Nguyền mong thân cận minh sư, quả Bồ Đề một đêm mà chín. Phúc gặp tình cờ tri thức, hoa Ưu Đàm mấy kiếp đâm bông.
Rss Feed

Đứa Con ngoài ý muốn

Đăng lúc: Chủ nhật - 14/07/2013 08:39 - Người đăng bài viết: Diệu Thành

“Một tâm hồn thanh thản tràn đầy tình yêu và niềm tin là kho báu lớn nhất”.

Con biết rất rõ những điều con sắp viết ra đây chỉ là những chia sẻ của con với cuốn nhật ký mà thôi. Nhưng hôm nay, con lại mang những câu chuyện ấy chia sẻ cho những người bạn đồng tu. Con biết như vậy là có lỗi lắm, mà cũng vì câu chuyện này của con rối ren, trắc trở lắm, nên con vẫn phải làm để các bạn đồng tu không mắc phải những lỗi lầm nghiệt ngã như con.

Con có mặt trên cuộc đời này khi mẹ con tròn 16 tuổi, cũng là độ tuổi của con bây giờ. Con nghe bà nội kể, hồi đó cha con là một chàng trai đẹp lại giàu có ở thành phố. Vì muốn cha con là của mẹ nên mẹ đã tạo ra con là cái cớ để cha phải cưới mẹ. Nhưng mặt khác, con lại nghe từ bà ngoại một nguyên nhân khác con có mặt trên đời. Ngày đó, mẹ con là một người con gái tuy mới 15 tuổi nhưng đã “có da, có thịt”, sắc đẹp mặn mà hơn nhiều cô gái khác đồng trang lứa. Mẹ được rất nhiều người con trai theo đuổi, trong số đó có cha con. Cha năn nỉ, quỳ lạy mẹ, rồi đến bước đường cùng cha đã làm mẹ có con để con trở thành sợi chỉ kết nối giữa hai người, dù cha biết rằng mẹ không yêu thương gì cha. Nhưng cha biết chắc mẹ sẽ thương con và vì con mà chấp nhận sống với cha.

Có vẻ như con là cái mà cuộc đời cho mẹ hoặc cha mà họ không hề muốn có. Một đứa bé được sinh ra ngoài ý muốn, sinh ra vì nguyên nhân này, nguyên nhân kia. Hồi bé, con vẫn tự hỏi mình có phải con hàng xóm hay không mà phải chịu sự ghẻ lạnh từ bậc phụ mẫu sinh thành ra con. Con chịu ơn dưỡng dục của người bà nội tảo tần. Bà là người bà, người mẹ thứ hai của con. Bà đã hy sinh cuộc đời mình vì con vì cháu. Con cảm thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, còn có tình thương của bà nội, của những người thân thích. Bởi có những bạn hoàn cảnh giống như con lại không cảm nhận được một chút hơi ấm nào từ người thân cả. Con cảm tạ trời Phật vì đã cho con ân huệ ấy. Hồi bé là thế, nhưng con sẵn sàng tha thứ hết, vì con là một đứa con gái hiểu chuyện. Con sẵn sàng quên hết những giọt nước mắt lăn dài trên đôi gò má gầy đét của con, sẵn sàng quên đi sự ghẻ lạnh nếu điều đó có thể đem lại cho con tình yêu thương của con dành cho cha mẹ. Là tình yêu xuất phát từ trái tim mình, chứ không phải tình yêu miễn cưỡng như bây giờ. Con cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình.

Giờ đây, những hình ảnh, những suy nghĩ của ba năm trước - ngày mà ba mẹ con mỗi người một đường, đang hiện rõ trong tâm trí con, như con đang trở lại ngày ấy. Ngày ấy, một ngày bình thường, con về nhà sau một ngày đi học mệt mỏi. Vẫn bữa cơm tối lãnh đạm ấy, nhưng ban đêm thì không còn yên ắng nữa, đổi lại là những tiếng chửi mắng sỗ sàng, la hét, trách móc. Con chạy xuống dưới nhà thì thấy mẹ đang dùng tấm kính đập xuống nền nhà, còn cha thì ngồi bất động, nhẫn nhục. Có lẽ, đó là kết quả sau 13 năm chung sống của cha mẹ. Độ tuổi của cha mẹ ngày ấy lại là độ tuổi mà những người phụ nữ, đàn ông mới cưới, đang bắt đầu gây dựng tổ ấm của họ. Đứa em trai con mắt nhắm, mắt mở đi xuống lầu xem có việc gì, con đã ngăn lại vì không muốn em có một cuộc đời như con. Con cũng biết em con phần nào hiểu chuyện, nó là một đứa con trai sâu sắc, là đứa em bé bỏng của con.

Ngày ấy, con không hề rơi một giọt nước mắt nào, vẫn bình thản, không can ngăn dù chỉ một câu như những đứa con vẫn thường làm trong tình huống ấy. Con nghĩ rằng, đó là điều tất yếu của cuộc hôn nhân miễn cưỡng. Sao con lại phải quan tâm cha mẹ con trong khi cha mẹ chưa từng quan tâm đến con một lần? Con chỉ thương đứa em trai của con thôi. Nhưng dù sao con cũng chưa từng gọi cha mẹ con bằng từ “họ” như từ thường gọi những đứa con bị cha mẹ ghẻ lạnh. Con thực sự không hiểu tại sao mình lại có những suy nghĩ ấy. Có lẽ đau khổ đã biến con thành con người vô cảm, không còn biết vui, buồn, hạnh phúc hay đau đớn. Nhưng tội của con thật lớn khi hành xử với cha mẹ như những đứa bạn: nói năng cộc lốc, đánh giỡn cha mẹ, gọi mẹ là “con heo mập”. Ở cương vị của người con, con biết mình không được hành xử như vậy. Nhưng do tuổi đời còn quá trẻ nên mẹ con cũng hay đùa giỡn như vậy. Khi cha con có người vợ mới, con cũng chấp nhận không phản đối, con còn khuyến khích mẹ mau đi bước nữa, vì con biết khi con đi lấy chồng mẹ sẽ chỉ có một thân, một mình.

Sau khi nghe bài pháp, con càng cảm thấy kinh sợ bản thân con hơn. Sợ nụ cười giả tạo của con, nước mắt cá sấu, sợ những lời an ủi của con đối với mẹ, những lời yêu thương lạnh nhạt của con dành cho những người thân. Con hận bản thân mình, hận trái tim sắt đá của mình. Tại sao nó không phải là một trái tim ấm áp, nồng ấm để con có thể thể hiện cử chỉ yêu thương của con một cách không giả tạo, qua quýt hay những cử chỉ sỗ sàng không đúng với một bậc làm con. Con đang cố gắng gượng sống hết cuộc sống này, sống cái thân mà cha mẹ ban phát cho con, để không phải là người con bất hiếu. Con sẽ cố tĩnh tâm tu tập để xóa nhòa những lỗi lầm của con. Thực sự lúc này con đang rất bình thản, bình thản lắm khi viết những dòng này.

MỤC LỤC

Tác giả bài viết: Hoàng Diệu Anh
Nguồn tin: Chùa Hoằng Pháp
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn

Mã an toàn:   Mã chống spamThay mới     

 

Giới thiệu

Tổ Truyền Đăng

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Cách nay 2556 năm 1. TỔ MA HA CA DIẾP Đồng thời đức Phật 2. TỔ A NAN Sanh sau Phật 30 năm 3. Tổ Thương-Na-Hòa-Tu ( Sanakavasa)  Thế kỷ đầu sau Phật Niết-bàn 4. Tổ Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)  Cuối thế kỷ thứ nhất sau Phật Niết-bàn 5. Tổ...

Thống kê

  • Đang truy cập: 68
  • Khách viếng thăm: 64
  • Máy chủ tìm kiếm: 4
  • Hôm nay: 19893
  • Tháng hiện tại: 1712923
  • Tổng lượt truy cập: 59365856

Tin xem nhiều

Xem bản: Desktop | Mobile