Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần V

Đăng lúc: Thứ ba - 09/10/2012 16:22 - Người đăng bài viết: Thiền Lâm
Thiền Tông Bản Hạnh - Phần V

Thiền Tông Bản Hạnh - Phần V

Thiền Tông Bản Hạnh 3.6 SƯ TỐNG ĐỨC THÀNH TỚI THAM THIỀN

3.6 SƯ TỐNG ĐỨC THÀNH TỚI THAM THIỀN

Thuở ấy ngoại quốc tông sư,

Lại nghe Nam Việt có Vua tu hành.

Tên người là Tống Đức Thành,

Trèo non lặn suối một mình tìm sang.

Vào chầu bái tạ thiên nhan, Thiền gia làm lễ, dám tham lời rằng:

Đức Thành vấn viết:

“Tích Thích Ca Thế Tôn

Vị ly Đâu Suất,

Dĩ giáng Vương cung,

Vị xuất mẫu thai,

Độ nhân dĩ tất. Thì như hà?”

Thái Tông Hoàng Đế đáp vân:

“Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,

Vạn lý vô vân vạn lý thiên.”

Đức Thành hựu vấn:

“Vị ly vị xuất mông khai thị,

Dĩ ly dĩ xuất sự nhược hà?”

Thái Tông đáp vân:

“Vân sinh nhạc đỉnh đô lô bạch,

Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh.”

“Mây lên núi bạc bằng lau,

Nước xuống nguồn Tào vặc vặc lặng thanh.

Pháp thân trạm tịch viên minh,

Tự tại tung hoành phổ mãn thái hư.

Tùy hình ứng vật tự như,

Hóa thiên bách ức độ chư mọi loài.

Ứng hiện dưới đất trên trời,

Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài.

Đã đặt hiệu là Như Lai,

Sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì?

Nguyệt luân biến chiếu quang huy,

Thiên giang hữu thủy cũng thì bóng in.”

Đức Thành lại hỏi căn nguyên:

“Đế vương ngộ đạo nhân duyên như hà?”

Này lời Thái Tông thưa ra:

“Lưỡng mộc đồng hỏa, đôi ta khác gì.

Đương cơ đối đáp thị thùy,

Thật tính thi dụng cùng thì nhất ban.

Phóng ra bọc hết càn khôn,

Thu lại hoàn nhất mao đoan những là.

Ma Ha Bát Nhã Ba La,

Tam thế Chư Phật chứng đà nên công. Thiên giang vạn thủy triều đông,

Ngộ đáo giá lý thật cùng tày nhau.

Phật tiền, Phật hậu trước sau,

Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho.

Ai ai đạt giả đồng đồ,

Mỗi người mỗi có minh chu trong nhà,

Mùa xuân vạn thụ khai hoa,

Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên.

Vi nhất đại sự nhân duyên.

Xuất hiện vu thế Tam Thiên Ta Bà.

Ngai rồng trút để bước ra,

Thế phát ở già, niệm Bụt tụng kinh.

Khác nào dược xuất kim bình,

Há đi tu hành, cứu được vạn dân.

Bản lai thanh tĩnh Pháp thân,

Viên dung pháp giới, đâu gần đâu xa.

Có chữ Đầu Phật Xuất Gia,

Vì vậy Trẫm phải bước chân ra ngoài.”

Đức Thành tôn phục mọi lời,

Thật quyền Hoàng Giác ra đời độ nhân!

Đức Thành bái tạ Thánh Quân,

Thượng hoằng Phật Đạo, hạ cần Vương gia.

Đức Thành lễ bái trở ra,

Tống quốc khiêm nhượng nước ta Thánh Hiền.

* * *

Sư Tống Đức Thành tức là nhà Sư hiệu Đức Thành, người nước Tống ở

Trung Hoa.

Thuở ấy ngoại quốc tông sư,

Lại nghe Nam Việt có Vua tu hành.

Tên người là Tống Đức Thành,

Trèo non lặn suối một mình tìm sang.

Vào chầu bái tạ thiên nhan,

Thiền gia làm lễ, dám tham lời rằng:

Lúc ấy có một vị tông sư là một vị sư tu Thiền, nghe ở Việt Nam có ông vua tu hành, cho nên từ xa trèo non lặn suối tìm đến Việt Nam. Sư vào chầu đảnh lễ nhà vua, rồi tham hỏi. Đây dẫn nguyên văn câu chữ Hán:

Đức Thành vấn viết: “Tích Thích Ca Thế Tôn

Vị ly Đâu Suất,

Dĩ giáng Vương cung,

Vị xuất mẫu thai,

Độ nhân dĩ tất. Thì như hà?”

Ngài Đức Thành hỏi:

Xưa đức Thích Ca Thế Tôn,

Chưa rời cung trời Đâu Suất,

Đã giáng sanh ở cung vua Tịnh Phạn,

Chưa ra thai mẹ,

Độ người đã xong. Đó là thế nào?

Đây là một câu hỏi có tánh cách thiền.

Thái Tông Hoàng Đế đáp vân:

“Thiên giang hữu thủy thiên giang nguyệt,

Vạn lý vô vân vạn lý thiên.”

Nhà vua đáp:

Ngàn sông có nước thì ngàn sông có mặt trăng,

Muôn dặm không mây thì có muôn dặm trời.

Như vậy câu hỏi trước và câu đáp nầy có dính dáng gì không? Câu hỏi là muốn hỏi cái gì? Câu đáp là đáp cái gì?

Câu hỏi là: “Phật chưa rời cung trời Đâu Suất”, theo sử nói Ngài là một vị Bồ tát ở cung trời Đâu Suất giáng sanh xuống thế gian. Nhưng lúc chưa rời cung trời Đâu Suất, “đã đến vương cung”, là đã đến chỗ thọ sanh. “Chưa ra khỏi thai mẹ” là chưa có sanh ra, mà lúc đó, “độ người đã xong”. Câu nầy là dẫn trong kinh Hoa Nghiêm. Ý nghĩa thế nào? Độ người bằng cách nào?

Ngài Thái Tông đáp bằng hai câu thơ:

“Ngàn sông có nước thì có ngàn bóng mặt trăng”. Mặt trăng ở trên hư không là một, nhưng ở dưới thế gian có ngàn con sông nước trong thì người ta nhìn sẽ thấy có một ngàn bóng mặt trăng.

“Muôn dặm không mây thì có muôn dặm trời”. Trời cao thênh thang, nếu có mây che thì thấy không rộng, khi mây tan mới thấy trời mênh mông thênh thang. Như vậy khi mây tan thì thấy trời rộng, cũng như chỉ một vầng trăng nhưng tùy theo sông có nhiều hay ít liền thấy bóng trăng có nhiều hay ít.

Đó là để nói pháp thân Phật không có hai, không có đến không có đi, nhưng tùy duyên thế gian thấy như Ngài có đến, có giáo hóa chúng sanh, thật ra trên mặt pháp thân, thì dụng không rời thể. Cũng như mặt trăng có đến với hồ với sông hay không? Nhưng có hồ có sông nước trong thì thấy mặt trăng. Tóm lại ý nghĩa câu đáp là: Phật chưa rời cung trời Đâu Suất, đã đến vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ mà độ người đã xong, đó là nói thể pháp thân sẵn có trùm khắp, tùy duyên giáo hóa, chớ không phải nói thân Ngài hiện ra ở Ấn Độ, thân đó gọi là hóa thân hay báo thân, chớ không phải pháp thân.

Nghe câu đáp, ngài Đức Thành hiểu, nên mới hỏi thêm câu thứ hai:

Đức Thành hựu vấn:

“Vị ly vị xuất mông khai thị,

Dĩ ly dĩ xuất sự nhược hà?”

Nghĩa là chưa có rời, chưa có ra đời, đã nhờ Ngài chỉ dạy rồi. Bây giờ đã rời Đâu Suất, đã xuống vương cung và đã ra khỏi thai mẹ, việc đó thế nào?

Thái Tông đáp vân:

“Vân sinh nhạc đỉnh đô lô bạch,

Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh”.

“Vân sinh nhạc đỉnh đô lô bạch”, mây sanh trên đỉnh núi, với đám lau cùng một màu trắng. Hoa lau với mây trắng trên đỉnh núi hòa nhau cùng một màu. 

“Thủy đáo Tiêu Tương nhất dạng thanh” là nước đến sông Tiêu sông

Tương chỉ có một màu trong.

Như vậy Sư hỏi: Sau khi đã rời khỏi thai mẹ ra đời, thì thế nào? Vua đáp:

Như mây tựa trên đỉnh núi với hoa lau giống nhau cùng một màu trắng. Như nước đến sông Tiêu sông Tương gặp nhau cũng chỉ một màu trong. Đoạn nầy ngài Chân Nguyên giải rất rõ ở phần sau đây:

“Mây lên núi bạc bằng lau,

Nước xuống nguồn Tào vặc vặc lặng thanh.

Pháp thân trạm tịch viên minh,

Tự tại tung hoành phổ mãn thái hư.

Tùy hình ứng vật tự như,

Hóa thiên bách ức độ chư mọi loài.

Ứng hiện dưới đất trên trời,

Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài”.

Ngài nói: Mây lên trên núi cùng với hoa lau đồng màu trắng như nhau.

Nước chảy về nguồn Tào đều trong lặng như nhau. Bản nầy là lặng thanh, bản 1932 là sáng thanh. Đó là để chỉ:

“Pháp thân trạm tịch viên minh”, pháp thân là lặng lẽ và tròn sáng.

“Tự tại tung hoành phổ mãn thái hư”, dọc ngang tự tại khắp cả bầu trời.

“Tùy hình, ứng vật tự như”, tùy theo hình, ứng theo vật mà vẫn như như.

“Hóa thiên bách ức độ chư mọi loài”, hóa ra trăm ngàn muôn ức hóa thân để độ các loài chúng sanh.

“Ứng hiện dưới đất trên trời”, ứng hiện cả dưới đất lẫn trên trời.

“Khắp hòa thế giới mọi nơi trong ngoài”, khắp thế giới trong ngoài đều đủ cả.

Như vậy đoạn nầy ngài Chân Nguyên giải thích rõ rằng: Nói “đã ra” hay là “chưa ra” đều là căn cứ trên pháp thân. Từ pháp thân hiện ra hóa thân thì hóa thân đâu có ngoài pháp thân, vì vậy mà hai bên không khác. Cho nên nói “dĩ ly” hay “vị ly” đều cùng một ý nghĩa chỉ cho pháp thân. Pháp thân tùy duyên ứng hiện hóa thân, đó gọi là “dĩ ly”, pháp thân nguyên vẹn gọi là “vị ly”. Vì thế nói “đã ra” là chỉ pháp thân ứng hiện, còn nói “chưa ra” là pháp thân nguyên thể, đâu có hai đâu có khác.

“Đã đặt hiệu là Như Lai,

Sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì?

Nguyệt luân biến chiếu quang huy,

Thiên giang hữu thủy cũng thì bóng in.”

Ngài Chân Nguyên nói lại cho thật rõ ý nghĩa hai câu đáp của vua Trần Thái Tông.

“Đã đặt hiệu là Như Lai”, đã nói hiệu Phật là Như Lai. Như là sao? Lai là sao? Như là thể, Lai là dụng. Như là chỉ cho pháp thân, Lai là chỉ cho hóa thân.

Hóa thân hay pháp thân không có hai, cho nên gọi là Như Lai. Vì thế mới hỏi:

“Sao còn hỏi xuất mẫu thai làm gì?” Trong kinh Kim Cang có giải thích Như Lai là: “Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai” tức là Không từ đâu đến cũng không đi đâu, gọi đó là Như Lai. Đã gọi là Như Lai, sao còn nói ra khỏi thai mẹ làm gì?

“Nguyệt luân biến chiếu quang huy”, nguyệt luân là vầng mặt trăng, biến chiếu quang huy là soi sáng cùng khắp.

“Thiên giang hữu thủy cũng thì bóng in”, cùng một mặt trăng mà hiện bóng trong cả ngàn sông. Đó là nói ý nghĩa pháp thân tùy duyên mà có hóa thân, hóa thân không rời pháp thân.

Đức Thành lại hỏi căn nguyên:

“Đế vương ngộ đạo nhân duyên như hà?”

Này lời Thái Tông thưa ra:

“Lưỡng mộc đồng hỏa, đôi ta khác gì?

Đương cơ đối đáp thị thùy,

Thật tính thi dụng cùng thì nhất ban.”

Sư Đức Thành mới hỏi căn nguyên nhà vua ngộ đạo, hỏi rằng: “Đế vương ngộ đạo nhân duyên như hà?” Tức là nhân duyên nhà vua ngộ đạo như thế nào? Ngài Thái Tông đáp: “Lưỡng mộc đồng hỏa đôi ta khác gì?” Lưỡng mộc đồng hỏa là hai cái cây cùng có lửa, thì ông và tôi có khác gì đâu? Ai cũng có cái thể đó, nhân duyên tôi ngộ đạo là ngộ cái đó. Như hai cây ở trong đều có lửa, ông có tánh Phật, tôi cũng có tánh Phật, đó là chỗ tôi ngộ.

“Đương cơ đối đáp thị thùy” nghĩa là ngay khi ông hỏi tôi, tôi đáp ông, đó là cái gì?

“Thật tính thi dụng cùng thì nhất ban”. Bản nầy là thi dụng, bản 1932 là ứng dụng. “Thi dụng” tức là thi thố để ứng dụng. “Cùng thì nhất ban”, nó đều cùng một loại. Như vậy cái tính thật tùy duyên ứng dụng, vốn là một thể chớ không có hai, không có khác. Tôi không khác ông, ông cũng không khác tôi.

“Phóng ra bọc hết càn khôn,

Thu lại hoàn nhất mao đoan những là.

Ma Ha Bát Nhã Ba La,

Tam thế Chư Phật chứng đà nên công”.

Ngài Thái Tông giải thích thêm: Cái thể đó phóng ra thì bao bọc hết cả càn khôn, nếu thu lại thì trên đầu sợi lông cũng đủ.

“Ma Ha Bát Nhã Ba La”, tức là trí tuệ cứu kính chân thật.

“Tam thế chư Phật chứng đà nên công”, ba đời chư Phật đều chứng được trí tuệ cứu kính đó. Như thế thì tôi có trí tuệ đó, ông cũng có trí tuệ đó.

“Thiên giang vạn thủy triều đông,

Ngộ đáo giá lý thật cùng tày nhau.

Phật tiền, Phật hậu trước sau,

Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho.

Ai ai đạt giả đồng đồ,

Mỗi người mỗi có minh chu trong nhà”.

“Thiên giang vạn thủy triều đông”, ngàn sông muôn dòng đều chảy về đông, tức là chảy về biển.

“Ngộ đáo giá lý thật cùng tày nhau”. Bản nầy là tày nhau, bản kia là tề nhau.

“Ngộ đáo giá lý” là ngộ đến chỗ đó, “Thật cùng tày nhau”, là thật cùng bằng nhau, ngang nhau. Ngài ví dụ: Ngàn dòng sông hay muôn dòng nước đều chảy dồn về biển. Biển là dụ cho pháp thân, còn tất cả dòng sông, dòng nước là dụ cho hóa thân hay báo thân. Người nào ngộ đến chỗ thật đó thì đều đồng nhau, không ai khác. Cho nên:

“Phật tiền, Phật hậu trước sau” là Phật trước, Phật sau, trước sau gì đến chỗ

" Bát Nhã huyền chỉ đạo mầu truyền cho " tức là đến chỗ yếu chỉ mầu nhiệm của Bát Nhã thì đạo mầu đều truyền giống nhau.

“Ai ai đạt giả đồng đồ”, mỗi người mỗi người khi đạt đạo rồi thì đồng một lối đi. “Đồng đồ” là đồng một con đường, đồng một lối đi. Ai ai đạt đến chỗ đó rồi thì đều đồng nhau.

“Mỗi người mỗi có minh chu trong nhà”. Bản nầy đọc là minh chu, bản 1932 đọc là minh châu. Chữ chu nầy đọc là châu thì đúng hơn. Mỗi người ai cũng có hạt minh châu trong nhà. Như vậy tất cả chúng ta Tăng Ni và Phật tử, mỗi người đều có hạt minh châu trong nhà. Nhưng hạt minh châu đó sáng không? Ai cũng có hạt minh châu trong nhà, song rất tiếc là hạt minh châu đó để cho ngàn lớp muôn lớp bụi phủ che, tuy có minh châu mà vẫn tối. Lý đáng có minh châu trong nhà thì sáng, nhưng vẫn tối, là lỗi tại ai? Lỗi tại hạt minh châu thiếu ánh sáng, hay lỗi tại “trần lao quan tỏa”, bụi trần bủa khắp phủ che?

Những bụi trần phủ hạt minh châu là gì? Chúng tôi cho ví dụ để thấy rất dễ. Như hai huynh đệ xuống nhà bếp, người nầy thoi người kia một cái, thì bụi hiện ra liền. Hoặc giả hai người ngồi nói chuyện một lúc, rồi bắt bẻ nhau nói nặng vài câu thì bụi hiện ra ngay. Vì thế bụi phủ cả ngày, không có khi nào trống hở. Chừng nào đem lửa thử vàng mà vàng vẫn sáng rực, đó mới là thứ thiệt. Còn nếu gặp duyên trái nghịch liền phản ứng thì biết còn đang bị trần lao che phủ, nên hạt minh châu chưa sáng. Ai sạch hết bụi rồi thì hạt minh châu chiếu sáng!

Như chúng ta hiện giờ có ai dám tự xưng là tôi sạch bụi rồi, hạt minh châu tôi sáng không? Tin rằng chúng ta có hạt minh châu sáng, nhưng không dám nói.

Thật ra người tu Phật rất là quí, biết đem những chất bụi bặm nhơ bẩn loại bỏ ra, vì chúng là thứ vô dụng không dùng được. Còn hạt minh châu chắc ai cũng muốn nhận giữ. Tuy biết mình có hạt minh châu, song chúng ta cứ dùng mãi những bụi nhơ không có gan dạ loại bỏ nó ra, khiến cho hạt minh châu bị bụi trần che phủ.

Có ai làm điều gì trái ý thì nổi sân ngay, nếu có người khuyên can thì bảo vệ cái sân của mình cho là đúng là phải. Cứ như thế mà bảo vệ cái sai lầm trọn đời trọn kiếp, thì biết đến bao giờ mới thấy ánh sáng của hạt minh châu? Nghĩ thật kỹ xem chúng ta có khôn ngoan không? Chỉ cần phủi bỏ hết những thứ nhơ nhớp, thì hòn ngọc quí hiện ra, chớ không có chờ đợi cái gì khác. Thế mà chúng ta không chịu phủi cái nhơ, nên cái sáng bị khuất lấp đi, rồi than thở sao thế gian nhiều đau khổ quá! Nếu được làm Phật, nhìn thấy chúng sanh đau khổ, chắc chúng ta cũng rất buồn, không biết làm sao cứu! Ngồi gẫm lại thấy sao chúng ta khờ dại quá, hòn ngọc quí đã được chỉ, rồi lâu lâu nó loé sáng một chút, thế mà cứ để bụi đất phủ hoài không lau chùi cho sạch, chẳng khờ dại là gì?

Thế nên người tu là làm một việc rất quí, tức là bỏ cái nhơ để giữ của báu, đó là chuyện quá tốt, là điều hết sức cao cả; loại cái nhơ để cái quí bày hiện là chuyện làm quá cao thượng. Giả sử bây giờ có ai đem đồ nhơ phủ lên ngọc quí của mình, thì chúng ta phải làm sao? Chắc là phải từ chối! Thế nhưng ít ai chịu từ chối.

Thí dụ như mình đang mặc áo trắng sạch, có người cầm nắm bụi nhỏ ném vào mình, chúng ta không lo phủi áo cho sạch, lại kiếm nắm bụi khác ném vào người.

Người ta lại tìm hai ba nắm bụi ném trả lại. Rốt cuộc rồi người và mình đều nhơ cả.

Phải chi khi bị ném bụi vào áo trắng đẹp, chúng ta lo phủi áo cho sạch, thì họ đâu có ném nữa, phải hay hơn không, mình sạch mà người cũng sạch, thì tốt biết bao nhiêu.

Như vậy tu là một việc làm rất thực tế. Tu làm sao cho đời mình càng ngày càng trong sáng càng vui tươi, chớ không phải tu càng ngày càng u tối càng buồn thảm. Nếu tu lâu lâu mà thấy mặt mày buồn bã không vui, hoặc có những trận sân si mắt nhìn toé lửa thì không hợp lý chút nào. Chúng ta học đạo phải nhớ điều nầy đừng có quên. Chúng ta phải luôn luôn nhớ câu: “Mỗi người mỗi có minh châu trong nhà”. Nhớ đến hạt minh châu, thì cũng nhớ không để cho bụi trần che phủ.

“Mùa xuân vạn thụ khai hoa,

Cành cao cành thấp vậy hòa chứng nên.

Vi nhất đại sự nhân duyên,

Xuất hiện vu thế Tam Thiên Ta Bà”.

Khi mùa xuân đến muôn cây cỏ đều nở hoa, dù cây cao cây thấp cũng đều trổ hoa cả. Cũng như thế, chư Phật vì một đại sự nhân duyên mà xuất hiện trên thế gian khắp cõi Tam thiên. Dù tất cả chúng sinh có trình độ sai biệt, cao thấp khác nhau, nhưng khi đức Phật ra đời, thì mọi người đều được lợi ích, đều biết chỗ tu hành, giống như khi xuân về cây cao cây thấp đều trổ hoa.

“Ngai rồng trút để bước ra,

Thế phát ở già, niệm Bụt tụng kinh.

Khác nào dược xuất kim bình,

Há đi tu hành, cứu được vạn dân.

Bản lai thanh tĩnh Pháp thân,

Viên dung pháp giới, đâu gần đâu xa.”

Ở đây nói sau nầy nhà vua đi tu. Nhưng trong sử không có ghi ngài Trần Thái Tông đi tu, tuy cũng có chỗ nói Ngài về cố đô Hoa Lư lập am Thái Vi ở đó tu hành, không biết là xuất gia hay tại gia. Còn ở đây nói là Ngài xuất gia.

“Ngai rồng trút để bước ra”, nhà vua nhường ngôi lại cho con để ra khỏi ngai rồng.

“Thế phát ở già, niệm Bụt tụng kinh”, ở già tức là ở chùa, già còn gọi là chiền già hay tăng già lam. “Niệm Bụt tụng kinh”, là niệm Phật tụng kinh, vì thời nầy ngài Chân Nguyên hay nói nhiều về Tịnh độ.

“Khác nào dược xuất kim bình”, giống như là thuốc quí ra khỏi bình vàng.

Thường thường thuốc quí để trong bình vàng. Thuốc dùng để cứu lành bệnh chúng sanh, nếu còn để trong bình vàng thì chưa cứu được ai. Cho nên nói thuốc quí ra khỏi bình vàng là để chỉ Ngài ngộ đạo rồi đi tu để giáo hóa chúng sanh, giống như thuốc quí ra khỏi bình vàng vậy.

“Há đi tu hành, cứu được vạn dân”, bản nầy là “há đi tu hành”, bản 1932 là

“vua đi tu hành”, chữ vua thì hợp hơn. Nhà vua đi tu cứu được muôn dân. “Bản lai thanh tĩnh Pháp thân”, tức là pháp thân thanh tịnh xưa nay.

“Viên dung pháp giới, đâu gần đâu xa”, pháp thân viên dung khắp cả pháp giới, không nói là gần không nói là xa, đâu đâu cũng trùm khắp.

“Có chữ Đầu Phật Xuất Gia,

Vì vậy Trẫm phải bước chân ra ngoài.”

Đức Thành tôn phục mọi lời.

“Thật quyền Hoàng Giác ra đời độ nhân!”

“Có chữ Đầu Phật Xuất Gia” tức là Ngài theo Phật xuất gia.

“Vì vậy Trẫm phải bước chân ra ngoài”, vì vậy mà Ngài phải bỏ ngai vàng đi tu.“Đức Thành tôn phục mọi lời”, nghe lời nhà vua nói, ngài Đức Thành rất là  kính phục, mới khen rằng:

“Thật quyền Hoàng Giác ra đời độ nhân”, ông vua giác tức là ông vua Phật ra đời để độ chúng sanh.

Đức Thành bái tạ Thánh Quân,

Thượng hoằng Phật Đạo, hạ cần Vương gia.

Đức Thành lễ bái trở ra,

Tống quốc khiêm nhượng nước ta Thánh Hiền.

Thiền sư Đức Thành từ tạ nhà vua để ra đi làm Phật sự, giúp cho Vương gia, tức là “Thượng hoằng Phật Đạo, hạ cần Vương gia”. Khi Ngài trở về thì người nước Tống đều kính nước Việt Nam có bậc vua Thánh Hiền.

Mục lục
Phần : I - II - III - IV - V - VI - VII - VIII - IX XI - XII

Tác giả bài viết: HT Thích Thanh Từ
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Cách gởi bài viết về Ban Biên Tập

Nội quy đăng bài viết :Bài viết trước khi đăng phải hội đủ các điều sau :- Thứ nhất : Trang web chỉ có một mục đích đó là Hoằng Dương Phật Pháp- Thứ hai : Nội dung thuần tuý chỉ có quan điểm, kinh điển, Luật, Luận chính thống của Nhà Phật- Thứ ba : không liên quan bất...

Thống kê

  • Đang truy cập: 171
  • Hôm nay: 33512
  • Tháng hiện tại: 495678
  • Tổng lượt truy cập: 59935695

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile