Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Tông Bản Hạnh

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 14:08 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Tông Bản Hạnh

Thiền Tông Bản Hạnh

Bồ đề không ở ngoài sanh tử, ngay chỗ sanh tử chúng ta giác ngộ, đó là Bồ đề. Chúng ta có thể thấy cội nguồn này để ứng dụng tu. Như người thế gian khi gia đình gặp hoạn nạn có người cha hay người mẹ mất thì buồn khổ vô cùng. Nhưng cũng cùng hoàn cảnh khi thấy cha hay mẹ mất, người con liền thức tỉnh cuộc đời vô thường nên đi tu. Trước cảnh khổ người mê chỉ biết than khóc, còn người thức tỉnh thì sớm lo tu hành. Thế là từ đau khổ biến thành giải thoát.

LỜI ĐẦU SÁCH

Quyển Thiền Tông Bản Hạnh này ra đời, chúng tôi y cứ theo bản chữ Nôm in năm 1745 do cụ Hoàng Xuân Hãn dịch âm và đối chiếu bản in năm 1932 do TT. Thích Trí Siêu dịch âm. Hai bản có vài chỗ sai khác nhau, chúng tôi xét thấy bên nào hợp lý hơn liền dùng, song bản dịch âm của cụ Hoàng Xuân Hãn vẫn là chủ, vì bản này xưa nhất.

Quyển Thiền Tông Bản Hạnh do Hòa thượng Chân Nguyên biên soạn, phần lớn y cứ quyển Thánh Đăng Lục chữ Hán kể lại sự tu Thiền ngộ đạo của năm ông vua đời Trần. Trong đây được bổ túc đôi chỗ thiếu sót do ngài Chân Nguyên tìm tòi nơi khác, đồng thời Ngài cũng gửi gắm tâm tình mình vào đây khá nhiều.

Ngoài phần năm ông vua ngộ đạo, chúng tôi cho in thêm phần Nhân Duyên Ngộ Đạo và Thiền Tịch Phú chung thành một tập. Ở sau có phụ bản chữ Nôm và chữ Hán để độc giả dễ bề nghiên cứu.

Phật giáo đời Trần là ngọn đuốc sáng ngời soi rọi dòng sông lịch sử Phật giáo Việt Nam đã trên ngàn năm. Công đức truyền bá và ủng hộ do năm ông vua đời Trần. Nhờ Phật giáo đời Trần mà nền văn hóa dân tộc cổ xưa của Việt Nam còn lưu lại đôi phần. Vì muốn gìn giữ nền văn hóa dân tộc xưa không mai một, chúng tôi cố gắng tìm tòi và bồi bổ thêm cho in ra, để mọi người dân Việt Nam có cơ hội đọc lại nghiền ngẫm thấy được tinh thần độc lập bất khuất của Tổ tiên mình, đồng thời thấy được tâm hồn đạo đức siêu xuất phi thường của các Ngài.

Kính ghi

Thiền viện Thường Chiếu 22-2-1998

THÍCH THANH TỪ

THIỀN SƯ CHÂN NGUYÊN

Pháp danh TUỆ ĐĂNG

(1647 - 1726)

(Đời pháp 36, tông Lâm Tế.)

Sư họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Một hôm, mẹ Sư nằm mộng thấy cụ già cho một hoa sen, sực tỉnh dậy, từ đây biết có mang. Năm Đinh Hợi (1647), tháng 9 ngày 11 giờ ngọ, mẹ sinh ra Sư. Lớn lên theo học với cậu là ông Giám Sinh. Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói : “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò”. Sư liền phát nguyện đi tu.

Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú). Thiền sư Tuệ Nguyệt hỏi : “Ngươi ở đâu đến đây?” Sư thưa : “Vốn không đi lại”. Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia cho pháp danh là Tuệ Đăng. Sau không bao lâu Tuệ Nguyệt tịch. Sư cùng bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu đà đi du phương để tham vấn Phật pháp. Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương là đệ tử của Chuyết Chuyết. Sư hỏi: “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?'' Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo: “Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời'', đặt cho Sư pháp hiệu là Chân Nguyên và bài kệ phó pháp:

Âm :

Mỹ ngọc tàng ngoan thạch,

Liên hoa xuất ứ nê.

Tu tri sanh tử xứ,

Ngộ thị tức Bồ đề.

Dịch :

Ngọc quí ẩn trong đá ,

Hoa sen mọc từ bùn.

Nên biết chỗ sanh tử,

Ngộ vốn thiệt Bồ đề.

Chính vì chỗ ngộ này, sau Sư soạn quyển : “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” có cả thảy bảy lần nói về “Tứ mục tương cố” (Bốn mắt nhìn nhau).

Sau khi được tâm ấn rồi, Sư thọ giới Tỳ kheo. Một năm sau, Sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ tát. Về sau, Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.

Năm 1684, Sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc. Năm 1692, lúc 46 tuổi, Sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Sư, ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dàng áo ca sa cùng những pháp khí để thừa tự. Năm 1722 lúc 76 tuổi, Sư được Vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa Thượng.

Đến năm 1726, Sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp, kệ rằng :

Âm :

Hiển hách phân minh thập nhị thì,

Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

Lục căn vận dụng chân thường kiến,

Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.

Dịch :

Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,

Đây là tự tánh mặc phô bày.

Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,

Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay.

Nói kệ xong, Sư bảo chúng : “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật”. Đến tháng mười, Sư nhuốm bệnh, đến sáng ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động, tháp hiệu Tịch Quang. Sư là người khôi phục lại thiền phái Trúc Lâm.

Tác phẩm của Sư có:

1) - Tôn sư pháp sách đăng đàn thọ giới.

2) - Nghênh sư duyệt định khoa.

3) - Long thư tịnh độ văn.

4) - Long thư tịnh độ luật bạt hậu tự.

5) - Tịnh độ yếu nghĩa.

6) - Ngộ đạo nhân duyên.

7) - Thiền tông bản hạnh.

8) - Nam Hải Quan Âm bản hạnh.

9) - Thiền tịch phú.

10) - Đạt Na thái tử hạnh.

11) - Hồng mông hạnh.

12) - Kiến tánh thành Phật.

GIẢNG :

Quyển Thiền Tông Bản Hạnh do Thiền sư Chân Nguyên đời Lê soạn, nói về đường lối tu hành của các vua đời Trần.

Thiền sư Chân Nguyên, pháp danh Tuệ Đăng, sinh năm 1647, tịch năm 1726, đời pháp thứ 36 tông Lâm Tế.

“Sư họ Nguyễn tên Nghiêm, tên chữ là Đình Lân, mẹ họ Phạm quê ở làng Tiền Liệt, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Một hôm, mẹ Sư nằm mộng thấy cụ già cho một hoa sen, sực tỉnh dậy, từ đây biết có mang. Năm Đinh Hợi (1647), tháng 9 ngày 11 giờ ngọ, mẹ sinh ra Sư. Lớn lên theo học với cậu là ông Giám Sinh. Sư rất thông minh, hạ bút là thành văn. Năm 16 tuổi, Sư đọc quyển Tam Tổ Thực Lục, đến Tổ thứ ba là Huyền Quang liền tỉnh ngộ nói : “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò”. Sư liền phát nguyện đi tu.”

Đọc đoạn sử này, chúng ta thấy ngài Chân Nguyên lúc còn là một học sinh trẻ, nhưng khi đọc sử Tam Tổ Trúc Lâm, thấy một vị Trạng nguyên bỏ chức quyền để vào chùa tu, Ngài mới than : “Cổ nhân ngày xưa dọc ngang lừng lẫy mà còn chán sự công danh, huống ta là một chú học trò”. Người đã được công danh tột bậc mà còn chán bỏ, huống là ta mới ôm sách vào trường mong ngày sau được chút công danh nhỏ mà còn tiếc cái gì, cho nên Ngài liền phát nguyện đi tu.

“Năm 19 tuổi, Sư lên chùa Hoa Yên vào yết kiến Thiền sư Tuệ Nguyệt (Chân Trú). Thiền sư Tuệ Nguyệt hỏi : “Ngươi ở đâu đến đây?” Sư thưa: “Vốn không đi lại”. Chủng tử đối với nhà Thiền, Ngài đã gieo trồng sâu đậm, nên vừa nghe hỏi “Ngươi ở đâu đến đây”, Ngài đã thố lộ đường hướng của mình “Vốn không đi lại”.

Như chúng ta hiện giờ, khi nghe vị thầy hỏi tất sẽ thưa : “Bạch thầy con ở ngoài Trung vào, hoặc là con ở miền Tây lên v.v...”. Câu đáp rất dễ sao không nói, lại thưa “Vốn không đi lại”. Cái gì không đi lại? Ở đây Ngài không nói thân hay chỗ ở của thân mà nói thẳng Thể tánh vốn không đi lại. Trong kinh thường giải thích Như Lai là không từ đâu đến và chẳng đi đâu. Tức là muốn nói Pháp thân bất sanh bất diệt, không có đến và không có đi. Dùng bốn chữ “Vốn không đi lại” là đã thể hiện được lý kinh mà Ngài chưa được học.

“Tuệ Nguyệt biết Sư là pháp khí sau này, bèn thế phát xuất gia cho phápdanh là Tuệ Đăng. Sau không bao lâu Tuệ Nguyệt tịch, Sư cùng bạn đồng liêu là Như Niệm phát nguyện tu hạnh đầu đà đi du phương để tham vấn Phật pháp. Thời gian sau, Như Niệm đổi ý trở về trụ trì chùa Cô Tiên. Sư đi lên chùa Vĩnh Phúc ở núi Côn Cương tham vấn Thiền sư Minh Lương là đệ tử của Chuyết Chuyết(*). Sư hỏi : “Bao năm dồn chứa ngọc trong đãy, hôm nay tận mặt thấy thế nào, là sao?” Ngài Chân Nguyên dẫn lại câu hỏi của người xưa. “Là sao”, tức là câu hỏi này ý thế nào? Trong Kinh Pháp Hoa có nói về thí dụ Hệ châu, đã có hạt châu trong chéo áo, hiện giờ ngay ở trước đây phải thấy hạt châu đó thế nào ?

“Thiền sư Minh Lương đưa mắt nhìn thẳng vào Sư, Sư nhìn lại, liền cảm ngộ, sụp xuống lạy. Minh Lương bảo : “Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời”. Thầy nhìn thẳng trò, trò nhìn lại thầy, thầy liền truyền tâm ấn. Chưa dạy một câu, chưa nói một lời, làm sao ngộ? Trong nhà thiền, gốc và ngọn không bao giờ lệch. Khi xưa nơi hội Linh Sơn, Phật đưa cành hoa sen nhìn khắp hội chúng, nhìn đến Ca Diếp, Ca Diếp nhìn lại Phật mỉm cười, Phật liền ấn chứng. Phật thuyết pháp câu gì, lời gì ? - Không có lời!

Ngày nay thiền khách bất chợt hỏi Thiền sư, Thiền sư không có sẵn hoa sen, chỉ dùng mắt nhìn thẳng vào người khách, khách nhìn lại. Hai thầy trò cảm thông nhau, trò sụp xuống lạy, thầy biết nên bảo: “Dòng thiền Lâm Tế trao cho ông, ông nên kế thừa làm thạnh ở đời”.

“Đặt cho Sư pháp hiệu là Chân Nguyên”. Vị thầy ban đầu là Thiền sư Tuệ Nguyệt ban cho Ngài pháp danh là Tuệ Đăng. Sau này Thiền sư Minh Lương là vị thầy làm cho Ngài cảm ngộ được thiền, đặt pháp hiệu cho Ngài là Chân Nguyên.

“Và bài kệ phó pháp” :

Âm :

Mỹ ngọc tàng ngoan thạch,

Liên hoa xuất ứ nê.

Tu tri sanh tử xứ,

Ngộ thị tức Bồ đề.

Dịch :

Ngọc quí ẩn trong đá,

Hoa sen mọc từ bùn.

Nên biết chỗ sanh tử,

Ngộ vốn thiệt Bồ đề.

Lời dạy của vị thầy đúng như chỗ Ngài đã hỏi.

“Ngọc quí ẩn trong đá,

Hoa sen mọc từ bùn”.

Hai câu này nói lên rất chí thiết tinh thần Phật giáo. Phật giáo không bỏ thếgian phàm tục để đi cầu giải thoát giác ngộ ở nơi nào. Từ thế gian phàm tục, nếu chúng ta khéo nhận thì thấy đã có giác ngộ giải thoát ngay trong đó. Cũng như hoa sen thơm không phải từ trên ngọn núi hay những nơi đất khô, mà vốn từ chỗ bùn hôi. Tất cả con người phàm tục của chúng ta không ra gì, đáng xem thường, nhưng chính con người không ra gì lại có tánh giác! Không bỏ cái dở để cầu cái hay, chính ngay cái dở mà biết chuyển đổi tất thành hay. Thế nên việc tu của đạo Phật rất giản đơn. Ở thế gian người ăn trộm ăn cướp, cờ bạc rượu chè hút xách là người tồi tệ nhất xã hội. Nhưng nếu họ thức tỉnh biết chừa bỏ những nghề dở tật xấu thì họ thành người tốt. Như thế chúng ta mới thấy giá trị tu của đạo Phật, không tìm giác ngộ trên trời trên mây, không tìm giải thoát trên đầu non góc núi, mà ngay cõi trần tục đầy phiền não này, chúng ta khéo tỉnh khéo giác thì từ cái dở chuyển thành hay, từ cái xấu biến thành tốt, chớ không tìm ở đâu xa. Hoa sen khi còn là mầm là ngó, lúc ấy nằm trong bùn hôi. Nhưng khi nó vươn lên, vượt khỏi bùn, ra khỏi nước, thì nở hoa thơm thanh khiết. Hương thơm của hoa không tách rời bùn hôi nhơ nhớp buổi đầu. Hiểu như vậy chúng ta mới an lòng, tất cả người trên thế gian không ai là không có thể tu được. Xấu dở như kẻ cướp một phen thức tỉnh tu cũng được, làm nghiệp dữ như người hàng thịt tu cũng được. Mọi người ai cũng tu được nếu biết chừa bỏ cái xấu dở, tất nhiên thành người tốt.

Thế nên khi giáo hóa người tu, chúng ta không phải đi tìm người nào sanh ra không ăn được cá thịt, có đời sống như một thầy tu, người đó mới tu được. Dù người đó ăn cá thịt, hay làm những điều tội lỗi, nhưng chúng ta khuyến khích nhắc nhở để họ biết lỗi và chừa bỏ, thì người đó cũng tu được. Đúng ra chúng ta nên dạy người nào? Dạy người sanh ra đã hiền lành không làm tội lỗi là cần thiết, hay dạy những người tội lỗi là cần thiết? Thật vậy tinh thần đạo Phật rất thiết thực, muốn đem lợi ích chân thật cho cuộc đời, thì chính từ những con người hư xấu mà đánh thức để họ chuyển thành người hay tốt, đó là hướng giáo dục của đạo Phật. Đó là ý nghĩa thâm trầm của hai câu đầu bài kệ.

“Nên biết chỗ sanh tử,

Ngộ vốn thiệt Bồ đề.”

Bồ đề không ở ngoài sanh tử, ngay chỗ sanh tử chúng ta giác ngộ, đó là Bồ đề. Chúng ta có thể thấy cội nguồn này để ứng dụng tu. Như người thế gian khi gia đình gặp hoạn nạn có người cha hay người mẹ mất thì buồn khổ vô cùng. Nhưng cũng cùng hoàn cảnh khi thấy cha hay mẹ mất, người con liền thức tỉnh cuộc đời vô thường nên đi tu. Trước cảnh khổ người mê chỉ biết than khóc, còn người thức tỉnh thì sớm lo tu hành. Thế là từ đau khổ biến thành giải thoát.

“Chính vì chỗ ngộ này, sau Sư soạn quyển “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành” có cả thảy bảy lần nói về “Tứ mục tương cố”. (Phần này sẽ giải thích sau).

“Sau khi được tâm ấn rồi, Sư thọ giới Tỳ kheo. Một năm sau, Sư lập đàn thỉnh ba đức Phật (Phật Thích Ca, Di Đà, Di Lặc) chứng đàn, thọ giới Bồ tát và đốt hai ngón tay nguyện hành hạnh Bồ tát. Về sau, Sư được truyền thừa y bát Trúc Lâm, làm trụ trì chùa Long Động và chùa Quỳnh Lâm, là hai ngôi chùa lớn của phái Trúc Lâm.”

Ngài ngộ ở tông Lâm Tế, nhưng được truyền thừa y bát của phái Trúc Lâm. Tại sao? Vì vị thầy làm cho Ngài ngộ đạo là Thiền sư Minh Lương, đệ tử của một Thiền sư từ Trung Hoa sang, Hòa thượng Chuyết Công thuộc tông Lâm Tế. Nhưng bản chất của Ngài thích làm sống dậy Phật giáo đời Trần, cho nên sau này Ngài nhận sự truyền thừa y bát của hệ phái Trúc Lâm.

“Năm 1684, Sư dựng đài Cửu Phẩm Liên Hoa tại chùa Quỳnh Lâm theo kiểu mẫu đài Cửu Phẩm Liên Hoa mà Thiền sư Huyền Quang đã dựng trước kia ở chùa Ninh Phúc. Năm 1692, lúc 46 tuổi, Sư được vua Lê Hy Tông triệu vào cung để tham vấn Phật pháp. Vua khâm phục tài đức Sư, ban cho Sư hiệu Vô Thượng Công và cúng dàng áo ca sa cùng những pháp khí để thừa tự. Năm 1722, lúc 76 tuổi, Sư được vua Lê Dụ Tông phong chức Tăng Thống và ban hiệu Chánh Giác Hòa thượng.

“Đến năm 1726, Sư triệu tập đệ tử dặn dò và nói kệ truyền pháp, kệ rằng :

Âm :

Hiển hách phân minh thập nhị thì,

Thử chi tự tánh nhậm thi vi.

Lục căn vận dụng chân thường kiến,

Vạn pháp tung hoành chánh biến tri.

Dịch :

Bày hiện rõ ràng được suốt ngày,

Đây là tự tánh mặc phô bày.

Chân thường ứng dụng sáu căn thấy,

Muôn pháp dọc ngang giác ngộ ngay”.

Ý bài kệ nói cái chân thật, gọi là chân thường, không ở đâu xa, mà luôn hiện rõ ràng nơi sáu căn của chúng ta. Muôn pháp trên thế gian này dù ngang hay dọc, nếu chúng ta khéo nhận, đó là chánh biến tri, tức là giác ngộ rồi.

“Nói kệ xong, Sư bảo chúng : “Ta đã 80 tuổi, sắp về cõi Phật.” Đến tháng mười, Sư nhuốm bệnh, đến sáng ngày 28 viên tịch, thọ 80 tuổi. Môn đồ làm lễ hỏa táng thu xá lợi chia thờ hai tháp ở chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động, tháp hiệu Tịch Quang. Sư là người khôi phục lại Thiền phái Trúc Lâm.

Tác phẩm của Sư có :

1/- Tôn sư pháp sách đăng đàn thọ giới.

2/- Nghênh sư duyệt định khoa. 3/- Long thư tịnh độ văn.

4/- Long thư tịnh độ luật bạt hậu tự.

5/- Tịnh độ yếu nghĩa.

6/- Ngộ đạo nhân duyên.

7/- Thiền tông bản hạnh.

8/- Nam Hải Quan Âm bản hạnh.

9/- Thiền tịch phú.

10/- Đạt Na Thái tử hạnh.

11/- Hồng mông hạnh.

12/- Kiến tánh thành Phật.”

Ngài có cả thảy là 12 tác phẩm:

“Tôn sư pháp sách đăng đàn thọ giới” và “Nghênh sư duyệt định khoa” là hai bản nói về nghi thức truyền giới, thuộc về luật.

“Long thư tịnh độ văn”, “Long thư tịnh độ luật bạt hậu tự”, “Tịnh độ yếu nghĩa”, ba quyển này nói về pháp tu Tịnh độ.

“Ngộ đạo nhân duyên”, “Thiền tông bản hạnh” là nói thẳng về Thiền.

“Nam Hải Quan Âm bản hạnh,” nói về sự tích Phật Bà Quan Âm Diệu Thiện.

“Thiền tịch phú” là bài phú kể lại cuộc sống của Ngài.

“Đạt Na Thái tử hạnh” là hạnh của Ngài Đạt Na Thái tử Tu Đại Noa, sau cùng là quyển “Hồng mông hạnh” và “Kiến tánh thành Phật”.

Vì chúng ta chuyên về thiền, cho nên chúng tôi chỉ giảng Thiền tông bản hạnh, Ngộ đạo nhân duyên, Thiền tịch phú và Kiến tánh thành Phật.

XUẤT XỨ QUYỂN THIỀN TÔNG BẢN HẠNH

Thiền Tông Bản Hạnh là tên đơn giản của quyển: “Trần Triều Thiền Tôn Chỉ Nam Truyền Tâm Quốc Ngữ Hành”. Ở đây gọi là bản quốc ngữ, song chữ Việt khi xưa là chữ nôm, nên sau này phải phiên âm từ chữ nôm ra chữ quốc ngữ hiện tại.

Có cả thảy ba bản :

1- Bản in đời Lê niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 6 (1745) do Sa môn Liễu Viên trụ trì chùa Liên Hoa sai đệ tử là Sa di ni pháp danh Diệu Thuần khắc bản in. Bản gỗ còn giữ ở chùa Liên Phái hiện nay. Chùa Liên Hoa khi xưa, đến năm 1840 đổi tên lại là chùa Liên Phái, để tránh tên húy của Hoàng Thái Hậu mẹ vua Thiệu Trị. Ông Hoàng Xuân Hãn nhận được bản này nơi Hòa thượng Giác Ngạn và phiên âm ra. Bản phiên âm có in trong tạp chí Vạn Hạnh số 15 năm 1966. Trong bản này, ở sau có để hai chữ trùng san tức là khắc lại từ một bản trước. Như vậy quyển Thiền Tông Bản Hạnh có thể có một bản trước nữa mà bị hư mất tìm không ra.

2- Bản in đời Nguyễn, năm Gia Long thứ 4 (1805) do Ngài Huệ Thân trụ trì chùa Hoa Yên và đệ tử khắc bản in. Nhưng bản này sau cũng hư mục tìm không thấy.

3- Bản in năm Bảo Đại thứ 7 (1932) do hai vị Hòa thượng Thanh Minh và Thanh Hanh khắc bản in. Hòa thượng Thanh Minh trụ trì chùa Hoa Yên, đệ tử Thiền sư Thông Địa, Hòa thượng Thanh Hanh trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, nên gọi là Tổ Vĩnh Nghiêm. Bản này được ông Đào Duy Anh phiên âm, nhà xuất bản Khoa học Xã hội xuất bản tại Hà Nội năm 1975. Trong nam có TT. Thích Trí Siêu phiên âm do Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản năm 1980 tại T.P Hồ Chí Minh.

Hiện giờ chúng ta có được hai bản là bản của Hoàng Xuân Hãn hiện đang học và bản của TT. Thích Trí Siêu để đối chiếu.

Bản Thiền Tông Bản Hạnh in năm 1745, phần phụ có các bài : Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca của ngài Trần Nhân Tông, Vịnh Hoa Yên tự phú của ngài Huyền Quang và phụ sau là Ngộ đạo nhân duyên bằng chữ Hán của Thiền sư Chân Nguyên.

Bản in năm 1932, phần phụ gồm có các bài : Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, Vịnh Hoa Yên tự phú; Giáo tử phú của Mạc Đỉnh Chi, Du An Tử sơn nhật trình và Thiếu thất phú của Bạch Liên Thiếu Sĩ; cuối bản là Thiền tịch phú của Thiền sư Chân Nguyên.

Quyển Thiền Tông Bản Hạnh chúng ta học hôm nay là bản của ông Hoàng Xuân Hãn phiên âm để chúng ta dễ đọc dễ hiểu. Bản này nói về sử thiền, dưới hình thức thơ thượng lục hạ bát, toàn bộ có cả thảy 794 câu, nếu thêm bài kệ là 798 câu.

Mục đích của bản Thiền Tông Bản Hạnh là thuật lại đời tu hành của vua Trần Thái Tông, vua Trần Thánh Tông và ngài Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông hay Trúc Lâm Đại Đầu Đà. Phần sau có nói sơ lược về ngài Pháp Loa và ngài Huyền Quang.

Về lịch sử, Thiền sư Chân Nguyên ra đời vào giữa thế kỷ 17 (1647) và tịch đầu thế kỷ 18 (1726) cách đời Trần ngót bốn thế kỷ, nhưng được duyên tốt là Ngài thừa kế trụ trì hai chùa lớn nhất của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử là chùa Quỳnh Lâm và chùa Long Động. Những pho sách của hệ phái Trúc Lâm Yên Tử hầu hết được cất giữ ở hai nơi đó. Vì có đầy đủ tài liệu để khảo sát, cho nên Ngài có những tác phẩm nói về đời Trần rất đáng tin cậy.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX - X - XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Giới thiệu về Thiền Lâm

LỜI NGỎ Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Kính bạch chư Tôn đức Tăng Ni ! Kính thưa quý Phật tử và quý Thiện hữu tri thức ! Trong cuộc sống hiện đại, con người luôn bị thôi thúc, cuốn hút bởi rất nhiều thông tin từ mọi hướng nhưng không ai trong chúng ta lại không nhìn nhận rằng, công nghệ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 47
  • Khách viếng thăm: 40
  • Máy chủ tìm kiếm: 7
  • Hôm nay: 20191
  • Tháng hiện tại: 1713221
  • Tổng lượt truy cập: 59366154

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile