết, lúc chẳng nhập định thì không hay biết ».

Tôn  giả Ðại Mục Kiền Liên nói : « Nếu chẳng nhập định thì chẳng biết được tâm chúng sanh ».

Vô Úy Ðức nói : « Ðức Phật chẳng nhập định mà có thể ở trong hằng hà sa thế giới tùy chỗ nên mà thuyết pháp độ các chúng sanh,vì khéo biết tâm họ vậy. Ðây là thắng sự của chư Phật Như Lai. Hàng Thanh Văn như tinh tú ánh sáng kém yếu làm sao so sánh được.

Lại nầy Ðại Mục Kiền Liên Tất cả Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu thế giới thành bao nhiêu thế giới họa chăng ? ».

Ðáp : « Chẳng biết được ».

Hỏi : « Hàng Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu chư Phật đã nhập Niết bàn, bao nhiêu chư Phật vị lai sẽ nhập và bao nhiêu chư Phật hiện tại nay nhập Niết bàn chăng ? ».

Ðáp : « Chẳng biết dược ».

Hỏi : « Hàng Thanh Văn có ai biết được có bao nhiêu chúng sanh nhiều tham dục, bao nhiêu chúng sanh nhiều sân hận, bao nhiêu chúng sanh nhiều ngu si và bao nhiêu chúng sanh nhiều đẳng phần chăng ? ».

Ðáp : « Chẳng biết được ».

Hỏi : « Hàng Thanh Văn có ai biết được bao nhiêu chúng sanh thọ Thanh Văn thừa, bao nhiêu chúng sanh thọ Duyên Giác thừa và bao nhiêu chúng sanh thọ Phật thừa chăng ? ».

Ðáp :  « Chẳng biết được ».

Hỏi : « Hàng Thanh Văn thừa có ai biết được bao nhiêu chúng sanh Thanh  Văn độ, bao nhiêu chúng sanh Duyên Giác độ và bao  nhiêu chúng sanh chư Phật độ được chăng ? ».

Ðáp : « Chẳng biết được ».

Hỏi : « Hàng thanh Văn có ai biết được bao nhiêu chúng sanh tại chánh định tụ chánh kiến và bao nhiêu chúng sanh tại tà định tụ chăng ? ». 
Ðáp : « Chẳng biết được ».

Vô Úy Ðức nói : « Nầy Ðại Mục kiền Liên ! Duy có đức Như Lai Chánh Chơn Chánh Giác khéo biết như thiệt chúng sanh giới mà vì họ thuyết pháp. Sự việc như vậy chẳng phải cảnh giới Thanh Văn Duyên Giác huống là các chúng sanh khác. Nên biết đây là sự việc thù thắng của đức Như Lai, vì đức Như Lai có đủ Nhứt thiết trí vậy. Tất cả Thanh Văn và Duyên Giác không có được.

Thưa Ðại Mục Kiền Liên ! Ðức Thế Tôn thọ ký Ngài là thần thông đệ nhứt, thần thông của Ngài có thể đến thế giới Hương Tượng biết trong thế giới ấy tất cả các cây đều sản xuất hương chiên đàn thượng diệu chăng ? ».

Tôn giả đáp : « Nay tôi mới nghe tên thế giới ấy thì làm sao có thể đến đó được. Ðức Phật tại đó hiệu là gì ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Ðức Phật hiệu Phóng Hương Quang Minh Như Lai Ứng Cúng đẳng Chánh Giác trụ tại thế giới ấy thuyết pháp ».

Tôn giả hỏi :  « Làm thế nào được thấy đức Phật ấy ? ».

Vô Úy Ðức chẳng rời chỗ ngồi chẳng động oai nghi mà thệ nguyện rằng : « Nếu Bồ Tát lúc sơ phát tâm có thể hơn hàng Thanh Văn và Duyên Giác, nguyện đức Phóng Hương Quang Minh Như Lai hiện thân nơi đây, cũng khiến hàng Thanh Văn Duyên Giác thấy thế giới Hương Tượng và ngửi mùi cây hương chiên đàn thượng diệu ».

Vô Úy Ðức phát thệ nguyện xong, đức Phóng Hương Quang Minh Như Lai từ nơi thân phóng quang. Do đức Phật ấy phóng quang nên chư Thanh Văn đây đều được thấy thế giới Hương Tượng và đức Phật có chúng Bồ Tát vây quanh, lưới báu che giăng, đức Phật ấy vì chúng mà thuyết pháp. Tại đây đại chúng đều được nghe tiếng thuyết pháp. Do thần lực của đức Phật ấy nên đại chúng đây còn được ngửi hơi hương chiên đàn thượng diệu của cây thế giới ấy.

Bấy giờ đức Phật Phóng Hương Quang Minh nói rằng : « Ðúng như vậy, như lời nói của Vô Úy Ðức : Bồ Tát lúc sơ phát tâm đã hơn hàng Thanh Văn và Duyên Giác cảnh giớỉ ».

Lúc ấy tại núi Kỳ Xà Quật, Di Lặc Bồ Tát bạch Phật rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Hơi thơm vi diệu nầy từ đâu đến ? ».

Ðức Phật nói : « Nầy Di Lặc !Vô Úy Ðức cùng chư Thanh Văn luận nghị như pháp và phát thệ nguyện. Ðức Phóng Hương Quang Minh dùng thần lực hiện thân và thế giới Hương Tượng cùng hơi hương cây chiên đàn, nên hơi hương thượng diệu ấy khắp cõi Tam Thiên Ðại Thiên nầy ».

Vô Úy Ðức bảo Tôn giả Ðại Mục Kiền Liên : «  Nếu đã thấy các công đức thù thắng bất tư nghị như vậy mà còn có thể phát tâm Thanh Văn Tiểu thừa hẹp kém chỉ tự độ, thì nên biết là thiện căn rất nhỏ ít. Ai là người đã thấy sự việc Bồ Tát thành tựu vô lượng công đức mà chẳng phát tâm Vô thượng Bồ đề. Ngài có biết thế giới Hương Tượng ấy cách đây bao nhiêu chăng ? ».

Tôn giả đáp : « Chẳng biết ».

Vô Úy Ðức nói : « Ngài thừa thần thông trải qua trăm ngàn kiếp cũng không thể biết không thể thấy thế giới ấy. Như tất cả tre lau lùm rừng cõi nầy làm con số không thể tính đếm, qua khỏi các Phật thế giới như số trên đây mới có thế giới Hương Tượng ấy ».

Bấy giờ đức Phật ấy thâu nhiếp quang minh, thế giới Hương Tượng cùng đức Phật ấy và chúng Bồ Tát bỗng chẳng còn hiện.

Tôn giả Ðại Ca Diếp nói với Vô Úy Ðức rằng : « Cô đã từng thấy thế giới Hương Tượng và dức Phóng Hương Quang Minh Như Lai rồi phải chăng ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Ca Diếp ! Như Lai có thể thấy được chăng ? Như lời Phật dạy : Nếu dùng sắc thấy ta và dùng âm thanh cầu ta, người ấy đều hành đạo tà chẳng thấy được Như Lai. Vì thân chư Như Lai là pháp thân, pháp chẳng thấy nghe thì làm sao thấy nghe được. Tùy phương tiện nào mà chúng sanh hạp thích thì Phật vì họ mà thị hiện, thân Phật không chướng ngại vì an trụ phương tiện vậy. Nhưng Ngài Ðại Ca Diếp hỏi tôi có thấy đức Phật và thế giới ấy chăng ? 

Thưa Ngài Ðại Ca Diếp Tôi thấy đức Phật ấy chẳng phải là nhục nhãn thấy vì chẳng phải là sắc được thấy bởi nhục nhãn ; chẳng phải thiên nhãn thấy vì không có thọ, chẳng pải huệ nhãn thấy vì rời lìa tưởng tướng, chẳng phải pháp nhãn thấy vì rời lìa các hành, chẳng phải Phật nhãn thấy vì rời lìa thức thấy vậy.

Tôi thấy Như Lai cũng như chỗ thấy của Ðại Ca Diếp vì đã diệt trừ tâm vô minh ái kiến vậy.

Thưa Ngài Ðại Ca Diếp ! Tôi thấy đức Phật ấy cũng như chỗ thấy của Ðại Ca Diếp Tôn giả. Lại cũng còn thấy ngã ngã sở v.v… ».

Tôn giả hỏi :  «  Nếu pháp không hẳn tại sao phát khởi vô minh ái và tướng ngã ngã sở, vì rất cả chúng sanh chẳng thấy được vậy ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Ðại Ca Diếp, tất cả pháp không có hẳn thì nó thế nào được thấy ? ».

Tôn giả nói : « Nếu tất cả Phật pháp cứu cánh là không có thì thế nào thấy được ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Ðại Ca Diếp ! Ngài có thấy Phật pháp tăng trưởng nghĩa chăng ? ».

Tôn giả nói : « Tôi còn chẳng biết phàm phu pháp hà huống Phật pháp ».

Vô Úy Ðức nói : « Vì thế nên, thưa Ngài Ðại Ca Diếp, pháp ấy chẳng thành tựu thì thế nào có đứt nối mà người chẳng chứng kia thấy. Thưa Ngài Ðại Ca Diếp ! 

Các pháp không có hẳn chẳng hiện bày được, vì thế nên tất cả pháp đều không. Nếu bổn pháp không có thì thế nào thấy được pháp giới thanh tịnh ấy. Thưa Ngài Ðại Ca Diếp, nếu ai muốn thấy tịnh Như Lai thì thiện nam thiện nữ ấy phải tịnh tự tâm ».

Tôn giả hỏi Vô Úy Ðức : « Thế nào khéo tịnh tự tâm ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Như tự thân chơn như và tất cả pháp chơn như, nếu tin nơi ấy chẳng tạo tác chẳng vong thất, thấy như vậy thì tự tâm thanh tịnh ».

Tôn giả hỏi :  « Tự tâm lấy gì làm thể ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Lấy không làm thể. Nếu chứng không ấy thì tin tự thân không, vì tin tự thân không nên tin chơn như không, vì tất cả các pháp tịch tĩnh vậy ».

Tôn giả nói : « Cô theo đức Phật nào nghe pháp như vậy mà được chánh kiến. Như Phật từng dạy : người phát chánh kiến có hai nhơn duyên, một là nghe pháp nơi người, hai là tự nội tư duy.

Vô Úy Ðức nói : « Nhờ âm thanh ngoài mà có nghe, vì nghe âm thanh ngoài nên sau đó nội tư duy. Thưa Ngài Ðại Ca Diếp Bồ Tát Ðại Sĩ chẳng nhờ người nói chẳng mượn âm thanh sao lại bảo là an trụ nội tư duy ».

Tôn giả nói : « Vì cô theo pháp được nghe mà quan sát nên gọi là quán hạnh ».

Tôn giả lại hỏi Vô Úy Ðức : « Thế nào là Bồ Tát nội tự tư duy ? ».

Vô Úy Ðức nói :  « Thưa Ngài Ðại Ca Diếp ! Nếu cùng chư Bồ Tát thuyết pháp đồng sự mà chẳng phát khởi tướng chúng sanh. Bồ Tát nội quán như vậy thì gọi là thành tựu nội quán. Thưa Ngài Ðại Ca Diếp ! Tất cả các pháp đầy đủ bổn tế trung tế và hậu tế, vì tất cả pháp lấy chơn như làm thể vậy. Vì tất cả pháp hiện tại chơn như thế vậy. Nếu quán như vậy, Bồ Tát nầy gọi là thành tựu nội quán.

Tôn giả nói : « Cô an trụ pháp ấy thế nào ? ».

Vô Úy Ðức nói :  « Phải làm như vầy : như chơn như ấy thấy không phược không giải ».

Tôn giả hỏi : « Thấy thế nào thì gọi là chánh kiến ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Nếu rời lìa sự thấy hai bên, chẳng làm chẳng phải chẳng làm, thấy mà chẳng thấy như vậy thì gọi là chánh kiến. Thưa Ngài Ðại Ca Diếp ! Pháp ấy chỉ có danh tự, mà vì ly danh tự, vì vĩnh viễn chẳng chứng vậy ».

Tôn giả lại hỏi : « Thế nào được tự thấy ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Như chỗ thấy của Ðại Ca Diếp ».

Tôn giả nói : « Tôi chẳng thấy tự thân và ngã sở ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Phải nên thấy tất cả pháp như vậy, vì không có ngã và ngã sở vậy ».

Lúc Vô Úy Ðức nói pháp ấy, Tôn giả Tu Bồ Ðề lòng rất vui mừng mà nói với Vô Úy

Ðức rằng : « Cô khéo được lợi lành mà hay thành tựu biện tài ấy ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Pháp có được có chẳng được mà có thể cầu ư, sao Ngài bảo tôi khéo được biện tài. Tôi có biện thuyết nầy : Nếu tôi nói không có chỗ giác tri hoặc nội hoặc ngoại thì là có biện tài ».

Tôn giả hỏi : « Cô chứng được gì đắc pháp gì mà có diệu biện như vậy ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Vì chẳng tự biết vì chẳng từ người mà biết, chẳng thấy có tướng pháp thiện pháp bất thiện sai biệt, biết pháp như vầy : chẳng thấy nhiễm tịnh hữu lậu vô lậu hữu vi vô vi thế gian xuất thế gian và pháp phàm phu, vì pháp thể ấy chẳng thể thấy vậy, là chư Phật pháp, mà đắc Phật pháp chẳng thấy Phật pháp. Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Nếu không chỗ biết thấy như vậy thì có biện tài nầy ».

Tôn giả hỏi : « Thế nào là biện tài ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Như chỗ sở đắc tịch diệt của Ngài vậy ». 
  
Vô Úy Ðức nói với Tôn giả Xá Lợi Phất : « Như pháp thể ấy không nghe không được mà có chỗ nói ».

Vô Úy Ðức hỏi Tôn giả Tu Bồ Ðề : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Pháp thể trụ được chăng, lại có thể tăng giảm chăng mà có biện tài như vậy ? ».

Tôn giả nói : « Nếu chứng vô lậu và pháp không có sai biệt không có biện thuyết, vì pháp thể ấy chẳng thể nói được vậy ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Ở nơi tất cả pháp sao Ngài lại sanh niệm rằng được lợi lành được biện tài như vậy ? ».

Tôn giả Tu Bồ Ðề nói : « Cô do được biện tài mà nói hay chẳng được biện tài mà nói ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Ngài có tin lời đức Phật dạy tất cả các pháp như hưởng chăng ? ».

Tôn giả nói : Tôi tin sự ấy.

Vô Úy Ðức nói : « Hưởng ấy là có hay không có biện tài ? ».

Tôn giả nói : « Do nơi nội thanh mà có ngoại hưởng ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Do vì có thanh mà có hưởng ấy, hưởng ấy mà có thì là tánh tướng gì ? Nhưng hưởng ấy không có tánh tướng. Tại sao ?Vì nếu do duyên sanh thì hưởng ấy không có nghĩa sanh ».

Tôn giả nói : « Tất cả pháp duyên sanh ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Tất cả pháp thể tánh chẳng sanh ».

Tôn giả nói : « Nếu tất cả pháp thể tánh cứu cánh không có như vậy, sao đức Như Lai dạy rằng hằng hà sa chư Phật sẽ thành Chánh Giác ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Pháp giới là có thể sanh được chăng ? ».

Tôn giả nói : « Chẳng thể sanh được ».

Vô Úy Ðức nói : « Tất cả chư Phật Như Lai đều là pháp giới tánh tướng ».

Tôn giả nói : « Chẳng thấy tất cả pháp giới vậy ».

Vô Úy Ðức nói : « Bao nhiêu lời được nói, ngôn ngữ vô tánh, mà nói hằng hà sa chư Phật sẽ thành Chánh Giác, lời nói nầy có nghĩa gì. Tại sao ? Vì pháp giới bất sanh bất diệt nên tất cả thuyết chẳng phải thuyết vì cứu cánh thanh tịnh vậy. Vì kia chẳng phải sự chẳng thể ngôn thuyết được, rời lìa nơi thiệt tể ».

Tôn giả Tu Bồ Ðề nói : « Rất lạ, Vô Úy Ðức là cô gái tại gia mà hay thiện xảo thuyết pháp như vậy, lại có biện tài vô tận như vậy ».

Vô Úy Ðức nói :  « Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Chư Bồ Tát không có giữ lấy hay chẳng giữ lấy, nghe hay chẳng nghe hoặc tại gia hoặc xuất gia mà có biện tài. Tại sao ? Vì tâm thanh tịnh vậy. Do tâm tịnh nên trí hiển, do trí hiển nên hiển biện tàỉ ».

Vô Úy Ðức bảo Tôn giả Tu Bồ Ðề rằng : « Nay nên khéo nói hạnh của Bồ Tát ».

Tôn giả nói : « Cô nói đi, tôi lắng nghe ».

Vô Úy Ðức nói : « Bồ Tát thành tựu tám thứ pháp hạnh nên chẳng được nói là tại gia, xuất gia ; một là Bồ Tát được tâm thanh tịnh quyết định tin Bồ đề, hai là Bồ Tát thành tựu đại từ đại bi nên chẳng bỏ chúng sanh, ba là vì thành tựu đại từ bi nên thiện xảo tất cả sự thế gian, bốn là hay xả bỏ thân mạng chi phần và thành tựu phương tiện thiện xảo, năm là thiện xảo vô lượng phát nguyện, sáu là thành tựu Bát Nhã Ba la mật hạnh vì rời lìa tất cả chấp kiến, bảy là đại dũng mãnh tinh tiến vì tu các thiện nghiệp mà không chán đủ vậy, tám là được vô ngại trí vì được vô sanh pháp nhẫn vậy.

Thưa Ngài Tu Bồ Ðề ! Chư Bồ Tát do thành tựu tám pháp như vậy nên chẳng được gọi là tại gia hay xuất gia, tùy theo oai nghi nào cũng an trụ trong Bồ đề không hề chướng ngạỉ ».

Bấy giờ Tôn giả La Hầu La bảo Vô Úy Ðức rằng : « Lời nói ấy là ngôn thuyết bất tịnh. Cô mang guốc báu ngồi tòa cao mà luận nghị qua lại cùng chư đại Thanh Văn. Cô há chẳng nghe đức Phật dạy rằng : là người bất tịnh thì chẳng được thuyết pháp và cũng chẳng được thuyết pháp cho người ngồi tòa cao ư ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài La Hầu La ! Ngài có thiệt biết tịnh và bất tịnh chăng ? Thưa Ngài La Hầu La ! Thế gian nầy là tịnh chăng ? ».

Tôn giả nói : « Không tịnh chẳng tịnh vậy ».

Vô Úy Ðức nói : « Như Lai chế giới theo đó mà thọ hành rồi phạm giới đó là tịnh và bất tịnh. Nếu lại có người chẳng phạm giới đó là chẳng phải tịnh và bất tịnh. 
Thưa Ngài La Hầu La ! Thôi đi chớ có nói như vậy. Nếu người y như thuyết pháp y như chế giới mà tu hành, thì người ấy nói bất tịnh. Nhưng vì người ấy chứng được pháp vô lậu, thì người ấy không có phạm và chẳng phạm nên cũng không có tịnh và bất tịnh. Tại sao ?Vì chư đại Thanh Văn đã quá các thuyết pháp đã quá các chế giới. Ðức Như Lai vì chư Thanh Văn hữu học đến trong tam giới nên vì họ thuyết pháp vì họ chế giới. Như chư đại Thanh Văn ấy đã quá tam giới. Do đây nên nói quá hay chẳng quá tam giới như vậy.

Do vì họ chẳng biết được giới nên nói tịnh và bất tịnh. Như hư không chỉ có ngôn thuyết duy trì lực thấy biết, thế nên được nói tịnh và bất tịnh vậy ».

Tôn giả La Hầu La hỏi: « Tịnh và bất tịnh có sai biệt gì ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Ví như chơn kim rời lìa hẳn cấu uế làm những đồ trang sức và chẳng làm, màu sắc chơn kim có sai biệt gì ? ».

Tôn giả nói : « Không có sai biệt ».

Vô Úy Ðức nói : « Tịnh cùng bất tịnh chỉ có ngôn thuyết danh tự để làm sai biệt mà không có sai biệt gì khác. Tại sao ? Vì tất cả pháp tánh rời lìa tất cả cấu uế không nhiễm không trước vậy.

Thưa Ngài La Hầu La ! Người ngồi tòa cao rộng chẳng nên thuyết pháp. Bồ Tát ngồi tòa trải cỏ hơn người ngồi tòa cao hơn cả đại Thanh Văn  ngồi tại Phạm Thiên ». 
Tôn giả nói : « Cô nói vậy là có nghĩa gì ? » 

Vô Úy Ðức nói : « Thưa Ngài La Vân ! Ngài có thấy Bồ Tát ngồi trên tòa gì mà thành Vô thượng Bồ đề chăng ? ».

Tôn giả nói : « Ngồi trên tòa cỏ ».

Vô Úy Ðức nói : « Bồ Tát ngồi tòa cỏ mà trong Ðại Thiên thế giới tất cả Phạm Thiên, Ðế Thích, Tứ Thiên Vương cùng chư Thiên Tử cho đến trời Sắc Cứu Cánh đều đền lễ lạy chắp tay lạy chưn Bồ Tát ».

Tôn giả nói : « Ðúng như vậy ».

Vô Úy Ðức nói : « Do thành tựu pháp như vậy mà Bồ Tát ngồi tòa cỏ hơn người ngồi tòa cao rộng lớn, hơn đại Thanh Văn ở tại Phạm Thiên ».

Vua A Xà Thế bảo Vô Úy Ðức rằng : « Con há chẳng biết Tôn giả La Hầu La đây là con trai của Thích Ca Như Lai ở trong hàng học giới là tối đệ nhứt ư ? ».

Vô Úy Ðức nói : « Thôi đi Phụ Vương chớ nói như vậy. Phụ Vương có thấy nghe sư tử chúa sanh con dã can chăng ? ».

Vua nói : « Không hề thấy ».

Vô Úy Ðức nói : « Phụ Vương có thấy có nghe Chuyển Luân Thánh Vương lễ kính chư Tiểu Vương chăng ? ».

Vua nói : « Không có ».

Vô Úy Ðức nói : « Ðúng vậy. Như Lai Sư Tử Vương chuyển đại pháp luân chư Thanh Văn cung kính vây quanh.

Nếu y chánh pháp thì ai là chơn tử của đức Như Lai. Thì nên đáp rằng chính là chư Bồ Tát vậy. Vì thế chẳng nên nói đức Như Lai có con hay đức Như Lai không con.

Nếu nói đức Như Lai có chơn tử thì nên nói ai phát tâm Vô thượng Bồ đề là chơn tử của đức Như Laỉ ».

Lúc nói pháp trên đây, trong cung vua A Xà Thế có hai vạn nữ nhơn phát tâm Bồ đề, hai vạn Thiên Tử đầy đủ pháp ấy nghe Vô Úy Ðức sư tử hống rồi đều phát tâm Bồ đề.

Vua A Xà Thế lại nói : « Ðây là con trai của chư Phật quá khứ vị lai hiện tại lìa hẳn phiền não học giới Thanh Văn thế nào chẳng phải chơn tử ! ».

Chư Thiên vì cúng dường Vô Úy Ðức nên rải hoa lên đức Phật khắp thành Vương Xá.

Bấy giờ Vô Úy Ðức rời tòa ngồi đến lễ kính chư đại Thanh Văn rồi dưng cúng các thực phẩm đúng như pháp. Cúng dường xong, Vô Úy Ðức bạch rằng : « Chẳng biết chư Tôn giả đại Thanh Văn có chi sáng sớm rời xa đức Phật mà đến chốn nầy, phải nên nghe đức Phật thuyết pháp rồi sẽ đi khất thực. Chư Tôn giả về đi, trong giây lát đây tôi sẽ đến chỗ đức Phật ».

Vô Úy Ðức cùng Phụ Vương A Xà Thế và Vương Mẫu vô lượng nhơn chúng doanh vây xuất thành đến chỗ đức Phật đồng đảnh lễ chưn Phật rồi ngồi một phía. 
Chư Thanh Văn ấy cũng đến lễ chưn Phật rồi ngồi qua một bên. Tôn giả Xá Lợi Phất tác lễ bạch rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Vô Úy Ðức, cô gái nhỏ đây rất kỳ lạ, được phước lợi rất lớn ».

Ðức Phật phán : « Nầy Xá Lợi Phất ! Vô Úy Ðức đây đã ở nơi chín mươi ức Phật quá khứ phát tâm Bồ đề vun trồng căn lành để cầu Vô thượng Phật đạo ». 
Tôn giả Xá Lợi Phất bạch rằng : « Bạch đức Thế Tôn ! Vô Úy Ðức dây có thể chuyển thân nữ ấy chăng ? ».

Ðức Phật phán : « Nầy Xá Lợi Phất ! Ông thấy Vô Úy Ðức là nữ nhơn ư ? Ông chớ có thấy như vậy. Tại sao ? Vì Bồ Tát nầy phát nguyện lực mà thị hiện thân nữ nhơn để độ chúng sanh ».

Vô Úy Ðức phát thệ rằng : « Nếu tất cả pháp chơn thiệt phi nam phi nữ thì khiến nay tôi hiện thân trượng phu cho tất cả đại chúng được thấy ».

Thệ xong liền diệt tướng nữ hiện thân trượng phu thăng lên hư không cao bằng bảy cây đa la rồi dừng ở tại đó không xuống.

Ðức Phật phán : « Nầy Xá Lợi Phất ! Ông có thấy Bồ Tát Vô Úy Ðức trụ tại hư không chẳng xuống ấy chăng ? ».

Tôn giả bạch : « Tôi đã thấy, bạch đức Thế Tôn ! ».

Ðức Phật phán : « Nầy Xá Lợi Phất ! Vô Úy Ðức Bồ Tát nầy lại quá bảy ngàn a tăng kỳ kiếp được thành Chánh giác hiệu Ly Cấu Như 
  
Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri, thế giới tên Quang Minh, đức Phật ấy thọ trăm kiếp, chánh pháp trụ thế mười kiếp, thuần Bồ Tát Tăng ba vạn bất thối chuyển Bồ Tát, thế giới ấy đất bằng lưu ly thanh tịnh , đường sá tám hướng trang nghiêm phủ với hoa sen báu, không có tên các ác đạo, trời, người đông đầy thọ diệu lạc và thắng pháp vị như trời Ðâu Suất » .

Mẹ của Vô Úy Ðức là Nguyệt Quang phu nhơn cùng vua A Xà Thế đồng chắp tay hướng Phật bạch rằng : » Bạch đức Thế Tôn ! Tôi được đại lợi, chin tháng hoài thai người con nầy, nay đại sư tử hống như vậy. Nay tôi đem căn lành ấy hồi hướng Vô thượng Bồ đề, sau nầy tại thế giới Quang Minh của Phật Ly Cấu tôi sẽ thành đạo Vô thượng Chánh Chơn Chánh giác.

Ðức Phật bảo Tôn giả Xá Lợi Phất : « Nầy Xá Lợi Phất !Nguyệt Quang phu nhơn đây sau khi xả thân người sẽ sanh làm thiên tử trời Ðao Lợi hiệu là Quang Minh Tăng Thượng. Lúc Phật Di Lặc xuất thế sẽ là con trai lớn của Ðại Vương thời ấy, cúng dường Phật Di Lặc rồi xuất gia, hay ghi nhớ thọ trì tất cả pháp của Phật Di Lặc tuyên thuyết. Từ đó thứ đệ gặp chư Phật Hiền kiếp và đều cúng dường. Ðến thời kỳ Phật Ly Cấu xuất thế, sẽ hiện thân làm Ðại Vương hiệu Trì Ðịa có đủ bảy báu cúng dường đức Ly Cấu Như Lai, sau đó thành Phật hiệu Biến Quang Như Lai Ứng Cúng Ðẳng Chánh Giác thành tựu thế giới trang nghiêm như thế giới Quang Minh của Phật Ly Cấu ».

Nghe đức Phật thọ ký, Nguyệt Quang phu nhơn vui mừng hớn hở liền cởi chuổi báu anh lạc giá trị trăm ngàn lượng vàng dâng lên cúng dường đức Phật, xin phép vua A Xà Thế rồi xuất gia thọ đủ năm trăm chánh giới tu tập phạm hạnh.

Vô Úy Ðức Bồ Tát ở trước đức Phật bạch rằng : « Do sức nhơn duyên thệ nguyện nầy khiến thuở vị lai lúc tôi thành Phật chúng Bồ Tát đều mặc pháp phục tất cả hóa sanh. Nếu thệ nguyện trên đây không hư thì khiến nay tôi sẽ hiện thân như niên thiếu Tỳ kheo tám lạp ».

Phát nguyện xong, Bồ Tát Vô Úy Ðức liền hiện thân mặc pháp phục thành Tỳ Kheo đầy đủ oai nghi.

Vô Úy Ðức Bồ Tát nói với Phụ Vương A Xà Thế rằng : « Tâu Phụ Vương ! Tất cả các pháp đều như vậy, tức thì bỗng hóa sanh tướng rời các tướng được phân biệt sanh khởi, không các điên đảo. Tâu Phụ Vương ! Lại liền bây giờ hiện trở lại thân nữ nhơn, Phụ Vương có thấy chăng ? ».

Vua nói : « Ðã thấy. Nhưng ta chẳng phải do tướng sắc thân để thấy. Nay ta thấy hiện thân Tỳ Kheo rồi lại thấy thân nữ nhơn trở lạỉ ».

Ðức Phật hỏi vua : « Nầy Ðại Vương !Thân nào là thiệt ? Ðại Vương phải nên học như vậy an trụ chánh kiến đối với tất cả pháp. Các chúng sanh vì bị phiển não thiêu đốt nên chẳng đạt pháp lực. Vì chẳng đạt nên chẳng phải chỗ nghi mà sanh lòng nghi hối. Phải nên thường thường thân cận Như Lai và Văn Thù Sư Lợi Ðồng Tử Bồ Tát, vì do sức oai đức của Bồ Tát ấy mà khiến cho Ðại Vương được thọ hối quá ».

Ðức Phật bảo Tôn giả A Nan : « Nầy A Nan ! Ông thọ trì pháp môn Vô Úy Ðức Bồ Tát thọ ký nầy đọc tụng chớ quên.

Nầy A Nan ! Nếu có thiện nam tử thiện nữ nhơn đầy đủ thất bửu đem cúng thí chư Phật Như Lai chật khắp Ðại Thiên thế giới được công đức không bằng có người hay thọ trì một câu một kệ pháp môn nầy, huống là người thọ trì đủ hoặc đọc hoặc tụng rộng vì người giảng nói và như pháp tu hành ».

Ðức Phật Thế Tôn nói kinh nầy rồi. Nguyệt Quang phu nhơn mẹ của Vô Úy Ðức tất cả đại chúng Thiên Long Bát Bộ nghe đức Phật dạy xong đều rất vui mừng tín thọ phụng hành. 
                                              

PHÁP HỘI VÔ ÚY ÐỨC  BỒ TÁT   
THỨ BA MƯƠI HAI 

HẾT

MỤC LỤC

Tác giả bài viết: HT. Thích Trí Tịnh
Nguồn tin: Thư Viện Hoa Sen
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 314
  • Hôm nay: 22623
  • Tháng hiện tại: 680375
  • Tổng lượt truy cập: 60120392

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile